Thúc đẩy doanh nghiệp đưa hàng Việt vào kênh bán lẻ tất cả các quốc gia có FTA

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mục tiêu hỗ trợ trên 10.000 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; phấn đấu đến năm 2030, hàng hóa Việt Nam có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu đưa hàng Việt có mặt ở kênh bán lẻ tất cả các quốc gia có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), rất cần có vai trò của công tác xúc tiến thương mại.
Để thực hiện mục tiêu đưa hàng Việt có mặt ở kênh bán lẻ tất cả các quốc gia có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), rất cần có vai trò của công tác xúc tiến thương mại.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030. Đề án nêu rõ, phấn đấu đến năm 2030, hàng hóa Việt Nam có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Hỗ trợ hơn 10.000 sản phẩm Việt trực tiếp vào kênh bán lẻ nước ngoài

Đề án nhằm mục tiêu phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn, khuyến khích doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài.

Đề án đưa ra mục tiêu hỗ trợ về thông tin thị trường cho 20.000 lượt DN; hỗ trợ về đào tạo, tư vấn cho 15.000 lượt DN nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hỗ trợ 5.000 lượt DN xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; tổ chức 10.000 lượt kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài.

Hỗ trợ trên 10.000 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; phấn đấu đến năm 2030, hàng hóa Việt Nam có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Đề án phối hợp với các tập đoàn phân phối, chuyên gia tư vấn hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, DN phát triển từ thương hiệu của các nhà phân phối, phát triển lên thương hiệu chung và tiến tới phát triển thương hiệu riêng trong hệ thống phân phối.

Hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tại thị trường quốc tế và phối hợp với các tập đoàn phân phối quảng bá, nâng cao hình ảnh hàng Việt Nam. Truyền thông ra nước ngoài về hình ảnh Việt Nam là nguồn cung ứng chất lượng và đáng tin cậy... Xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy DN nước ngoài xây dựng chiến lược thu mua bền vững với thị trường Việt Nam.

Đề án triển khai hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu xanh - sạch; khuyến khích chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất; thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất như tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất (đặc biệt là những ngành nông thủy sản) nhằm hướng đến quá trình sản xuất hợp lý, tiết kiệm và thân thiện với môi trường;

Tận dụng tối đa các FTA đã có hiệu lực giữa Việt Nam và đối tác; đàm phán đẩy quá trình mở cửa thị trường dành cho những mặt hàng nông thủy sản, tạo tiền đề cho việc đưa các sản phẩm của Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài.

Cuối năm 2025, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá giữa kỳ việc triển khai Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có những điều chỉnh cần thiết cho giai đoạn sau. Cuối năm 2030, tiến hành đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện Đề án.

Đánh giá về tầm chiến lược của đề án, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đề án đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; khuyến khích DN Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài.

Trái Thanh long Việt Nam trên kệ siêu thị Nhật.

Trái Thanh long Việt Nam trên kệ siêu thị Nhật.

Nỗ lực đổi mới, tăng cường xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu

Để thực hiện mục tiêu đưa hàng Việt có mặt ở kênh bán lẻ tất cả các quốc gia có ký kết hiệp định thương mại (FTA), rất cần có vai trò của công tác xúc tiến thương mại.

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã nỗ lực đổi mới phương thức triển khai để kết nối, đưa hàng Việt ra nước ngoài.

Cụ thể, trong thời kỳ dịch COVID-19 khi điều kiện di chuyển trong nước và quốc tế bị gián đoạn bởi biện pháp giãn cách xã hội, đơn vị đã lên kế hoạch, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan của các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội DN để nỗ lực nghiên cứu, ban hành kịp thời cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Phương thức mới dựa trên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối người tiêu dùng thông qua môi trường số, thương mại điện tử...

Trong thời gian tới, vị Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục thay đổi thích ứng linh hoạt với nhu cầu thị trường trong nước cũng như cơ hội thị trường quốc tế.

Bộ Công thương và các bộ, ngành sẽ quan tâm đến việc hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tại thị trường quốc tế và phối hợp với các tập đoàn phân phối quảng bá, nâng cao hình ảnh hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế; đưa thông điệp về hình ảnh Việt Nam là nguồn cung ứng chất lượng và đáng tin cậy...

Thực tế, hiện nay Việt Nam đang có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng quốc tế, khi ngày càng nhiều các đơn hàng nông thủy sản được xuất khẩu. Tính đến hết tháng 11/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch XK khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8%. Đến nay, có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị XK trên 2 tỷ USD.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030. Bộ Công Thương sẽ nỗ lực hỗ trợ các DN, thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường đưa các mặt hàng nông thủy sản vào các siêu thị và hệ thống phân phối của nước ngoài.

Đọc thêm