Tính đến hết ngày 26/2, số lượng ca nhiễm mới ở Mỹ tăng đột biến, thêm 15.461, đưa tổng số ca lên 83.672 và vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia ghi nhận số người nhiễm cao nhất thế giới. Mỹ cũng ghi nhận thêm 182 người chết, với tổng số ca tử vong hiện là 1.209. Những con số ở Mỹ tăng vọt là một phần do ghi nhận thêm tới 6.448 ca nhiễm mới ở New York, cả bang có 37.258 trường hợp, tương đương gần một nửa số ca nhiễm trên cả nước. Ngoài ra, những ổ dịch lớn khác ở Mỹ là New Jersey và California, những bang khác cũng có số người nhiễm tăng nhanh.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã lan đến toàn bộ 50 bang của Mỹ, người nhập cư có lẽ là những người lo lắng nhất vì họ có ít khả năng tự cách ly và tìm kiếm chăm sóc y tế nhất...
Vô vàn lo lắng
Chính quyền Mỹ đã đóng cửa biên giới với Canada và đang cân nhắc đóng cửa biên giới phía Nam với những người không có giấy tờ hợp pháp trong nỗ lực ngăn virus lây lan. Đã có rất nhiều người nhập cư không giấy tờ đang hiện diện ở Mỹ và họ cũng phải đối diện với những rủi ro từ dịch bệnh như bao người khác, tuy nhiên họ lại có ít công cụ để tự bảo vệ mình hơn cả.
Những người không có bảo hiểm y tế sợ rằng việc đến bệnh viện công hay phòng khám sẽ hủy hoại cơ hội lấy “thẻ xanh” (thẻ xác nhận thường trú cho công dân nước ngoài tại Mỹ) của họ, bởi những quy định hỗ trợ công cộng mới do chính quyền đặt ra ngày càng khắt khe với người nhập cư.
Theo báo cáo từ Quỹ Gia đình Kaiser, trong số những người nhập cư tại Mỹ có 24% hợp pháp và 45% không có giấy tờ hay bảo hiểm y tế. Những người nhập cư thường sống chung với nhau.
Sân bay Quốc tế San Francisco (Mỹ) không một bóng người |
Tại Đông Los Angeles, người nhập cư Latin thường sống cả đại gia đình trong một ngôi nhà. Tại thung lũng San Gabriel, phía Đông Los Angeles, hàng ngàn lao động người châu Á sống chung trong những tòa nhà căn hộ chật chội gọi là “nhà trọ nội trú”. Hiện nay, tình hình dịch bệnh khiến rất nhiều người nhập cư sợ hãi bị đưa vào tầm ngắm của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) nếu họ ra mặt tìm kiếm sự giúp đỡ.
Các đặc vụ ICE tuần qua tiếp tục thực hiện các vụ bắt người nhập cư tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona, như California hay New York. Nếu không cẩn thận, những người nhập cư sẽ bị trục xuất vĩnh viễn ra khỏi đất Mỹ. “Những người nhập cư chúng tôi đang rơi vào tình cảnh khốn đốn, sống trong vô vàn nỗi sợ hãi và tự đặt ra nhiều câu hỏi: Nếu không có giấy tờ, tôi có được điều trị không hay sẽ bị trục xuất? Nếu tới bệnh viện, cơ hội được cấp “thẻ xanh” của tôi có bị ảnh hưởng không? Nếu tôi không thể đi làm vì lệnh phong tỏa, tôi sẽ nuôi sống gia đình và trả tiền thuê nhà như thế nào?”, một người nhập cư chia sẻ.
“Thật không may, người nhập cư đang phải đối mặt lựa chọn khó khăn giữa cuộc khủng hoảng này: Nhiễm bệnh hay trở thành người vô gia cư. Họ đang sống trong cảnh tiến thoái lưỡng nan, bởi một lao động thu nhập thấp không thể nghỉ dù chỉ một ngày, mất một ngày lương có thể đồng nghĩa mất luôn ngôi nhà bạn đang ở”, ông Louise McCarthy - Chủ tịch Hiệp hội Phòng khám Cộng đồng Los Angeles cho hay.
Giấu bệnh vì sợ mất "thẻ xanh"
Người nhập cư tại Mỹ vốn đang sống trong lo âu vì chính sách nhập cư mới của Tổng thống Donald Trump. Giờ đây, dịch bệnh Covid-19 lại càng khiến họ rơi vào tình cảnh khốn đốn. Trong hơn 25 năm qua, Maria và Francisco Garcia là những lao động nhập cư không giấy tờ, chuyên hái và đóng gói súp lơ, tiêu, chà là ở thung lũng Coachella.
Họ gần đây mới đủ điều kiện nộp đơn xin “thẻ xanh” khi con gái họ là Mariana sinh ra trên đất Mỹ và vừa bước sang tuổi 21. Nhưng vì các ca nhiễm nCoV tại nơi họ sống đang tăng lên nhanh chóng, cặp đôi giờ đây luôn sống trong lo âu. Họ sợ nếu nhiễm virus, họ sẽ đánh mất cơ hội trở thành cư dân hợp pháp. “Mẹ tôi hoang mang vì tình hình Covid-19. Bà luôn nghĩ rằng nếu tới bệnh viện, bà sẽ trở thành gánh nặng xã hội”, con gái của Maria và Francisco cho hay.
Đồng lương của cha mẹ cô chỉ đủ sống qua ngày, vì thế họ cũng lo nếu bị ốm sẽ không thể trả tiền thuê nhà 500 USD mỗi tháng. “Chúng tôi như bị hóa đá”, Sandy Cobarrubias (46 tuổi, một lao động nhập cư không có giấy tờ khác), chia sẻ. Dù sau khi biết rằng tìm kiếm hỗ trợ y tế trị nCoV không gây ảnh hưởng tới cơ hội nhận “thẻ xanh”, bà vẫn không cảm thấy yên tâm. Còn cô Sandy Cobarrubias - một lao động nhập cư không có giấy tờ, từ chối tới bệnh viện khám vì sợ đánh mất cơ hội lấy “thẻ xanh”...
Ông Gallegos (Giám đốc Trung tâm Pháp lý TODEC) cho hay: “Có một nỗi sợ hãi mới đang xuất hiện trong cộng đồng người nhập cư vì Covid-19. Chúng tôi tin rằng nhiều người nhập cư sẽ ngần ngại tìm kiếm chăm sóc y tế mà họ cần”.
Còn theo ông Tanya Broder, luật sư chuyên về chăm sóc y tế cho người nhập cư tại Trung tâm Luật Nhập cư Quốc gia, nhận xét: “Lo ngại của các cộng đồng nhập cư đối với chính quyền đang gây khó khăn cho nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.
Kêu gọi người dân khám, điều trị nếu nhiễm virus
Hiện nay ở hầu hết các bang, những phòng khám cộng đồng phục vụ mọi bệnh nhân cần chăm sóc y tế, bất kể tình trạng và khả năng chi trả của họ. Ở một số bang như California, Massachusetts, New York hay Illinois, trẻ em không có giấy tờ cũng được trả chi phí chăm sóc y tế.
Nhưng vì cái gọi là “quy định gánh nặng xã hội” của chính quyền nên nhiều khi dịch vụ y tế luôn có sẵn, người nhập cư vẫn e ngại tìm đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà họ cần. Phòng khám Cộng đồng Nhân dân ở Austin (Texas) cho biết, kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhiều bệnh nhân không giấy tờ không chịu tới khám bệnh vì sợ bị ICE bắt và sợ bị trở thành “gánh nặng xã hội”.”
Chúng tôi ở đây để phục vụ mọi bệnh nhân, bất kể giấy tờ của họ có vấn đề gì. Tôi hy vọng bệnh nhân tiếp tục tìm đến chúng tôi”, Regina Rogoff - Giám đốc điều hành phòng khám nói. Trước tình cảnh này, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ mới đây cũng cho biết rằng, việc tìm kiếm các dịch vụ điều trị hoặc phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 sẽ không ảnh hưởng đến tình trạng nhập cư của bất kỳ ai.
Vì vậy, người nhập cư nếu nhiễm bệnh hãy tìm đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị mà không cần lo sợ phải xác nhận về điều kiện cư trú. Một nhóm các nhà lãnh đạo thành phố San Diego kêu gọi người nhập cư và người tị nạn tìm kiếm sự chăm sóc y tế để được bảo đảm về sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh corona và không cần lo lắng đối với vấn đề "thẻ xanh".
Còn bà Angelica Salas - Giám đốc điều hành của Liên minh vì quyền của người nhập cư ở Los Angeles cho biết, nhóm của cô và những người khác đã tổ chức một cuộc họp báo kêu gọi người nhập cư khám, chữa bệnh nếu cần. Đồng thời nhắc nhở họ rằng, sức khỏe của họ và gia đình họ là quan trọng nhất...