Giúp nông sản Việt 'chinh phục' người tiêu dùng thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam hiện là 1 trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Nông sản Việt cũng đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, cà phê, chè, gạo, bưởi da xanh, chuối, vải thiều... là những mặt hàng đang được đông đảo "khách ngoại" ưa chuộng. Thành quả này có sự đóng góp, hỗ trợ của doanh nghiệp FDI.
Ngày càng có thêm nhiều nông sản mang thương hiệu Việt được thế giới biết đến và ưa chuộng.
Ngày càng có thêm nhiều nông sản mang thương hiệu Việt được thế giới biết đến và ưa chuộng.

Nông sản Việt "ra biển lớn" có phần hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của các doanh nghiệp FDI.

Không thể phủ nhận, tốc độ tăng trưởng sản lượng của khu vực FDI luôn cao hơn khu vực kinh tế trong nước đã góp phần nhất định vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu và tiếp thu một số công nghệ tiên tiến, giống cây, giống con có năng suất, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Có những doanh nghiệp FDI liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp địa phương để tham gia vào quá trình sản xuất, thu mua, chế biến nông sản Việt và xuất khẩu hàng Việt. Doanh nghiệp FDI ít nhiều đã giúp nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới.

"Điểm danh" những nông sản Việt đang "chinh phục" người tiêu dùng thế giới:

Cà phê

Trong 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch XK khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8%. Đến nay, có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị XK trên 2 tỷ USD.

Trong đó, cà phê Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn, đạt trên 3,55 tỉ USD (tăng 31,3% so với cùng kỳ). Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong những niên vụ vừa qua, khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia đứng top đầu thế giới về cà phê. Dự kiến hết năm 2022, xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 3,9 - 4 tỉ USD.

Các thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam bao gồm: Châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh. Tại thị trường châu Âu, Việt Nam là nhà cung ứng cà phê lớn thứ hai sau Brazil (22,2%), chiếm 16,1% thị phần về lượng.

Chè

Khối lượng xuất khẩu chè tháng 11 năm 2022 ước đạt 15 nghìn tấn với giá trị đạt 24 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu chè 11 tháng năm 2022 đạt 121 nghìn tấn và 204 triệu USD, tăng 5,5% về khối lượng và tăng 5,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Giá chè xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2022 ước đạt 1.681 USD/tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Gạo

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11/2022 ước đạt 600 nghìn tấn với giá trị đạt 296 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,69 triệu tấn và 3,24 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam hiện đứng đầu thế giới, đang bỏ cách xa Thái Lan (nước có giá gạo bình quân cao thứ 2) là 23 USD/tấn… Dự báo thị trường gạo cuối năm, các doanh nghiệp cho rằng xu hướng tăng giá sẽ kéo dài đến cuối tháng 12. Sau khi Ấn Độ áp thuế 20% lên toàn bộ gạo xuất khẩu của nước này, thì xuất khẩu gạo của Việt Nam đột ngột tăng mạnh trong tháng 10/2022.

Bưởi da xanh

Mới đây, Hoa Kỳ đã chính thức cấp phép nhập khẩu quả bưởi tươi Việt Nam. Bưởi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, sau quả nhãn, vải, xoài, chôm chôm và vú sữa.

Cuối tháng 11, tại Bến Tre, lô bưởi da xanh Việt Nam 40 tấn được xuất khẩu chính thức sang Mỹ, được vận chuyển cả bằng đường hàng không và đường biển. Trong đó, khoảng 4 tấn bưởi đã được “đi máy bay” sang Mỹ, được phân phối tới các điểm bán lẻ.

Tại các cửa hàng, siêu thị tại nhiều bang khác nhau ở Mỹ, giá bưởi da xanh được niêm yết ở mức 15-22 USD/kg, tương đương 375.000-535.000 đồng/kg. Mức giá này cao gấp khoảng 16-20 lần so với giá bưởi da xanh tại thị trường nội địa.

Vải thiều

Năm 2022, vải thiều Việt Nam được dự báo là được mùa với sản lượng khoảng 320.000 tấn. Tại vùng vải thiều lớn nhất cả nước Bắc Giang, diện tích trồng vải ước tính là 28.300 ha với sản lượng vải thiều dự kiến khoảng 180.000 tấn. Tỉnh Hải Dương có khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 60.000 tấn. Trong đó 100% diện tích trồng vải được hai tỉnh này định hướng theo quy trình sản xuất sạch an toàn.

Hiện nay, sản phẩm vải thiều không chỉ nổi tiếng trong nước mà quả vải thương hiệu Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương)... đã được xuất trên 30 quốc gia vùng lãnh thổ.

Chuối

Theo thông tin từ Hải quan Nhật Bản thì sản lượng nhập khẩu chủng loại trái chuối của nước này trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 728.700 tấn, trị giá 80,2 tỷ Yên (tương đương 539,3 triệu USD), giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Điều đáng nói là, trong khi nhập khẩu trái chuối từ các thị trường chính đều giảm về lượng, nhập khẩu từ Việt Nam, Peru, Indonesia, Thái Lan và Lào lại tăng trong 8 tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, nhập khẩu trái chuối từ Việt Nam đạt 5.700 tấn, trị giá 687,9 triệu yen (tương đương 4,6 triệu USD), tăng 20,1% về lượng và tăng 37,7% về trị giá so cùng kỳ năm 2021.

Theo tính toán của Hải quan Nhật Bản thì giá chuối nhập khẩu bình quân đạt 110.000 yen/tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Từ số liệu này và quan sát thị trường chung, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, một trong những yếu tố quan trọng để thị trường Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu trái cây Việt Nam là quy trình sản xuất, bảo vệ thực vật phải đạt chứng nhận an toàn quốc tế. Cùng với đó, vùng nguyên liệu phải được cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói. Người tiêu dùng tại Nhật Bản không để ý quá nhiều đến giá cả. Họ lựa chọn vì chất lượng sản phẩm và sản phẩm đó có ngon hay không.

Nhật Bản là một thị trường "khó tính" nhưng khi đã chinh phục được thị trường này, hoa quả Việt Nam trong đó có chuối, đủ uy tín để vào các thị trường khác thuận lợi hơn.