Người phụ nữ ấy, dù quá khứ có nhuốm bùn đen nhưng khi đã thoát ra chị vẫn xứng đáng được xã hội trân trọng. Để những người chung cảnh ngộ thấy được rằng, bắt đầu lại cuộc đời không khi nào là muộn.
Vết sẹo tuổi thơ
Nó đã từng là một cô gái đẹp trong tất cả đám người khác giới. Cái đẹp ẩn chứa trong con người nó mang chất hoang dại, ma mị và chẳng thiếu sự mưu toan. Số phận trao cho nó nhan sắc, cuộc sống va vấp dạy cho nó trưởng thành và bài học đầu đời của kẻ nghèo hèn như nó là giá trị đồng tiền và sự tráo trở phũ phàng. Khi nhận ra giá trị của nhan sắc sở hữu, nó bắt đầu dùng sự ưu ái đó để toan tính cho cuộc đời.
Nhưng người tính chẳng bằng trời tính, sự toan tính đầu đời của nó vấp ngay phải ghềnh thác, đánh dấu sự tụt dốc của một đời hồng nhan. Trải qua hết sai lầm này tới sai lầm khác, chẳng biết trách ai, nó đổ lỗi cho số phận đã quá khắc nghiệt với mình. Khi cuộc sống tưởng chừng chẳng còn cơ hội, trong đêm đen cuộc đời nó chợt bừng tỉnh khi chứng kiến cái kết của một hồng nhan bạc phận như nó.
Giờ nó lại ước mơ, khao khát một cuộc sống giản dị như bao người phụ nữ khác. Để được nếm trải, cảm nhận một chỗ dựa vai, một lời an ủi và một hạnh phúc giản dị trong mái ấm gia đình. Điều mà nó đã đánh đổi cả tuổi thanh xuân để kén chọn, kiếm tìm ttrong tham vọng. Cũng may, ông trời đã không tuyệt tình với nó. Cuối cùng thì cũng có một người đàn ông đến bên đời, không cùng quốc tịch, bất đồng ngôn ngữ và không biết cái quá khứ của nó đã trải qua. Lấy được tấm chồng nhưng phải xa quê hương để có được hạnh phúc.
|
Cuộc đời cô gái nhỏ cũng giống như đóa hoa xuyên tuyết, cô đơn giữa giá buốt cuộc đời |
Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại miền quê nắng lửa thuộc tỉnh Nghệ An, N.T. Thủy là chị cả trong gia đình có 3 cô con gái. Bố là người địa phương, thời thanh niên lưu lạc mưu sinh gặp mẹ nó ở Nam Định. Tình yêu nảy sinh, sau đám cưới bố dắt mẹ về quê sinh sống, Thủy ra đời sau ba năm của kết quả tình yêu ấy.
Khi Thủy sinh ra, cha mẹ nhờ khéo chèo chống nên nhà đã có của ăn, của để. Do đó, nó lớn lên trong thời kỳ bao cấp mà chẳng phải chịu đói khổ, thiếu thốn như bao đứa trẻ khác trong làng. Tới khi chập chững tới trường cũng đánh dấu mốc thời gian đất nước xóa bỏ bao cấp, chính sách mở cửa được áp dụng, bố Thủy theo trào lưu rời làng đi buôn làm giàu.
Bố vốn là trưởng nam của dòng họ trong làng, bởi vậy khi Thủy trào đời đã trái với ước nguyện của cả dòng họ. Tới khi đứa em thứ hai trào đời vẫn là “vịt giời”, cuộc sống của mẹ con nó bắt đầu đảo lộn. Họ hàng chê trách, người làng trêu chọc khiến bố nó từ một người cha mẫu mực, chăm lo cho gia đình bắt đầu lao vào rượu chè, cờ bạc để quên đi nỗi buồn bực của một trưởng nam.
Cứ tối tối, bố lết về nhà trong tình trạng “chân nam đá chân chiêu”, xả cơn buồn bực lên đầu mẹ con nó với những lời càu nhàu, trách móc. Khi bố trở thành đệ tự của “lưu linh”, căn nhà bình yên đó dần biến thành địa ngục bởi những lời chửi bới thô tục, với những trận đòn toi trút lên người mẹ con nó. Cũng bắt đầu từ đó, của nả trong nhà dần đội nón ra đi theo những năm tháng đêm cờ bạc, ngày rượu chè của bố.
Tới lúc sạch bách, mẹ bắt đầu phải bước chân ra đồng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhẫn nhịn chăm chồng, nuôi con, sống trong đòn roi cũng mặc cảm chẳng làm tròn bổn phận của một dâu trưởng. Cố tới lần thứ ba với bao mong muốn, hy vọng, đứa bé sinh ra vẫn là con gái. Cám cảnh cuộc đời, mẹ bế em về quê sinh sống, bỏ lại hai chị em nó cho ông bố nát rượu trong căn nhà giờ chỉ còn cái xác.
Mẹ đi biệt tích chẳng quay lại, có thể coi hai chị em nó từ đó mồ côi mẹ. Từ ngày mẹ đưa em đi, hai chị em nó ở lại thay mẹ làm cái “bia” cho bố trút giận. 10 tuổi, Thủy theo các dì, các mợ trong làng vác cuốc ra đồng làm công việc của người lớn. Trong cái nắng oi ả của miền Trung gió Lào, một đứa bé vác cuốc men theo bờ ruộng đi trên những cánh đồng như những người phụ nữ thuần nông trưởng thành khác.
Cán cuốc dài hơn người, ngày hai buổi cặm cụi sáng chiều dầm mưa dãi nắng kiếm gạo nuôi em, kiếm tiền đổi rượu cho bố. Thủy nghỉ ở nhà ra đồng kiếm cái ăn cho cả gia đình nhường em đi học. Ngày đổ mồ hôi bên ruộng lúa, tối về lại nghe ông bố nát rượu càu nhàu, mắng chửi. Cuộc sống lao động vất vả, cơm chẳng đủ ăn, bữa no bữa đói nhưng Thủy cứ lớn phổng phao trông thấy. Thân hình mang chiều cao của bố, khuôn mặt thanh tú, xinh đẹp của mẹ. Cuộc sống cứ như thế lặng lẽ trôi qua như cái sự lặng lẽ chấp nhận, cam chịu của đứa trẻ chẳng có phút hồn nhiên của tuổi thơ.
Ước mộng đổi đời
Tuổi 15, Thủy đẹp nét đẹp của thiếu nữ trăng rằm đầy cuốn hút. Cái nắng lửa, ruộng đồng chẳng thể làm nhòe đi cái nét đẹp ngày càng hiện hữu. Và vẻ đẹp đó bắt đầu thu hút những thanh niên khác giới như một bông hoa chứa đầy mật ngọt dụ dỗ bầy ong. Đám trai làng lao vào tán tỉnh, thi nhau tô vẽ một cuộc sống tương lai đầy màu sắc nhằm dụ dỗ nó. Ở cái tuổi định hình tính cách lại thiếu vắng người mẹ bên cạnh chỉ bảo, dìu dắt, chia sẻ nên thứ tình cảm ở tuổi mới lớn này với nó là lạ lẫm, chẳng biết phải làm sao cho đúng.
Vốn lớn lên trong sự đầy đủ, vì hoàn cảnh đưa tới khiến nó chưa kịp cảm nhận hết đã phải bước vào cuộc mưu sinh, chân lấm tay bùn khi tuổi đời vẫn ở thời ngây thơ. Vậy nên trong thâm tâm nó luôn muốn có một cuộc sống đủ đầy như trước kia. Nên với đám trai làng nghèo khó tới nhà hàng ngày cũng chẳng làm Thủy để mắt tới. Nó muốn tìm một chàng hoàng tử như truyện cổ tích, nó muốn thoát nghèo. Còn một lý do nữa luôn nhảy múa trong tâm trí nó, đó là ngày trước tận mắt chứng kiến cảnh bố đối xử với mẹ bằng đòn roi, chửi bới khiến trong thủy luôn có chút e ngại, sợ sệt với những người đàn ông khác.
|
Ảnh minh họa |
Ngày đó nó hiểu rằng muốn có cuộc sống tốt hơn thì phải có tiền và là con gái như nó thì có quyền lựa chọn bởi nó có nhan sắc. Nó nhận ra cái ưu thế mà bản thân đang sở hữu nhờ đám trai làng đua nhau tán tỉnh, xếp hàng mang quà tới nhà. Qua phim ảnh, nó biét thế giới còn bao la, nhưng cứ ru rú mãi nơi xó làng thì chẳng biết lúc nào cơ hội mới tới. Lúc này nó cũng có ước mơ, Thủy muốn một tương lai đầy đủ, một người chồng giàu sang yêu mình.
Cho tới một ngày, người bạn cũ ngày xưa buôn bán cùng với bố tới chơi nhà. Nhận thấy ưu điểm của Thủy nên có đề nghị bố nó cho ra thành phố Vinh bán hàng thuê. Với số tiền lương hàng tháng đủ cho cả năm cặm cụi bên cánh đồng. Vì vậy, chẳng cần biết Thủy nghĩ gì, bố nhận lời, nhận tiền để nó ra đi. Thủy rời xa mái nhà, rời làng chỉ đơn giản như thế. Chân bước đi mang theo chút lo lắng xen lẫn sự vui mừng bởi giờ nó có thể thực hiện giấc mộng về tương lai tươi sáng.
Thành phố xô bồ, đông đúc, xe cộ chen chúc nhau qua lại, những ngôi nhà tầng xan xát nhau làm Thủy lạ lẫm, choáng ngợp. Đây là lần đầu tiên Thủy rời làng, lần đầu tiên nó đi xa đến vậy. Theo người bạn của bố về nhà, sáng hôm sau Thủy theo bác ra chợ phố bán quần áo. Bạn của bố nhờ làm ăn buôn bán thuận lợi nên khá giả, có căn nhà mặt phố chính ba tầng bên trong không thiếu thứ gì. Bác có một con trai hơn Thủy 3 tuổi tên Nam. Là con một, nhà lại có tiền nên được cưng chiều hết mức. Bởi thế, Nam ở nhà luôn là một đứa con ngoan ngoãn nhưng ra đường nó lại biến thành một dân chơi thực thụ.
Ngoài giờ ra chợ trông hàng, Thủy về đó lại dọn dẹp, nấu nướng phục vụ mọi người như người giúp việc. Chỉ sau thời gian ngắn tiếp xúc với thành phố, lại làm việc trong cái chợ to nhất nơi đây khiến Thủy mở mang suy nghĩ, tầm mắt rất nhiều. Rồi bắt đầu có sự thay đổi nhanh chóng trong cách ăn mặc, đầu tóc và cả cách giao tiếp với mọi người xung quanh. Với ngoại hình cao ráo, xinh xắn, đi tới đâu cũng có người chú ý, ngắm nhìn và Nam cũng chẳng ngoại lệ.
Hành trình sa ngã
Cậu ấm dân chơi đang vào tuổi yêu cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cuốn hút của Thủy và lao vào như con ong mật rình rập nhụy hoa. Nhất cự ly, nhì tốc độ, thế rồi “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, trai đang tuổi yêu, gái ở độ mơ mộng dậy thì, chẳng mất bao thời gian cho đôi trẻ quấn quýt lấy nhau. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến.
Trong một đêm cùng Nam tham gia buổi tiệc sinh nhật một người bạn, chén rượu ép có chủ ý làm Thủy chuếnh choáng, mất kiểm soát. Đêm đó, nó mất đời con gái với Nam trong khách sạn. Khi đó, nó còn chưa đủ 16 tuổi, vừa mới chỉ xa làng được 3 tháng. Kể từ đó cứ có thời cơ là chúng lại sán vào nhau. Bận mải mê trong cảm giác mới mẻ của tình yêuu mang lại, Thủy đâu biết rằng mọi sự thay đổi từ hành động, cử chỉ của chúng nào thoát khỏi tầm quan sát của người lớn. Bố mẹ Nam luôn muốn con học hành nên sự nghiệp, công danh rồi mới lấy vợ, sinh con. Và dĩ nhiên, con dâu họ chọn phải xứng đôi vừa lứa chứ chẳng thể là một con bé người làm, nghèo kiết xác như Thủy.
Biết con trai có tình cảm với con bé giúp việc nhưng họ cũng mặc kệ, chỉ nghĩ đó là phút nông nổi nhất thời của tuổi trẻ. Tới ngày Nam thi đỗ đại học ngoài Hà Nội, ngày lên tàu ra thành phố nhập học, chúng bên nhau cả đêm, chẳng thiếu lời hứa hẹn đợi chờ lúc chia xa. Nam đi, Thủy ở nhà vẫn hàng ngày ra chợ bán hàng, không biết rằng bên trong mình đang hình thành một sinh linh nhỏ bé, đù lúc này bản thân Thủy cũng chưa đủ trưởng thành. Sang đến tháng thứ 3 ở thời kỳ mang thai, bố mẹ Nam phát hiện. Khi biết chính xác đố là tác phẩm do cậu con trai quý tử gây ra, bố mẹ Nam ngầm bàn cách, tính toán, giải quyết hậu quả.
Biết ở lúc này Thủy mới chỉ gần 16 tuổi, đang ở tuổi vị thành niên, nếu sự việc lộ ra ngoài thì cậu con trai có thể phải đứng trước “vành móng ngựa” và như thế việc học hành tương lai của cậu coi như đổ sông, đổ biển. Bởi vậy mẹ Nam đã nhốt Thủy trong nhà, rồi dùng đủ lời ngọt nhạt khuyên nhủ, hứa hẹn để Thủy chịu phá cái thai đang nằm trong bụng. Tránh ảnh hưởng tới con trai của họ. Cả tin trước lời hứa ngon ngọt của gia đình Nam, Thủy đã ngoan ngoãn chấp nhận hy sinh vì tình yêu mới lớn đầu đời mà nó đang tôn thờ.
Khi mọi việc xong xuôi, mục đích của gia đình Nam đã đạt được rồi thì họ phủi tay, thay đổi thái độ với Thủy đến chóng mặt. Họ ngầm muốn tống khứ nó đi cho êm xuôi, tránh ảnh hưởng tới tương lai của cậu con trai quý tử. Cuộc sống ngày tháng tiếp theo của Thủy trong căn nhà đó là chịu đủ lời miệt thị, khinh bỉ và đủ hành động, thái độ ghét bỏ. Đối với mẹ Nam, Thủy chỉ là đứa người làm, con ô sin không hơn không kém thì làm sao xứng với con trai bà. Rồi khi sự chịu đựng, nhẫn nhịn vượt qua giới hạn, Thủy liên lạc với Nam, lên tàu, ra thành phố nơi Nam đang học. Bước vào một hành trình mới, ngày càng xa làng quê, xa mái nhà.
Vốn là cậu con quý tử, ra phố theo học, Nam được bố mẹ chu cấp đầy đủ cho bằng bạn, bằng bè. Bố mẹ thêu cho Nam nhà riêng gần trường, thêm chiếc xe máy đúng mốt cho tiện đi lại. Đón Thủy từ ga về, hai đứa ở với nhau như vợ chồng, giống mốt sống thử của đám thanh niên thành thị. Xa sự kìm kẹp của gia đình, vốn tính chơi bời, đua đòi, Nam như con chim sổ lồng, tha hồ bay nhảy, vùng vẫy. Với những đồng tiền được bố mẹ chu cấp thoải mái, Nam tiếp cận được thoái hư tật xấu của đám dân chơi thành thị một cách nhanh chóng.
Ngày trốn học, đêm đua xe, đánh nhau, tụ tập vũ trường, quán bar bay lắc cùng nhóm bạn lêu lổng. Cuối cùng Nam sa vào Heroin theo dân chơi thời bấy giờ. Sống cùng Nam, Thủy tận mắt chứng kiến mọi thứ, đón nhận tát cả vì lỡ trao gửi cả cuộc đời cho nó. Nhìn Nam ngày càng lún sâu vào ma túy, Thủy cũng chỉ biết im lặng chịu đựng chứ chẳng chẳng thể làm gì. Bởi lúc này cuộc sống của nó như cây tầm gửi, sống ký sinh vào sự bao bọc của Nam.
Qua thời gian, Thủy phát hiện rằng bên cạnh Nam, ngoài mình ra còn rất nhiều người phụ nữ khác. Nam vừa nghiện ngập chơi bời còn là một kẻ trăng hoa, sở khanh, khốn nạn. Nhờ những đồng tiền thừa thãi gia đình chu cấp mà bên cạnh nó có đầy đủ những tật xấu ở đời. Tới khi nhận ra toàn bộ sự thật về người nó lỡ trao thân gửi phận cũng là lúc Thủy nhận lấy sự tủi nhục, ê chề của số phận.
Căn nhà Nam thuê ở vốn là nơi tụ tập của nhóm bạn chơi bời của nó. Sau những buổi bay lắc trên vũ trường, chúng thường kéo nhau về đây “xả hàng”, “sập ke” tới sáng. Khi nhập vào heroin thì đây biến hành chỗ để cả bọn hút hít cái thứ chết trắng đó. Trong một buổi lên bar cùng người tình, Thủy bị chuốc rượu mà bên trong cốc rượu đó có bị pha lẫn thuôc lắc, cảm giác hưng phấn với thứ ma túy đó, từ đây cả hai cùng sống, cùng ăn, cùng chơi thành một cặp hoàn hảo...
(Còn nữa)