Do tính chất công việc, anh hay phải biệt phái đi xa, khi 6 tháng, lúc một năm hoặc có thể lâu hơn, chị đều mang con cái đi cùng chồng. Khi anh ra nước ngoài học tập, không thể đi theo được thì mỗi năm 3 tháng chị sang với chồng. Ai đó có đàm tiếu thì chị cười, dẫn ra một câu ca dao rất... chân quê: “Chàng đi cho thiếp đi cùng/ Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”.
Không phải chị vốn dĩ thế mà chính câu chuyện của nhà chồng đã tác động đến chị và khiến chị hành động như thế. Em trai chồng chị sống với bố mẹ ở quê, lấy vợ trước cả anh mình gần chục năm. Vợ cũng là gái quê, cùng xã, khá xinh đẹp và tháo vát. Chị là dâu cả nhưng lại về làm dâu sau, mọi việc ở nhà đều do cô này gánh vác, chị em dâu rất quý nhau, thân tình như chị em gái.
Rồi do kinh tế gia đình khó khăn, cô em dâu phải đi làm thuê ở nước ngoài, chính anh chị cũng giúp cô một ít tiền để cho cô đi. Chồng ở nhà nuôi con, làm phụ xe khách, vợ gửi tiền về trang trải các món nợ ngân hàng vay để nộp cho công ty xuất khẩu lao động.
Dần dần, cô không gửi tiền về nữa, điện thoại cũng thưa dần rồi mất liên lạc hẳn. Riêng chị thì cô em vẫn thỉnh thoảng gọi điện nói chuyện, cô cho biết là đã lấy một người chồng bản xứ. Chị giấu biệt không dám nói chuyện này với ai. Vài năm sau, cô về nước dẫn theo cả anh chồng ngoại quốc và một đứa con. Duyên tình vợ chồng họ coi như đứt đoạn.
Chính câu chuyện đó làm chị xót xa cho cả hai thân phận vợ chồng họ và cả ân hận nữa vì bất lực không thể hàn gắn họ với nhau. Cậu em chồng vẫn làm phụ xe, lầm lũi nuôi con, trả nợ. Anh chị giúp thêm một ít vốn, thằng em chung tiền mua một cái xe khách, kinh tế tạm ổn nhưng vẫn không chịu lấy vợ, bảo chờ cô vợ về, ly hôn chính thức chứ bây giờ theo pháp luật thì vẫn là vợ chồng của nhau.
Chị cứ đi theo chồng là vì lẽ ấy, xa nhau ắt sinh chuyện. Mọi người cứ bảo là chị giữ chồng, nhưng không, chị đang giữ chính mình, cho mình, vì quá hiểu cô em dâu nhà chồng, chị biết người phụ nữ có thể sa ngã bất kỳ lúc nào, nếu không cảnh giác và đề phòng./.