Giả câm xuất ngoại tìm con: Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt

(PLO) - Khi nghe phong phanh con gái có thể bị bán vào nhà chứa bên Trung Quốc, người cha già phải giả câm, giả điếc, lặn lội sang bên kia biên giới quyết tâm tìm lại đứa con gái nhỏ. Khi niềm tin gần như đã cạn kiệt, người cha ấy đã không thể khóc thành tiếng ngày gặp lại con gái sau 20 năm xa cách. Cuộc hội ngộ bất ngờ nhưng thấm đẫm nước mắt sau 20 năm chờ đợi. 
Nhờ quyết tâm tìm con của ông Mình, đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em bị phá vỡ, bọn tội phạm đã bị bắt. Nhưng, người cha vẫn đau đáu nỗi nhớ thương con. Bà Nông Thị Tập - vợ ông Mình nhớ lại: “Chúng tôi hy vọng khi phá án, công an tìm được con Hoạt trở về. Nhưng kết quả con Hoạt nhà tôi bị đưa đi đâu không ai biết cả. Chỉ biết rằng, nó bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 10 triệu đồng. Ông Mình nhà tôi tức giận lắm. Ông ấy bảo, dù có khó khăn như thế nào, có mất bao nhiều năm đi nữa, nếu con Hoạt còn sống, nhất định sẽ có ngày ông ấy tìm ra”.
Nhà nghèo, khăn gói xuất ngoại tìm con 
Nhớ lại thời điểm ấy, ông Mình kể: “Sau một thời gian lặn lội khắp khu vực biên giới, tôi được một số tay cửu vạn cho biết rất có thể con Hoạt nhà tôi đã bị bán vào nhà chứa bên kia biên giới làm gái mại dâm. Nghe vậy, máu trong người tôi sôi lên, tôi nghĩ: 14 tuổi đầu mà đã phải làm cái công việc như thế, liệu con tôi có đường sống sót mà trở về? Tôi vội vàng bắt xe về quê, rồi bàn với nhà tôi vay mượn hàng xóm chút tiền. Tôi quyết định vượt biên tìm con”.
Khăn gói tiếp tục lên đường, nhưng lần này “biển sâu hơn”, vì bên kia biên giới không còn là chủ quyền của Việt Nam, muốn tìm được đâu phải là chuyện đơn giản, phần vì không có tiền, phần vì chẳng biết tiếng. Vì thế, âm thầm gom góp tiền bạc rồi nhờ sự giúp đỡ của một người cháu họ ở gần cửa khẩu Cổng Trắng, ông Mình quyết định vượt biên
Ông Mình có đứa cháu thường xuyên qua biên giới làm ăn nên thông thạo một số điểm vui chơi bên đó. Vì thế, ông nhờ người cháu này dẫn đường sang bên  kia biên giới tìm con. Khi nhận lời, cháu ông Mình đã đề nghị: “Khi sang bên đó, vì chú không biết tiếng, nên phải giả làm người câm, điếc. Ai hỏi gì, không nói, gọi gì không nghe. Bởi, nếu lỡ họ phát hiện ra thì sẽ bị lộ ngay. Như thế, một là sẽ khó tìm được con gái, hai là sẽ bị bọn người xã hội đen bên đó thủ tiêu ngay”. 
Nghe người cháu nói vậy, ông Mình nhập vai một người câm, điếc để tìm con. Tuy nhiên, sau hai ngày cùng với người cháu tìm kiếm gần chục nhà chứa gần biên giới Việt – Trung mà không có kết quả, ông Mình đành trở về Việt Nam và tìm phương hướng tìm kiếm mới.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thường xuyên bệnh tật nên hành trình tìm con gái bị bắt cóc của ông Mình đành phải gác lại. Sau hơn 10 năm tạm dừng cuộc tìm kiếm, đến năm 2006 đã tích góp được một ít tiền, người cha già khởi động lại cuộc tìm kiếm. Lần này, ông Mình quyết tâm hơn, mặc dù thông tin qua bao nhiêu năm giờ đã trở nên mịt mùng.
Vợ chồng ông lão Minh xúc động kể lại câu chuyện. 
Chuyển hướng điều tra sang các cô dâu ngoại
Ông Mình kể tiếp: “Tôi quay sang một hướng tìm kiếm mới, khi ấy tôi nghĩ đến việc con Hoạt có thể sẽ bị bán để làm vợ một người nào đó bên kia biên giới. Từ thông tin công an cung cấp, tôi tìm đến các gia đình có con bị bán sang Trung Quốc. Nhiều cô gái bị bán sang biên giới và phải làm vợ những người đàn ông xa lạ, sau bao nhiêu năm ở xứ người, đã có nhiều người may mắn trở về. 
Tôi tìm kiếm khắp nơi, từ Lạng Sơn, Bắc Kạn cho đến tận Hưng Yên, ở đâu có tin là tôi tìm đến. Cuối cùng ông trời cũng không phụ công, một niềm tin mới, niềm hy vọng mới đã đến khi tôi gặp được Hương, một cô gái ở tỉnh Hưng Yên cũng bị bán qua Trung Quốc. Rất may mắn, Hương biết một chút thông tin về con gái tôi...” - ông Mình rơm rớm nước mắt.
Ông Mình chia sẻ, khi được Hương kể lại đã từng gặp một cô gái có hoàn cảnh gần giống với con gái ông Mình ở xã Đại Tân – huyện Bằng Tường – Trung Quốc, vẫn sống mạnh khỏe và đã có gia đình riêng, ông nấc nghẹn, từng giọt nước mắt cứ vậy chảy tràn trên gương mặt khắc khổ của người cha già. Hạnh phúc hơn, khi ấy chính Hương đã hướng dẫn cho con gái ông Mình cách tiếp xúc và viết thư gửi về nhà. Ông Mình chỉ còn biết chờ đợi... 
Vào một ngày đầu năm 2012, ông Mình cùng với những người trong gia đình một lần nữa không kìm được nước mắt, khi nhận được lá thư gửi về từ bên kia biên giới. Run rẩy lật từng trang giấy, người cha già không tin nổi vào mắt mình, khi từng dòng chữ ghi cụ thể địa chỉ mà con gái ông đang cư ngụ. 
“Biết được con Hoạt vẫn mạnh khỏe, dù rất vui mừng nhưng tôi không thể vội vàng được. Vì nếu để cho gia đình nhà chồng con Hoạt biết câu chuyện của nó, rất có thể cha con chúng tôi sẽ khó lòng gặp được nhau. Lần đi này, tôi dẫn theo cả bà Tập, vì phải nhờ đến sự giúp đỡ của một đứa cháu của bà Tập bên Bằng Tường, Trung Quốc. Cũng như lần trước, tôi lại phải giả câm, giả điếc để có thể đi sâu hơn vào lãnh địa nước bạn. 
Khi ấy, tôi đã dặn cháu tôi rằng: “Nếu ai có hỏi thì cháu cứ nói đưa chú đi chữa bệnh câm, điếc, nếu không cảnh sát bên đó phát hiện sẽ bắt và trục xuất chú về nước ngay”. Kế hoạch lên chi tiết, tôi cùng với đứa cháu lần theo địa chỉ để tìm kiếm” - ông Mình nhớ lại.
Cuộc đoàn tụ đầy nước mắt
Theo tính toán của ông Mình cùng người cháu, số tiền ba triệu đồng dành dụm của ông không đủ để chi phí cho chuyến đi. Quá thương con, phải liều, ông bảo: “Chúng ta ráng tiết kiệm tối đa, đủ tiền đi và tiền quay lại”. “Suốt hai ngày đi trên xe, tôi không dám nói dù chỉ một câu. Có lần xe chạy qua trạm kiểm soát, mấy ông an ninh bên đó lên xe kiểm tra. 
Khi tới chỗ tôi, họ đòi xuất trình giấy tờ tùy thân. Đã chuẩn bị từ trước, cháu tôi đã bảo với họ rằng đưa tôi đi chữa bệnh câm điếc. Vì bị câm bẩm sinh nên giấy tờ để ở đâu tìm không thấy. Nhìn thấy tôi già nua, khắc khổ, họ nghĩ tôi bị bệnh thật nên cho qua, nếu không hôm đó chưa chắc tôi đã gặp được con gái Hoạt nữa”. 
Sang ngày thứ hai, khi tiền trong túi mang theo bắt đầu cạn thì đúng thời điểm này ông Mình và người cháu may mắn tìm được tung tích của con gái. ông Mình bảo: “Đang loay hoay tại xã Đại Tân, chúng tôi vô tình gặp được một đám trẻ con đi chăn trâu. Sau khi hỏi thăm và cho chúng xem ảnh của cháu Hoạt, một thằng bé liền nhận ra con Hoạt nhà tôi, vì nó là cô, bác gì đó của thằng bé. Được nó dẫn đến tận nhà, tôi mừng rơi nước mắt. Khi ấy, tôi không gọi được cả tên con Hoạt nữa. Hai cha con chỉ biết ôm chặt lấy nhau và khóc rất nhiều”.
Niềm vui đoàn tụ của ông Mình cùng con gái đã được gia đình bên nhà chồng của Hoạt chia sẻ. Họ cảm thông với nỗi lòng của người cha, thương cho cô con gái tội nghiệp. Nhưng giờ đây, Hoạt đã có một cuộc sống mới, một gia đình mới bên cạnh người chồng chỉ kém cha cô có vài tuổi. Muốn đưa con gái về cũng không được, mà ở lại cũng chẳng xong. Ông Mình đành xin phép gia đình “thông gia” cho Hoạt được ra gần biên giới để gặp mẹ. Hiểu được nỗi lòng ấy, gia đình bên nhà chồng của Hoạt đã tạo điều kiện để Hoạt gặp lại người mẹ già.
Mãi một năm sau đó, năm 2013, sau khi gom góp được một chút tiền, lần đầu tiên sau 20 năm xa cách,  Ban Thị Hoạt tìm về với gia đình. Nhiều người trong bản khi hay tin Hoạt trở về, họ lặn lội hàng chục cây số tìm đến gia đình ông Mình, chia sẻ niềm vui ngày đoàn tụ. 
Gần 20 năm lưu lạc của người con gái, cũng là từng ấy năm ông Mình âm thầm tìm kiếm con khắp các hang cùng, ngõ hẻm. Có lẽ để làm được điều ấy, chỉ có tình yêu thương của cha mẹ mới giúp ông có được động lực, niềm tin và sức mạnh để tìm lại người con gái mất tích bao nhiêu năm của mình.

Đọc thêm