Huyền thoại xoài tiến vua thơm ngon ở chùa cổ Đá Trắng

(PLO) - Ngày nay, những cây xoài cổ thụ ở chùa Từ Quang hay còn gọi là chùa Đá Trắng (Phú Yên) ít khi kết trái, thế nhưng những huyền tích thiêng liêng xung quanh món “nhị bảo ngự thiện” này vẫn còn được lưu truyền trong dân gian.
Toàn cảnh chùa Đá Trắng.
Toàn cảnh chùa Đá Trắng.

Chùa Từ Quang hay còn gọi là chùa Đá Trắng (ở xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) ra đời từ thời vua Quang Toản nhà Tây Sơn nhưng được vua Thành Thái nhà Nguyễn ban tứ sắc nhờ sự hiếm có, thơm ngon của xoài Đá Trắng.

Kỳ lạ xoài tiến vua

Chùa Đá Trắng tọa lạc ở đỉnh núi Xuân Đài, ở độ cao gần 100m so với mực nước biển, được bao quanh bằng những khối đá trắng càng tôn thêm vẻ lung linh kỳ bí của ngôi cổ tự hơn 200 năm tuổi này. Để có thể lên được chùa Đá Trắng, chúng tôi phải phải vượt qua được con dốc thoai thoải gần 1km, rộng 4m. Từ trong khuôn viên chùa, có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng sơn thủy hữu tình. 

Năm Mậu Dần 1578 khi được chúa Nguyễn Hoàng ban sắc phong làm Trấn biên quan, tướng Lương Văn Chánh đã đưa quân cùng với lưu dân khắp nơi vượt đèo Cù Mông vào khai hoang vỡ đất mở mang bờ cõi Đại Việt về phương Nam, lập đất Phú Yên ngày nay. 

Lương Văn Chánh cùng với quân của mình đã dừng ngựa, lập doanh trại đóng quân tại vùng đất Xuân Đài trong những bước đầu khai hoang, mở cõi xây dựng chủ quyền lãnh thổ ở Phú Yên. Từ điểm định cư đầu tiên, những lưu dân người Việt mở rộng địa bàn sinh sống, làm chủ cả vùng biển, đồng bằng và rừng núi rộng lớn phía Tây, biến cả khu vực rộng lớn này trở nên trù phú, sầm uất. 

Trong hơn 400 năm phát triển của mảnh đất Phú Yên thì gần 300 năm vùng đất Xuân Đài được chọn làm thủ phủ, nhiều dinh thự lớn, các cơ sở tôn giáo đã được xây dựng xung quanh dinh trấn. Chùa Từ Quang là một trong những “cõi Phật” uy nghiêm, cổ kính mang hồn văn hoá truyền thống của dân tộc được dựng lên ở đây.

Về nguồn gốc chùa, Đại đức Thích Chúc Thuận - trụ trì chùa Từ Quang, cho biết: “Năm 1793, Thiền sư Thích Diệu Nghiêm đến đây dựng cất một thảo am dịch kinh Hoa Nghiêm. Đến năm 1797, dưới thời vua Quang Toản nhà Tây Sơn, ngài cho cất một ngôi chùa lá mái khổng lồ. Do được xây dựng trên triền núi Đá Trắng, nên dân trong vùng hay gọi là chùa Đá Trắng”.

Dù được xây dựng dưới thời vua Quang Toản nhà Tây Sơn, thế nhưng ngôi cổ tự này lại được các vua nhà Nguyễn hết sức yêu thích, không chỉ bởi đây là một công trình nghệ thuật có sự kết hợp giữa sự sắp đặt tài tình của tạo hóa cùng với bàn tay tài hoa của con người, mà còn do sự thơm ngon đặc biệt của những quả xoài Đá Trắng. Sự thơm ngon đặc biệt đó đã đi vào trong ca dao: “Xoài Đá Trắng, sắn Phường Lụa” (Phường Lụa là một địa danh khác ở Phú Yên, cách chùa Đá Trắng không xa). 

Tương truyền rằng, trong những lần dừng chiến thuyền ở vịnh Xuân Đài trên đường hành quân đánh nhau với quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã có dịp thưởng thức xoài Đá Trắng và rất ưa thích. Vị ngọt thanh của nó không xoài ở đâu có được. Vì vậy, dưới triều Gia Long, cùng với lòn bon Quảng Nam, xoài Đá Trắng ở Phú Yên trở thành “nhị bảo ngự thiện”. Vào dịp Tết Đoan ngọ hàng năm, tỉnh Phú Yên phải mang dâng nhà vua từ 1.000 đến 2.000 trái.

Theo Đại đức Thích Chúc Thuận, vườn xoài ở đây xuất hiện trước cả khi dựng chùa. Nếu như các giống xoài khác đều ra hoa màu vàng thì xoài Đá Trắng ra hoa màu trắng, trái nhỏ, vỏ mỏng, cùi ngọt thanh, hương thơm bay xa, chín để được lâu. Vì xoài Đá Trắng quý hiếm nên có lúc quan huyện lệnh phải cắt cử sai nha canh giữ vườn xoài và ghi chép tỉ mỉ quá trình ra hoa, thụ trái, thu hoạch. 

Đường lên chùa Đá Trắng.
Đường lên chùa Đá Trắng.

Ngoài ra, quan tỉnh Phú Yên còn cử một đội quân chuyên lo vận chuyển xoài ra kinh đô Huế. Xoài được ủ cẩn thận vào giỏ tre lót lá sầu đông, làm sao lúc ngựa chở đến Huế thì cũng vừa chín vàng da. Nhà vua sẽ mở tiệc ngự thiện, thưởng thức xoài và chia lộc cho các quan đại thần.

Tương truyền, trong một lần vua mở tiệc chiêu đãi xoài, có một vị tướng đi trễ nên không kịp được ăn xoài vua ban. Nghe danh xoài Đá Trắng đã lâu mà không được thưởng thức, vị tướng bực bội không vui. Cuối năm ấy có giặc nổi lên chống lại triều đình nhà Nguyễn, vua sai vị tướng kia cầm quân ra trận. Nhận được lệnh, vì trong lòng vẫn chưa nguôi giận bữa tiệc xoài ăn hụt, vị tướng hậm hực tâu lên vua rằng: “Thưa bệ hạ, sao bệ hạ không sai những người được ăn xoài Đá Trắng đi đánh giặc”.

Hai cuộc dấy binh

Theo tư liệu lịch sử, đầu tháng 8/1885, kinh đô Huế thất thủ. Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi và xuống chiếu Cần Vương. Trước đó, sĩ tử Phú Yên ra ngoài trường thi ở Bình Định để trổ tài, nhận được lời kêu gọi của vua Hàm Nghi, tất cả đều bỏ lều chõng để về tập hợp dưới lá cờ Cần Vương do Lê Thành Phương lãnh đạo. Lúc bấy giờ là ngày 15/8/1885, nơi phất cờ, cũng là căn cứ của nghĩa quân chính là chùa Đá Trắng.

Một pháo đài được dựng lên ngay sau đó, với hai khẩu thần công hướng ra vịnh Xuân Đài. Dưới sự chỉ huy của phó tướng Bùi Giảng, đã ngăn được quân Pháp đổ bộ vào đất liền. Trước những chiến công của phong trào Cần Vương ở Phú Yên, tháng 1/1886, vua Hàm Nghi cho sứ thần vào tấn phong Thống soái quân vụ đại thần của triều đình Cần Vương cho Lê Thành Phương.

Tiếc là sau gần 2 năm dấy cờ khởi nghĩa, nguyên soái Lê Thành Phương trúng kế “điệu hổ ly sơn” của tên việt gian Trần Bá Lộc. Trước khi bị đao phủ của kẻ địch hành quyết, ông đã cảm khái đọc lớn: “Anh hùng mạc quản doanh do luận/ Tổ quốc cô hà sỉ nhục ta!”. Hôm ấy là ngày 20/2/1887, dân gian truyền rằng khi đầu ông vừa chạm đất, cũng là lúc mặt trời lên.

Sau Cần Vương, phong trào Minh trai chủ tể dưới sự chỉ huy của Võ Trứ và Trần Cao Vân cũng từng gây nên tiếng vang một thời. Võ Trứ là người Bình Định, theo giúp Mai Xuân Thưởng chống Pháp. Việc không thành, ông ẩn náu cửa Phật để chờ thời cơ. Rằm tháng 7/1898, tranh thủ lúc dân chúng, phật tử về dự lễ Vu lan tại chùa Đá Trắng, ông đã kêu gọi mọi người về dưới lá cờ Minh trai chủ tể.

Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa này cũng không tránh khỏi thất bại nặng nề. Vũ khí thô sơ, chủ yếu là rựa, nghĩa quân lại chưa có kinh nghiệm chiến trận, không thể đương đầu lại với súng đạn hoả lực mạnh của quân Pháp. Ngôi chùa Đá Trắng chứng kiến thêm một sự kiện đẫm máu bi tráng vì nền độc lập tự chủ của dân tộc, mà quân xâm lược Pháp mỉa mai gọi là “giặc thầy chùa” hay “giặc rựa”.

Võ Trứ và Trần Cao Vân trốn thoát, lánh lên động Bà Thiên ẩn náu. Dân làng quanh vùng bị đàn áp, khảo tra dã man. Để tránh gây thiệt hại lớn cho nhân dân, Võ Trứ từ biệt Trần Cao Vân để ra nộp mạng cho giặc, nhận hết mọi tội lỗi về mình. Không khai thác được gì ở ông, giặc đã đưa ông ra pháp trường xử trảm, bêu đầu lên cọc tre để thị uy dân chúng. Còn Trần Cao Vân tiếp tục lên đường tìm kế sách khác giúp vua Hàm Nghi tiếp tục chống Pháp.

Một cây xoài cổ thụ trong khuôn viên chùa Đá Trắng.
Một cây xoài cổ thụ trong khuôn viên chùa Đá Trắng.

Ông Phan Đình Phùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: “Đối với Phú Yên, chùa Đá Trắng là chùa tổ và là một trong những ngôi chùa cổ nhất. Đồng thời, đây còn là di tích lịch sử gắn liền với sự nghiệp của các nhà lãnh đạo chống Pháp như Lê Thành Phương, Võ Trứ, Trần Cao Vân”.

Theo đại đức Thích Chúc Thuận, năm Nhâm Dần 1842 dưới thời vua Thiệu Trị chùa được sửa chữa quy mô, có bia ghi chép sự tích. Đến năm Kỷ Sửu 1889, chùa được vua Thành Thái ban sắc tứ. Đến năm 1929, chùa mở cuộc đại trùng tu do bị hỏa hoạn trước đó. Năm 1997, chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. 

Năm 2013, cụm 20 cây xoài hơn 220 năm tuổi ở chùa Đá Trắng được Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận là Cây di sản. Trước đây, loại xoài này dùng để tiến vua. Hơn chục năm nay, những cây xoài này có năm ra một vài trái, có năm không kết trái. Tỉnh Phú Yên đang tìm cách lưu giữ và nhân giống xoài quý hiếm này.

Đọc thêm