Gã bác sỹ đông y 'rởm' lừa hơn 5 tỷ đồng của 'bệnh nhân”

(PLO) -Tiến là người có hiểu biết về đông y. Tuy nhiên,Tiến không dùng những kiến thức đó để giúp đỡ người khác, ngược lại, anh ta lại lợi dụng sự tin tưởng của “bệnh nhân”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ. Với hành vi này, Tiến bị tuyên 18 năm tù.
 
Bị cáo Tiến tại tòa
Bị cáo Tiến tại tòa

TAND TP Hà Nội vừa đưa Bùi Văn Tiến (SN 1979, ở thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) ra xét xử sơ thẩm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là 11 “bệnh nhân”, người quen… của anh ta.

Từ lừa “bệnh nhân”

Nguyễn Văn Tiến sinh ra và lớn lên ở thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Quá trình sinh sống ở đây, anh ta biết được một số kiến thức đông y để trị bệnh. Tiến không được đào tạo bài bản để có thể hành nghề trị bệnh cứu người. Thế nhưng, anh ta thường tự giới thiệu với nhiều người mình đang công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Việt Nam, Bệnh viện 19/8 – Bộ Công an, là chủ một cửa hàng y dược mang tên Tiến Đức ở đường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để tạo lòng tin, chiếm đoạt tiền của nhiều người.

Tài liệu điều tra thể hiện, năm 2015, anh Huỳnh Văn Chiến (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) gặp phải vấn đề sức khỏe liên quan tới gan. Biết chuyện, bạn bè của anh Chiến bảo tới gặp Tiến điều trị đông y xem như nào. Bởi theo lời giới thiệu của bạn bè anh Chiến, họ thấy nhiều người nói Tiến có nghề thuốc đông y. Với tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, anh Chiến cũng tranh thủ thời gian, tới khu vực Tiến ở quận Bắc Từ Liêm để lấy thuốc.

Quá trình tiếp xúc với “bệnh nhân” Chiến, Tiến nói với khách hàng bài thuốc anh ta bốc rất hiệu nghiệm, đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người công tác trong ngành Công an. Bên cạnh đó, Tiến còn “nổ” có thể lo nâng điểm thi vào các trường công an, học ngành ngoài vào làm việc trong ngành này. Nghe Tiến nói vậy, anh Chiến nhớ tới những đứa cháu quen biết của mình đang có nhu cầu xin học, xin việc trong ngành Công an nên ngỏ lời hỏi xem vị bác sỹ đông y có giúp gì được không. Biết “con mồi” đã “cắn câu”, Tiến giả lả “một hai ngày sau sẽ trả lời”.

Hai hôm sau, bác sỹ đông y rởm gọi điện cho anh Chiến nói rằng mình có thể lo được, nếu đồng ý thì chuẩn bị tiền và hồ sơ ngay. Theo đó, Tiến tự đưa ra mức giá với anh Chiến là học cao học tại Học viện Cảnh sát nhân dân giá 55 triệu đồng vào, học tại Trung cấp Cảnh sát giá 100 triệu đồng vào, học ngành ngoài tuyển dụng vào công an giá 300 triệu đồng.

Những người cháu quen biết của anh Chiến đồng ý và đưa 455 triệu kèm hồ sơ cho chú. Số tiền này sau đó được anh Chiến mang tới đưa cho Tiến để xin học cho các cháu của mình. Nhận tiền, Tiến viết giấy biên nhận, đồng thời cam đoan 1 tháng sau sẽ lo được việc. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền xong, Tiến không thực hiện như cam kết mà đem trả nợ và tiêu xài cá nhân hết.

Cũng qua bạn bè giới thiệu, anh Nguyễn Văn Hiệp (ở quận Đống Đa, Hà Nội) tìm tới Tiến để bốc thuốc đông y. Cũng với chiêu bài khoe khoang, “nổ” có nhiều quan hệ với lãnh đạo trong ngành Công an, có thể xin học, xin việc cho nhiều người vào ngành này, Tiến đã “gieo” vào lòng anh Hiệp về việc có thể xin cho bạn vị khách này vào làm giáo viên tại Khoa Quân sự võ thuật của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I với giá 400 triệu đồng.

Tin tưởng, anh Hiệp đã cầm 200 triệu đồng của bạn tới gặp Tiến để nhờ vả mà không biết số tiền trên được người cầm sử dụng để trả nợ và tiêu xài cá nhân hết. 

… đến lừa đối tác

Anh Chiến, anh Hiệp chỉ là hai trong số 6 người bị Tiến lừa đảo, chiếm đoạt tiền thông qua hình thức xin việc, chạy học vào ngành Công an. Ngoài việc lừa đảo “bệnh nhân” trên, vị bác sỹ đông y rởm còn có hành vi lừa đảo những người quen biết thông qua việc góp vốn kinh doanh lô hàng thuốc y với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng.

Tài liệu điều tra thể hiện, Tiến có em trai làm trong lĩnh vực xây dựng. Khoảng năm 2010, em trai Tiến có nhận sửa chữa lại mái tôn nhà chị Trần Thị Thúy Hằng. Công việc đã hoàn tất song Tiến vẫn giữ mối liên lạc với chị Hằng. Để rồi cuối năm 2015, Tiến đến nhà khách hàng cũ chơi. Quá trình trò chuyện, Tiến nói với chị Hằng mình là chủ nhà thuốc đông dược “Tiến Đức” chuyên kinh doanh thuốc đông dược, có xưởng sản xuất lấy ép lá thuốc thành cao và ký hợp đồng cung cấp cao khô tầm gửi chữa bệnh gút vào Bệnh viện Y học cổ truyền Việt Nam với lợi nhuận rất cao nhằm mục đích lôi kéo nữ chủ nhà góp vốn sản xuất cao cùng mình. 

Thấy Tiến nói 20 ngày nấu xong một mẻ cao, được lãi 10% trên tổng số tiền góp vốn cộng với việc được xem bản hợp đồng góp vốn của anh ta với bệnh viện, chị Hằng đã tin tưởng, ký biên bản thỏa thuận góp vốn kinh doanh dược liệu số tiền 500 triệu đồng.

Cùng thời gian này, Tiến tình cờ quen biết với anh Lưu Văn Biên (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội). Từ lúc quen biết nhau, Tiến thường xuyên tới chỗ anh Biên đang theo học rủ người bạn mới đi ăn nhậu, uống cà phê. Khi đã trở nên “thân thiết” nhau, Tiến rủ anh Biên cùng góp vốn kinh doanh với mình. Do đã được đến hiệu thuốc đông dược “Tiến Đức” của Tiến nên anh Biên tin tưởng, góp 700 triệu đồng cùng kinh doanh. Ngoài ra, anh Biên còn cho “đối tác” của mình vay 250 triệu đồng. Nhận tiền xong, Tiến không thực hiện kinh doanh như hứa hẹn mà chi tiêu, trả nợ hết.

Cơ quan chức năng xác định từ tháng 5/2015 đến tháng 11/2015, Tiến đã chiếm đoạt của 11 người ở Hòa Bình và Hà Nội tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Trung tuần tháng 11, TAND TP Hà Nội đưa Tiến ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại tòa, Tiến cố gắng bao biện cho hành vi sai trái của mình, đồng thời xin HĐXX xem xét. Kết thúc phiên tòa, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên Tiến 18 năm theo đúng tội danh bị truy tố. Tòa cũng buộc Tiến phải trả lại tiền cho các bị hại.

Đọc thêm