Tỏa sáng hồn quê điệu Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 2024 là năm vô cùng ý nghĩa đối với Nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, bởi đây là năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tròn 10 năm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các tập thể, cá nhân được Bộ VHTT&DL tặng bằng khen vì có đóng góp xuất sắc trong bảo tồn, phát huy dân ca Ví, Giặm.
Các tập thể, cá nhân được Bộ VHTT&DL tặng bằng khen vì có đóng góp xuất sắc trong bảo tồn, phát huy dân ca Ví, Giặm.

Xứ Nghệ từ bao đời nay được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Đến với xứ Nghệ là đến với một vùng văn hóa giàu bản sắc và truyền thống. Trong đó, Ví, Giặm là tiếng nói của tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của người Nghệ Tĩnh, ra đời trong môi trường lao động, sinh hoạt thường ngày. Trong tâm thức người Nghệ Tĩnh, Ví, Giặm luôn giữ một vị trí quan trọng, trở thành một biểu tượng của đất và người nơi đây. Ở đâu trên mảnh đất này cũng chất chứa dáng hình những câu hò, điệu Ví của ông cha, để làm nên mạch nguồn nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn mỗi thế hệ người dân xứ Nghệ.

Cách đây 10 năm, ngày 27/11/2014, tổ chức UNESCO chính thức thông qua Nghị quyết ghi danh dân ca Ví, Giặm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó không chỉ là niềm tự hào của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà còn là niềm vui của cả Quốc gia, dân tộc. Chặng đường 10 năm từ khi được UNESCO ghi danh, Ví, Giặm đã và đang chứng minh sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ bất kể không gian và thời gian, với những kết quả tích cực trong công tác truyền dạy di sản cho cộng đồng, tạo điều kiện khuyến khích, hỗ trợ nghệ nhân thực hành và trao truyền di sản; mở rộng mạng lưới hoạt động của các câu lạc bộ, đưa Ví, Giặm vượt ra khỏi không gian của vùng văn hóa xứ Nghệ để đến với cả nước và vượt biên giới quốc gia, lan tỏa ra thế giới.

Để có được những thành công này có sự vào cuộc, phát huy vai trò, trách nhiệm, thể hiện được nguyện vọng cũng như cam kết của chính quyền và cộng đồng nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm theo Công ước 2003 của UNESCO.

Ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ VHTTDL bày tỏ, trong bức tranh nhiều màu sắc của nền văn hóa Việt Nam, xứ Nghệ tự hào đóng góp một mảng màu riêng không thể trộn lẫn. Và Ví, Giặm là nét vẽ chính tạo nên mảng màu ấy, cũng là nhân tố chính định hình cho tên gọi của một vùng văn hóa - vùng văn hóa Ví, Giặm.

“Là loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc trong kho tàng văn hoá dân gian xứ Nghệ, mỗi câu dân ca Ví, Giặm đều là sản phẩm tinh thần được hun đúc và định hình qua thời gian, không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua bao đời nay, dân ca Ví, Giặm đã là tiếng lòng, là tâm tư, tình cảm của người dân xứ Nghệ, lắng đọng, chắt chiu những tinh túy của hồn quê mộc mạc, dung dị mà trữ tình, đầy gợi nhớ, gợi thương. Như câu thơ của một chàng thi sĩ phải lòng câu Ví, Giặm”, Thứ trưởng Đông chia sẻ.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng nhấn mạnh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là góp phần gìn giữ hồn cốt của dân tộc. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản được UNESCO ghi danh vừa là niềm vinh dự, tự hào nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm, là cam kết không chỉ của hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh mà là của quốc gia với UNESCO trong việc thực hiện Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc, chung tay của cả chính quyền và cộng đồng.

Dân ca Ví, Giặm là tiếng nói của tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của người Nghệ Tĩnh.

Dân ca Ví, Giặm là tiếng nói của tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của người Nghệ Tĩnh.

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trăn trở, chặng đường 10 năm chưa phải là dài. Bên cạnh những thành công, thực tế ít nhiều vẫn còn những mục tiêu chưa làm được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Cụ thể, các làn điệu dân ca cổ một phần đã bị mai một, bởi lực lượng Nghệ nhân dân gian nắm giữ, thực hành các bài bản cổ ngày càng ít do tuổi cao. Bên cạnh đó lớp trẻ lại ít người hào hứng với loại hình di sản này nên sự kế thừa chưa nhiều. Môi trường và không gian diễn xướng thay đổi, không còn điều kiện để thực hành những bài bản cổ. Việc cải biên hoặc “sáng tác” không nắm vững những bài bản cổ đã làm thay đổi, thậm chí làm sai lệch di sản. Việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho các hoạt động văn hóa văn nghệ nói chung, với Dân ca Ví, Giặm nói riêng còn hạn chế.

“Để dân ca Ví, Giặm xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục triển khai Chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm, tạo điều kiện cho nghệ nhân và cộng đồng gìn giữ, trao truyền, lan tỏa tình yêu với di sản; tăng cường đầu tư các nguồn lực, từng bước xây dựng dân ca Ví, Giặm trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ, đầu tư xây dựng thương hiệu cho Ví, Giặm và thương hiệu du lịch địa phương gắn với Ví, Giặm”, ông Long nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cam kết, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, với tinh thần tự hào mang di sản của quê hương lan tỏa, ngân xa, để Ví, Giặm đến với nhiều vùng đất mới, hòa nhập, hội tụ cùng tinh hoa văn hóa dân tộc. Và trên mảnh đất xứ Nghệ yêu thương này, hồn quê Ví, Giặm sẽ mãi tỏa sáng. Để mỗi người khi về với xứ Nghệ sẽ lắng đọng hồn mình trong câu dân ca vơi đầy, vun đắp, lớn dần thêm những yêu thương với mảnh đất ấm tình đất, nặng tình người.