Tết Nguyên đán không chỉ là khoảng thời gian nghỉ ngơi mà còn là cơ hội để đoàn tụ và sẻ chia những giá trị gia đình. Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, nhịp sống hiện đại đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực, từ cách sống đến cách nghĩ của con người. Song song với đó, cách đón Tết của người trẻ đã có sự thay đổi khi nhiều người chọn “làm mới” dịp Tết bằng cách đi du lịch xa nhà để khám phá những vùng đất mới.
Dẫu vậy, Tết truyền thống, với những giá trị văn hóa quý báu, vẫn giữ vững vị trí quan trọng trong tâm thức người Việt. Tuy nhiên, với sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, người trẻ ngày nay đang khám phá và định hình lại cái Tết theo cách riêng của họ. Góc nhìn từ thế hệ này không chỉ phản ánh sự tôn trọng di sản văn hóa mà còn thể hiện khát vọng sáng tạo, kết nối giữa quá khứ và hiện tại, tạo nên một cái Tết vừa thân quen vừa mới mẻ.
|
“Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới” (Ảnh:Mỹ Linh) |
Sự thay đổi trong cách đón Tết của người trẻ
Nếu như trước đây, Tết luôn gắn liền với hình ảnh gia đình sum họp, những phong tục truyền thống như gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, thì giờ đây nhiều bạn trẻ chọn làm mới trải nghiệm Tết bằng cách đi du lịch xa nhà. Việc khám phá những vùng đất mới trong dịp nghỉ lễ dài ngày không chỉ giúp họ thư giãn mà còn là cơ hội để tìm hiểu thêm về văn hóa và cuộc sống ở những nơi khác. Đây là xu hướng ngày càng phổ biến, đặc biệt với những người trẻ độc thân hoặc có điều kiện kinh tế. “Thay vì đi du xuân quây quần với gia đình, họ hàng như trước mọi người chọn đi du lịch để thư giãn” bạn Phương Anh, chia sẻ.
|
Phương Anh hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội (Ảnh: Mỹ Linh) |
Ngược lại, với những sinh viên xa nhà như Trần Văn Huy, việc về quê đón Tết mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. "Mỗi lần về quê thì mình sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí di chuyển nên mình rất là trân quý những cơ hội được về quê dài ngày như là dịp Tết", Huy chia sẻ. Với những bạn trẻ đang học tập và làm việc xa nhà, Tết chính là cơ hội hiếm hoi trong năm để được đoàn tụ với gia đình.
Đoàn Ngọc Mai, sinh viên tại Trường Đại học Hà Nội là đại diện cho nhóm bạn trẻ ưu tiên dành trọn thời gian Tết cho gia đình. “Tết là khoảng thời gian để mình nghỉ ngơi và để các thành viên gia đình sum họp quây quần lại bên nhau. Do đó việc đi du lịch nên hạn chế ở trong dịp này” Mai bày tỏ. Đây cũng là mong muốn gìn giữ giá trị truyền thống của bộ phận người trẻ. Các bạn chủ động hạn chế việc đi du lịch trong dịp Tết để tập trung vào những giây phút sum vầy.
Tết Việt trong thời đại số
Một điểm đáng chú ý khác trong sự thay đổi cách đón Tết của người trẻ là việc kết hợp công nghệ vào các hoạt động truyền thống. Nhiều bạn trẻ tổ chức họp mặt trực tuyến với người thân ở xa, gửi lời chúc Tết qua video call, hay chia sẻ không khí Tết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một phương thức mới để duy trì kết nối trong thời đại số.
Với Đỗ Phúc Hậu, sinh viên đến từ Bắc Giang, mạng xã hội chính là phương tiện để dễ dàng chia sẻ không khí Tết với bạn bè, đó cũng là cách để mọi người ở xa cảm nhận được sự gần gũi. “Mình thấy mạng xã hội giúp in đậm sâu hơn về giá trị của Tết. Nó sẽ giúp mình lan toả những giá trị truyền thống như mặc áo dài, gói bánh chưng hay những buổi tất niên với nhau”, Phúc Hậu chia sẻ.
|
Đỗ Phúc Hậu (bên trái) và Trần Văn Huy (bên phải) là những sinh viên đang học tập xa nhà (Ảnh: Mỹ Linh) |
Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng có cái nhìn như vậy. Nguyễn Tiến Thành bày tỏ: “Mình thấy mạng xã hội dễ làm phai nhạt đi sự kết nối với các giá trị Tết truyền thống vì mọi người ít trò chuyện trực tiếp hơn. Thay vì ngồi bên nhau chia sẻ, ai cũng chỉ chăm chú vào điện thoại của mình thì sẽ khó tạo được sự gắn kết. Bởi khi nói chuyện trực tiếp thì chúng ta sẽ hiểu nhau, gần gũi với nhau hơn”.
Qua góc nhìn của bản thân, Đức Anh hiện đang sinh sống tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) lại nhìn nhận mạng xã hội như một công cụ tích cực nếu được sử dụng đúng cách: “Trong bối cảnh thời đại của người trẻ thì mạng xã hội không hẳn xấu và việc dùng mạng xã hội chính là điều tất yếu. Đặc biệt trong truyền tải những năng lượng tích cực Tết, từ người này đến người kia sẽ dễ hơn so với trước đây”.
|
Những hình ảnh về Tết được các bạn trẻ chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội TikTok |
Mạng xã hội, dù mang đến tiện ích trong việc lưu giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa, cũng đặt ra câu hỏi về cách sử dụng để không làm phai nhạt đi tinh thần Tết. Trên tất cả, sự hiện diện thực sự và những sẻ chia chân thành giữa các thành viên trong gia đình vẫn là yếu tố cốt lõi làm nên giá trị thiêng liêng nhất của ngày Tết.
Giá trị truyền thống trong mắt người trẻ
Dù có đổi thay ra sao, Tết truyền thống vẫn mang trong mình những giá trị văn hóa sâu sắc mà người trẻ ngày nay ngày càng nhận thức rõ. Đối với họ, Tết không chỉ là dịp lễ hội mà còn là thời gian để kết nối với gia đình, tưởng nhớ tổ tiên và tri ân những giá trị đã truyền lại từ thế hệ trước. Những phong tục như dọn dẹp nhà cửa, cúng ông Công ông Táo, nặn tò he hay gói bánh chưng, bánh tét không chỉ thể hiện lòng hiếu thảo mà còn là cách gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
|
Nét đẹp văn hoá dân gian qua những chiếc tò he tại gian hàng Tết ở phố Đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: Quang Đăng) |
Đối với Nguyễn Tiến Thành là một bạn trẻ hiện đang sinh sống ở Đông Anh (Hà Nội), mặc dù Tết là thời điểm các thành viên trong gia đình sum họp đủ đầy nhất nhưng giờ đây cũng dần trở nên không còn thú vị như lúc còn bé. Thành chia sẻ: “Tết là dịp để gia đình quây quần, mọi người cùng nhau dọn dẹp, trò chuyện rất náo nhiệt và rộn ràng. Tuy nhiên, mình cảm giác có điều gì đó không còn nao nức hào hứng, mong được đi chợ Tết mua quần áo nữa. Hồi bé luôn có cảm giác mong chờ đến Tết, lớn rồi thì mình cảm thấy mọi thứ trôi qua chóng vánh hơn.”
Song, những giá trị cốt lõi của Tết truyền thống như việc cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cúng thắp hương ông công ông táo, bày mâm ngũ quả, những phong tục thờ cúng hay việc diện một bộ trang phục truyền thống vào ngày mùng một Tết vẫn được Thành đề cao và gìn giữ cẩn thận.
|
Các bạn trẻ xúng xính diện áo dài cách tân xuống phố check-in (Ảnh: Quang Đăng) |
Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, người trẻ đang thổi luồng không khí mới vào những ngày Tết cổ truyền, khéo léo kết hợp các yếu tố đương đại với những nét đẹp truyền thống. Từ việc trang trí nhà cửa với sự sáng tạo tinh tế, kết hợp hài hòa giữa cũ và mới, cho đến tổ chức các sự kiện văn hóa phù hợp với cảm xúc và nhu cầu hiện tại. Sự kết hợp hài hòa này không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm Tết mà còn là minh chứng cho sự linh hoạt và sáng tạo của thế hệ trẻ.
Dù cách đón Tết của giới trẻ ngày nay có đa dạng và mới mẻ hơn song với nhiều bạn trẻ, Tết vẫn là dịp để nghỉ ngơi, kết nối yêu thương, giữ gìn bản sắc văn hóa và làm giàu thêm giá trị truyền thống trong nhịp sống hiện đại.