Sri Lanka khủng hoảng nhiều mặt sau khi tuyên bố vỡ nợ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sri Lanka đã thông báo vỡ nợ đối với khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD vào tháng 4/2022 và chính thức vỡ nợ do không thể trả lãi trái phiếu khi thời gian ân hạn kết thúc vào 18/5. Từ đó đến nay, đất nước này phải vật lộn với nhiều cuộc khủng hoảng trên các mặt kinh tế - xã hội.
Khủng hoảng về nhiên liệu - một trong những nguyên nhân khiến Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ.
Khủng hoảng về nhiên liệu - một trong những nguyên nhân khiến Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ.

Lần đầu tiên vỡ nợ từ năm 1948

Ngày 18/5 vừa qua là ngày cuối cùng trong thời gian ân hạn 30 ngày để Sri Lanka trả lãi 78 triệu USD cho các lô trái phiếu đáo hạn năm 2023 và 2028,các khoản này đến hạn phải trả từ ngày 18/4. Tuy nhiên, trước thời hạn vài ngày, giới chức Sri Lanka đã tự tuyên bố vỡ nợ, thông báo với các chủ nợ rằng họ sẽ không thể trả tiền cho đến khi khối nợ được tái cấu trúc.

Đây là lần đầu tiên quốc gia này vỡ nợ từ sau khi giành độc lập từ Anh năm 1948. Trái phiếu quốc gia này hiện cũng nằm trong nhóm tệ nhất thế giới năm nay.Sri Lanka gần đây chìm trong bất ổn chính trị và kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở đất nước này đã khiến nguồn thuốc dùng trong cấp cứu dần cạn kiệt, có thể khiến số người chết tăng cao hơn so với do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo Hiệp hội Y học Sri Lanka (SLMA), tất cả các bệnh viện ở nước này đã không còn có thể tiếp cận với nguồn thiết bị y tế nhập khẩu cũng như các loại thuốc quan trọng dùng trong cấp cứu và thuốc đặc trị các ca bệnh hiểm nghèo. Nếu nguồn cung thuốc và thiết bị y tế không được phục hồi, mức độ thương vong sẽ còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì đại dịch Covid-19 gây nên.

Nông dân Sri Lanka lao động cực nhọc trên cánh đồng cằn cỗi.

Nông dân Sri Lanka lao động cực nhọc trên cánh đồng cằn cỗi.

Theo AFP, quốc đảo 22 triệu dân này đã phải đối mặt với nhiều tháng thiếu lương thực, xăng dầu và thuốc men sau khi cạn kiệt tiền để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Quản lý kinh tế yếu kém, đại dịch Covid-19 và chi phí năng lượng tăng vọt đã làm cạn kiệt ngân sách Sri Lanka, khiến nước này rơi vào cảnh vỡ nợ, người dân chịu cảnh thiếu điện, nước, xăng dầu, nhu yếu phẩm và thuốc men trầm trọng suốt nhiều tháng.

Nội tệ lao dốc và khủng hoảng kinh tế đang khiến nước này thiếu ngoại tệ cần thiết để nhập khẩu lương thực, nhiên liệu. Lạm phát lương thực tại Sri Lanka lên 57% ngay trong tháng 4, ăn mòn chi tiêu ngân sách hộ gia đình. Hồi tháng 4, họ tuyên bố ngừng trả nợ quốc tế để dành tiền nhập nhu yếu phẩm.

Người chết vẫn phải chịu gánh nặng

Rơi vào cảnh vỡ nợ, Sri Lanka vẫn phải cố gắng dành số nhiên liệu ít ỏi còn lại để hỏa táng các phật tử, đây là nghi thức tang lễ của tín đồ Phật giáo tại quốc gia này và hầu hết người dân Sri Lanka theo đạo Phật.

Truyền thông địa phương đưa tin một số nghĩa trang bên ngoài thủ đô Colombo đã hủy dịch vụ hỏa táng sau khi hết khí hóa lỏng. Thay vào đó, họ chỉ cung cấp dịch vụ an táng. Một chuyến hàng khí đốt cập cảng vào ngày 15/6 được phân bổ cho các nghĩa trang và những ngành công nghiệp ưu tiên khác.

“Chúng tôi sẽ cung cấp cho người dùng số lượng lớn. Đó là khách sạn, bệnh viện, và lò hỏa táng”, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết. Nhà lãnh đạo Sri Lanka cho biết thêm rằng một chuyến hàng khác dự kiến cập bến trong cuối tháng 6 để cung cấp cho các hộ gia đình.

Từ cuối năm 2021, tình trạng thiếu nhiên liệu liên tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát điện và vận tải. Theo Thủ tướng Wickremesinghe, Sri Lanka sẽ chỉ có thể đáp ứng 50% nhu cầu nhiên liệu thông thường trong 4 tháng tới. Chính phủ sẽ công bố hệ thống phân bổ điện vào tháng 7.

Ứng phó với khủng hoảng lương thực, hôm 13/6, nội các Sri Lanka đã thông qua đề xuất cho phép các công chức được nghỉ làm vào thứ 6 hàng tuần trong vòng 3 tháng tới, nhưng quy định này không áp dụng cho những người trong ngành nghề thiết yếu. Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đã khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Đề xuất trên cũng khuyến khích 1 triệu công chức nước này trồng trọt.

Một ngày sau đó, Chính phủ Sri Lanka chính thức tuyên bố cho phép công chức nước này làm việc 4 ngày/tuần và khuyến khích người dân làm nông. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Sri Lanka đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất nhiều thập kỷ.

“Việc cho phép các công chức nghỉ thêm 1 ngày trong tuần là hợp lý, nhằm khuyến khích họ tăng gia sản xuất để giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực”, Văn phòng thông tin Chính phủ tuyên bố.

Chính phủ tuyên bố bất kỳ ai trong số 1,5 triệu lao động trong lĩnh vực công muốn ra nước ngoài tìm việc đều được phép nghỉ không lương 5 năm mà không bị trừ thâm niên hoặc lương hưu. Động thái này nhằm khuyến khích nhiều người ra nước ngoài tìm việc hơn và gửi tiền về quốc đảo, nơi đang thiếu ngoại tệ nghiêm trọng để mua hàng hóa.

Trước đó, Liên Hợp quốc đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang nhen nhóm ở Sri Lanka. Tổ chức này có kế hoạch cung cấp 47 triệu USD nhằm hỗ trợ hơn 1 triệu cá nhân dễ bị tổn thương.

Sri Lanka cũng đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ. Họ cũng đang đàm phán tái cấu trúc nợ với các chủ nợ. Chính phủ mới của Sri Lanka cho biết họ cần 6 tỷ USD để giữ cho nền kinh tế phát triển. Chính phủ thậm chí muốn bán hãng hàng không quốc gia SriLankan Airlines để giảm lỗ.

Lời cảnh báo cho các thị trường mới nổi

Tình hình của Sri Lanka cho đến nay là duy nhất trong tất cả các cuộc khủng hoảng nợ - cụ thể ở đây liên quan đến một chính phủ không được lòng dân do một gia đình toàn quyền điều hành, hậu quả của cuộc nội chiến kéo dài 30 năm và các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố chưa được giải quyết.

Nhưng câu chuyện của hòn đảo này đang bắt đầu được coi là chỉ báo cho các thị trường mới nổi, nơi tình trạng thiếu hụt trầm trọng hơn do lạm phát, bao gồm cả chi phí thực phẩm cao kỷ lục trên toàn cầu, có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế của quốc gia.

“Việc Sri Lanka vỡ nợ là một dấu hiệu đáng ngại đối với các thị trường mới nổi. Tăng trưởng chậm lại và các điều kiện tài trợ khó khăn hơn sẽ làm tăng rủi ro vỡ nợ, đặc biệt là đối với các nền kinh tế cận biên”, Guido Chamorro, đồng Giám đốc phụ trách nợ bằng ngoại tệ của thị trường mới nổi tại Pictet Asset Management (công ty nắm giữ trái phiếu Sri Lanka) cho biết.

Các vấn đề của Sri Lanka là một sự cảnh báo cho các thị trường mới nổi khác, nơi gánh nặng nợ nần đang hội tụ với các vấn đề kinh tế và bất ổn xã hội. Thách thức càng trở nên khó khăn hơn khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất trong nỗ lực dập tắt lạm phát, dẫn đến chi phí đi vay cao hơn.

Ít nhất 14 nền kinh tế đang phát triển được theo dõi trong thước đo của Bloomberg có lợi suất nợ vượt hơn 1.000 điểm cơ bản so với trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, một ngưỡng đối với trái phiếu được coi là rủi ro vỡ nợ.

Áp lực gia tăng của việc tăng giá lương thực và năng lượng đã bắt đầu nổi lên ở các quốc gia khác, bao gồm Ai Cập, Tunisia và Peru. Nó có nguy cơ biến thành một khoản nợ lớn hơn và một mối đe dọa khác đối với sự phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới sau đại dịch.

Một chuyên gia cảnh báo, Sri Lanka có thể là sự khởi đầu xu hướng trên khắp các thị trường cận biên và mới nổi, nơi các chính phủ đang trải qua khủng hoảng và có thể vỡ nợ, không thể thanh toán nghĩa vụ nợ. Bloomberg Economics cũng cho biết, Pakistan, Ethiopia và Ghana có nguy cơ là những trường hợp tiếp theo.

Đọc thêm