Ranh giới nào cho luật?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiến sự từ hơn 100 ngày nay ở Ukraine không những chỉ làm chấn động thế giới về chính trị an ninh mà còn đặt luật pháp quốc tế trước nhiều câu hỏi mà không biết đến khi nào mới có được câu trả lời.
Mỹ, EU, NATO và đồng minh cho rằng Nga đã bất chấp luật pháp quốc tế khi phát động chiến sự ở Ukraine.
Mỹ, EU, NATO và đồng minh cho rằng Nga đã bất chấp luật pháp quốc tế khi phát động chiến sự ở Ukraine.

Đến nay, điều ai cũng có thể thấy rất rõ ở chuyện này là trên danh nghĩa chính thức thì Nga và Ukraine giao tranh vũ trang với nhau trực diện và trực tiếp trên chiến tuyến. Nhưng trong thực chất thì ở Ukraine lại là cuộc đối kháng giữa Mỹ, EU, NATO và đồng minh với Nga. Quân đội của hai bên không chĩa súng và nã đạn vào nhau nhưng vũ khí của hai bên được sử dụng chống lại nhau.

Mỹ, EU, NATO và đồng minh không chỉ hậu thuẫn Ukraine về chính trị mà còn viện trợ tài chính và cung cấp vũ khí các loại, kể cả nhiều loại vũ khí hiện đại nhất để Ukraine giao tranh trực tiếp với Nga. Không có sự trợ giúp như thế của Mỹ, EU, NATO và đồng minh, Ukraine không thể duy trì được cục diện trên chiến trường như hiện tại.

Từ đó có thể thấy, chiến sự ở Ukraine rồi đây còn dai dẳng bao lâu nữa và sẽ kết cục như thế nào không những chỉ phụ thuộc vào mưu tính chiến lược và sách lược của Nga mà còn phụ thuộc ở mức độ quyết định không kém vào việc Mỹ, EU, NATO và đồng minh còn chủ trương và còn có khả năng thực tế hậu thuẫn Ukraine về tài chính và quân sự đến khi nào.

Về phương diện luật pháp quốc tế, câu hỏi được đặt ra là việc Mỹ, EU, NATO và đồng minh sử dụng Ukraine như thế để đối địch Nga mang tính chất như thế nào. Luật pháp quốc tế hiện hành không cho phép bất kỳ quốc gia nào sử dụng quốc gia khác để đối địch với quốc gia thứ ba, càng không cho phép dùng quốc gia khác để tiến hành chiến tranh trực tiếp cũng như gián tiếp với quốc gia thứ ba. Mỹ, EU, NATO và đồng minh cho rằng Nga đã bất chấp luật pháp quốc tế khi phát động chiến sự ở Ukraine nên họ phải đối phó, nhưng cách làm của họ như nêu trên xét cho cùng cũng là bất chấp luật pháp quốc tế.

Mới đây nhất, Mỹ cho biết sẽ cung ứng cho Ukraine những hệ thống tên lửa có tầm bắn rất xa, có thể vươn rất xa vào trong lãnh thổ Nga. Hai nước đang giao tranh vũ trang ở Ukraine, nên nếu Ukraine có tấn công, nã pháo, phóng tên lửa hay ném bom xuống lãnh thổ của Nga thì cũng không có gì đặc biệt. Nhưng nếu phía Ukraine dùng vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại của Mỹ, EU, NATO và đồng minh để tiến hành những hoạt động quân sự như trên ở trong lãnh thổ Nga thì cả tính chất lẫn bản chất và tác động của hành động lại hoàn toàn khác và sẽ không còn là chuyện chỉ của riêng Nga và Ukraine nữa mà trở thành chuyện giữa Mỹ, EU, NATO và đồng minh với Nga.

Mỹ cho biết điều kiện đặt ra cho Ukraine để được cung cấp các loại hệ thống vũ khí hiện đại kia là Ukraine không được sử dụng chúng để tiến hành các hoạt động tấn công quân sự trên lãnh thổ của Nga và phía Ukraine cũng đã cam kết đáp ứng điều kiện này. Nhưng trên thực tế, ai dám chắc là vũ khí của Mỹ, EU, NATO và đồng minh không được sử dụng trong các cuộc tấn công trên lãnh thổ của Nga. Ranh giới cho luật pháp quốc tế trong chuyện này vì thế rất mong manh và rất dễ bị bên này hay bên kia vượt qua.

Chiến sự ở Ukraine và tất cả những diễn biến xoay quanh nó, trực tiếp cũng như gián tiếp đã xô đẩy luật pháp quốc tế vào một thảm trạng là các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đều chỉ tuân thủ khi có lợi và luôn sẵn sàng bất chấp khi không có lợi cho họ. Bên này chỉ muốn xác định ranh giới cho bên kia trong khi sẵn sàng vượt qua mọi ranh giới trong luật.

Đọc thêm