Trong dãy nhà cấp bốn tường đất dài mấy chục mét, mái ngói đã rủ màu rêu phong do ông Bàn Thượng Đức cùng con cháu dựng lên có ti vi, giường tủ, bàn ghế hiện đại. Ông Đức là người đầu tiên chặt cái cấy đầu tiên, vỡ đất lập làng, được Đảng, Nhà nước tặng 2 Huân chương Lao động hạng Nhất, Ba, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký tặng danh hiệu Anh hùng Lao động do có thành tích xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Các thế hệ con cháu ông đang tiếp bước ông tích cực phát triển kinh tế, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bà Lý Thị Ún (82 tuổi, vợ ông Đức) kể về những ngày đầu lập xóm với những khó khăn chất chồng: “Người Dao tiền xóm Bản Chang trước đây cũng giống như bà con dân tộc H’Mông sống du canh, du cư, chọc lỗ tra hạt, đến khi đất đai bạc màu thì nhổ lán đi nơi khác, mỗi nơi ở vài ba mùa rẫy. Bà cũng không biết đã di chuyển mấy lần nữa. Nhớ lại cuộc sống trước kia của người Dao tiền thấy vất vả lắm, khổ cực lắm. Mỗi lần di cư từ chỗ này đi chỗ khác phải mang những thứ lỉnh kỉnh nào bát đũa, nồi niêu, xoong chảo, chăn chiếu bên mình. Được cán bộ người Kinh đến thuyết phục, ông Đức đã vận động một số người trong họ bàn việc sống định cư, làm lúa nước, dựng ngôi nhà chắc chắn để định cư lâu dài. Vượt qua bao đèo cao núi sâu vợ chồng tôi đã tìm được vùng đất có nhiều cây to, đất đai tươi tốt, địa hình có những chỗ phẳng để dựng xây nhà cửa. Ở trên đồi cao, khe lại có những cái mỏ nước bò ra trong vắt, uống ngọt lịm. Vợ chồng tôi cùng mấy người nữa thấy mừng lắm. Vùng đất để thích hợp dựng làng xóm đây rồi. Ông nhà tôi nói như reo lên với mọi người. Thế là vợ chồng tôi đã chặt cây san đất dựng nhà. Ban đầu chỉ có vài ngôi nhà được dựng trên vùng đất mới này, nhưng theo thời gian sinh con đẻ cái những ngôi nhà mới dần mọc lên, những thửa ruộng bậc thang mới cũng bắt đầu hình thành. Đủ nước, đất đai màu mỡ, đủ phân chuồng cây lúa đã cho những bông vàng trĩu nặng”.
Tạm ngưng việc thêu thùa, bà Lý Thị Ún đi vào buồng đem ra một cái túi ni lon màu trắng bên trong đựng những tờ giấy cuộn tròn đưa cho chúng tôi xem. Mở ra xem thì đó là những tờ giấy khen, bằng khen của các tổ chức đoàn thể trong xã, huyện, tỉnh Cao Bằng tặng cho cá nhân bà Ún. Ngoài việc tích cực giúp chồng vận động bà con mình vỡ vạc đất đai trồng cây lúa nước, bà Ún còn tham gia vào các hoạt động tập thể, công việc của xã Thành Công. Có nhiều thành tích nên bà được tặng nhiều giấy khen, bằng khen, song bà không để những tờ giấy khen vào trong khung gỗ treo lên tường nhà. “Tôi luôn cất giữ nó cẩn thận, còn treo lên tường thì chỉ treo ba cái của ông chúng nó là được rồi”, bà Ún nói.
Xóm Bản Chang đa phần đều mang họ Bàn, họ của cụ Bàn Thượng Đức. Trong khi đang chuyện trò rôm rả thì anh Bàn Thượng Tiên, Bàn Thượng Thần (con trai và cháu ông Đức) đi lên rừng về. Khi biết chúng tôi đang tìm hiểu về lịch sử của ngôi làng, chuyện vỡ đất làm ruộng bậc thang cấy lúa nước. “Cháu biết ơn ông nội lắm. Nhờ có ông nội định cư ở bản bây giờ cháu và các bạn mới được đi học lấy cái chữ. Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này thi đỗ đại học đem kiến thức về giúp bà con mình phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương”. Không chỉ có cháu nội “ngưỡng mộ” ông mà tất cả những người trong xóm Bản Chang đều coi ông Đức như người thân, cụ tổ lập nên xóm, vận động bà con trồng cây lúa nước, dạy cho dân biết làm chuồng để lùa trâu mỗi khi màn đêm buông, không nuôi con lợn thả rông...
Theo cánh tay chỉ của trưởng xóm Bàn Hữu Hoa Sen, những đám ruộng bậc thang uốn lượn dưới những ngôi nhà được xây theo một kiểu kiến trúc mái ngói âm dương, trần đất. Những đám ruộng bậc thang đang dần ngả vàng. Vẻ đẹp của những đám ruộng bậc thang hơn chục hécta của xã Thành Công có kém gì ruộng bậc thang ở phía Tây Bắc. Để có được những đám ruộng bậc thang, mỗi đám cấy được vài ba bao thóc này, vợ chồng ông Đức cùng người làng đã phải mất hàng vạn ngày công lao động. Việc khoét những quả đồi để trở thành những đám ruộng bậc thang phải mất hàng chục năm trời mới có được. Để có được những kỳ quan do bàn tay con người tạo dựng, vợ chồng ông Đức cùng thế hệ cháu con đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Mỗi bữa khi cầm trên tay bát cơm dẻo ngon người dân Bản Chang luôn nhớ “bát cơm chan đầy mồ hôi, nước mắt” của người làm nên những đám ruộng dài uốn lượn theo quả đồi nên thơ.
Trước đây, để đi từ trung tâm xã Thành Công lên bản phải đi theo con đường mòn độc đạo. Nay con đường đó đã được mở rộng, ô tô có thể đi đến đầu bản, xe máy vào được mọi ngôi nhà. Từ vài nóc nhà vào thập niên 50, 60 của thế kỷ XX, đến nay xóm Bản Chang đã có 45 hộ gần 200 nhân khẩu. Những hộ khá giả không ngừng tăng lên, hộ nghèo liên tục giảm. Do bà con người Dao tiền đã đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng và chế biến miến dong bán ra ngoài thị trường như chợ Phia Đén, Tĩnh Túc, Nguyên Bình, bán ra cả thành phố Cao Bằng và một số huyện miền Đông của tỉnh Cao Bằng, vươn ra ngoài tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội. Nhà nào cũng trồng dong riềng, trẻ con lên 9, 10 tuổi đều biết đào dong, lọc bột, làm miến dong. Miến dong của người bản Chang làm ra nổi tiếng dai, ngon nức tiếng bởi không sử dụng hóa chất trong khâu chế biến.
Diện tích đất canh tác của xóm là bao nhiêu? Chúng tôi hỏi trưởng xóm Bàn Hữu Hoa Sen. “Chẳng biết xã họ tính toán đo đạc thế nào, riêng người làng chúng tôi không tính theo mét vuông, hecta mà tính theo đám. Mỗi hộ có từ chục đám đến vài chục đám ruộng bậc thang. Mỗi năm cấy được ba, bốn mươi bao thóc đủ ăn trong năm. Trồng dong riềng và làm miến dong bán, chăn nuôi gia súc, gia cầm bà con không còn phải lo đói ăn trong năm. Phải làm sao mà đo đạc được chính xác, khi nhìn từ xa chỉ thấy bờ, những đám ruộng như đường kẻ chỉ ngoằn ngoèo”, ông Sen cho hay.
Những tưởng ở những đám ruộng bậc thang chiều dài thì dài uốn quanh đồi, chiều rộng thì hẹp, việc làm đất phải dùng trâu bò kéo, nhưng hai năm gần đây một số hộ dân trong xóm đã sắm máy cày để làm đất. Việc đưa máy móc xuống những đám ruộng bậc thang hoàn toàn không đơn giản như người ta lái máy cày trên những thửa ruộng bằng phẳng ở vùng đồng bằng, đem máy xuống được, cày bừa một cách thuần thục trên những đám ruộng dài và hẹp thì quả là tài tình, không phải ai cũng làm được. “Nhìn những đám ruộng bậc thang có độ dốc vênh nhau rất lớn. Ban đầu tôi cũng ngại là sẽ không thể sử dụng máy móc, nhưng rồi cũng thành quen. Khi đưa máy từ đám ruộng này xuống đám ruộng kia một mặt để người làng giúp hãm máy, mặt khác phải sử dụng đến những thanh gỗ gài để “làm cầu” cho hai bánh máy cày bừa mới có thể làm được. Có máy móc việc làm đất thuận lợi hơn trước rất nhiều”, anh Bàn Hữu Danh, hộ sắm mày cày đầu tiên của xóm nói.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi gia súc bà con dân tộc Dao tiền xóm Bản Chang vẫn giữ gìn ngành nghề truyền thống như cắt, dệt khâu, vá thêu thùa trang phục của dân tộc, chạm bạc. Tuy nhiên, việc khâu vá, thêu thùa không còn thu hút nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, những người trẻ tuổi đã không còn hào hứng với trang phục của dân tộc Dao tiền. Nếu như cách đây vài năm người ta dễ bắt gặp ở chợ phiên Phia Đén, chợ Nguyên Bình đầy trang phục sắc màu dân tộc thì nay chỉ còn lác đác vài người còn mặc quần áo dân tộc, còn đa phần đã bị “kinh hóa”. Bà Ún rất vui khi thấy con cháu trong xóm được đến trường học lấy cái chữ, nhưng bà cũng buồn khi văn hóa của dân tộc không còn được các cháu quan tâm nhiều.