Tuy nhiên, Gia Cát Lượng rất hiểu Diên có tính tự cao tự đại, coi mình hơn người nhưng vì sợ uy danh Thừa tướng nên không dám làm bừa. Nếu Gia Cát Lượng qua đời thì Dương Nghi sao quản được Diên?
Cái chết oan ức
Ngụy Diên mưu phản là một đại nghi án của thời Tam Quốc. Đoạn lịch sử này có nhiều cách nói khác nhau: Có người cho rằng Diên là người trung thành, vô cớ bị hại chết; cũng có người cho Ngụy Diên là “loạn thần tặc tử”, bị giết là đáng; lại có người coi đó là cái vòng luẩn quẩn do Gia Cát Lượng... tự vẽ ra. Thế thì, Ngụy Diên rốt cục có mưu phản thật không?
Năm 223 sau Công Nguyên, Lưu Bị chết ở cung Vĩnh An, chính quyền Thục Hán bước vào một thời kỳ rắc rối đa sự. Mã Tốc bị chém vì để mất Nhai Đình, sau đến Lý Nghiêm bị phế, rồi Ngụy Diên mưu phản đã gây chấn động chính trường.
Về việc Ngụy Diên mưu phản, ấn tượng nhất có lẽ là do những mô tả trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” nói ông có cái “phản cốt” sau gáy, trước sau gì tất cũng làm phản. Thực tế có chuyện đó hay không?
Năm 234, Gia Cát Lượng Bắc phạt lần thứ 5, do mệt mỏi lao lực sinh bệnh, chết trong doanh trại ở Ngũ Trượng Nguyên. Theo “Tam Quốc Chí. Ngụy Diên truyện”, trước khi chết, Gia Cát Lượng bí mật triệu tập Dương Nghi, Khương Duy, Phí Vĩ rồi di mệnh: Sau khi ông chết, không nên tiếp tục Bắc phạt mà rút hết quân về Thục; khi rút, để Ngụy Diên đi đoạn hậu rồi đến Khương Duy.
Khổng Minh dặn “nếu Diên không phục tùng mệnh lệnh thì kệ hắn, cứ việc rút quân”. Sau khi Gia Cát Lượng tắt thở, Phí Vĩ truyền đạt mệnh lệnh cho Diên, quả nhiên Diên nhảy dựng lên: “Bắt ta đoạn hậu ư? Không được! Thừa tướng chết, nhưng Ngụy Diên ta còn đây, sẽ tiếp tục lãnh đạo quân đội Bắc phạt.
Vì sao một người chết mà phải gác lại việc lớn của thiên hạ? Mà Ngụy Diên ta cớ gì phải đoạn hậu cho Dương Nghi kia chứ?” rồi kiên quyết yêu cầu Phí Vĩ tiếp tục Bắc phạt. Vĩ lấy cớ đi khuyên bảo Dương Nghi, nhảy lên ngựa quay đầu chạy biến.
Ngụy Diên khi đó mới nghĩ ra là không nên thả cho Phí Vĩ đi, vội cho thám tử dò xét. Thám tử về báo Dương Nghi tuân theo sắp đặt của Gia Cát Lượng, đã dẫn đại quân rút về Thành Đô.
Ngụy Diên nộ hỏa xung thiên: “Ngươi rút, ta cũng rút!” Thế là Diên dẫn quân chạy về phía Nam vượt lên trước đoàn quân của Nghi, vừa chạy vừa phá cầu, về đến cửa Nam Cốc. Dương Nghi trên đường dẫn quân rút lui thấy cầu đều bị phá, hai người tích oán đã lâu nay càng thêm chồng chất; thế là đều viết thư gửi về triều đình tố cáo đối phương mưu phản.
Hai bức thư tố cáo nhau đều tới tay hậu chủ Lưu Thiền. Lưu Thiền xem thư không hiểu, bèn hỏi Đổng Doãn, Tưởng Uyển: Rốt cục ai là kẻ mưu phản? Hai người nói: “Bệ hạ! Thần dám đảm bảo chắc chắn Dương Nghi không mưu phản; còn Ngụy Diên có phản hay không thì không dám chắc”.
Thế là Lưu Thiền lệnh cho Tưởng Uyển dẫn quân túc vệ lên phía Bắc chặn Ngụy Diên, Dương Nghi cũng dẫn quân xuống phía Nam truy kích Diên. Hai đạo quân vây chặt quân của Diên ở cửa Nam Cốc.
Ngụy Diên dẫn mấy tướng tâm phúc chạy đến Hán Trung, bị Mã Đại giết chết, xách thủ cấp đến dâng trước mặt Dương Nghi. Dương Nghi quẳng đầu Ngụy Diên xuống đất, dùng chân đạp, sau đó tru di tam tộc Ngụy Diên.
Phản biến thực chất là nội loạn
Nhà bình luận Tam Quốc nổi tiếng Trung Quốc Dịch Trung Thiên cho rằng, phán xét Ngụy Diên mưu phản là “vô duyên vô cớ, chẳng có bằng chứng, không hợp logic”.
Phục tùng là thiên chức của quân nhân, nếu Gia Cát Lượng đã hạ lệnh đoạn hậu, thì Diên phải phục tùng, sao có thể tự hành động, kéo quân về phía Nam? Định rút về Thành Đô hay muốn lật đổ chính quyền Thục Hán?
Chẳng ai làm rõ được! Mà vì sao lại phá đường rút của Dương Nghi bởi dễ khiến hiểu lầm Ngụy Diên mưu phản. Để tránh Dương Nghi cứu giá mới phá hoại cầu đường. Vì vậy Ngụy Diên đã bị vu vạ một cách vô cớ.
Càng không hợp logic ở chỗ Ngụy Diên lúc đó cả về tài năng thực lực đều thiếu, không đủ để xưng vương xưng đế. Nếu mưu phản, Diên chỉ có theo hàng Tào Ngụy và phải chạy ngay sang phía đối diện, chẳng có lý do gì phải dẫn quân Nam hạ.
Cho nên Trần Thọ suy đoán: Bản ý Ngụy Diên không phải hàng Tào Ngụy mà muốn giết chết Dương Nghi. Với vị trí, uy danh, công lao của Ngụy Diên khi đó, nếu giết Dương Nghi thì chỉ có Diên là người kế tục Gia Cát Lượng; như thế thì có thể tiếp tục Bắc phạt. Vì thế có thể kết luận: Vụ án Ngụy Diên không phải là mưu phản mà là nội loạn, là chuyện mâu thuẫn nội bộ giữa Ngụy Diên và Dương Nghi!
|
Dương Nghi và Gia Cát Lượng trong phim |
Dương Nghi sau khi rút về Thành Đô rất tự đắc, cho rằng mình dẫn được quân đội bình an trở về theo ý Thừa tướng, lại giết được Ngụy Diên, vất vả mà không được thưởng công, cần phải được thăng quan gia tước.
Thế nhưng, người được chọn kế thừa chức vụ Gia Cát Lượng lại là Tưởng Uyển thua kém mình, Dương Nghi bị cho ngồi chơi xơi nước, chẳng quyền lực cũng không có quân, nên bụng đầy oán giận. Khi Phí Vĩ đến an ủi, Dương Nghi nói ra miệng: “Biết thế này, chẳng thà theo Ngụy Diên tạo phản cho xong”.
Phí Vĩ đem những lời đó về báo triều đình trao cho Nghi chức tước cao hơn, Dương Nghi vẫn không an phận, tiếp tục oán trách, phỉ báng triều đình, cuối cùng tự sát mà chết. Cho nên kết quả của mối bất hòa Ngụy Diên – Dương Nghi là cả hai cùng chết.
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của Ngụy Diên?
Các nhà sử học phần lớn đều cho rằng Dương Nghi là kẻ phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án oan Ngụy Diên do ân oán cá nhân, giết chết một đại tướng của nước Thục, tội lớn hơn tội Diên nhiều. Ngụy Diên lập nhiều công lao to lớn với chính quyền Thục Hán, không có sai sót gì, chịu tiếng xấu oan ức, thậm chí bị tru di tam tộc, lượng hình nặng đến thế đều do một tay Dương Nghi mà ra.
Nhưng Dương Nghi cũng oan ức vì chỉ triệt thoái theo lệnh của Gia Cát Lượng. Thế thì trách nhiệm thuộc về Ngụy Diên sao?. Theo “Tam Quốc Chí. Ngụy Diên truyện”, Bùi Tùng Chi chú dẫn sách “Ngụy lược” cho biết, Gia Cát Lượng cũng trao cho Ngụy Diên một mật lệnh, cho Diên thay chức ông để đưa tang về Thành Đô.
Thế thì trách nhiệm phải truy đến Gia Cát Lượng: Cố ý ra hai mật lệnh, chẳng phải nhằm xúi hai bên chống nhau sao? Cho nên có sử gia cho rằng, vụ án oan Ngụy Diên là do Gia Cát Lượng một tay dựng lên.
Nhưng học giả Dịch Trung Thiên cho rằng, cách nói của “Ngụy lược” không đáng tin, Bùi Tùng Chi cũng chỉ viết “Đó là tin từ phía nước địch”. Bởi Ngụy Diên không ở bên cạnh, sao Diên có thể hộ tống linh cữu Gia Cát Lượng về Nam?
Vả lại theo “Ngụy lược”, sau khi Ngụy Diên về đến cửa Nam Cốc, Dương Nghi dâng thư nói Diên chuẩn bị đầu hàng Tào Ngụy. Nếu muốn hàng Tào thì phải đi ngược lên phía Bắc chứ sao lại xuống phía Nam? Vì vậy cũng không thể nói Gia Cát Lượng đã hoạch định vụ án oan này được.
Vụ án Ngụy Diên mưu phản rốt cục là thế nào, cần phải quay lại phân tích di mệnh của Gia Cát Lượng. Vì sao ông ra lệnh để Diên đoạn hậu? Có ý kiến nói là bởi giữa hai người có bất đồng về quân sự. Ngụy Diên từng đề xuất với Gia Cát Lượng mưu kế đi tắt qua hang Tý Ngọ. Đó là một “kỳ mưu” chiến lược, chẳng khác nào Hàn Tín “ám độ Trần Thương” khi xưa, tuy mạo hiểm nhưng “xuất kỳ chế thắng”. Thế nhưng Gia Cát Lượng không dùng mưu đó.
Bắc phạt là sự nghiệp quan trọng của Gia Cát Lượng sau khi Lưu Bị chết, nhưng sự nghiệp đó dây dưa mãi không thành. Dịch Trung Thiên cho rằng: Bắc phạt không thể thắng lợi được do 3 nguyên do: “Tào Ngụy không thể suy vong nhanh, Ích Châu không phải đất tiến thủ, Gia Cát không có tài chiến lược”.
Gia Cát Lượng biết rõ, ông kiên trì Bắc phạt là muốn chuyển mâu thuẫn nội bộ của Thục Hán ra chiến tranh, dùng Bắc phạt để chấn hưng sĩ khí, quan trọng hơn là Gia Cát Lượng không muốn giao quyền quản lý chính trị cho ai, Ngụy Diên là mãnh tướng duy nhất của Thục Hán thời kỳ này, rất có thể là người kế thừa sự nghiệp Bắc phạt sau khi ông chết.
Gia Cát Lượng biết rõ Ngụy Diên sẽ không từ bỏ việc Bắc phạt; ông cũng rất hiểu Diên tự cao tự đại, luôn đặt mình cao nhất, nếu ông qua đời tất không coi bọn Dương Nghi ra gì, đám này tất sẽ phải theo Diên.
Với Gia Cát Lượng, việc quan trọng hàng đầu lúc đó là nhanh chóng đưa đại quân về Thành Đô để bảo vệ chính quyền Thục Hán. Chỉ có giữ được Thục Hán, sau này mới có cơ phục hưng nhà Hán. Đó là điều Gia Cát Lượng đau đáu tâm can, cho đến khi lâm chung vẫn nghĩ đến việc giữ lấy Thục Hán. Nhưng, 30 năm sau khi ông qua đời, Thục Hán đã bị diệt vong...