Khoảng 1 triệu lao động sẽ được đào tạo lại
Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), với chủ trương quyết sách của Chính phủ là đón thời cơ phục hồi kinh tế, hoạt động kinh doanh sản xuất, dịch vụ phục hồi thì số lao động mất việc làm vì dịch bệnh sẽ từng bước quay lại thị trường lao động.
Tuy nhiên, quay trở lại không có nghĩa là người lao động sẽ có thể vào guồng ngay với công việc như trước đây vì nhiều lý do: Nghỉ lâu quên kỹ năng, cần thích nghi với hoạt động trong giai đoạn bình thường mới vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch…
Do đó, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, tới đây Bộ sẽ trình với Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 đến 5.000 tỷ từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động.
Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ. “Về phương thức, chúng ta sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại doanh nghiệp gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp do doanh nghiệp triển khai, cấp tiền trực tiếp cho doanh nghiệp” – ông Dung cho biết.
Bàn về vấn đề này, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH ,cho biết, việc đào tạo lại lực lượng lao động là vấn đề hết sức cần thiết, đặc biệt thời điểm dịch Covid-19 đã khống chế được.
Theo ông Trung, các quy định hiện hành đã có, song phải đề xuất cơ quan thẩm quyền có những hỗ trợ thuận lợi hơn về mặt điều kiện, thủ tục, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ. “Đặc biệt, hỗ trợ cho nhóm lao động để bồi dưỡng nâng cao kĩ năng nghề hoặc trình độ nghề. Từ đó, người lao động cập nhật kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng”, theo ông Trung.
Cần chuẩn bị dài hơi về nguồn nhân lực
Không phải đến bây giờ, khi Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch, vấn đề này mới được đặt ra, mà trước đó đã nhiều chuyên gia về lao động đề cập đến vấn đề này.
TS. Chang-Hee Lee – Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - từng đưa ra khuyến cáo để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động. Hệ lụy của cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được quay trở lại.
Trao đổi với truyền thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, khi người lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp cần cố gắng đào tạo lại để có nguồn nhân lực, người lao động có việc làm, Nhà nước cần hỗ trợ kích cầu tăng trưởng.
Theo phân tích của ông Lợi thì sau dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn không thu hút được lao động hiện tại cộng với việc Nhà nước có chính sách phòng chống tác hại của rượu bia, người dân không uống bia nhiều, dẫn đến những người lao động làm việc ở các nhà hàng bị giãn ra.
Vì thế, chúng ta phải dùng giải pháp trợ cấp thất nghiệp và cố gắng đào tạo lại lực lượng lao động này, mới có nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước, cũng như tránh tình trạng người lao động rơi vào tình cảnh không có việc làm, gặp khó khăn.
“Chúng ta phải chuẩn bị hết sức dài hơi về nguồn nhân lực với hai lý do. Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực hiện tại của chúng ta rất thấp. Lao động qua đào tạo chiếm tới 60% trong tổng số người lao động trong độ tuổi làm việc. Nghe qua thì lớn nhưng gốc, lõi của vấn đề chỉ có 25% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; ít khi rơi vào tác động của khủng hoảng, kể cả về kinh tế, dịch bệnh. Còn lại 35% người lao động trong tổng số 60% người lao động qua đào tạo là không có nghề, rất khó để thay đổi”.
“Cho nên, để xử lý vấn đề này, doanh nghiệp cần có phương pháp quản trị. Đó là phải đào tạo lao động có nghề chủ lực và nghề hiểu biết để khi không may nghề đang làm bị chuyển dịch thì lập tức có người thay thế. Hoặc doanh nghiệp phải chuẩn bị chiến lược đào tạo lại ngay để xử lý vấn đề.
Chúng ta hoàn toàn có kinh phí để thực hiện việc này nhưng phải có chương trình, kế hoạch và bản thân các doanh nghiệp nhận thức được vấn đề. Thứ nữa, Chính phủ và các cơ quan của quản lý nhà nước giúp định hình chính sách, chương trình, kế hoạch và có giải pháp hết sức bài bản để giúp cho doanh nghiệp phát triển”, theo ông Bùi Sỹ Lợi.