Miền đất võ
Nhắc đến võ cổ truyền Việt Nam, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới võ Bình Định. Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm. Năm 1471, Vua Lê Thánh Tông cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, từ đó, người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay. Vua Lê Thánh Tông đã cử các võ tướng, võ quan tài giỏi về võ nghệ của triều đình vào trấn giữ, nhà Lê muốn bình định vùng đất này lâu dài để Nhân dân có cuộc sống yên ổn, phát triển mọi mặt. Các võ tướng, võ quan của triều đình đã ở lại đây sinh sống và truyền lại võ nghệ cho con cháu, cho dân làng và người bản địa, từ đó vùng đất Bình Định trở thành nơi có nhiều người tinh thông võ thuật.
Đến thời Tây Sơn ở thế kỷ XVIII, võ cổ truyền Bình Định chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn biến đổi về chất, nhằm đáp ứng nhu cầu chiến đấu của cuộc khởi nghĩa với phạm vi và quy mô trước đây chưa có. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là môi trường, là điều kiện thúc đẩy và hình thành diện mạo mới của võ cổ truyền Bình Định. Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đã hun đúc nên dòng võ đậm nét tinh hoa của dân tộc, bổ sung vào kho tàng di sản võ học chân truyền của dân tộc. Từ thời Tây Sơn, di sản võ cổ truyền Bình Định luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy.
Võ cổ truyền Bình Định là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh túy nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng di sản võ học của dân tộc.
Tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc
Tại Bình Định, có hàng chục làng võ nổi tiếng, mỗi làng võ gắn với địa danh đã tồn tại trong lịch sử làng xã Bình Định nhiều thế kỷ. Mỗi lò võ gắn với những truyền nhân mà tên tuổi của họ đã tạo nên điểm khác biệt, tạo dấu ấn riêng của từng môn phái, đại diện cho một trường phái võ học tiêu biểu trong tổng thể võ thuật cổ truyền Bình Định. Bình Định hiện có 2 đại võ sư quốc tế, 50 đại võ sư, 21 võ sư cao cấp, 101 võ sư cùng 12.000 võ sinh đến từ 185 võ đường, câu lạc bộ thường xuyên tham gia tập luyện võ cổ truyền Bình Định.
Năm 2012, Bộ VH,TT&DL đã ghi danh võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Việt Nam. Đầu tháng 1 năm 2025, tại Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Định, Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh đã tổ chức Lễ cúng tổ võ cổ truyền Bình Định, nhằm tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành kính tri ân Hoàng đế Quang Trung và các bậc võ tướng, tiền nhân đã dày công xây dựng và phát triển võ cổ truyền Bình Định; đồng thời, tôn vinh và giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục tiếp nối gìn giữ và phát huy truyền thống thượng võ.
Cũng dịp này diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định” do Sở Văn hoá - Thể thao Bình Định phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hoá (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức. Hội thảo là dịp các nhà khoa học quốc tế và trong nước cùng nhau nhận diện giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nói chung, võ cổ truyền Bình Định nói riêng và hướng tới việc hoàn thiện hồ sơ võ cổ truyền Bình Định đệ trình UNESCO để ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương khẳng định, võ cổ truyền Bình Định, với chiều sâu lịch sử, văn hóa và triết lý sống, chính là một trong những di sản phi vật thể cần được nhận diện, bảo vệ và phát huy.Võ cổ truyền Bình Định không chỉ là một môn võ thuật, mà còn là kết tinh của tinh thần thượng võ, ý chí tự cường và văn hóa ứng xử cao đẹp của người Việt. Những bài quyền, thế võ, võ y, võ đạo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện đậm đà bản sắc của vùng đất và con người Bình Định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Văn hoá - Thể thao phối hợp với các ngành liên quan tổ chức khảo sát, sưu tầm các bài quyền, binh khí, chân dung các cố võ sư, võ sư tiêu biểu tại các võ đường trong và ngoài tỉnh; tổ chức thành công 8 kỳ Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, quảng bá, giới thiệu võ cổ truyền đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Theo các đại biểu, việc xây dựng hồ sơ võ cổ truyền Bình Định đệ trình UNESCO ghi danh là một nhiệm vụ quốc gia, không chỉ hướng tới mục đích bảo vệ di sản cho thế hệ hiện tại và tương lai, mà còn là cơ hội để giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt Nam với thế giới, khẳng định vị thế của Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung trên bản đồ di sản văn hóa toàn cầu.