Kỳ này, xin giới thiệu đến bạn đọc bát đại pháp khí cát tường theo quan niệm của Mật tông…Những pháp khí cát tường này được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau: Cát tường bát bảo, Bát cát tường huy, Tạng bát bảo… Bát đại pháp khí này tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc, viên mãn theo suy nghĩ truyền thống của người dân Tây Tạng cũng như Mật tông. Xếp theo thứ tự, đó là: Ô báu, đôi cá vàng, bảo bình, hoa sen, tù và bằng ốc, vật kết cát tường, thắng lợi tràng, kim luân, thường dùng bày trước ban tượng Phật. Theo truyền thuyết để lại, các vật cát tường này, khi Đức Phật đắc đạo, đã được dâng cúng với ý chúc mừng và cầu thỉnh.
Ô báu – Hoa cái bảo tán
Theo tiếng Phạn, ô báu gọi là “Chatra” hay “Hoa cái bảo tán”, thực chất là vật che đầu có từ thời Ấn Độ cổ đại được giới quý tộc, hoàng gia dùng che đầu mỗi khi đi ra ngoài. Về sau, “bảo tán” trở thành một thứ đồ nghi trượng, tượng trưng cho quyền lực và sự giàu sang.
Sau khi đắc đạo, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bắt đầu ngồi thuyết giảng pháp cho các đệ tử, đức Phạn Thiên khi ấy có cầm một chiếc ô báu màu trắng cán vàng, được gắn châu báu với 2 dải lọng tua hai bên ra che nắng cho Đức Phật rồi sau đó dâng cho Phật dùng.
Từ một công cụ bình thường, ô báu đã trở thành một đại pháp khí của Phật giáo Mật tông, tượng trưng cho sự che lấp đi ma chướng, giữ gìn và bảo hộ Phật pháp, có tác dụng tiêu trừ ngũ độc cho chúng sinh. Tại Tây Tạng, “hoa cái bảo tán” là vật chuyên dùng cho các hoạt Phật, thượng sư và Đại Lạt Ma.
Về cấu tạo, ô báu còn có trang trí thêm lông khổng tước, sợi châu báu vàng bạc…Hình tròn của ô tượng trưng cho trí tuệ, gia hộ cho chúng sinh thoát khỏi những cảnh khó khăn. Chiếc núm trên đỉnh ô tượng trưng cho vinh dự, sự tôn kính, đại diện cho uy quyền của Phật giáo và sự phổ chiếu khắp bốn phương của Phật pháp.
Đôi cá vàng
Cá vàng (tiếng Phạn, Suvarnamatsya) là một loại cá sông có râu, còn được gọi là cá cao nguyên hay cá hoàng kim. Con cá này có vây ngọc dài, mềm mại, mắt tròn phát sáng lấp lánh, roi rõ mọi thứ vô minh, là biểu tượng của trí tuệ.
Đôi cá vàng |
Theo Phật giáo Tạng truyền, vào thời nguyên sơ của trái đất, biển lớn bao trùm và cá trong biển lớn là khởi nguồn của các loài động vật trong thế gian. Còn màu vàng của cá theo quan niệm của dân tộc Tạng, là màu của hưng vượng, phát triển.
Một đôi cá vàng – một đực, một cái – còn tượng trưng cho sinh mệnh, sự sinh sản và tránh thoát bể khổ cõi luân hồi, tượng trưng cho sự thống nhất cao độ, sự hài hòa tuyệt đối âm-dương, cương –nhu, trí tuệ - phương tiện.
Trong kinh Phật có câu chuyện Liên Hoa Vương xả thân mình thành cá để cứu người, cho nên, cá còn là vật tượng trưng cho cát tường, may mắn, biểu thị cho sự từ bi của Đức Phật.
Con cá bơi trong nước, thoải mái không có chướng ngại nên Phật giáo còn dùng nó để biểu thị thế giới siêu việt, người tu hành nhờ đó mà đạt được giải thoát. Đặc biệt, mắt cá có thể nhìn thấu mọi vật trong bùn nước nên cá vàng còn tượng trưng cho tuệ nhãn.
Bảo bình
Bảo bình, hay lọ, bình sạch, là đồ dùng đựng ngũ bảo – 5 thứ châu báu, ngũ hương, ngũ dược, ngũ cốc...Nếu nhìn thấy đồ cúng dường là 5 bình hương thơm đựng đầy tràn thì điều này có nghĩa là đại diện cho ngũ trí của Phật.
Miệng bảo bình thường được trang trí hoa báu, thân bình cũng được trang trí bằng nhiều họa tiết, ngoài ra còn gắn thêm châu báu ở thân, trên đỉnh hay dưới đáy với nhiều hình vẽ hoa sen.
Bảo bình cũng còn là một pháp khí được dùng để quán đỉnh khi tu pháp Mật tông với việc người thụ giới được vẩy rượu thơm lấy từ trong bình, khiến cho được phúc báo, trừ bỏ bệnh tật, tiêu trừ ác nghiệp, khai hiển trí tuệ từ đó giải thoát khỏi mọi ma chướng.
Bảo bình |
Là một trong 8 báu vật may mắn của dân tộc Tây Tạng, trong bảo bình thường có nước cam lộ, đá quý, sữa chua, được cắm thêm cành như ý hoặc lông đuôi khổng tước tượng trưng cho tài vật tăng thêm, vạn sự như ý, phúc trí viên mãn…
Hoa sen
Hoa sen mọc từ bùn nhơ nhưng lại thanh sạch với hương thơm tinh khiết, tượng trưng cho việc có thể giải thoát mọi phiền não và tội ác, thăng hoa đến cảnh giới thanh khiết, sáng rõ.
Theo truyền thuyết, khi Phật ra đời thì hoa sen dần dần nở, trở thành một vật có địa vị đặc biệt quan trọng trong Phật giáo.
Sự cao khiết của hoa sen biểu tượng cho Phật pháp không thể bị ô nhiễm; khí chất thơm tho, đẹp đẽ, cao nhã biểu thị Phật pháp trừ bỏ tất cả mọi điều bất thiện và vọng ngữ, tính tình nhu hòa, chuyên tâm tu pháp.
Phật giáo Tạng truyền còn dùng cánh hoa sen trắng để so với đầu lưỡi của Phật tổ khi ngài thuyết pháp. Hoa sen tượng trưng cho Phật hay Bồ Tát không chịu sự xâm nhiễm của tâm, ý hay ma chướng bên ngoài, giữ gìn Phật pháp tận thiện tận mỹ, thuần khiết vô cùng.
Thân, lá và hình trạng của hoa sen tượng trưng cho các mạch trên cơ thể con người, đại diện cho Phật pháp khai mở trí tuệ, tu hành đến cảnh giới tối cao. Đặc biệt, hình tượng Phật, Bồ Tát và các vị thiên thần đều tọa trong hoa sen chính là tượng trưng cho sự giác ngộ viên mãn, tu thành chính quả.
Tù và ốc
Tù và ốc |
Tương truyền, khi Đức Phật bắt đầu thuyết pháp trong vườn Lộc Dã, Đế Thích Thiên có dâng lên Phật một con ốc biển, từ đó, ốc biển trắng tượng trưng cho trí tuệ và sự viên mãn của Phật tính.
Ốc biển dùng làm nhạc khí gọi là pháp loa, gồm 2 loại là có trang sức và không có trang sức. Pháp loa không có trang sức thường được cúng dường trên chính điện, pháp loa có trang sức thì dùng trong các pháp sự, đặc biệt có những pháp loa nạm vàng khảm ngọc, viền cánh, khắc hình ảnh hoa văn rồng rất tinh xảo.
Vạn tự kết
Vạn tự kết, hay gọi là vật kết cát tường, thường dùng những sợi chỉ kết lại thành hình dạng gần như chữ “Vạn” tượng trưng cho Phật môn, là một tiêu chí thể hiện sự may mắn, cát tường có nguồn gốc từ Ấn Độ, cũng là tượng trưng cho Phật giáo với nghĩa “vạn tướng”.
Vạn tự kết thường được trang trí ở trước tượng Phật, biểu thị quyền uy rất lớn. Vật này cũng thường được đeo cạnh eo của người du mục Tây Tạng, tượng trưng cho tất cả người trong nhân gian, vạn chúng nhân tu theo nghiệp thiện đều chuyên nhất tâm, hữu hảo đoàn kết, đoàn kết với nhau thành một khối…
Vạn tự kết |
Vạn tự kết cũng còn tượng trưng cho trí tuệ viên mãn của Phật, đại diện cho 5 trí tuệ của Phật là “pháp giới thể tính trí”, “diệu quan sát trí”, “đại viên kính trí”,”bình đẳng tính trí”, “thành sở tác trí” thể hiện ở khắp nơi, trí tuệ và phương tiện kết hợp chặt chẽ, chiến thắng tà ác và đau khổ.
Thắng lợi tràng
“Tràng” vốn có nguồn gốc từ một loại cờ trong quân đội của Ấn Độ cổ mà khi chiến thắng sẽ được giương lên để muôn người hô lớn. Sau này, Phật giáo dùng “tràng” tượng trưng cho phiền não được giải thoát, thắng lợi hoàn toàn. Khi Phật giáo hưng thịnh, “tràng” được chọn dùng biểu thị cho Phật pháp vững chắc, chiến thắng được tà môn ngoại đạo, phát triển không ngừng.
Thắng lợi tràng |
Dạng thức của “thắng lợi tràng” có 2 loại: Một loại bằng lụa, hình ống dài với 9 tầng lụa bạch kết nối, chủ yếu dùng đặt trong Phật đường. Một loại khác lại được làm bằng đồng, trên khắc câu chú, đầu sư tử, chuỗi ngọc, vòng lửa, được mạ vàng để phát sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời. “Thắng lợi tràng” bằng đồng thường đặt trên đỉnh phòng, 4 góc hoặc 2 bên trước cửa Phật đường…
Kim luân
Kim luân – vòng vàng (tiếng Phạn, Chakra), tượng trưng cho Phật pháp. Hình trạng của kim luân tựa như mặt trời và vì thế cũng tượng trưng cho thần có năng lực bảo hộ và thống trị to lớn, có thể sáng tạo ra vạn tượng, che chở cho chúng sinh.
Kim luân |