Hóa giải tin đồn độc địa
Truyền thuyết kể tiếp rằng, sau 7 ngày 7 đêm, xác nàng Hương nổi lên. Dây thừng, cối đá và thi thể mẹ con người phụ nữ tiết trinh bị sóng đánh dạt vào hang đá ở ven cửa bể Đồ Sơn. Tại kinh thành, một đêm Trịnh Doanh nằm mơ thấy người con gái vùng biển hiện về than khóc. Chúa giật mình nhớ lại chuyện cũ cho người cấp tốc về đón thì đã quá muộn.
Chính tại hang đá dưới chân núi Độc, dân làng lập nên ngôi miếu thờ. Chúa Trịnh ân hận phong cho nàng là “Hậu Đế”. Từ đó người ta gọi nàng là Bà Đế, đền thờ nàng gọi là đền Bà Đế. Hỏi về chuyện chia lìa tình yêu, ông Hiếu cho rằng: Những người nói như vậy chẳng những oan cho bà Đế mà còn oan cho cả đền. Mối oan tình là có thật. Cái chết của bà Đế khi bào thai vẫn còn trong bụng cũng là thật. Nhưng đó là chuyện cũ của 300 năm trước.
Tấm lòng trinh bạch của nàng đã được minh chứng. Người dân đã lập đền thờ ngày đêm hương khói. Dây thừng oai nghiệt đã bị tàn nhang rơi vào đốt cháy từ trăm năm trước. Chiếc cối đá, vật chứng của tội ác cũng đã thất lạc như lời nhắc nhở “quên đi hận thù”. Đến thế kỷ XIX, bà còn được vua Tự Đức, ông vua hay chữ nhất phong tặng 8 chữ “Đông nhạc đế bà Trịnh chúa phu nhân”.
|
Đên Bà Đế nổi tiếng linh thiêng ở quận Đồ Sơn (Hải Phòng) |
Ngôi đền thờ bà mặt hướng ra biển, lưng tựa vào núi. Từ xa nhìn vào, đền lẫn vào núi hòa vào đất trời mộc mạc, dung dị. Nơi đây quanh năm gió thổi mang theo hơi thở nồng ấm và sự mặn mà của biển, là điểm dừng chân của biết bao tao nhân mặc khách. “Bà Đế đã là thánh thì sẽ phù hộ, ban phước cho người dân chứ không có lý gì còn tạo thêm nghiệp chướng”, ông Hiếu lý giải.
Cũng theo lời vị lão niên này, chẳng những không phải là nơi chia cắt tình duyên, đền bà Đế còn là nơi hàn gắn cho biết bao mối tình đứng bên bờ vực tan vỡ. Nhiều đôi trai gái yêu nhau đi lễ đền thành vợ thành chồng giờ sinh con lại đưa cả con cùng đi. Hay có những gia đình vợ ngoại tình, chồng bồ bịch, đã gửi đơn lên tòa xin ly hôn nhưng đến đền bà khấn nguyện về lại làm lành, chung sống với nhau hạnh phúc.
“Ai thành tâm chắc chắn sẽ được bà phù hộ cho điều tốt đẹp”, ông Hiếu nói. Ngoài ra, theo quan niệm nhà Phật, mọi sự xảy ra đều là do nhân duyên mà thành. Hội tụ đủ nhân duyên thì sẽ hợp. Ngược lại nếu duyên không đủ thì sẽ tan. Không thể phủ nhận được rằng, nhiều cặp đôi đã chia tay nhau rất nhanh sau khi tới lễ đền nhưng đó là kết quả của cả một quá trình chứ không thể nói do đi lễ đền gây ra được.
Cũng có thể, có người bị ám ảnh bởi câu chuyện tình ngang trái nên khi về nảy sinh tâm lý bi quan rồi dẫn đến tình yêu tan vỡ. Tuy vậy, nếu hai người đã thực lòng đến với nhau thì chuyện buồn phiền nhất thời chắc chắn sẽ vượt qua được. “Truyền thuyết đã nói, bà Đế là người con gái đẹp nhưng trắc trở về đường tình duyên và mất oan khuất từ đó.
Chính vì lý do này, người ta đồn rằng không nên cầu duyên với nửa kia của mình ở đây. Vậy nhưng, cũng vì mất oan, thấu hiểu nỗi buồn trong chuyện tình cảm nên bà Đế luôn ứng cho các cặp tình nhân một kết quả vẹn toàn. Nếu có khúc mắc chia tay nhau cũng là vì bà đã biết trước tương lai sẽ đau khổ nên mới cắt duyên để hai người đỡ khổ về sau”, ông Hiếu nhận định.
Đền linh “cầu được sở nguyện”
Không chỉ nối tiếng linh ứng trong chuyện tình cảm, đền bà Đế còn được tương truyền rất linh thiêng. Người nào có lòng thành khấn nguyện sẽ được bà ban cho như ý. Những người dân chài Đồ Sơn mỗi khi ra khơi vẫn đều khấn bà phù hộ độ trì cho sóng yên bể lặng, thuyền nhiều tôm cá. Ông Hiếu bảo, 18 năm ông có mặt ở đền đã chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện ly kỳ khó lý giải. Ngôi đền tuy nhỏ nhưng chớ có ai dại dột mạo phạm.
Năm 2007, có một người phụ nữ khoảng trên 40 tuổi đi theo đoàn ra viếng đền. Trong lúc lang thang trước cửa đền, người này đã nhặt một hòn đá nhỏ với ý định mang về làm đá kỳ. Lạ thay, khi mang về dùng cứ kỳ vào chỗ nào thì chỗ da đó bị trớt, nổi mụn nước chữa mãi không khỏi. Một đêm, bà được nghe tiếng báo mộng “hãy mang trả đá cho ta. Ngươi đã xin đâu mà dám lấy”.
Hoảng sợ, ngay ngay hôm sau, người này vội vàng mang hòn đá trả lại đền và làm lễ xin Bà tha tội. Cũng không thiếu gì trường hợp hai người dắt nhau đến đền thề thốt. Khi đến, mặt còn hằm hằm nghi kị lẫn nhau nhưng khi ra đến cổng đền đã bắt tay nhau làm hòa. Chính bản thân những người trông coi đền cũng trải qua nhiều sự lạ. Bản thân ông Hiếu từng hai lần bị tai nạn.
Một lần, ông đi xe đạp bị người đi xe máy tông vào. Trong khi người kia lộn 8 vòng nằm bẹp dí phải vào bệnh viện cấp cứu thì ông “hạ cánh êm ru” như có người đỡ nên chỉ xây xát nhẹ. Lần khác, ông vừa đi ăn thịt chó ra khỏi quán thì bị quẹt xe như là bị bà trách vì vi phạm lời thề. Nhưng lạ nhất có lẽ là câu chuyện về bà thủ hương Lưu Quế Hoa.
Những năm chiến tranh, đền bà Đế bị tàn phá mục nát, bà Hoa được báo mộng về đền sửa sang, xây cất lại. Thế mà không biết vi phạm điều gì, bà Hoa bị “phạt” ốm quay ốm quắt suốt 4 năm 3 tháng 16 ngày. Người đang khỏe mạnh phương phi sụt xuống còn 36 ký, đi nhiều bệnh viện chữa trị đều không khỏi. Suốt thời gian bị “hành”, mỗi ngày bà chỉ uống…3 hộp sữa cầm hơi. “Nhiều người tưởng bà không qua khỏi thế mà qua tết vừa rồi, bà bỗng dưng khỏe mạnh lại bình thường. Nhiều người ở đây đều có thể làm chứng sự lạ này”, ông Hiếu khẳng định.
Ngoài ra, ở phía trước cửa đền Bà Đế hiện nay có 4 ngôi mộ đá nằm cạnh nhau. Hai ngôi mộ lớn và hai ngôi mộ nhỏ. Cả 4 ngôi mộ đều nằm dưới mép nước biển nên những con hà, rêu phong phủ đầy. Nhiều người cho rằng đó là 4 ngôi mộ tự nhiên do sóng biển tạo thành, được ví như nơi an nghỉ của gia đình bà Đế. Bởi bà Đế mang bào thai đôi nên có tới 2 ngôi mộ bé. Tuy nhiên, thực chất đây là nhưng ngôi mộ do con người xây lên.
Nhưng đã từ rất lâu rồi. Lý do tại sao người dân thời xa xưa xây lên 4 ngôi mộ đá đó là do: Họ muốn tưởng nhớ tới linh hồn bà Đế và ví von rằng “4 ngôi mộ đá bên bờ biển xanh” chẳng khác nào như một gia đình có tình chồng vợ, có tình mẹ con “Ngàn năm đá nở sóng cồn/ Cũng không tan được oan hồn tối linh”. 4 ngôi mộ kia vừa là cách tưởng nhớ thiêng liêng, vừa là một kết thúc có hậu của mối oan tình thủa trước.
Những câu chuyện linh thiêng được mọi người truyền tai nhau càng khiến cho ngôi đền nhỏ thêm danh tiếng. Lễ hội đền Bà Đế xuất phát từ nhu cầu giải toả những khuất khúc trong đời sống tâm linh của cộng đồng, thu hút hàng vạn khách thập phương xa gần tới tham dự. Thời gian gần đây, quy mô đền được phát triển ngày một to lớn hơn. Tuy nhiên, điều đáng buồn là sự mở mang đó lại thiếu bàn tay của các nhà chuyên môn bảo tồn di tích, quản lý và định hướng dẫn đến việc xâm phạm di tích, thậm chí làm biến dạng di tích nguyên gốc. Đền cũng đang có dấu hiệu bị lạm dụng các yếu tố văn hóa khác với mục đích thương mại.
Trong khu đền mọc lên nhiều cung, cửa, lầu, các, người dân tự ý lập các điện thờ, phối thờ không theo một quy tắc nào. Đó cũng là điều các nhà quản lý văn hóa và chính quyền địa phương cần nghiên cứu, nhanh chóng tìm ra giải pháp thỏa đáng để đền Bà Đế xứng đáng là một danh thắng của Hải Phòng nói riêng, cả nước nói chung.