EVFTA gia tăng 'sức mạnh' cho hàng Việt Nam vào thị trường lớn EU

(PLVN) - Sau hai năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mang lại những hiệu quả ban đầu, gia tăng thêm sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, tạo động lực cho cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. EVFTA không chỉ mang đến cơ hội xuất khẩu mà còn là cơ hội để gia tăng nhập khẩu và đầu tư từ EU.
2 năm thực thi hiệp định EVFTA, sắt thép xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng 739%.
2 năm thực thi hiệp định EVFTA, sắt thép xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng 739%.

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, mở ra những cơ hội và triển vọng lớn, đưa quan hệ Việt Nam - EU lên tầm cao mới. EVFTA được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới toàn diện, chất lượng cao và cũng là FTA đầu tiên của EU ký kết với một quốc gia có mức thu nhập trung bình.

Những nội dung chủ yếu của EVFTA

EVFTA là Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam và 27 quốc thuộc Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định EVFTA là một trong số ít những hiệp định về tiêu chuẩn rất cao mà Việt Nam đã tham gia trong thời gian vừa qua, với tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện.

EVFTA bao gồm 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ. Bốn lĩnh vực cơ bản của Hiệp định là thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, EVFTA còn các lĩnh vực khác như quy tắc xuất xứ, cạnh tranh, phát triển bền vững, các vấn đề về phòng vệ thương mại, bán phá giá...

Đối với phạm vi cam kết, EVFTA không chỉ đề cập đến thương mại trực tiếp, mà còn đề cập đến các vấn đề về môi trường, sở hữu trí tuệ, lao động, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực. Lộ trình của Hiệp định cũng được thực hiện trong thời gian ngắn hơn so với các FTA truyền thống, đi kèm với đó là cơ chế giám sát chặt chẽ hơn trong quá trình thực thi.

Trong thương mại hàng hóa, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Về phía Việt Nam, chúng ta cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU, được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế nhập khẩu này tương ứng là 98,3% số dòng thuế và 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU. Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu sau hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Quy tắc về rào cản kỹ thuật trong thương mại của Hiệp định được hai bên thỏa thuận thực hiện theo những quy tắc của WTO. Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận về một số nguyên tắc nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại đối với các sản phẩm động vật, thực vật.

Về quy tắc xuất xứ, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc EU) nếu đáp ứng được một trong các yêu cầu mà hai bên đã thống nhất, đó là: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu; không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được các yêu cầu như hàm lượng giá trị nội địa không dưới 40%…

Cam kết của Việt Nam và EU trong EVFTA về thương mại dịch vụ, đầu tư hướng tới tạo môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Trong đó, cam kết của EU cho Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO và tương đương với mức cao nhất trong các FTA gần đây của EU. Cam kết của Việt Nam cho EU cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO và ít nhất là ngang bằng với mức mở cửa cao nhất mà Việt Nam thực hiện với các đối tác khác trong các đàm phán FTA hiện tại.

Ngoài ra, Hiệp định cũng đề cập đến một số vấn đề về cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững (bao gồm cả môi trường, lao động), các vấn đề pháp lý - thể chế, hợp tác và xây dựng năng lực.

Như vậy, với lộ trình cắt giảm thuế quan nhanh và tương đối toàn diện của EVFTA, trong đó lộ trình xóa bỏ thuế quan của EU nhanh hơn lộ trình của Việt Nam, thặng dư thương mại của Việt Nam với EU dự báo sẽ tăng 3% - 5%/năm, sau 3 năm có thể tăng khoảng 10%.

Về lâu dài, khi EU thâm hụt thương mại sâu hơn sẽ có xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là đối với những ngành hàng mà Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh cao, được dự kiến hưởng lợi nhiều từ EVFTA.

Không chỉ vậy, những ngành hàng này được dự báo cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đáng lưu ý là việc phải đáp ứng những đòi hỏi rất cao từ phía khách hàng và EU có thể sẽ tăng hàng rào phi thuế quan đối với sản phẩm nhập khẩu, trong đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sẽ ngặt nghèo hơn nữa.

“Quả ngọt” từ EVFTA

Sau hai năm thực thi EVFTA, phần lớn các cam kết của hiệp định như thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, mua sắm công và cam kết quy tắc trong nhiều lĩnh vực... đều đã được triển khai, bước đầu đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ.

Theo báo cáo từ Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI), từ tháng 8/2020 đến hết tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 83,4 tỷ USD, tăng bình quân 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong sáu tháng năm 2022.

Từ tháng 8/2020 đến hết tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 83,4 tỷ USD, tăng bình quân 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng như: Sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%,...

Một điểm sáng trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU là không chỉ tăng đơn thuần về mặt số lượng mà đã chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản sang một số nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn như mây tre đan, cói, thảm (tăng hơn 50%); các sản phẩm gốm, sứ (tăng hơn 25%); nhóm rau quả, dây điện và dây cáp điện (tăng hơn 15%).

Bên cạnh đó, EVFTA cũng là FTA được các doanh nghiệp biết đến nhiều nhất với khoảng 94% số doanh nghiệp từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau.

Đồng thời, đây cũng là FTA có tỷ lệ doanh nghiệp biết rõ cao nhất, tận dụng hiệu quả nhất các cơ hội khi có tới 41% số doanh nghiệp Việt Nam từng được hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA. Trong đó, lợi ích phổ biến là ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận.

Lưu ý cho doanh nghiệp

Tuy đã đạt được những thành quả tích cực, song xuất khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn còn “bỏ trống” khá nhiều dư địa, thị phần hàng Việt Nam mới chiếm 1% số hàng nhập khẩu của EU. Ngoài ra, vẫn còn gần 60% số doanh nghiệp chưa từng được hưởng lợi từ EVFTA với các lý do phổ biến như: Chưa có giao dịch nào với đối tác EU; không biết lợi ích cụ thể nào của hiệp định để tận dụng... Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong thực thi EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý các điểm sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tăng cường tìm hiểu các cam kết về chính sách cạnh tranh trong EVFTA thông qua các hình thức như thông tin đăng tải trên cổng thông tin điện tử https://fta.moit.gov.vn/, các hội thảo, hội nghị, tập huấn và đào tạo hướng dẫn doanh nghiệp của cơ quan nhà nước; từ đó nâng cao hiểu biết, nắm rõ các nội dung, tuân thủ và thực thi các cam kết về cạnh tranh trong EVFTA.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần nắm rõ quy định về chính sách và pháp luật cạnh tranh các nước thành viên EVFTA trong quá trình hoạt động thương mại, đầu tư trong khuôn khổ hiệp định; điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý có thể gặp phải liên quan tới vấn đề pháp luật cạnh tranh, chống độc quyền khi tham gia hoạt động thương mại trong khuôn khổ EVFTA.

Thứ ba, việc nắm rõ các quy định pháp luật cạnh tranh và cam kết trong EVFTA giúp các doanh nghiệp kịp thời phát hiện, có thông tin đến cơ quan cạnh tranh về dấu hiệu các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường; sử dụng các công cụ pháp lý về cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần chủ động khai thác cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, đầu tư theo Hiệp định; thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cạnh tranh về giá hàng hóa, dịch vụ, tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường EU…