(PLO) - Đối với mỗi người dân Gia Lai thì địa danh Kroong không còn xa lạ. Bởi mỗi con người, mỗi gốc cây, mỗi con suối…đều thấm đẫm những giá trị lịch sử. Xã Kroong, huyện K’bang, nơi ấy đã từng là căn cứ địa cách mạng, là nơi đã chứng kiến những mốc son lịch sử. Và cũng từ nơi ấy, bao nhiêu con người đã ra đi mãi mãi không trở về…
Những nụ cười ngày gặp mặt
Những ngày giữa tháng 3, trong cái nắng hanh hao của vùng đất Tây Nguyên, nắng lấp lánh trên những lùm cây, lối cỏ. Tôi cùng với những cô, những bác, những mẹ trở về thăm vùng đất lịch sử Kroong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Xã Kroong cách thị trấn chừng 40 km với những đường rừng núi hiểm trở…Chính cái hiểm trở ấy, khắc nghiệt ấy mà rừng Kroong đã trở thành một căn cứ địa vững chắc, góp phần lớn lao vào công cuộc thống nhất nước nhà.
Xe xuất phát từ thành phố Pleiku lúc 6.30 phút sáng, khoảng 10 giờ trưa cả đoàn có mặt tại căn cứ địa Kroong. Những gương mặt đã nhăn nheo vì thời gian, những mái đầu bạc trắng, những bước chân run run…họ lao vào nhau, ôm chầm lấy nhau và những nụ cười của ngày hội ngộ sáng bừng trên gương măt. Họ cùng nhau ôn lại những ngày tháng hào hùng của tuổi trẻ. Những câu chuyện không đầu không cuối. 40 năm, tất cả mới như ngày hôm qua. Nơi kia là hầm bí mật của cán bộ, đằng xa là bếp ăn, rồi hội trường…tất cả như cuốn phim quay chậm.
Ông Ngô Thành, nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, người đã từng gắn bó với vùng đất này với những năm tháng của tuổi trẻ giọng run run nói “tại sao ngày ấy chúng tôi lại chọn vùng đất này làm căn cứ địa cách mạng của tỉnh ủy Gia Lai?
Bởi lẽ đây là vùng đất đáp ứng được 3 điều kiện đó là: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ngày ấy, không phải địch không biết rằng nơi đây là căn cứ địa cách mạng, nhưng biết bao nhiêu B52 đã đổ xuống nhưng chính những cánh rừng, địa thế hiểm trở đã che chở cho các chiến sĩ cách mạng.
Và quan trọng hơn hết, nơi đây người dân Ba Na đã hết lòng hết dạ theo cách mạng, theo Bác Hồ. Nói thật, ngày ấy cán bộ cũng chẳng che chở giúp đỡ nhiều được cho dân mà chính là những người dân chân chất ấy đã đùm bọc, nhịn ăn nhịn uống để tiếp tế cho cán bộ”
Và cả những giọt nước mắt
Đằng sau những nụ cười là những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt của các mẹ, mà 40 năm trước đó là những cô gái đang tuổi mười tám, đôi mươi. Có cô khi ra đi, đã chưa kịp nắm tay người yêu, có những cô gái ra đi khi đôi môi còn trinh nguyên...
|
Những người đã hy sinh tuổi đẹp nhất đời mình cho đất nước |
Bởi lúc đó, Tổ Quốc cần các cô, lịch sử cần các cô nên hạnh phúc của cá nhân là được hy sinh cho đất nước. Trong những câu chuyện về ngày hôm qua, về những gian khổ cùng nhau bám đất, bám làng bỗng nhiên chùng xuống. Trong những gương mặt ngày hôm nay, có những người đã mãi mãi nằm xuống, máu xương của họ đã hòa vào cùng với non sông, hòa vào với đất mẹ.
Ánh mắt nhìn xa xăm, ông Ngô Thành nói như khóc “Bốn mươi năm, đời sống của người dân nơi đây vẫn còn vất vả, cuộc sống của người dân vẫn thiếu thốn quá. Sau ngần ấy năm trở lại, nơi đây vẫn chỉ là một bãi đất trống. Giá như có được một căn phòng truyền thống để trưng bày những kỷ niệm, kỷ vật của một thời cơ cực mà hào hung để giáo dục cho thế hệ trẻ biết rằng cha ông chúng đã hy sinh, đã phải sống những ngày tháng “mưa dầm cơm vắt” để có được cuộc sống hòa bình thống nhất nước nhà. Bốn mươi năm đã người còn người mất, cứ mỗi năm vào ngày này, về lại chiến trường xưa lại thấy thiếu đi nhiều gương mặt của đồng đội mình. Nếu không làm nhanh và mau, sợ rằng không còn kịp”
Không kìm được những dòng nước mắt của mình, ông Dương Văn Trang, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cán bộ chiến sĩ đã hy sinh tuổi trẻ và xương máu của mình cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời gửi những lời cảm ơn chân thành đến người dân Kroong, những cán bộ lão thành đã có công với cách mạng. Đồng thời ông cũng nhắc nhở thế hệ trẻ khắc ghi những hy sinh của cha ông, của những thế hệ đi trước để phấn đấu xây dựng nước nhà.
Ông Dương Văn Trang cho biết thêm “Mặc dù 40 năm mới bắt đầu xây dựng phục chế lại những di tích cách mạng là không còn sớm. Thế nhưng, dù muộn chúng ta vẫn phải làm để giáo dục cho thế hệ trẻ, để ấm lòng những người đã vì đất nước này mà hy sinh”./.