Giá như anh chị biết thương đứa em tật nguyền!

(PLVN) - Trong quá trình hành nghề, Luật sư (LS) Nguyễn Đình Thuận gặp không ít những câu chuyện đau lòng từ các vụ án mà mình tham gia. Tuy nhiên, có một vụ án mà ông mãi day dứt không yên, luôn làm ông suy nghĩ về đạo lý, mối thâm tình ruột thịt bị xói mòn. 
LS Thuận nhận bảo vệ quyền lợi cho người em tật nguyền bị người thân đưa ra tòa tranh chấp mảnh vườn cằn cỗi
LS Thuận nhận bảo vệ quyền lợi cho người em tật nguyền bị người thân đưa ra tòa tranh chấp mảnh vườn cằn cỗi

LS Nguyễn Đình Thuận kể, về câu chuyện đau lòng này, có những đêm, ngồi nghiên cứu hồ sơ, đốt thuốc ngẫm nghĩ chuyện đời, chuyện người cho đến tận đầu giờ sáng, ông lại vội vàng ra sân bay để về Bình Định. Câu chuyện éo le của ông LNM (ngụ thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) luôn khiến LS Thuận trăn trở trong lòng.

Ông M., đứa em út tật nguyền từ nhỏ đã bị các anh chị kiện đòi mảnh vườn chốn quê vì cho rằng đó là đất di sản thừa kế. Đứa em út nghèo khó, bị liệt một bên thân, nói năng khó khăn, ốm tong teo lọ dọ từng bước chân lên bậc tam cấp của tòa án. Ông không ngờ, có một ngày, anh em lại đứng đối lập nhau, tranh giành một chút đất.

“Ông M. tìm được số của tôi trên mạng. Khi nghe ông trình bày câu chuyện, tôi không kìm được nước mắt. Nhà người khác, họ nâng đỡ anh em trong nhà. Đằng này, em mình tật nguyền, các anh chị đòi đất rồi thậm chí còn làm những trò cô lập, coi người em như không có trong gia tộc”, LS Thuận kể.

Theo hồ sơ, mảnh vườn ông M. bị các anh chị kiện có nguồn gốc là từ một người cụ phía ngoại. Do không có con trai thừa tự nên sau khi cụ mất thì phía bên ngoại đã họp và giao lại cho cha ông M. quản lý. Năm 1975, gia tộc bên ngoại thống nhất giao cho cha mẹ ông M. toàn quyền quản lý và định đoạt phần đất, đồng thời có nghĩa vụ hương khói cho cụ phía ngoại và từ đường.

Mang trong người căn bệnh từ lúc chào đời, ông M. đi đứng và phát âm khó khăn. Chính vì thế, ông M. chỉ ở với cha mẹ nơi mảnh vườn hoang vu “cày lên sỏi đá” này, trải dài suốt những năm chiến tranh và sau năm 1975. Còn các anh chị bỏ xứ đi từ lâu.

Một phụ nữ đã yêu thương và đón nhận ông M. Thế nên, cha mẹ mới giao lại mảnh vườn cho vợ chồng ông M. quản lý, canh tác. Năm 1980, được cha mẹ cho phép, ông M. đi kê khai và được cấp chủ quyền.

Bao nhiêu năm, khi cha mẹ còn sống, các anh chị không ai ý kiến. Cha mẹ khuất núi, anh chị em, kẻ tóc bạc, người chống gậy, đã ngoài ngũ tuần lại kéo nhau ra tòa. Mà có nhiều nhặn gì, tất cả đất đó theo định giá chỉ tầm vài trăm triệu đồng. Ông M. cũng không có ý định bán, chỉ để canh tác có cái sống vì mình tật nguyền và thờ cúng ông bà như lời hứa với cha mẹ, gia tộc.

“Có một cái Tết, anh chị thịt con heo thật to, ai cũng có phần, duy chỉ ông M. là không có. Người ta cô lập đứa em, coi như không có trên cõi đời. Ruột thịt, máu mủ của mình, sao nỡ đối xử với nhau như người dưng, như kẻ thù. Nghe ông kể mà lòng tôi “ứa máu”, tôi quyết tâm đồng hành cùng ông, đòi lại công bằng. 

Ngày ra tòa, ông một mình, tôi đưa ông lên hàng ghế đầu, còn các anh chị khác của ông xì xầm, chỉ trỏ, họ có cả ô tô để đi nhưng sao… Tôi không thể nghĩ được nguyên nhân nào để anh em “xâu xé” nhau vì một mảnh vườn. Có lẽ là vì tiền, vì cái lợi ích của bản thân quá lớn mà không nghĩ cho người khác”, LS Thuận chia sẻ.

Ở phiên tòa, LS Thuận phân tích cái đúng, cái sai và sự hợp pháp của ông M. trong việc sở hữu mảnh vườn cho các anh chị của ông M. nghe. Nhưng họ không chấp nhận. Tất cả phải giải quyết bằng chứng cứ hợp tình, hợp lý về nguồn gốc, về quá trình sử dụng đất. Tòa tuyên bác đơn khởi kiện, mảnh vườn thuộc về ông M.

Thắng kiện, người em cũng lủi thủi một mình ra về. Những người khác, mặt nặng mày nhẹ... 

“Về tình đã không đúng khi tranh giành với em út tật nguyền. Về lý đã thua ngay tại tòa, Thẩm phán và các vị hội thẩm đã giải thích rất rõ ràng, hợp đạo lý, nhân nghĩa ở đời nhưng họ không nghe. Tình anh em thua một người. Một người dưng đôi khi có nghĩa có tình…”, LS Thuận lắc đầu thương cảm. Dù đã thắng kiện trong phiên tòa, nhưng cái mà ông M. và LS Thuận mong muốn không phải là chiến thắng, mà là tình anh em, tình thân. 

Trong suốt thời gian qua, LS Thuận luôn nguyện cầu các anh chị em vì cái tình, vì người cha, người mẹ đã khuất mà ngồi lại với nhau, một chút lắng nghe nơi trái tim thì sẽ hóa giải được thù hận, mâu thuẫn, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”.

“Đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều và biết được những câu chuyện đau thương phía sau mỗi phiên tòa, với tư cách là người hành nghề luật, tôi luôn muốn đóng góp được cho xã hội, dù ít hay nhiều để bảo vệ cái lý, lẫn cái tình trong những vụ án. Tôi ước ao, sẽ không còn những vụ án nồi da xáo thịt như thế này nữa…”, LS Thuận bộc bạch. 

Đọc thêm