Công ty Cổ phần Kính nổi Chu Lai - INDEVCO được Thủ tướng cho phép thí điểm nhập khẩu lốp xe cũ từ tháng 5/2013 để sản xuất nhiên liệu phục vụ sản xuất kính xây dựng. Sau hơn 1 năm thực hiện, nhiều ý kiến đề nghị cần xem lại chủ trương này.
Chỉ cần đốt một đoạn cao su nhỏ muội khói đã bay mù mịt cả góc phố. Vì vậy, việc đốt hàng nghìn tấn lốp cũ thì ai cũng có thể hình dung được tác hại đối với môi trường sống như thế nào. Cho nên, pháp luật đã đưa các mặt hàng lốp xe cũ vào danh mục cấm nhập khẩu và có thể nói cơ chế thí điểm trao cho Công ty Kính nổi Chu Lai là hết sức tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Tiếc rằng với những gì xảy ra trên thực tế, điều này dường như chưa được ý thức và tôn trọng đúng mức.
Hàng cấm chất đống tại cảng
Theo nguồn tin riêng của Pháp luật Việt Nam, tính đến ngày 14/7/2014 thì số lượng lốp ô tô qua sử dụng của Công ty Kính nổi Chu Lai hiện lưu giữ tại Cảng Đà Nẵng và chưa làm thủ tục nhập khẩu đã lên tới 663 container (loại 20’ và 40’). Trong đó có 43 container quá hạn 180 ngày, 259 container quá hạn 90 ngày và 330 containerquá hạn 30 ngày.
Đáng chú ý, theo thông báo của Công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng, trong số hàng trên có 15 container (loại 40’) đã bị người vận chuyển từ bỏ quyền lưu giữ hàng hóa và đề nghị xử lý theo quy định.
Do số hàng trên tồn đọng tại cảng đã lâu, cơ quan Hải quan đã thông báo cho chủ hàng theo quy định nhưng chủ hàng vẫn chưa đến nhận, cũng không phản hồi với cơ quan Hải quan.
Thật trớ trêu, trong khi hàng chất đống tại Cảng Đà Nẵng như vậy, công ty này còn được Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng cho phép được thỏa thuận với các doanh nghiệp nước ngoài để nhập khẩu lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng tạm nhập tại Cảng Hải Phòng, chưa tái xuất, hiện tồn đọng tại các kho bãi.
Bộ Tài chính cho rằng, việc này “sẽ có 3 lợi ích”. Thứ nhất, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp được nhập khẩu hàng hóa theo đúng văn bản cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai, góp phần xử lý hàng hóa tạm nhập tái xuất đang tồn đọng tại các cảng, cửa khẩu. Và thứ ba, giải quyết khó khăn trong việc xử lý hàng tồn đọng tại Cảng Hải Phòng(?!).
“Kiến nghị Thủ tướng xem xét lại”
Trước tình hình này, Cục Hải quan TP.Đà Nẵng đã 2 lần làm văn bản gửi Tổng cục Hải quan, đề xuất Tổng cục kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét lại việc cho Công ty Kính nổi Chu Lai được nhập khẩu săm, lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng để không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Trước đó, tháng 5/2013, Thủ tướng đã cho phép Cty Chu Lai thực hiện thí điểm nhập khẩu mặt hàng lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng để sản xuất nhiên liệu phục vụ sản xuất kính xây dựng từ năm 2013 đến hết năm 2015, mỗi năm được nhập khẩu với số lượng tối đa là 160.000 tấn.
Sở dĩ việc nhập khẩu lốp xe cũ phải xin phép đến tận Thủ tướng vì mặt hàng này thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu. Cụ thể, tại Điểm 6 Mục II Phụ lục 1 của Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài có nội dung: “Săm lốp ô tô đã qua sử dụng thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu”.
Trong một diễn biến mới nhất có liên quan, vào chiều 5/8, tại UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công bố dự thảo kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường tại địa phương này. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh xử lý kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân tại Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai vì đã ra quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án Nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic thành nhiên liệu phục vụ sản xuất kính xây dựng của Công ty Kính nổi Chu Lai không đúng thẩm quyền pháp luật.