Như Pháp luật Việt Nam thông tin, tháng 5/2013, CFG được Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đồng ý cho phép thí điểm nhập khẩu lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng (vốn là mặt hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu - PV) để sản xuất nhiên liệu phục vụ sản xuất kính xây dựng.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu và sử dụng săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng đảm bảo đúng mục đích, tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Thế nhưng trên thực tế, nhiều chuyện không diễn ra như mong muốn.
Đóng kín cửa vẫn ngộp thở vì khói cao su
Cảng Đà Nẵng, với 663 container lốp ô tô đã qua sử dụng đang tồn đọng, trong đó có hàng chục container quá hạn tới 180 ngày, gây ách tắc môi trường kinh doanh và đe dọa môi trường sống chỉ là một trong số “nạn nhân” của CFG và “không đáng kể” so với hệ lụy mà người dân xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (nơi công ty này đặt nhà máy), phải gánh chịu.
Hơn một năm nay, mùi cao su hôi khét đậm đặc thoát ra từ nhà máy kính nổi, ngày cũng như đêm ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống, sức khỏe của nhiều hộ dân trong vùng. Người dân đã nhiều lần kiến nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp, của Đoàn Đại biểu Quốc hội, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Hàng ngày họ vẫn phải sống chung với ô nhiễm.
Ông Phan Thanh Hải (42 tuổi, ngụ thôn Phái Nhơn, xã Tam Hiệp) bức xúc: “Ban ngày còn chịu được nhưng từ khoảng 21h đến sáng thì vô cùng ngột ngạt, khó thở. Chúng tôi đã đóng kín cửa, thậm chí bịt cả khẩu trang nhưng vẫn thấy mùi khét của cao su. Người lớn, thanh niên sức chịu đựng tốt còn đỡ chứ người già, trẻ em, nhất là những người có bệnh viêm xoang, đều nghẹt thở”.
Ông Trần Công Bình (66 tuổi, tổ 2, thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp) phản ánh thêm, nhà máy còn xả nước thải, khí thải chưa qua xử lý, vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường, nhất là vào ban đêm và những ngày trời mưa khiến nguồn nước bị ô nhiễm. “Trước đây, khu vực cánh đồng thôn Thọ Khương có rất nhiều cá sinh sống, nhưng từ ngày công ty xả thải ra, cá không sống được. Đặc biệt, những ngày trời mưa, nước xả ra đen ngòm bám dính cả vào thân lúa” - ông Bình cho hay.
Ông Phạm Văn Tuân (50 tuổi, ở tổ 7, thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp) – người có ruộng tại cánh đồng thôn Thọ Khương cho biết, nước xả thải đen ngòm, đậm đặc mùi cao su, khi bám vào chân tay phải dùng nước rửa chén rửa nhiều lần mới sạch, còn dùng xà phòng thông thường rửa thì “không cách nào sạch được”. “Người dân ở đây vô cùng bức xúc, chúng tôi cũng đã kiến nghị rất nhiều nhưng không được giải quyết” - ông Tuân nói.
Ông Tuân chỉ cống xả nơi người dân đổ đất lấp |
Chỉ cần đốt một đoạn cao su nhỏ, muội khói đã bay mù mịt cả khu vực. Vì vậy, việc đốt hàng nghìn tấn lốp cũ thì ai cũng có thể hình dung được tác hại đối với môi trường sống như thế nào. Muội khói không chỉ bám vào nhà, dính chặt vào cây cối mà còn bám cả vào lúa, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Ông Tuân dẫn phóng viên đến nhà bà Nguyễn Thương (80 tuổi, ngụ thôn Vân Thạch, xã Tam Hiệp) để “mục sở thị” loại gạo “đen sì” vì bám khói cao su”. Người con của bà Thương bày tỏ: “Lúc đầu, thấy hạt lúa đen chúng tôi chỉ nghĩ là muội khói bám ở ngoài vỏ, nhưng không ngờ khi xay xát ra thì gạo cũng đen, cám cũng đen. Gạo này không thể bán được, gọi mấy người mua cho gà, vịt ăn họ còn chê thì làm sao người ăn được. Nhà trồng lúa mà phải đi mua gạo để ăn!”.
Căng thẳng lên tới đỉnh điểm, ngày 20/3/2014, người dân trong xã Tam Hiệp thuê người chở đất đến lấp cổng xả thải ra cánh đồng thôn Thọ Khương. Ông Nguyễn Văn Tiến (Trưởng thôn Thọ Khương) cũng xác nhận việc môi trường sống trên địa bàn bị ô nhiễm do muội khói từ việc đốt cao su của CFG gây ra. “Bản thân tôi và người dân trong thôn đã nhiều lần kiến nghị trong các buổi họp với chính quyền các cấp, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm” -vị Trưởng thôn cho hay.
Trao đổi với phóng viên, một công nhân đang làm việc tại CFG cho biết, lúc đầu đi vào hoạt động, trong khâu sản xuất, các lò nấu dùng nguyên liệu dầu D.O để đốt. Khoảng 2 năm nay, công ty chuyển sang đốt lốp ô tô cũ để chiết xuất ra một loại dầu lỏng, dùng làm nguyên liệu đốt cho các lò sản xuất kính. Để thực hiện công đoạn đốt lốp, CFG thành lập riêng một nhà máy, có tên gọi rất kêu là Nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic thành nhiên liệu phục vụ sản xuất kính xây dựng. Tuy nhiên, xử lý như thế nào thì chỉ cần người của cơ quan chức năng về ngủ một đêm ở Tam Hiệp là sẽ biết ngay.
Đầu tháng 8, như Pháp luật Việt Nam đã đưa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong dự thảo kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường tại Quảng Nam đã kiến nghị UBND tỉnh này xử lý kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân tại Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai vì đã ra quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án Nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic thành nhiên liệu phục vụ sản xuất kính xây dựng của CFG không đúng thẩm quyền, pháp luật. Kiến nghị này không biết đã đi đến đâu?