Tỷ phú Mỹ Elon Musk đối mặt cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một số cổ đông của mạng xã hội Twitter đã đệ đơn kiện tỷ phú Mỹ Elon Musk, cáo buộc ông này đã có hành vi thao túng thị trường chứng khoán, cố tình dìm giá cổ phiếu của Twitter để hưởng lợi.
 Tỷ phú Elon Musk.
Tỷ phú Elon Musk.

Thương vụ gây xôn xao

Vụ lùm xùm bắt đầu vào ngày 4/4 vừa qua, khi Elon Musk - Giám đốc điều hành của Tesla, Space X và người sáng lập Công ty Boring và Neuralink thông báo rằng ông đã mua 9,2% cổ phiếu của Twitter. Ngay sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu của Twitter đã có mức tăng mạnh nhất kể từ khi công ty lên sàn giao dịch, với mức tăng 27%. Sau đó, Twitter đã mời Musk tham gia hội đồng quản trị.

Theo quy định của Mỹ, nếu tham gia hội đồng quản trị công ty, Musk sẽ bị cấm mua hơn 14,9% cổ phiếu của công ty và sẽ không thể công khai chỉ trích công ty một cách thoải mái.

Thay vì tham gia hội đồng quản trị, Musk sau đó thông báo dự định đưa ra lời đề nghị riêng tư để mua lại Twitter hoàn toàn. Đến ngày 25/4, Twitter phát đi thông cáo báo chí cho biết, Hội đồng quản trị của công ty đã chấp thuận đề nghị mua lại mạng xã hội này từ Musk. Theo thông báo, giá trị vụ chuyển nhượng là 44 tỷ USD tương đương 54,2 USD cho mỗi cổ phiếu.

Musk sau đó đã vừa bán vừa cầm cố một phần cổ phiếu của mình tại Công ty xe điện Tesla làm tài sản thế chấp cho các khoản vay nhằm lấy tiền cho thương vụ mua bán. Ban đầu, Hội đồng Quản trị độc lập của Twitter phản đối thương vụ này nhưng sau đó đã thay đổi quan điểm và đồng ý.

Tuy nhiên, mọi việc không dừng lại ở đó. Ngày 13/5, tỷ phú Elon Musk khiến dư luận xôn xao khi thông báo quyết định tạm dừng thỏa thuận mua lại Twitter. Lý do được ông ta đưa ra cho việc này là thông tin do chính Twitter công bố, theo đó cho hay, các tài khoản giả mạo trên Twitter chiếm dưới 5% tỷ lệ người dùng mạng xã hội này. Khi thông báo mua lại Twitter, Musk khẳng định muốn giúp mạng xã hội này phát triển tốt hơn bao giờ hết, xử lý vấn đề thư rác và xác thực tất cả người dùng.

Quyết định dừng việc mua bán nói trên đã khiến giá cổ phiếu của Twitter ngay lập tức giảm 17,7%, xuống còn 37,1 USD, mức thấp nhất kể từ khi Musk thông tin về việc mua cổ phiếu của công ty vào đầu tháng 4.

Có hay không hành vi “thao túng thị trường”?

Trước động thái này, ngày 25/5, ông William Heresniak (một cổ đông của Twitter) đã thay mặt một số cổ đông khác đệ đơn kiện tập thể lên một tòa án cấp quận thuộc bang California. Trong đơn kiện, ông Heresniak cho rằng ông Musk đã đăng tải thông báo tạm hoãn thỏa thuận mua lại Twitter dù trong hợp đồng mua bán không có điều khoản cho phép dừng việc thu mua này.

Vẫn theo ông Heresniak, tỷ phú Musk đã đàm phán mua lại Twitter vào cuối tháng 4 mà không tiến hành thẩm định doanh nghiệp, vốn là quy trình cần thiết trong các thương vụ lớn. Cổ đông này cũng cáo buộc ông Musk tiếp tục đưa ra các tuyên bố, đăng các bài “bôi nhọ” Twitter, vi phạm cả điều khoản không chê bai và không tiết lộ trong hợp đồng của ông với công ty. Cùng với đó, theo các nguyên đơn, ông Musk đã có các hành vi nhằm gây hoài nghi về khả năng hoàn tất thỏa thuận mua bán đã được công bố, vi phạm luật của California và khiến cổ phiếu của Twitter sụt giảm đáng kể.

Theo đơn kiện, hành vi “thao túng thị trường” của tỷ phú Musk đã khiến giá trị thị trường của Twitter mất 8 tỷ USD kể từ khi thương vụ mua lại công ty được công bố. “Khi làm như vậy, Musk hy vọng sẽ làm giảm giá cổ phiếu của Twitter và sau đó lấy đó làm cái cớ để cố gắng thương lượng lại việc mua bán”, đơn kiện cáo buộc. Các nguyên đơn cho rằng, tỷ phú Musk muốn mua lại Twitter với giá rẻ hơn khoảng 25%, hay 155 triệu USD; hoặc rút khỏi thỏa thuận mà không phải chịu bất kỳ hình phạt nào.

Đơn kiện cũng đã trích dẫn một số bài đăng trên Twitter của tỷ phú Musk, mà theo các nguyên đơn là “đã gây hiểu lầm” cho công chúng. “Đơn kiện nhằm buộc ông Elon Musk phải chịu trách nhiệm về hành vi trái pháp luật của mình”, Luật sư Frank Bottini, một người đại diện cho các nhà đầu tư của Twitter cho biết.

Truyền thông Mỹ cho hay, trong một phát biểu tại một hội nghị công nghệ vào đầu tháng 5, ông Musk cũng đã ám chỉ rằng có thể tìm cách trả cho Twitter ít hơn số tiền 44 tỷ USD như đã thỏa thuận với hội đồng quản trị của công ty. Ông này cho biết, việc đạt được một thỏa thuận với mức giá thấp hơn là “không nằm ngoài khả năng”.

Về phía cơ quan quản lý, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) ngày 27/5 đã phát thông báo yêu cầu Elon Musk giải thích về việc trì hoãn báo cáo về việc mua cổ phiếu Twitter. SEC cũng yêu cầu giải thích lý do vị tỷ phú này chưa công bố thông tin về việc gia tăng cổ phần tại Twitter trong vòng 10 ngày như quy định, cũng như kế hoạch mua công ty. Trong thông báo, SEC gọi các tweet gần đây của tỷ phú là “tuyên bố gây hoài nghi về mạng xã hội này”.

Bản thân Twitter cũng là một bị đơn trong đơn kiện của các nhà đầu tư của công ty. Các nguyên đơn yêu cầu Twitter bồi thường cho họ về những tổn thất mà họ phải chịu do thương vụ mua bán nhiều lùm xùm này. Còn liên quan đến các tài khoản giả mạo, hồi năm ngoái, Twitter cũng đã phải trả 809,5 triệu USD để giải quyết các đơn kiện cho rằng họ đã phóng đại quá mức tốc độ tăng trưởng và số liệu người dùng hàng tháng.

Twitter là nền tảng truyền thông xã hội có ảnh hưởng lớn vì được nhiều chính trị gia, nhà báo sử dụng. Tỷ phú Musk đã tham gia Twitter vào năm 2009 và tài khoản của ông đã trở thành một trong những tài khoản phổ biến nhất trên mạng xã hội này, với hơn 85 triệu người theo dõi tính đến năm 2022. Trong tuyên bố được đưa ra gần đây, Musk cho biết ông hy vọng sẽ làm cho Twitter “trở nên tốt hơn bao giờ hết” bằng cách nâng cao các sản phẩm, đưa ra các tính năng mới, biến các thuật toán thành mã nguồn mở để tăng độ tin cậy, đảm bảo xác thực về danh tính người sử dụng... Musk tuyên bố, sau khi vụ mua bán hoàn tất, Twitter sẽ trở thành một công ty tư nhân.

Elon Musk là một doanh nhân người Mỹ gốc Phi. Ông sinh năm 1971 tại Pretoria, Nam Phi. Ôn ta hiện là người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản ròng có thể lên tới 250 tỷ USD. Forbes hồi tháng 4 ước tính rằng số tài sản của Elon Musk lên đến 219 tỷ USD - nhiều hơn 48 tỷ USD so với ông Jeff Bezos, người đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng tỉ phú của tạp chí này. Năm 2021, ông này cũng được tạp chí Time bình chọn là “Nhân vật của năm”.

Trong 5 thập kỷ qua, Musk đã trở thành CEO của một loạt các công ty đình đám như Tesla và SpaceX; là người sáng lập The Boring, đồng thời là đồng sáng lập của các công ty OpenAI và Neuralink. Sự nghiệp được nhiều người xem là phi thường của Musk đã khiến ông trở thành nguồn cảm hứng để xây dựng nhân vật Người sắt trong bộ phim cùng tên. Musk thậm chí còn có một vai khách mời trong “Người sắt 2”.

Đọc thêm