Gà thải Trung Quốc lộng hành “dìm giá“ gà ta

(PLO) - Người dân xã Tân Hòa (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) có câu ví von “gà mổ sổ đỏ” để nói về tình trạng điêu đứng càng nuôi gà càng lỗ. Một trong những nguyên nhân chính là do tình trạng gà thải loại Trung Quốc nhập lậu ồ ạt, giá quá rẻ khiến gà ta không bán nổi.
Ngoài trông vào đồng ruộng, nhiều năm nay người dân xã Tân Hòa còn đầu tư chăn nuôi, trong đó thôn U luôn “đi đầu tiên phong”. Trưởng thôn Nguyễn Văn Định cho biết, trước khi cả làng ồ ạt chăn gà, người dân đã từng một phen điêu đứng với nuôi lợn. 
Thời điểm những năm 2000, nhà nào cũng đầu tư chăn lợn. Khi gặp dịch bệnh, lợn chết nhiều, thua lỗ, người dân chuyển sang nuôi gà. Để có vốn chăn nuôi, người ta nối nhau mang sổ đỏ đến ngân hàng vay lãi. “Ban đầu chỉ có ít hộ đem sổ đỏ đến ngân hàng thế chấp. Thấy lãi suất thấp, lại vay được lâu dài nên nhiều hộ làm theo, hiện gần nửa hộ dân trong thôn thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng”, ông Định nói.
Thế chấp sổ đỏ nuôi gà
Mỗi lần đến kỳ trả lãi ngân hàng, cả làng nhốn nháo đi vay tiền. Một số hộ có khả năng mang sổ đỏ về, nhưng cứ rút ra, họ “quay vòng” vay tiếp đầu tư vào nuôi gà, hi vọng giá gà lên.
“Hôm qua không cho đàn gà ăn, nó đói, phá lưới bay ra mổ toang cái sổ đỏ”, anh Nguyễn Văn Kiên (40 tuổi) tự trào. Gần 10 năm nay sổ đỏ nhà anh “yên vị” ở ngân hàng để lấy vốn nuôi gà. Ban đầu chăn nuôi nhỏ lẻ vì vốn ít, khi bán thấy lãi nhiều, nhà nhà đều mở rộng quy mô. Nhớ lại dịp Tết năm 2012, anh xuýt xoa tiếc nuối: “Năm đó giá gà đắt chưa từng thấy, lên đến 84 ngàn đồng/kg. Tôi chăn gần nghìn con gà thịt, bán “cháy chuồng”, trừ chi phí vẫn lãi hơn trăm triệu”.
Một nông dân bên đàn gà đến ngày xuất mà “cho không ai lấy”.
Một nông dân bên đàn gà đến ngày xuất mà “cho không ai lấy”.
Chuyện vui ấy chỉ còn trong quá khứ. Sau khi trúng đậm, cả làng lại thi nhau mở rộng chuồng trại, mua thêm giống. Ngay cả những nhà chưa chăn gà bao giờ cũng đầu tư “hoành tráng”. Các đại lí cám và thuốc thú ý cũng mọc lên nhan nhản, sẵn sàng đầu tư. “Họ cho mua chịu tiền cám, tiền thuốc, khi bán gà thì thanh toán một thể”, anh Kiên nhớ lại.
Từ cuối năm 2013, giá gà sụt giảm, các hộ chăn nuôi rơi vào tình trạng thua lỗ. Lứa gà chăn bán Tết vừa rồi, nhà nào cũng lỗ ít nhất 20 - 30 triệu đồng. Nhà chăn nhiều lỗ đến gần 100 triệu. 
Người làng chủ yếu chăn giống gà mía để bán thịt. Giá gà phải 50 - 55 ngàn đồng/kg mới hòa vốn, nhưng hiện tại thương lái chỉ trả 40 ngàn đồng/kg, có khi xuống đến 32 ngàn đ/kg. Nhiều hộ tiếc không nỡ bán, cố để lại chăn thêm, đợi giá lên. Tuy nhiên đợi mãi không thấy giá tăng, càng để càng lỗ thêm tiền cám. Đến nay thì bán cũng chẳng ai mua: “Nhà tôi nuôi gần 1000 gà, mỗi ngày cho ăn hết 1,3 triệu tiền cám. Hôm qua vừa gọi điện mà thương lái nói ế lắm, không bán được nên không mua. Trước kia chẳng cần gọi điện, họ vẫn đánh cả ô tô đến gạ bắt”, anh Kiên ngao ngán.
Gà thải loại từ Trung Quốc là “thủ phạm”?
Các hộ dân chăn gà lao đao đồng nghĩa các đại lí phân phối cám, thuốc thú y và cả các trại ấp gà giống cũng “chết chùm” theo. Ông Nguyễn Văn Quyên, chủ đại lí cám không ngừng than thở: “Gà không bán được, người chết đầu tiên là chúng tôi. Toàn bộ các hộ chăn nuôi trong làng đều được các đại lý đầu tư cám. Trong khi các công ty cám không cho chúng tôi chịu tiền dù chỉ một bao, còn người dân thì chúng tôi vẫn bán chịu toàn bộ”. Không biết bao giờ các đại lý cám mới lấy lại được tiền đầu tư vào các hộ chăn nuôi. “Nhà đọng ít là 30 triệu đồng, nhà đọng nhiều hơn 200 triệu đồng”, ông Quyên cho biết.
Nông dân nuôi gà lỗ vốn, trại ấp trứng, đại lý thức ăn chăn nuôi cũng “chết chùm”.
Nông dân nuôi gà lỗ vốn, trại ấp trứng, đại lý thức ăn chăn nuôi cũng   “chết chùm”.  
Lao đao không kém là các hộ cung cấp gà giống. Trại ấp trứng của chị Đồng Thị Hường (42 tuổi) mới đầu tư thêm máy ấp hơn 20 triệu, giờ “trùm mền”. Nhà chị Hường theo nghề này từ hơn chục năm nay. Trước kia chị chỉ ấp thủ công, nhưng từ năm 2013, thấy nhu cầu chăn nuôi của các hộ dân trong vùng lên cao, chị quyết định mua máy ấp về. “Trước kia làm theo đơn đặt hàng nên rất yên tâm. Mỗi ngày ra hàng vạn gà giống, mà ra mẻ nào hết ngay mẻ đó”, chị Hường nhớ lại.
Về nguyên nhân giá gà sụt giảm, theo người dân, do hộ nào cũng chăn nuôi gà rồi mở rộng quy mô nên nguồn cung vượt hơn cầu, giá gà sụt giảm. “Thôn U chăn nuôi mạnh nhất, các thôn khác và các xã khác cũng học tập theo. Ngay cả việc cắm sổ đỏ lấy vốn nuôi gà, các xã bên cũng làm tương tự. Giờ thì cả vùng, ở đâu cũng rơi vào tình trạng “gà mổ sổ đỏ” như dân thôn tôi”, Trưởng thôn chia sẻ.
Một nguyên nhân chính khác, từ năm 2013 đã xuất hiện gà thải loại nghi là từ Trung Quốc được nhập lậu vào nước ta. Loại gà này lại bán với giá rẻ, thịt sẵn nên làm giá gà nuôi trong nước bị giảm theo. “Người tiêu dùng cứ ham đồ rẻ, không cần biết xuất xứ từ đâu ra. Không những thế, nhiều nơi còn nhập lậu giống gà Trung Quốc, cám Trung Quốc về chăn, chi phí rẻ nên bán ra cũng rẻ. Gà của chúng tôi cũng bị đánh đồng, rồi bị thương lái ép giá”, một người dân nói.
Hiện chỉ còn lác đác ít hộ chăn gà, nhưng người ta luôn thắc mắc tại sao giá gà vẫn không hề tăng? .Nhiều hộ chăn nuôi lo ngại, nếu không siết chặt việc gia cầm nhập lậu thì chỉ sau 2 - 3 tháng nữa sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, giá cả sẽ tăng vọt, nhập lậu gia cầm sẽ tràn lan. Nghịch lý ở chỗ dự đoán trước được như vậy mà không thể làm gì. Hiện giá con giống đã xuống rất thấp, nhưng vốn đã hết, nợ nần ngập đầu, tiền đâu chăn nuôi?

Đọc thêm