Cuộc hôn nhân “trớ trêu”
Như PLVN đã đưa tin, Mâu thuẫn xảy ra tột độ khiến nữ y tá Lê Thị Hương Mai (SN 1986, trú tại phường Bến Gót, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) tìm đến cái chết cùng con trai của mình ngày 1/9 nơi dòng sông Lô (thuộc địa phận thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) khiến hai bên gia đình nội ngoại và người thân, làng xóm bàng hoàng. Sự việc diễn ra vào ngày giỗ bố chồng, chị Mai mua đồ cúng bố nhưng bị thiếu đồ, chị bị mẹ chồng và chị gái chồng lao vào nhiếc móc mắng mỏ, chồng chị cũng là người trực tiếp mắng chị rồi tát vào mặt chị.
Cuộc hôn nhân đẫm nước mắt của chị Mai được em gái chia sẻ. |
Sau khi sinh con trai bị dị tật 6 ngón ở chân thì mâu thuẫn của chị với mẹ chồng lên đỉnh điểm, mẹ chồng chị luôn tỏ ra “kỳ thị” và gọi đứa bé là “thằng 6 ngón”. Mỗi lần, mẹ chồng chị đút bột cho cháu đều khiến bé bị bỏng miệng, hay rửa vệ sinh cho cháu bằng nước nóng khiến đứa trẻ bị bỏng. Không chịu được cảnh khổ sở như thế, chị Mai cũng đã bỏ về gia đình mẹ đẻ 2 lần. Sau đó, chồng chị đã tới xin lỗi, đón mẹ con chị về và ra ở riêng.
Đến ngày 28/6, sau khi hai vợ chồng thống nhất bàn bạc, chị quyết định theo chồng về sống với mẹ chồng. Tuy nhiên, chưa đầy 2 tháng 10 ngày thì xảy ra chuyện đau lòng trên.
Sự việc chị Lê Thị Hương Mai vì uất ức đến cực độ nên đã bế theo con trai nhảy sông tự tử đã dấy lên một làn sóng dư luận tại Phú Thọ cũng như trên cả nước.
Cấp quản lý cần can thiệp, giải quyết mâu thuẫn kịp thời
PGS. TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng, chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) chia sẻ, hành động mẹ ôm con tự tử rõ ràng là người mẹ rơi vào trạng thái tâm lí mất hết phương hướng, trong pha cận cảnh tức thời như vậy thì họ không có sự viện dẫn, mách bảo từ cái tình nghĩa, lòng ham sống. Người mẹ không biết bấu víu, dựa dẫm vào ai và cũng không muốn để lại hậu quả.
“Cuộc sống rất đáng quý, người mẹ không nên hủy hoại cuộc sống đó của mình, cũng như cuộc sống của trẻ. Nên nhớ là chúng ta còn có cả cộng đồng, chúng ta còn có cả nhiều người thân khác nữa, có nhiều hình thức trợ giúp từ nhiều phía. Đừng có tuyệt vọng hóa những khó khăn của mình, rồi lại lặng lẽ âm thầm chịu đựng lại dẫn đến cướp đoạt sự sống của con trẻ. Hành vi của người mẹ bức tử con mình, có thể ở dạng u mê, trong cơn bột phát, thiếu suy nghĩ đã hành động sai lầm. Đáng lẽ trẻ em trong trường hợp đó là người vô tội, nhưng lại bị người ta làm nơi trút giận, dẫn đến chết oan ức” – ông nói.
PGS. TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, cấp quản lý cộng đồng kết hợp với các gia đình phải khơi lại quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc của con người, các gia đình trong xã hội cần có đầy đủ kiến thức về luật pháp. Cần gắn kết các gia đình trong xã hội, vì xã hội là sống trong sự tương tác của thành viên với nhau, do đó mà không được thành viên nào tách rời xã hội./.