Gặp người tri kỷ
Sau những “chiến tích” va chạm trong trại giam, tiếng tăm của Thủy lan truyền khắp khu giam nữ. Để rồi từ đó bất cứ buồng giam nào, Thủy cũng được mời ngồi lên “chiếu trên”, được “xe pháo” chăm sóc, cung phụng. Và tính nó vẫn vậy, cứ lầm lì, ít nói và chẳng biết sợ là gì. Ai cũng biết bản chất của nó là như vậy nên chẳng ai dám dây dưa với nó.
Dù ít tuổi nhưng khi đã ngồi lên “chiếu trên” thì đã là dạng đàn chị số má. Để thể hiện là đàn chị, Thủy bắt đầu xăm trổ lên thân mình vài hình xăm kỳ quái. Với bản tính bất cần, ngang ngược và liều lĩnh đó khiến Thủy dính bao lần kỷ luật và tất nhiên, tăng tù đầu tiên nó “ăn đủ, trả đủ”, chẳng được giảm án ngày nào. Vi phạm kỷ luật liên miên tới ngày hết án được thả về, Thủy cũng ra trại từ buồng giam riêng, dành riêng cho những phạm nhân vi phạm nhiều, chống đối, bất trị.
Một lần nữa, Thủy bước chân vào đời, vào xã hội tự do với hai bàn tay trắng. Không tiền, không chốn dung thân, Thủy liên lạc với vài đứa bạn đã ra trại trước tìm kiếm sự giúp đỡ tạm thời. Nhận được lời mời, Thủy “kiến lửa” tới khu vực bãi rác Thành Công, nơi có người bạn quen trong tù đang thuê trọ ở đây. Công việc hàng ngày là đi làm gái ngồi bàn, “tay vịn” ở các quán Karaoke trong khu vực ăn tiền bo.
|
Mầm xanh hi vọng (ảnh minh họa) |
Lúc này, Thủy cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác nên đành chấp nhận theo bạn đi làm gái hát. Người bạn của Thủy về xã hội được tám tháng thì đã kịp bập vào nghiện 6 tháng. Thủy “kiến lửa” về trọ cùng, bạn mời cũng chơi luôn. Để từ đó, cứ chiều đến trước khi đi làm, chúng lại cùng nhau làm một cữ thuốc chống vật vã rồi váy ngắn, áo hai dây, mắt xanh lơ, môi đỏ cờ, lên xe theo thằng nhóc ma cô kẹp 5, kẹp 6 lao ra từ con hẻm hòa vào dòng người, để tới các quán hát trong khu vực, nơi có những khách hàng say xỉn đang ngồi chờ khách vịn.
Với kinh nghiệm tích lũy khi hành nghề “gái gọi”, cộng thêm học hỏi trong môi trường tù tội từ đám gái giang hồ, Thủy “kiến lửa” thừa chiêu trò để khiến đám đàn ông phải rút hầu bao cho nó. Thêm vài hành động khiêu khích, kích thích người say, khách muốn qua đêm thì sau khi ngã giá, tiền trước là chiều luôn.
Với số tiền hàng ngày kiếm được, chúng phải chia lại cho đám ma cô một phần để nhận lại sự chăn dắt, bảo kê, tiền đó gọi là “tiền bàn”. Công việc dễ hái ra tiền nhưng lúc này đã lún sâu vào ma túy nên bao nhiêu cũng ít. Rồi Thủy cũng chẳng trụ được công việc này bao lâu. Hết ma túy hành xác lại đến công cuộc mưu sinh, bán thân thâu đêm suốt sáng khiến nhan sắc của nó ngày càng tàn tạ.
Đám khách vào hát khi nhìn thấy nó cũng bỏ qua, lảng tránh sợ lây bệnh tật. Tới lúc chẳng kiếm được ra tiến nơi quán hát, Thủy bước chân ra khu vực hồ Hoàng Cầu, hàng đêm phục vụ đám xe ôm, cửu vạn, chợ người quanh đó cố kiếm chút tiền mua hàng trắng “đổ vào ven”.
Ở ngoài xã hội được hơn một năm, trong một đợt truy quét ma túy tại khu vực bãi rác Thành Công nơi Thủy thuê trọ. Thủy bị hốt luôn về trung tâm cai nghiện bắt buộc số 05. Một lần nữa trường đời cho nó cơ hội được thoát khỏi sự lệ thuộc của ma túy. Sau thời gian đầu bị cơn điên của sự vật vã do ma túy hành hạ, thân xác khô héo, hoang tàn của Thủy dần dần khôi phục.
Ở đâu cũng phải chấp nhận liều lĩnh để thích nghi, để sinh tồn, bởi thế Thủy “kiến lửa” lại áp dụng cách sống lì lợm, manh động để tồn tại. Trong môi trường này tất cả đều là đám gái giang hồ chơi ma túy, do vậy vốn đầu óc chúng cũng chẳng còn được bình thường. Bởi thế, sự liều lĩnh, manh động của Thủy “kiến lửa” cũng chẳng là gì. Vậy nên, 2 năm sống trong môi trường cai nghiện khốc liệt, Thủy mang trên mình đầy những vết thương, vết sẹo. Tại đây, Thủy “kiến lửa” gặp được một người chị, người đầu tiên trong cuộc đời gần gũi, bảo ban nó như một người mẹ, người cho nó cảm xúc được làm người bình thường đầu tiên, mang lại cho Thủy một ước mơ về tương lai sắc mầu phía trước.
Người chị đó đó Loan, người đời gọi là Loan “cave” hơn Thủy 8 tuổi, quê gốc Quảng Ninh. Chỗ nằm cạnh nhau, qua những đêm trắng tâm sự, Thủy nhận ra Loan là một người chị tốt. Khi chưa phải nhận cái biệt danh mà người đời gán cho, Loan là một cô sinh viên nghèo đang cố gắng theo đuổi ước mơ. Nhà có hai anh em, bố mẹ gia giáo nên Loan lớn lên trong sự dạy dỗ, ăn học đầy đủ. Hết cấp ba, Loan rời nhà mang theo ước mơ làm cô giáo dạy văn bước vào cổng trường đại học.
Loan có nước da bánh mật, khuôn mặt ẩn chứa nhiều nét duyên ngầm. Là cô sinh viên nghèo vượt khó khoa văn hay mơ mộng làm Loan u mê, lú lẫn. Người yêu Loan là công tử nhà con nhà giầu học cùng khóa, khác khoa. Trước sự theo đuổi một cách lãng mạn sa hoa, Loan gục ngã vào vòng tay ấy. Yêu cuồng, cháy hết mình. Tới khi trao thân cho hắn, thì Loan mới phát hiện ra người yêu mình là một thằng nghiện ma túy, lại thêm cả thói trăng hoa. Khi tâm hồn, tấm thân trinh trắng lại bị nhơ bẩn, hoen ố, Loan chấp nhận theo người tình khuyên nhủ, những mong sự thay đổi nơi hắn có một tương lai. Chính cái sự lụy tình của Loan mà nó bị thằng người yêu lừa dối hết lần này tới lần khác. Tức nước vỡ bờ, Loan tìm mua ma túy về sử dụng để thử xem, vì sao cái thứ bột trắng đó lại khiến người yêu nó mê muội tới thế, luôn tìm cách lừa dối, gạt bỏ mọi sự cố gắng của mình.
|
Ảnh minh họa |
Từ thử rồi cái cảm giác đê mê, bồng bềnh của ma túy cũng kéo tuột Loan xuống vũng bùn lầy của tội lỗi. Loan dính nghiện cùng người yêu và để có tiền sử dụng, thỏa mãn cơn phê, hắn ép Loan đi làm “cave” kiếm tiền cung phụng hắn lúc cả gia sản tiêu tan. Nhơ nhuốc, tủi nhục, chẳng còn mặt mũi nào tới trường Loan bỏ học. Ra đứng đường, vừa làm gái, vừa bán lẻ ma túy dưới gốc cây đường Tôn Đản, kiếm chút lời lãi để khỏi bị vật vã bởi ma túy hành hạ.
Tới ngày Thủy gặp Loan thì Loan cũng đã trải qua ba lần tù tội và lần cai nghiện bắt buộc này là thứ hai. Tất cả hành vi phải trả giá đều dính líu tới ma túy. Trong con người Loan dường như tồn tại hai nhân cách. Một nhân cách lúc nghiện ngập vào thì bất chấp tất cả, liều lĩnh, manh động. Nhân cách thứ hai chỉ xuất hiện khi bị bắt, tống vào cái xó cùng cực, khốn nạn của đáy xã hội, ở đó lại là sự hiền lành mộng mơ. Nhớ những ngày đầu Thủy vào trại cai, nhờ có Loan bao bọc, chăm sóc cho những lúc nó va chạm, đánh và bị đánh.
Cả hai cùng ở ngoại tỉnh, thân cô, thế cô, nương tựa lẫn nhau để sinh tồn. Những lúc rảnh rỗi, Loan nói chuyện văn thơ cho Thủy nghe, kể về thời sinh viên mộng mơ, kể về những mơ ước lúc trưởng thành, dạy cho Thủy biết về tình mẫu tử, tình bạn… Có một điều Loan luôn ao ước mà chỉ có Thủy biết đó là cái ao ước được làm mẹ, nhưng vào khi đó thì muộn mất rồi.
Trong chặng đường bươn trải, Loan đã mắc phải căn bệnh HIV, chẳng biết từ những đêm lang thang mưu sinh hay từ thằng người yêu. Vì thế cái mơ ước của Loan mãi mãi chỉ dừng lại ở ước mơ. Còn 3 tháng nữa thì hết hạn tù, được ra nhưng Loan lại ra đi vì căn bệnh thế kỷ. Bệnh tật hành hạ, nó ra đi trong “ao tù”, dù đã cố liên lạc với gia đình để an nghỉ trên mảnh đất quê hương mà chẳng được.
Khát vọng làm lại cuộc đời
Thủy “kiến lửa” chứng kiến toàn bộ diễn biến thời kỳ cuối bệnh tật của Loan và sự ra đi của người chị duy nhất mà nó tôn trọng trong trại cai nghiện. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm kể từ khi xa nhà, nó biết khóc thương một người dù chẳng phải máu mủ ruột thịt gì. Cái chết của Loan làm Thủy giật mình tỉnh ngộ. Cuộc sống của nó tụt dốc, mất phanh, phạm tội liên tiếp vưới tính chất ngày càng manh động, nguy hiểm tăng theo cấp số nhân. Xuất phát từ lòng thù hận bị lừa dối và quan trọng nhất là Thủy đang sống không mơ ước, không mục đích.
Thấm những lời Loan chỉ dạy, những ngày tháng còn lại một mình trong trại cai nghiện, lần đầu tiên Thủy nghĩ tới cuộc sống đã qua và nghĩ tới mơ ước của mình. Lần đầu tiên trong suy nghĩ, Thủy thấy nhớ gia đình dù trong ký ức của nó, gia đình như một nốt trầm, buồn. Bắt đầu từ đó, có một sự thay đổi, chuyển biến trong con người nó. Thủy bắt đầu khép mình, điềm tĩnh, lặng lẽ. Nó luôn kiếm tìm lại mục đích cho bản thân, trong thâm tâm, Thủy ao ước một gia đình hoàn chỉnh riêng mình.
Sau 2 năm cai nghiện bắt buộc, Thủy “kiến lửa” bước chân về xã hội đời thường. Lúc này trong con người nó đã có sự thay đổi rõ rệt trong suy nghĩ. Nhìn lại chặng đường vừa trải qua, giờ Thủy thấy tiếc thời gian vừa đánh mất. Cả quãng thời gian đẹp nhất của tuổi thanh xuân Thủy vứt vào ma túy. Và thân xác lúc tràn đầy sức sống nhất thì nó đem đi đổi lấy ma túy để sử dụng. Ngập trong dòng xoáy của đồng tiền và ma túy bởi vậy cho đến bây giờ Thủy vẫn trắng tay bước vào đời.
Nhớ cái chết của Loan, Thủy thức tỉnh, nó biết sợ rằng nếu không thay đổi thì kết cục của mình sẽ giống như Loan, chết trong tủi nhục, cô đơn. Một con nghiện mãi khao khát ước mơ mà điều đó là điều bình dị nhất mà người phụ nữ nào cũng có được. Dứt bỏ thành phố, Thủy lên xe về lại làng quê nơi mình sinh ra. Thủy hiểu, giờ không tiền, không học hành, chẳng nghề nghiệp thì chẳng thể tồn tại trên mảnh đất kẻ khôn của khó, đất chật người đông này. Nếu chọn ở lại thì ngoài bán vốn tự có để mưu sinh thì nó chẳng thể làm được gì.
Về lại quê hương, gặp lại người cha sau bao năm già nua, ốm yếu. Đứa em gái đã trưởng thành, lấy chồng vào Nam lập nghiệp mưu sinh. Người cha gặp con cũng chẳng chửi bới, mắng nhiếc gì. Từ ngày nghe tin con bỏ đi cùng con trai người bạn, ông cũng vài lần kiếm tìm nhưng càng tìm càng mất tích. Bao năm qua, ông vẫn chờ đợi Thủy về. Hàng ngày, vẫn lo lắng cho đứa con gái mất tích đang phải bươn trải một mình ngoài xã hội.
Những việc Thủy gây ra ông đều biết hết mỗi khi chính quyền gọi lên thông báo, ông dù thương nhưng lực bất tòng tâm, chỉ đành nghĩ là do số phận đã quá nghiệt ngã với nó. Giờ khi nhìn thấy Thủy trở về, ông chẳng ao ước gì hơn. Nhìn con, ông tự trách bản thân minh vì ngày đó cần tiền đã để cho Thủy đi làm xa, để Thủy phải chịu bao đắng cay, ấm ức từ cuộc đời khốc liệt. Đời nó đã đủ khốn khổ rồi.
Qua bao năm tháng, làng quê giờ đã thay đổi nhiều. Một con đường tỉnh lộ chạy qua, vô tình nhà Thủy chễm trệ ngay sát mặt đường. Từ ngày về, Thủy dồn hết vốn liếng trong nhà mở một hàng nước, bán hàng tạp hóa kiếm đồng ra đồng vào nuôi hai bố con. Khi cuộc sống đi vào ổn định, Thủy tới viện kiểm tra tổng thể, thật may mắn sau bao năm “quăng đời bụi dậm” nó không mắc căn bệnh xã hội nào. Trong cái rủi vẫn còn cái may, cuộc sống khổ sở, khố nạn ấy mà số phận áp đặt, tưởng chừng đã vứt bỏ. Nhưng cuộc đời cũng chưa quá đoạn tuyệt đường sống của nó.
Bao năm lăn lóc đường đời làm cái nhan sắc trời cho cũng tàn tạ, nhưng về lại chốn đây, nơi làng quê chứa đựng toàn người nông dân chân lấm, tay bùn thì sự sành điệu của nó vẫn luôn làm đám đàn ông dáo dác. Ngồi bán nước, cũng có rất nhiều người đến ngỏ lời, muốn cùng Thủy ghép đôi. Nhưng rồi khi nhìn thấy những hình xăm mang vết tích tù đầy trên người nó thì họ lại bỏ của chạy lấy người.
Cũng đủ loại tin đồn nói xấu về nó nhưng giờ Thủy đã biết nhẫn nhịn, im lặng, lặng lẽ sống với khát khao của mình. Giờ chẳng còn khao khát một thằng chồng giàu sang, một cuộc sống sung túc nữa. Nó chỉ cần một người thực sự yêu thương, chấp nhận một ả đàn bà như nó thì dù có khổ tới đâu nó cũng chịu. Thủy mơ có một tình yêu giản dị, một gia đình nhỏ mà ở đó có những đứa trẻ do nó sinh ra.
|
Ngày mai luôn là một ngày mới với những niềm hy vọng (ảnh minh họa) |
Thời gian trôi, người đến rồi lại đi, vẫn chỉ một mình Thủy ngồi đó với hàng nước mưu sinh. Cô đơn, buồn tủi, có những lúc Thủy định bước đi nơi khác, quay lại cuộc sống cũ vì buồn chán nhưng cuối cùng nhờ hình ảnh của Loan trong đầu in dấu giúp nó lấy lại được bình tĩnh, tiếp tục chờ đợi. Rồi làng quê nó rộ lên mốt đi ứng tuyển lấy chồng nước ngoài.
Những cô gái quê thi nhau chau chuốt tham gia với ước mơ đổi đời, kiếm chồng ngoại quốc giàu sang. Thủy theo đó tham gia với mong muốn thoát ly, tìm cuộc sống mới, lối thoát mới cho bản thân. Sau vài lần tham gia ứng tuyển ở tuổi 38, cuối cùng thì cũng có người đàn ông gốc Đài Loan chấp nhận những hình xăm trên người của nó. Chồng ngoại dù chẳng giầu sang nhưng cũng cho Thủy một cuộc sống đầy đủ.
Được biết tới giờ Thủy đã có một cậu con trai kháu khỉnh khi theo chồng sang đất người sinh sống. Hàng năm cả gia đình vẫn về quê ngoại thăm bố. Cuối cùng may mắn đã đến. Giờ cái tên Thủy “kiến lửa” đã trôi vào dĩ vãng, thay vào đó là một cô Việt kiều yêu chồng, thương con. Một người đàn bà từ lúc tuổi thơ đã phải gánh vác trên vai miếng ăn cho cả gia đình, khi bước xa mái nhà cũng vì nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, vì quá non nớt mà dòng đời khốc liệt đã quật ngã nó.
Tưởng chừng một người đàn bà như nó sẽ chẳng thể quay lại làm người, sẽ bị chôn vùi dưới bùn tanh nhơ nhuốc của xã hội. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, trong đống nhầy nhụa hôi hám đó, một mầm thiện đã vô tình nảy sinh ở đó và vươn lên đón ánh nắng mặt trời. Từ cuộc sống đầy đủ chuyển sang nghèo hèn đã tạo ra bao sóng gió trong con người. Khi gia đình tan vỡ, một đứa trẻ phải bước chân ra đời làm công, việc vốn của người lớn là mưu sinh. Thiếu sự dìu dắt, thiếu sự hiểu biết bên Thủy chẳng chống chọi lại được. Liên tiếp những sai lầm theo chuỗi xảy ra, tới cái lúc tưởng chừng như đường cùng thì một cái kết của số phận giống Thủy hiện hữu trước mắt khiến nó rùng mình thức tỉnh.
Khi tỉnh cơn mê, Thủy nhận ra cuộc sống còn nhiều sự tươi đẹp, ý nghĩa mà lúc trước chẳng hề nghĩ tới. Chẳng biết rồi số phân đã hết gập ghềnh với Thủy hay chưa nhưng chắc chắn rằng với những gì đã vấp phải và tự đứng dậy được thì mọi khó khăn khác đối với Thủy giờ là chuyện nhỏ. Dù đến muộn nhưng hạnh phúc cuối cùng cũng đã mỉm cười với Thủy. Giờ chẳng giàu sang phú quý, chẳng sa hoa, lộng lẫy nhưng trong mái ấm nhỏ của nó luôn tràn đầt tiếng cười của hạnh phúc, của tình yêu.