Nạn “xoá sổ” những bãi cát gia tăng
Một báo cáo được công bố vào tháng 4/2022 của Liên Hợp quốc đã kêu gọi thế giới phải hành động khẩn cấp để ngăn chặn “cuộc khủng hoảng cát” đang tiến gần. Cụ thể, báo cáo do Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) thực hiện đã chỉ ra, cát là tài nguyên thiên nhiên được khai thác nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau tài nguyên nước.
Chỉ nói riêng trong ngành xây dựng, nhu cầu sử dụng cát để tạo ra vật liệu như kính, bê tông,… đã tăng gấp 3 lần trong 2 thập kỷ qua, ước đạt 50 tỷ tấn/năm, tương đương khoảng 17kg/người/ngày. Nếu so sánh với tốc độ tái tạo địa chất tự nhiên thường kéo dài hàng trăm nghìn năm, tốc độ khai thác và sử dụng cát hiện tại đã ở mức báo động nghiêm trọng.
Đơn cử, ở lưu vực sông Mê Kông – con sông dài nhất Đông Nam Á, quá trình khai thác đất, cát trong những năm qua đã khiến đồng bằng bị sụt lún, dẫn đến xâm nhập mặn những vùng đất màu mỡ trước đây.
Còn tại Sri Lanka, việc hút cát ở các con sông đã khiến đảo ngược dòng nước, khiến nước biển chảy ngược vào đất liền, gây ra những hiện tượng trái tự nhiên như xuất hiện cá sấu tại đất liền. Vấn nạn này hiện cũng đang nhức nhối ở châu Phi, khi các quốc gia đã và đang “xoá sổ” những bãi cát ven biển để phục vụ việc xây dựng thành phố và chạy đua kinh tế nhằm bắt kịp với các nước lớn.
Đô thị hóa và gia tăng dân số ở Pakistan thúc đẩy nhu cầu cát. Ảnh: Asim Hafeez/Bloomberg. |
Tại Trung Quốc – đất nước sản xuất xi-măng lớn nhất thế giới, cũng là quốc gia tiêu thụ khối lượng cát khổng lồ. Hồ Poyang của Trung Quốc được cho là mỏ cát lớn nhất đang hoạt động trên thế giới. Theo một khảo sát, các thợ mỏ ở hồ này đã khai thác được 236 triệu mét khối cát mỗi năm, và chỉ trong khoảng thời gian hai năm, hình dạng của hồ này đã bị thay đổi đáng kể.
Mặt khác, nhiều thành phố lớn nhất thế giới đang nằm trên nước nên có nhu cầu lấn biển để mở rộng diện tích thành phố. Đơn cử, quốc đảo Singapore đã mở rộng diện tích đất liền lên gần 25% kể từ năm 1965, và đã nhập khẩu một khối lượng cát lớn từ các nước Malaysia và Campuchia.
Những đất nước khác như Bỉ, Hà Lan, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc… cũng thuộc tốp những nước nhập khẩu cát lớn nhất thế giới. Các nghiên cứu cho thấy, xu hướng những nước nhập khẩu cát tăng mạnh nhất cũng là các nước có dân số tăng mạnh tương ứng.
Với đà này, theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong bốn thập kỷ tới, nhu cầu xây dựng đối với cát và sỏi sẽ tăng gần gấp đôi. Hậu quả của việc khai thác quá mức là các con sông, bờ biển, sông, hồ tại nhiều quốc gia bị xói mòn, thậm chí một số hòn đảo nhỏ đã bị “xoá sổ”, ngày càng dễ bị tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.
Xu hướng đô thị hoá cũng khiến diện tích nhân tạo tăng mạnh trong khi diện tích tự nhiên sụt giảm. Giám đốc Bộ phận Kinh tế tại UNEP - Sheila Aggarwal-Khan cho biết: “Nếu không cải thiện việc quản lý tài nguyên cát trước nhu cầu xã hội ngày càng gia tăng, nếu không hành động ngay bây giờ, thì chúng ta sẽ khó thể tránh được cuộc khủng hoảng cát”.
Lệnh cấm khó thực thi
Mặc dù nhiều quốc gia, đơn cử các nước Đông Nam Á, đều đã ban hành các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu cát để bảo vệ tài nguyên cát. Đơn cử, Việt Nam cấm xuất khẩu cát biển từ năm 2010, còn Campuchia ra lệnh cấm tạm thời xuất khẩu cát biển vào năm 2016, sau đó cấm hoàn toàn từ năm 2017. Dù vậy, việc buôn bán cát trái phép vẫn diễn ra phức tạp, công tác giám sát, thực thi pháp luật còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều nhà môi trường trên thế giới đã chỉ ra những chênh lệch “khó giải thích” từ các dự liệu về hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu cát. Ví dụ, trong thập kỷ đến năm 2016, kho lưu trữ thống kê thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UN Comtrade Database) cho thấy Singapore đã nhập khẩu hơn 80 triệu tấn cát từ Campuchia nhưng chỉ 2,8 triệu tấn cát được ghi nhận rời Campuchia đến Singapore trong cùng kỳ. Tại Việt Nam, trong 10 năm từ 2011-2020, Việt Nam thu về từ xuất khẩu cát (gồm các loại cát tự nhiên, có nhuộm và không nhuộm..) là 212 triệu USD; nhưng các nước báo cáo nhập khẩu cát từ Việt Nam có trị giá gần 705 triệu USD trong cùng kỳ.
Hoạt động khai thác cát trái phép hiện diễn ra phức tạp ở bãi biển Dakar (Senegal). Ảnh: Seyllou/AFP. |
Mặt khác, theo tổ chức OECD, căn cứ vào báo cáo của các quốc gia, ước tính trên thế giới chỉ khai thác khoảng 28 tỷ tấn cát mỗi năm. Nhưng nếu theo tính toán của Liên Hợp Quốc dựa trên nhu cầu sử dụng bê-tông trên thực tế (một tấn xi-măng cần tới 10 tấn cát để tạo ra bê-tông) thì số cát đã khai thác phải lên tới gần 50 tỷ tấn mỗi năm.
Sự chênh lệch giữa hai con số cho thấy, trong chuỗi cung ứng cát trên toàn cần, vẫn tồn tại các hoạt động khai thác cát không chính thức, thậm chí bất hợp pháp, ở rất nhiều nơi trên thế giới. Ông Dave Tickner, chuyên gia từ Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) nhận định: “Hoạt động buôn bán cát rất khó theo dõi. Chúng ta có thể biết ai khai thác, từ đâu và ai tiêu thụ, tại đâu, nhưng lại hoàn toàn không biết những gì xảy ra ở giữa. Đó chính là một ‘hộp đen’ đối với công tác quản lý tài nguyên cát”.
Tìm giải pháp bền vững
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, dù thế giới không hết cát nhưng sẽ hết những nơi có thể khai thác cát, do đó cần phải hiểu rõ bản chất của cuộc khủng hoảng cát để tìm ra giải pháp.
Nhà nghiên cứu Aurora Torres từ Đại học Bang Michigan (Mỹ) cùng với đồng nghiệp đã dành nhiều năm để nghiên cứu giải pháp bền vững cho vấn nạn này. Bà Torres giải thích, về mặt địa chất, cát và sỏi rất nhiều; tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt cục bộ sẽ xảy ra ở những khu vực khai thác cát quá mức.
Bên cạnh đó, tất cả các loại cát không giống nhau, ví dụ cát sa mạc không thích hợp để làm bê-tông bởi hạt cát sa mạc quá tròn để kết dính với nhau. Loại cát tốt nhất cho xây dựng thường được tìm thấy dưới nước, như ở đáy hồ và sông, trên các bãi biển và bờ sông. Do đó mới có tình trạng phá huỷ bãi biển, bờ sông, hồ để lấy cát, gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái nơi đó, bao gồm cả con người.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, không có một giải pháp riêng lẻ nào có thể giải quyết được vấn nạn này, các nhà quản lý phải nhìn thấy một bức tranh toàn diện nhằm cải thiện công tác quản lý tài nguyên cát, tạo cơ chế điều tiết toàn bộ chuỗi cung ứng, trong đó đặc biệt phải giám sát được các tác động đến môi trường và xã hội. Bà Torres chỉ ra những giải pháp quan trọng bao gồm: giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và điều tiết ngành.
Hiện nay, một số biện pháp phải giảm nhu cầu khai thác cát tự nhiên đã được thực hiện như sử dụng cát nhân tạo từ đá nghiền, cát tái chế từ các vật liệu xây dựng bỏ đị hoặc những chất thải khác, hoặc tính toán kéo dài tuổi thọ các toà nhà trước khi xây dựng để tránh lãng phí vật liệu trong tương lai,… Bên cạnh đó, còn có nhiều sáng kiến địa phương khác, chẳng hạn như ở New Zealand đang có phong trào “biến chai bia thành cát”.
Hiện nay một số quốc gia đã phải thực hiện ngay các giải pháp thay thế để bảo vệ tài nguyên cát trong lãnh thổ của họ trước nguy cơ. Liên Hợp Quốc khuyến nghị các quốc gia ban hành lệnh cấm khai thác cát tại các bãi biển và xây dựng tiêu chuẩn chặt chẽ cho hoạt động nạo vét biển thân thiện hơn với môi trường.