EU cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau gần 1 tháng dàn xếp bất đồng quan điểm trong nội bộ, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua chủ trương ngừng nhập khẩu dầu lửa của Nga.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

EU cần nhiều thời gian đến như vậy bởi có một số thành viên EU, đặc biệt là Hungary kiên định quan điểm sẽ phủ quyết chủ trương chung này của EU nếu như những điều kiện tiên quyết riêng không được EU đáp ứng. Tại cuộc gặp cấp cao đặc biệt vừa mới đây về Ukraine, EU đã phải nhượng bộ với các thành viên này để có được sự đồng thuận của tất cả 27 thành viên cần phải có nhằm thông qua gói thứ 6 các biện pháp chính sách trừng phạt Nga. Cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa vào thị trường EU là cốt lõi của lần trừng phạt Nga mới nhất này của EU.

EU là một trong những khách hàng lớn nhất và quan trọng nhất của Nga về xuất khẩu dầu lửa và khí đốt. Rất nhiều thành viên EU và NATO hiện tại phụ thuộc ở mức độ khác nhau vào nhập khẩu dầu lửa, khí đốt và than đá của Nga. EU cho rằng xuất khẩu năng lượng vào thị trường EU đưa lại thu nhập lớn cho Nga và nếu muốn Nga cạn kiệt nguồn thu tài chính đến mức độ không còn có thể tiếp tục chiến sự ở Ukraine thì phải ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Hơn nữa, EU càng đối đầu quyết liệt với Nga vì chuyện chiến sự ở Ukraine thì sự lệ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Nga sẽ trở thành rủi ro an ninh ngày càng thêm nguy hiểm và tai hại đối với EU. EU không thể không lo ngại sâu sắc về khả năng Nga sử dụng việc cung ứng năng lượng này làm vũ khí đối phó EU.

Cho đến nay, Nga đã quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho những thành viên EU không chấp nhận thanh toán nhập khẩu khí đốt của Nga bằng đồng Rúp. Về lâu dài, EU nói chung và các thành viên EU nói riêng chắc chắn đều sẽ giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga, chỉ là trong thời gian tới chưa thể làm ngay được việc ấy. Điều này cũng thể hiện ở trong kết quả của cuộc gặp cấp cao vừa rồi của EU.

Theo đó, EU sẽ ngừng nhập khẩu dầu lửa của Nga được vận chuyển bằng đường biển trong thời gian nửa năm tới. Czech (CH Séc) và Bulgary được đáp ứng yêu cầu về khoảng thời gian quá độ dài hơn. Hungary từ bỏ ý định phủ quyết sau khi được EU nhượng bộ là vẫn để cho Hungari tiếp tục nhập khẩu dầu lửa của Nga vận chuyển qua tuyến đường ống dẫn dầu lửa từ Nga sang Đông Âu như lâu nay.

Nhờ đó mà các nhà máy lọc dầu và hoá dầu của Đức và Ba Lan sử dụng dầu lửa của Nga làm nguyên vật liệu được tiếp tục cung ứng dầu lửa của Nga. EU tính toán rằng nếu vào cuối năm nay, cả Đức và Ba Lan không còn sử dụng dầu lửa của Nga nữa thì EU sẽ giảm được tới 90% mức độ khối lượng nhập khẩu dầu lửa của Nga hiện tại, cũng có nghĩa là Nga sẽ thất thu lớn.

Với quyết định mới nói trên, EU không chỉ thể hiện mà còn củng cố quyết tâm đối đầu Nga, chấp nhận trả mọi giá để buộc Nga phải chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Nga không thể tránh khỏi bị thiệt hại và sẽ phải tìm kiếm thị trường và khách hàng mới cho xuất khẩu năng lượng. EU sẽ còn tiến tới cấm vận cả xuất khẩu khí đốt và than đá vào thị trường EU khi trong nội bộ có được sự thống nhất quan điểm về chủ trương này và sau khi các thành viên liên quan đã chuẩn bị được đủ năng lực trên thực tế để có thể chấm dứt hoàn toàn sự lệ thuộc vào cung ứng năng lượng của Nga.

Nga rất có thể đối phó bằng cách giữ cho giá dầu lửa cao để tuy xuất khẩu khối lượng thấp hơn trước nhưng thu nhập từ đó vẫn cao và lại còn tạo ra tình huống giá dầu lửa tăng ở chính các nước thành viên EU khiến cho các nước này gặp khó khăn về đối nội.

EU đạt được tác dụng nhất định với quyết định cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa vào thị trường EU nhưng cái phản tác dụng cũng không hề nhỏ. Giá dầu lửa sẽ tăng và lạm phát sẽ tăng. Việc tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế không dễ dàng và sẽ đưa lại tình trạng chấm dứt được lệ thuộc vào bên này thì phải chấp nhận lệ thuộc vào bên khác. Hơn nữa, nội bộ EU đâu có thật sự đoàn kết nhất trí, những cái giá phải trả trong thực chất đâu có rẻ đối với EU.

Đọc thêm