Giá trị toàn cầu của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Tiếp theo): Vì sao Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như đã nói ở kỳ trước, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã, đang và sẽ mãi là điểm tựa cho khối đại đoàn kết của dân tộc, vun bồi ý chí, năng lực nội sinh của con người Việt Nam. Tuy nhiên, không nhiều người biết được vì sao Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch.
Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy thường niên tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng (Phú Thọ).
Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy thường niên tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng (Phú Thọ).

Vì sao Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch?

Vùng tâm điểm của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay là Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở thôn Cổ Tích (có tên cổ là làng Cả, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tuy nhiên, Lễ hội Đền Hùng khởi nguồn từ lễ hội của các làng Vi (Vi Cương) -Trẹo (Triệu Phú) có tên cũ là làng He, tách ra từ thời vua Lê Thánh Tông.

Theo các nhà nghiên cứu, đền Trung có tên chữ là: Hùng Vương Tổ miếu (Miếu thờ Tổ Hùng Vương) xuất hiện trên núi Hùng do dân thôn Trẹo thờ cúng. Đến thời Lý - Trần, cư dân thôn Trẹo đông lên, lập ra làng Cả. Làng Cả dựng đền Thượng trên đỉnh núi, sau đó lập ra đền Hạ. Từ làng Trẹo, cư dân lấy tên làm họ của mình và phiên âm Hán Việt thành Triệu. Từ đó, thôn Triệu trở thành thôn Triệu Phú và người làng Trẹo thành họ Triệu ngày nay. Họ Triệu hiện còn bản tộc phả hơn 500 năm kể về sự tích của làng và việc lập các đền thờ này.

Lễ hội Đền Hùng từ khi xuất hiện cho đến trước năm 1917 diễn ra vào tháng 8 Âm lịch (mùa Thu). Thời điểm này, thời gian diễn ra lễ hội Đền Hùng cũng trùng với thời gian diễn ra hội của hai làng Vi và Trẹo. Từ năm 1917 đến nay, lễ hội Đền Hùng đã chuyền từ tháng 8 sang tháng 3 Âm lịch (mùa Xuân) hàng năm.

Lễ hội Đền Hùng diễn ra vào tháng 8 Âm lịch, đó là thời điểm cộng đồng cư dân chuẩn bị đón vụ mùa, họ tổ chức lễ hội ngoài ý nghĩa tưởng nhớ và tôn vinh các Vua Hùng, còn mang hàm ý “cầu mùa”, cầu mong cho mùa màng năm đó được bội thu, tránh được tai ương, dịch bệnh ảnh hưởng đến mùa màng. Khi chuyển thời gian tổ chức lễ hội vào tháng 3 Âm lịch, đó là thời điểm cuối mùa Xuân, ngoài việc thực hành các nghi thức, nghi lễ... giỗ Quốc Tổ, cộng đồng còn cầu mong cho một năm mới với mọi điều tốt lành, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi... để cư dân an cư lập nghiệp.

Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã chọn ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch để dâng hương lên bàn thờ Tổ. Theo Dịch học, số 3 là số của Địa chi; số 10 là số của Thiên can. Tháng 3 Âm lịch là tháng Thìn (theo lịch nhà Hạ), Thìn là con rồng, âm Hán Việt là Long, Long là đồng âm của Lang. Chính vì điều này nên con Rồng được dùng tượng trưng cho Vua. Còn số 10 là can Kỷ. Kỷ được giải thích rằng hết một vòng trở về khởi đầu, nên ngày Kỷ cũng là Kỵ, mà ngày Kỵ tức ngày Giỗ. Do đó, số 10 và số 3 căn cứ trên 2 hệ Can - Chi của Dịch học được giải mã là “Kỵ Long”, ý tứ rất rõ ràng nghĩa là ngày Giỗ vua.

Hòn đá Thề (được làm lại) trên núi Nghĩa Lĩnh tương truyền do Thục Phán An Dương Vương dựng từ 4000 năm trước.

Hòn đá Thề (được làm lại) trên núi Nghĩa Lĩnh tương truyền do Thục Phán An Dương Vương dựng từ 4000 năm trước.

Trước thời Lê, không gian tổ chức lễ hội Đền Hùng mang tính làng xã khép kín - một không gian thiêng. Từ thời Lê Thánh Tông cho đến thời Hậu Lê, không gian diễn ra lễ hội Đền Hùng đã mở rộng không chỉ về không gian thiêng mà còn hàm chứa cả không gian địa lý.

Từ năm 2010, nhà nước đã quyết định chọn ngày mồng 10 tháng Ba Âm lịch là ngày “Quốc lễ” cho cả dân tộc, không gian tổ chức lễ hội Đền Hùng đã được lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc, từ Bắc tới Nam, từ miền ngược xuống miền xuôi, từ trung du đến đồng bằng. Đồng thời, không gian tưởng niệm vua Hùng còn được mở rộng và lan tỏa sang đến các cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài.

Xu hướng biến đổi từ Hội làng (Hội làng He) lên Quốc lễ (Hội Đền Hùng) và ngày nay là lễ hội cấp Quốc gia (Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng) đã quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, công khai chủ quyền của nhà nước ta qua các thời kỳ từ xã hội phong kiến đến ngày nay, có giá trị vĩnh hằng là nền tảng xác định chủ quyền của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Từ đỉnh núi Hùng - trung tâm thờ tự các vua Hùng, theo dòng chảy thời gian, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần lan tỏa tới các địa phương khác. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, vào thời Lê (từ thế kỷ XV - XVIII), trên cả nước có 1.026 đình, đền tại 944 làng xã thờ Hùng Vương và các nhân thần thời đại này. Đến nay, toàn quốc có 1.417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trong số này, ngoài 326 di tích trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, còn có không ít công trình tại các tỉnh, thành phố khác.

Di sản văn hóa mang tính toàn cầu

Ngày 6/12/2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là di sản văn hóa có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, hàm chứa những giá trị văn hóa của nhân loại. Bản Ngọc phả Đền Hùng viết sớm nhất vào năm Thiên phúc nguyên niên (980) đời vua Lê Đại Hành, cho thấy cách nay hơn nghìn năm, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quan tâm tới cội nguồn dân tộc. Tín ngưỡng tôn sùng tổ tiên được thể hiện qua phong tục thờ cúng Quốc Tổ (Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hùng Vương), niềm tin trong chiêm bái, tri ân Tổ tiên của người Việt Nam đã trở thành một di sản văn hóa tâm linh độc đáo, đặc sắc Việt Nam, đồng thời mang tính đại diện nhân loại rõ rệt.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa độc đáo , sống động mà không một dân tộc nào trên thế giới có được. Trong tâm thức nguồn cội của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Giỗ Tổ Hùng Vương là điểm đồng quy về ý thức cộng đồng - quốc gia - dân tộc, đã kết tinh thành dòng chảy bất tận trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.

Theo truyền thuyết, Hùng Vương là con của cha Lạc Long Quân (giống Rồng) và mẹ Âu Cơ (giống Tiên). Tinh thần gia tộc, tình nghĩa đồng bào, coi nhau như anh em trong một nhà được khẳng định không chỉ ở yếu tố cùng một huyết thống mà nó còn là mối quan hệ mang tính chất thần bí vì cùng sinh ra từ một bọc trăm trứng. Ý thức về giống nòi và cộng đồng dân tộc đã dẫn người Việt cổ đến việc sùng bái tổ tiên như một sự nhớ ơn sinh thành của tiền nhân (phục bản phản thủy) và khát vọng lưu truyền nòi giống mãi mãi.

Để duy trì và thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ông cha ta đã sáng tạo đồng thời hai loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là hệ thống Đền thờ Hùng Vương và Lễ hội đền Hùng - ngày giỗ Tổ Hùng Vương, mà phạm vi ảnh hưởng đã lan tỏa ra khắp mọi vùng, miền đất nước.

Tính đặc sắc trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là những sáng tạo của cộng đồng cư dân làng xã dần được “nhà nước hóa” bởi các triều đại phong kiến Việt Nam trong quá khứ và được thăng hoa lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP về nghi lễ Nhà nước, trong đó có quy định chi tiết nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. Năm 2007, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 Bộ luật Lao động cho phép người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Năm 2009, Chính phủ ban hành Đề án tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trước hết là sự huyền thoại hóa tâm thức của cư dân nông nghiệp lúa nước. Vào những ngày giỗ chính, dân các làng, xã ở Phú Thọ chế biến những sản phẩm nông nghiệp thành các đặc sản từ gạo như bánh chưng, bánh giày, chế biến từ lợn, gà, trâu, bò thành lễ vật dâng lên vua Hùng tại đền Hùng và những nơi thờ tự tại đình, điện trong các làng xã có thực hành thờ cúng.

Theo phong tục vào dịp giỗ Tổ, người dân ở các làng quanh núi Nghĩa Lĩnh trong trang phục truyền thống trai thì rước kiệu, gái thì làm lễ vật đưa về đền chính dự hội thi. Người ta sẽ chọn ra chiếc kiệu đẹp nhất và lễ vật ngon nhất rồi cùng nổi chiêng, trống, thanh la, nạo bạt, đồ bát bửu nghi trượng thành kính rước lên đền Hùng để thờ cúng vị thánh Tổ, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu.

Với các làng xung quanh núi Nghĩa Lĩnh, Hùng Vương còn được suy tôn là Ông Tổ nghề nông, có công dạy dân cày ruộng, cấy lúa, là thánh vương ban cho dân cây trồng, vật nuôi. Lễ hội truyền thống vùng đất Tổ được phân loại thành: lễ hội tiền nông nghiệp (săn bắt, bắt cá...), lễ hội nông nghiệp (cầu mùa, cầu mưa, các phong tục: tục rước mạ, trò đúc tượng, khấn vía lúa, tục gọi gạo...), lễ hội thờ các anh hùng (tín ngưỡng thành hoàng, anh hùng lịch sử, anh hùng văn hóa).

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Không chỉ vậy, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng còn gắn với rất nhiều phong tục tập quán... trong đó có các tục thờ thần mặt trời, thần cây, thần núi, thờ lúa... tạo môi trường cho tín ngưỡng thờ vua Hùng được gìn giữ và lưu truyền. Các truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Mai An Tiêm; các trò diễn như múa “tùng dí”, rước ông Khiu, bà Khiu, tế nõ nường... các lễ hội Rước vua về làng ăn tết, Rước chúa gái, lễ hội Vua Hùng dạy dân trồng lúa, lễ hội hát Xoan... thể hiện sự phong phú của kho tàng văn hóa dân gian về thời đại các Vua Hùng ở Phú Thọ.

(Còn nữa)

Đọc thêm