Những câu chuyện huyền bí ở vùng sa mạc “Tai của địa ngục”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo hình ảnh chụp từ vệ tinh, Lop Nur có hình dạng giống tai người và bờ của nó thậm chí có thể thay đổi vì thế người ta gọi nó là “Tai của địa ngục”.
Nhìn từ vệ tinh, lòng chảo Lop Nur giống như hình tai người.
Nhìn từ vệ tinh, lòng chảo Lop Nur giống như hình tai người.

Lop Nur là một nhóm các hồ muối nhỏ nằm giữa sa mạc Taklamakan và sa mạc Kuruktag thuộc phía Đông khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc). Theo hình ảnh chụp từ vệ tinh, Lop Nur có hình dạng giống tai người và bờ của nó thậm chí có thể thay đổi vì thế người ta gọi nó là “Tai của địa ngục”.

Mảnh đất từng trù phú, tốt tươi...

Lop Nur từng là hồ nước mặn lớn thứ hai Trung Quốc. Tuy nhiên, nó đã khô cạn hoàn toàn từ khoảng 1.500 năm trước, hòa mình vào sa mạc Gobi. Thời ấy, Lop Nur đích thực là nơi vượng khí thích hợp cho con người sinh sống. Người Lâu Lan cổ đại đã sống tại đây.

Lop Nur nằm trong lòng chảo Tarim, gần với phía Đông sa mạc, là trung tâm khu vực thịnh vượng của Lâu Lan. Thời cổ đại, khi còn là hồ nước mặn, Lop Nur từng là một nơi xinh đẹp., diện nước của nó lên tới 5.000 km2. Tuy nhiên do khí hậu biến đổi cùng nhiều lý do khác, đất nước cổ đại từng trù phú ấy biến mất trong dòng chảy lịch sử. Lâu Lan không còn, Lop Nur cũng dần trôi vào quên lãng. Nhưng nhiều năm trở lại đây, vùng đất được mệnh danh là “Tai của Trái Đất” này lại có nhiều thay đổi đáng kể.

Cách đây 300 năm trước, Lop Nur cũng không khô cằn như ngày nay, hồ vẫn có diện tích khoảng 3.000 km2. Nhưng đến năm 1970, hồ đã hoàn toàn biến mất, trở thành sa mạc như bây giờ. Mặc dù Lop Nur không thoát khỏi số phận khô hạn nhưng với lịch sử lâu đời gắn với đất nước Lâu Lan xinh đẹp và bí ẩn. Đến bây giờ, vẫn có nhiều người bị cám dỗ bởi quá khứ ấy mà tìm về thám hiểm và du lịch ở Lop Nur.

Sự mất tích “kỳ lạ”

Tương truyền, ở Lop Nur có cất giấu kho báu cổ của người Lâu Lan thu hút vô số dân buôn đồ cổ đến đây nhưng tất cả đều “một đi không trở lại”. Bởi vậy, Lop Nur từng được mệnh danh là “Biển Chết”. Sau này, càng nhiều người muốn chứng minh năng lực và bác bỏ tin đồn, đi sâu vào Lop Nur. Rất nhiều người đã không trở về, trong đó có nhà sinh hóa, nhà thám hiểm Bành Gia Mộc.

Vào tháng 3/1958, Bành Gia Mộc đã đến Lop Nur. Khi đặt chân đến đây, Bành Gia Mộc bắt đầu tiến hành điều tra và nghiên cứu vùng ngoại vi của nó. Đồng thời, ông thu thập mẫu nước và các khoáng chất ở khu vực này. Các phụ lưu xung quanh Lop Nur được Bành Gia Mộc tiến hành quan sát hàm lượng kali trong các con sông bằng công nghệ sinh hóa. Ông đưa ra kết luận ban đầu rằng Lop Nur chính là một kho báu cần được tiếp tục khám phá.

Năm 1979, Bành Gia Mộc quay lại Lop Nur một lần nữa. Trong lần trở lại này, Bành Gia Mộc đi cùng đoàn đến quay bộ phim “Con đường tơ lụa”. Ngoài tư cách là cố vấn của nhóm nhiếp ảnh, Bành Gia Mộc còn thực hiện một cuộc điều tra khác với Lop Nur.

Năm 1980, Bành Gia Mộc đến Lop Nur để thực hiện cuộc khảo sát lần 3. Dẫn đầu đội thanh tra, sau 28 ngày, đội thám hiểm đã đến gần với tâm của Lop Nur. Trong lần đi tìm nguồn nước cho đoàn thám hiểm, Bành Gia Mộc bị lạc và không tìm được đường quay trở lại. Không một ai tìm thấy Bành Gia Mộc, ông biến mất một cách khó hiểu như vậy.

Tin đồn Bành Gia Mộc bỗng dưng mất tích ngày một lan xa. Nhiều người cho rằng, Bành Gia Mộc đã phát hiện được bí mật nào đó dẫn đến sự mất tích của mình. Có một tin đồn khác là vì hồ muối Lop Nur có thể “dịch chuyển” nên Bành Gia Mộc đã lạc vào một thế giới song song. Và không ít tin đồn cho rằng Bành Gia Mộc mất tích là do người ngoài hành tinh.

Sau khi xác định Bành Gia Mộc mất tích, máy bay cùng các phương tiện và hàng nghìn thành viên trong đội được điều động để tìm kiếm. Nhưng rồi, kết quả đều là thất vọng. Kể từ đó, sự biến mất của Bành Gia Mộc ngày càng trở nên bí ẩn. Cho đến hiện nay, thi thể của Bành Gia Mộc vẫn chưa được tìm thấy. Đồng thời, không ai biết thi thể Bành Gia Mộc nằm ở đâu và điều gì xảy ra với ông vào thời điểm đó.

Hình ảnh khô cằn của sa mạc Lop Nur hiện nay.

Hình ảnh khô cằn của sa mạc Lop Nur hiện nay.

Bí ẩn của hồ Lop Nur

Vào năm 1934, tại vùng đất chết Lop Nor, người ta phát hiện ra một khu mộ thần bí giữa vùng hoang mạc không người sinh sống. 66 năm sau đó, không ai còn nhìn thấy nó nữa. Cho đến năm 2001, thông qua Google Earth, người ta mới tìm ra vị trí của nó. Và công việc khai quật nghiên cứu chỉ bắt đầu được tiến hành vào năm 2005... Khu mộ cách vùng hạ du sông Khổng Tước chừng 60 km về phía Nam, được các nhà khoa học đặt tên là “khu mộ Tiểu Hà”.

Theo đó, một nhóm các nhà thám hiểm đã quyết định tới để nghiên cứu và vô tình tìm thấy 300 xác ướp bí ẩn. Ban đầu, các nhà thám hiểm vốn tìm được hơn 1.000 xác ướp nhưng do tác động của gió và cát, nhiều cái xác đã bị hủy hoại.

Chuyên gia khảo cổ đã xác định được các xác ướp này có niên đại từ thế kỷ 15 trước Công nguyên, vào thời điểm đó là triều đại của nhà Hạ. Theo ghi chép trong “Sơn hải kinh” (cuốn sách cổ tổng hợp về địa lý, thần thoại của Trung Quốc), nhà Hạ lúc đó chưa phải là một triều đình cai trị đúng nghĩa mà là một liên minh của nhiều bộ lạc cổ đại của người Hoa Hạ cai trị khu vực xứ này dưới hình thức tù trưởng.

Các chuyên gia khảo cổ cho rằng, nhiều khả năng người dân cổ đại thời đó đã tiến hành một số hoạt động cúng tế nên đã tập trung rất nhiều xác chết tại khu vực này. Điều này cũng được chứng thực trong cuốn “Sơn hải kinh” đã ghi lại rằng do tình hình cai trị phức tạp, nhà Hạ lúc đó liên tục mở rộng lãnh thổ và thường xuyên nổ ra chiến tranh. Vì vậy, những xác ướp này rất có thể là những người chết trong những cuộc chiến tranh đó.

Cũng tại “khu mộ Tiểu Hà”, vào năm 2010, một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Cát Lâm đã cho công bố một kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng xác ướp trong ngôi mộ này là hỗn huyết. Họ vừa có đặc trưng di truyền của cả người châu Âu lẫn Siberia. Từ đó, các nhà khoa học phán đoán, rất có thể người châu Âu và người Siberia đã từng đến Tarim định cư đồng thời tiến hành những cuộc kết hôn giữa hai cộng đồng. Điều kỳ lạ nhất đối với các nhà khoa học là, trong khí hậu khô cằn như ở Lop Nor, thi thể người chết vẫn được bảo tồn nguyên vẹn suốt gần 4.000 năm qua.

Khai quật 5 tầng của một ngôi mộ, các nhà khoa học phát hiện ra gần 200 cây gậy, mỗi cây dài khoảng 4 mét, được sơn đỏ hoặc đen, dựng cạnh các quan tài hình thuyền giống như những mái chèo. Các nhà khoa học phát hiện ra trong quan tài của người phụ nữ những cây gậy dựng cạnh các quan tài, rất có thể tượng trưng cho những sinh thực khí đàn ông.

Trong khi đó, ở quan tài của người đàn ông, người ta cũng phát hiện ra rất nhiều các “mái chèo” được đẽo rất nhọn. Các nhà khoa học dự đoán rằng, đây có thể là vật đối ứng với những “mái chèo” được phát hiện ở quan tài người nữ, biểu trưng cho sinh thực khí nữ giới.

“Khắp cả ngôi mộ xuất hiện rất nhiều những vật tượng trưng cho sinh thực khí, điều này phản ánh thái độ trọng thị của xã hội thời đó đối với việc duy trì nòi giống”, Tiến sỹ Victor Mair (Đại học bang Pennsylvania, Mỹ) nhận xét.

“Trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt như ở nơi này, tỉ lệ tử vong của trẻ em chắc chắn rất cao vì vậy những người ở đây coi trọng việc duy trì nòi giống là chuyện đương nhiên”, Tiến sỹ Mair nhận xét, “Nếu như những thứ đó sau này có thể góp phần tạo nên sự lớn mạnh của cả cộng đồng, thì những người phụ nữ đã nuôi dưỡng những đứa trẻ nên người xứng đáng được xã hội tôn trọng”.

Đọc thêm