Ngẫm chuyện Gia Cát Lượng mượn gió Đông
Trong trận chiến Xích Bích kháng Tào, chủ soái Chu Du đã quyết định sử dụng kế sách hỏa công. Nhưng giữa mùa đông thông thường chỉ có gió tây bắc, rất hiếm khi thấy có gió đông nam. Trong bất giác, Chu Du không nghĩ được thêm gì, cảm thấy “tâm phiền ý loạn” nên đã cáo ốm về nằm.
Tướng Lỗ Túc vội đến thỉnh Gia Cát Lượng chẩn đoán bệnh của Chu Du. Khổng Minh ngay lập tức viết trên giấy 16 chữ: “Dục phá tào công, nghi dụng hỏa công; vạn sự cụ bị, chích khiếm đông phong”. Ý là, muốn đánh bại quân Tào, dùng hỏa công là thích hợp nhất, mọi việc đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu gió đông.
Chỉ 16 chữ, Khổng Minh đã nói hết được nỗi lòng của Chu Du khiến ông không khỏi thầm nghĩ: “Gia Cát Lượng quả nhiên là thần tiên.” Vì vậy, Chu Du thỉnh mời Gia Cát Lượng nghĩ biện pháp trợ giúp.
Khổng Minh nói: “Lượng mặc dù bất tài, nhưng từng gặp được kỳ nhân đã truyền thụ cho sách trời ‘kỳ môn độn giáp’, có thể kêu mưa gọi gió. Đô đốc nếu cần gió đông nam, có thể kiến tạo một bình đài gồm 3 tầng, cao 9 thước, trên núi Nam Bình sơn, lấy tên là Thất tinh đàn. Ta sẽ ở trên đàn mượn gió đông nam 3 ngày 3 đêm để giúp Đô Đốc dụng binh. Tiên sinh thấy thế nào?”
Ở đời này, điều gì đến thì hãy quý trọng, điều gì phải đi thì cũng nên biết buông tay |
Chu Du nói: “Không cần 3 ngày 3 đêm, chỉ một đêm là đại sự có thể thành. Tình thế giao chiến vô cùng cấp bách, thỉnh xin tiên sinh tuyệt đối không chậm trễ.” Khổng Minh nói: “Ngày 20 tháng 11 tế phong, tới ngày 22 gió ngừng, tiên sinh thấy thế nào?”. Chu Du mừng rỡ, ngay lập tức lệnh cho 500 quân sĩ cường tráng đến Nam Bình Sơn xây dựng đài, đồng thời cử 200 quân sĩ canh gác, chờ lệnh.
Sau khi mọi người nhận lệnh, Khổng Minh chậm rãi đăng đàn, xem được phương hướng liền đốt hương trong lư, rót nước vào trong bồn rồi ngửa mặt lên trời thầm khẩn cầu. Ngày hôm ấy, Khổng Minh lên xuống đàn ba lần nhưng cũng không thấy gió đông nam thổi tới.
Chu Du và các tướng lĩnh vẫn đang ở trong màn trướng chờ gió đông nam. Lão tướng Hoàng Cái đã chuẩn bị sẵn 20 hỏa thuyền, tứ phía đều là binh mã Đông Ngô, vây kín như nêm cối, ai nấy đều sẵn sàng chỉ chờ hiệu lệnh. Đêm tối hôm ấy, sắc trời sáng trong, không có một cơn gió nào thổi lên dù là gió nhẹ. Chu Du nói với tướng Lỗ Túc: “Lời Khổng Minh nói xem ra thật hoang đường. Đang mùa rét đậm, gió đông nam ở đâu thổi tới được?”
Gần đến canh ba, chợt nghe tiếng gió rít lên, cờ tinh lay động theo gió. Lúc Chu Du bước ra ngoài trướng thấy cờ bay nhưng lại bay về hướng tây bắc. Nhưng chỉ trong thoáng chốc, gió đông nam đã thổi tới ào ào. Chu Du kinh ngạc thán phục: “Người này có pháp tạo ra và biến hóa Trời Đất, thuật suy đoán quỷ thần, thần cơ diệu toán, không ai sánh nổi.”
Hóa giải cái tài của Khổng Minh
Kỳ thực, không phải Khổng Minh Gia Cát Lượng có thể “hô phong gọi gió” mà chính là đã biết “thuận theo tự nhiên”. Ông không có khả năng xoay chuyển càn khôn, cũng không thể mượn gió đông tới để dùng mà gió đông vốn dĩ đã có từ trước, chỉ có điều người khác không biết. Gia Cát Lượng là một người am hiểu lý lẽ của Kinh Dịch, sự thay đổi của thời tiết và lợi dụng nó để biến quân đội yếu có thể phát huy sức chiến đấu tốt nhất.
Trong bối cảnh quân Tào và liên minh Tôn-Lưu tạo thế đối đầu ở Xích Bích là vào tháng 10 âm lịch, tức tháng Hợi, thuộc quẻ Khôn là một quẻ thuần âm, khí dương về trời. Lại theo nguyên lý của Kinh Dịch thì “âm cực tắc dương sinh” tức là khí âm phát triển đến cực điểm thì khí dương sẽ sinh, vì vậy thời điểm tiếp theo đó sẽ có vài ngày nhiệt độ sẽ tăng làm khí áp thay đổi và gió chuyển hướng.
Sang đến tháng 11 là thời điểm Khổng Minh lập đàn tế “mượn gió đông” là tháng Tý, có hai tiết khí là Đại Tuyết và Đông Chí. Tiết Đại Tuyết có 3 hậu: 1: Hạt Điểu Bất Minh (Chim trĩ không hót); 2: Hổ Thủy Giao, (Hổ bắt đầu giao cấu), 3: Lệ Đỉnh Xuất (Cỏ lệ mọc lên). Trong đó Hổ Thủy Giao là 5 ngày mà âm khí đạt cực thịnh bắt đầu suy thoái, lúc này con hổ là động vật có dương khí mạnh mẽ bắt đầu đi tìm bạn tình, biểu thị dương khí đã bắt đầu sinh. Đây chính là thời điểm chuyển giao khiến gió đông nổi lên và Khổng Minh đã tận dụng cơ hội này để giúp Đông Ngô đánh bại Tào Tháo.
Thủy tổ của Đạo gia là Lão Tử đã giảng: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, và Đạo thuận theo tự nhiên”, lấy Đạo và tự nhiên làm khởi nguồn giá trị tinh thần của loài người. Chúng ta biết rằng văn hóa truyền thống tôn trọng “Đạo”. Cụ thể kể đến có Thái Cực (âm dương), Hà Đồ, Lạc Thư, Chu Dịch…
Những học thuyết này đều hàm chứa tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất”. Cuộc đời con người cũng như vạn vật trong vũ trụ này đều vận hành theo đồ hình dạng sin: sinh - lão - bệnh - tử, dương lên đến đỉnh sẽ thoái trào, âm xuống đến đỉnh sẽ thăng lên. Đó cũng là quy luật của tạo hóa, con người cũng chỉ là một phần tử nhỏ bé trong thiên nhiên vô cùng hóa hóa sinh sinh, cớ sao cứ mãi trầm luân trong bể khổ, không biết thoát ra.
Trong cuốn sách “Trái tim của Bụt”, thiền sư Thích Nhất Hạnh luận giải về chữ Duyên: Chữ Duyên tiếng Phạn là pratyaya, tiếng Pali là paccaya. Trong kinh Bụt thường nói rất đơn giản về Duyên Khởi. Ngài nói: ‘‘Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt.’’
Sống trên đời, điều gì đến thì hãy quý trọng, điều gì phải đi thì nên biết buông tay. Như thế chúng ta mới sống được tự do tự tại thực sự. Sống “thuận theo tự nhiên” là một loại trí tuệ, cũng là một loại cảnh giới cao của người giác ngộ. Duyên đến, duyên đi, duyên như nước chảy! Đừng cưỡng cầu!