Giải mã chiến dịch di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn năm 1975

(PLO) -Sau chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ, người Mỹ bắt đầu tính đến chuyện di tản khỏi miền Nam. Đây là kế hoạch tuyệt mật đã được chuẩn bị từ trước, nhưng quá trình thực hiện không giống trong kịch bản. Hơn 40 năm qua đi, chuyện di tản của người Mỹ ở Nam Việt Nam năm 1975 vẫn là những ẩn số và sẽ được giải mã ....
Martin, Ford, Weyand, Kissinger tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng ngày 25/3/1975.
Martin, Ford, Weyand, Kissinger tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng ngày 25/3/1975.

Thực tế, những lộn xộn từ mặt trái của công tác tuyên truyền đã trở thành cuộc rút chạy chưa từng có của hơn 1 triệu người. 

Mỹ cố đấm ăn xôi

Sau Hiệp định Paris, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Nguyễn Văn Thiệu đã từng phát biểu trước đại chúng rằng, người Mỹ đã bán đứng, bỏ rơi đồng minh. Thiệu tìm mọi cách chỉ đạo củng cố quân đội với sự giúp đỡ của Mỹ nhưng mọi nỗ lực chẳng giúp tham vọng của Thiệu tồn tại được bao nhiêu vì “ngày suy tàn” của chế độ VNCH đang đến rất gần.

Thi hành Hiệp định Paris, Mỹ buộc phải rút hết quân về nước. Nhưng, để hà hơi tiếp sức cho chính quyền VNCH, trước khi rút quân ra, Mỹ đã đưa vào miền Nam gần 700 máy bay các loại, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, xe bọc thép và rất nhiều tàu chiến, dự kiến đưa thêm một số lớn binh khí kỹ thuật, tăng dự trữ vật tư chiến tranh của quân nguỵ lên mức tương đối cao, gần 2 triệu tấn.

Để vận hành các phương tiện khí tài đặc chủng, bảo quản trang bị chiến tranh tiên tiến ở các lĩnh vực của hoạt động quân sự, cần phải có lượng lớn kỹ thuật viên phục vụ mà quân VNCH không làm được. Để giải quyết bài toán này, Lầu Năm Góc có kế hoạch thay bằng những cố vấn gọi là dân sự trên cơ sở thuê theo hợp đồng.

Lầu Năm Góc muốn dùng những công dân không phải là người Mỹ, nhưng không thể và cuối cùng lại buộc phải dựa nhiều vào nhân viên quân sự Mỹ trước kia. Cũng theo điều khoản của Hiệp định Paris, Mỹ phải giải tán Bộ chỉ huy viện trợ quân sự ở Sài Gòn (MACV). Thế nhưng, để hợp thức hóa sự tồn tại của nó, Mỹ đã thiết lập một cơ quan tùy viên quốc phòng (DAO) gồm 50 sĩ quan cộng với 1.200 dân sự Mỹ mà số đông là những sĩ quan có kinh nghiệm ở Việt Nam đã về hưu.

Vì đã vi phạm tinh thần và điều khoản của Hiệp định, nên cơ quan DAO của Mỹ ở Nam Việt Nam hoạt động kín đáo và số lượng nhân viên của DAO cũng không rõ ràng. Đầu tiên, Lầu Năm Góc báo cáo con số dự định là 10.000, nhưng sau đó thì họ thừa nhận có 7.200 nhân viên dân sự, khoảng 1.000 là nhân viên cơ quan phát triển quốc tế (AID).

Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam thì tố cáo Mỹ có từ 10.000 đến 20.000 người. Trước áp lực của dư luận và sự đấu tranh thẳng thắn của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam DCCH và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên Trung ương, Lầu Năm Góc thừa nhận đã thuê hơn 23.000 nhân viên qua hợp đồng, trong đó có hơn 5.000 là người Mỹ.

Trong thực tế, vì đã chót “dựng” ở Nam Việt Nam một chính phủ bù nhìn, tham nhũng, buôn lậu, tranh giành quyền lực, phản động nên ở thời điểm đó, số lượng người Mỹ làm nhiệm vụ giúp đỡ Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu còn cao hơn con số thật rất nhiều. Nó được xem là liều thuốc “tình cảm”, an ủi bộ máy chính quyền Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và cũng ngầm nói với các nước rằng, Mỹ không hề bỏ rơi đồng minh. 

Ấy nhưng, nghịch lý đã xảy ra. Cho dù Mỹ có “cố đấm ăn xôi”, dùng nhiều cách khác nhau để ủng hộ Thiệu đi chăng nữa thì “ngày suy tàn” ở Nam Việt Nam vẫn cứ đến rất gần. Trước hết, việc Mỹ cắt giảm viện trợ liên tục từ hơn 1.600 triệu USD (năm 1972-1973) xuống còn 700 triệu USD (năm 1974-1975) đã khiến Thiệu phải chuyển sang tác chiến kiểu “con nhà nghèo", buộc phải chuyển từ hành quân lớn, tiến công nhảy sâu bằng máy bay lên thẳng, xe tăng sang phòng ngự chốt, lấn dũi, lùng sục nhỏ.

Và nguyên nhân chính được CIA giải thích sau này là do cả Mỹ và Ngụy không phán đoán đúng ý đồ tác chiến chiến lược của Hà Nội nên bố trí lực lượng “phòng thủ” sai và bị vỡ trận thảm bại, buộc phải rút chạy, rời khỏi Nam Việt Nam trước ngày 30-4-1975. Chính việc đưa nhiều nhân viên Mỹ đến giúp đỡ chính quyền Thiệu đã khiến cho chiến dịch di tản trở thành một thảm kịch, một vết nhơ khó có thể gột rửa trong lịch sử quân đội Mỹ.

Tại QK2, mặt trận Bắc Kontum, vùng biên giới Lào-Việt, tướng tư lệnh vùng Phạm Văn Phú, hướng dẫn Nguyễn Văn Thiệu thăm một đơn vị Biệt động quân
Tại QK2, mặt trận Bắc Kontum, vùng biên giới Lào-Việt, tướng tư lệnh vùng Phạm Văn Phú, hướng dẫn Nguyễn Văn Thiệu thăm một đơn vị Biệt động quân

Phán đoán sai

Trong hai ngày 9 và 10/12/1973, Chính phủ Sài Gòn tổ chức một hội nghị quan trọng dưới sự chủ trì của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhằm tìm hiểu ý đồ của Hà Nội. Sau hội nghị, Thiệu và các sĩ quan của ông ta thống nhất nhận định rằng, những tháng sắp tới, quân Giải phóng sẽ mở cuộc tiến công quan trọng hơn năm 1974, nhưng chưa lớn bằng cuộc tiến công năm 1968 (đúng như tin do CIA phân tích trước đó không lâu).

Từ đây Thiệu kết luận, quân đội Bắc Việt Nam không thể đánh chiếm và giữ những thành phố quan trọng dài ngày. Họ sẽ nhằm hướng Quân khu III, đánh Tây Ninh là chủ yếu (dự đoán của Đại sứ Martin) và họ chỉ tiếp tục tiến công cho đến tháng 6, hết mùa khô rồi ngừng để lấy lại sức và củng cố. Căn cứ phân tích trên, Thiệu quyết định không gửi quân tiếp viện cho Quân đoàn 2 ở Tây Nguyên, mà trái lại tập trung lực lượng dự trữ ở phía Nam đất nước. 

Từ ngày 13/12/1974, quân Giải phóng mở chiến dịch Đông – Xuân, đánh chiếm hai thị xã phía Đông - Bắc Sài Gòn ở Phước Long. Tại phía Nam, trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, quân Giải phóng chiếm nhiều vị trí tiền tiêu ven đường số 4.

Frank Snepp, một nhân viên CIA kỳ cựu, đột lốt hoạt động ngoại giao dưới quyền của Đại sứ Martin ngày đó đã kể lại trong cuốn “The Decent Interval” (Cuộc tháo chạy tán loạn) rằng: Sau khi phân tích tình hình, mọi người ở sứ quán Mỹ cùng nhận định, quân Giải phóng sẽ chọn một số mục tiêu chung, nhưng không đồng ý với nhau về mục tiêu phụ. Martin - Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn - cho là, quân Giải phóng sẽ đánh Tây Ninh, còn Polgar và Frank Snepp ngã về phía Phước Long, phía Tây Bắc Sài Gòn. 

Ngày 6/1/1975, quân Giải phóng làm chủ thị xã Phước Long. Đây là đòn đau đối với chính quyền Thiệu vì chưa bao giờ Hoa Kỳ tỏ ra thờ ơ như lúc này. Chưa hết, sau đó khoảng 5 ngày, núi Bà Đen, một điểm cao ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh bị thất thủ đã càng làm cho Thiệu và CIA tin rằng, thời gian tới, quân Giải phóng sẽ đánh Tây Ninh, cô lập Sài Gòn. 

Thêm một tình tiết nữa khiến cho nhận định trên của CIA và Thiệu khả thi hơn khi vào cuối tháng 12/1975, Đại tướng Viktor Kulikov, người đứng đầu lực lượng vũ trang Liên Xô đã  bay đến Hà Nội. 2 nhân viên CIA là Polgar và Frank Snepp cho rằng, sau cuộc viếng thăm này Hà Nội sẽ tổ chức chiến dịch lớn, tương tự như cách làm sau cuộc viếng thăm của một vị tướng Liên Xô năm 1971 trước đây.

Tuy nhiên, những nhận định của Polgar và Frank Snepp không được CIA và Bộ Ngoại giao ở Oasinhtơn chấp nhận. Họ cho rằng, Kulikov chỉ viếng thăm thường lệ. Tuy nhiên, sau khi Kulikov đến thăm Việt Nam không lâu, qua theo dõi thông tin, Polgar và Frank Snepp lại nhận thấy, khối lượng thiết bị quân sự Liên Xô chở bằng đường biển tới Bắc Việt Nam tăng gấp bốn lần so với trước đây. Điều này giúp họ sơ bộ kết luận, Mátxcơva đã ủng hộ hết mức cho cuộc tiến công cuối cùng của Hà Nội. Như vậy, việc Hà Nội sẽ đánh chiếm Tây Ninh là rất khả thi. 

Thế nhưng, “ngày suy tàn” đến với VNCH và những người Mỹ ở Nam Việt Nam không phải đến từ Tây Ninh như cả Đại sứ Martin, Thiệu và CIA nhận định mà lại đến từ một nơi rất xa Sài Gòn - một thị xã ở cao nguyên có tên Buôn Mê Thuật. 

Trong cuốn sách “Đại thắng mùa xuân”, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã thông tin: Ngày 8/1/1975, hai ngày sau chiến thắng Phước Long, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chủ trì một hội nghị của Bộ Chính trị và quyết định thảo kế hoạch chính thức và quyết tâm dành thắng lợi trong hai năm 1975 - 1976: "Năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam".

Trong đó xác định tiếp: "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng Miền Nam trong 1975". Giữa tháng Giêng năm 1975, Bộ Chính trị họp ở Hà Nội để xây dựng kế hoạch và Đại tướng Văn Tiến Dũng được cử chịu trách nhiệm chỉ đạo chiến trường.../. 

(Còn nữa)