Lai lịch không tầm thường
Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung, nhiễu loạn Thủy Cung, sửa cả sổ sinh-tử của Diêm Vương, sau bị Như Lai Phật Tồ đày dưới núi Ngũ Hành Sơn hơn 500 năm. Sa Tăng làm vỡ chén lưu ly trong tiệc bàn đào, từ Quyển Liêm Đại Tướng thành quái vật dưới sông Lưu Sa, cứ mỗi bảy ngày bị phạt chém 1 kiếm từ Thiên Đình. Bạch Long Mã thì là “Thái Tử con Long vương Ngao Thận ở biển Tây, bởi nổi lửa đốt trái châu trước đền, cha tôi giận tâu với vua Trời... nên Thượng Ðế treo tôi giữa thinh không đánh ba trăm roi, và đợi ít ngày xử trảm” may được Quan Âm Bồ Tát xin với Ngọc Đế, thoát tội chết, dặn đợi ở khe núi chờ Đường Tăng đi qua, “hóa thành ngựa kim đỡ gót”.
Đường Tam Tạng, tiền kiếp là Kim Thiền Tử, đệ tử của Phật Tổ Như Lai, do ngủ gật trong giờ giảng kinh nên bị phạt đày xuống trần gian tu 10 kiếp và phải trải qua 81 kiếp nạn mới được trở lại Linh Sơn. Trong 9 kiếp đầu, Kim Thiền Tử có đi lấy kinh nhưng qua sông Lưu Sa lại bị Sa Tăng ăn thịt. Chuỗi vòng cổ của Sa Tăng được kết chính từ 9 đầu lâu của tiền kiếp Đường Tăng.
Nhưng nếu như Kim Thiền Tử cả 10 kiếp đều được đầu thai vào thân phận và hình hài một con người thì Bát Giới lại có hình hài một con quái vật gớm ghiếc, “nửa lợn, nửa người”. Hãy chú ý xuất thân của Bát Giới: “Tánh ta hay làm biếng/Ham chơi chẳng học hành Gặp tiên trao chánh đạo/Truyền phép dạy đơn kinh/ Chức Ngân Hà Nguyên soái/ Phong Tổng đốc thủy binh/ Nhóm bàn đạo nườm nượp/ Uống ngự tửu huỳnh huỳnh/ Ði lạc vào cung nguyệt, Sanh ghẹo chọc nàng Quỳnh/ Ngọc Hoàng giận bắt tội/ Đày ra khỏi Thiên đình/ Ðầu thai không nhằm nẻo/ Lợn rừng có chửa sinh”.
|
Vũ khí trong tay Trư Bát Giới có sức mạnh vô song. |
Dựa theo cấp bậc Đạo Gia, Bát Giới (tiền kiếp Thiên Bồng Nguyên soái) có một địa vị rất cao. Bát Giới là thủ lĩnh Tứ Thánh Bắc Cực, một trong 4 vị thần tiên hộ mệnh quan trọng nhất của Đạo Gia trên Thiên Đình, thuộc cấp bậc thứ 6.
Trước khi xảy ra “sự cố Hằng Nga”, Bát Giới thực sự có một cuộc sống suôn sẻ: “Ngân Hà nguyên soái”, “Tổng đốc Thủy binh”, thường xuyên được bàn việc lớn với Ngọc Hoàng, tiệc to tiệc nhỏ gì chàng ta cũng có suất. Nhưng vì say rượu, đi lạc vào cung Nguyệt, rồi trêu ghẹo Hằng Nga,mà Bát Giới từ đỉnh cao rơi thẳng xuống vực sâu. Bát Giới bị khép tội khi quân, đầu tiên chịu án trảm nhưng sau được Tây Vương Mẫu xin Ngọc Hoàng thoát tội chết, bị phạt đánh 2.000 dùi, đày xuống trần gian.
Cũng bởi vậy mà có ý kiến cho rằng, nếu xét về quyền cước hay pháp thuật, Trư Bát Giới có thể không bằng Tôn Ngộ Không. Thế nhưng một khi tác chiến bằng thủy binh, nhân vật này hẳn sẽ là một đối thủ nặng ký. Không những thế, về phép thần thông, Trư Bát Giới có 36 phép thiên cang trong khi Tôn Ngộ Không học được 72 phép địa sát trong tổng số 108 phép thiên cang địa sát của Đạo giáo. Khán giả chỉ xét về số lượng mà không biết rằng 36 phép thiên cang của Bát Giới chỉ hơn chứ không kém 72 phép địa sát của Tôn Ngộ Không.
Trong tác phẩm Tây Du Ký, vũ khí chủ chốt của Trư Bát Giới chính là cây bồ cào 9 răng. Loại thần khí ấy có tên đầy đủ là Thượng Bảo Tẩm Đinh Ba, được Ngọc Hoàng đại đế ban cho nhân vật này khi ông còn làm Thiên Bồng Nguyên Soái trên thiên đình. Khi mới đầu thai xuống trần, Thiên Bồng Nguyên Soái được Bồ Tát đặt tên là Trư Ngộ Năng, sau này được Đường Tăng đổi thành Bát Giới với ý nghĩa là “8 ranh giới bị kiềm chế” để nhắc nhở đồ đệ phải luôn biết tu tâm dưỡng tính.
Hình dạng giống nông cụ của loại vũ khí nói trên từng bị Tôn Ngộ Không trêu đùa ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên: “Cái đinh ba của nhà ngươi có phải thứ đồ dùng để xới đất trồng rau cho nhà lão Cao đấy không?”. Thế nhưng mặc dù sở hữu dáng vẻ không mấy tao nhã, pháp bảo này của Trư Bát Giới thực chất lại sở hữu lai lịch không hề tầm thường.
Bồ cào 9 răng từng là binh khí do đích thân Thái Thượng Lão Quân dùng rèn ra, lại mượn nguyên thần của Ngũ Đế năm phương, Cửu Thiên Ứng và phải mất một thời gian rất dài mới có thể chế tạo thành. Đây là thứ pháp khí uy lực và mạnh mẽ nhất, khiến quỷ khóc thần sầu, ngay cả Tôn Ngộ Không cũng phải nhiều phen lao đao chống đỡ.
Mặc dù cân nặng thực sự của thần khí này vẫn còn là điều gây tranh cãi, thế nhưng đa số các ý kiến đều khẳng định cây đinh ba nói nặng tới 5.048 cân (theo đơn vị đo lường cổ).
Kỳ trân dị bảo
Tương truyền rằng, pháp bảo nổi tiếng của Tôn Ngộ Không là gậy Như Ý nặng tới “một vạn ba ngàn năm trăm cân”, có thể tùy tâm dài ngắn, lại có thể đỉnh thiên lập địa, chống trời chống đất. Trong Tây Du Ký kể rằng, Như Ý Kim Cô Bổng vốn là một khối thép được Thái Thượng Lão Quân chín lần nấu luyện. Ngộ Không từng tự hào khoe bảo vật của mình rằng: “Gậy sắt là thép tinh luyện qua chín lần, đích thân Lão Quân luyện trong lò”.
Hai đầu gậy Như Ý được bọc vàng, ở giữa khắc chữ “Như Ý Kim Cô Bổng, một vạn ba ngàn năm trăm cân”. Cây gậy thần thông quảng đại này có thể chống trời chống đất, biến hoá khôn lường. Cũng bởi vậy mà năm xưa món thần khí này được mang đi trị thuỷ rồi thả vào Đông Hải, mong muốn gia cố Hải Hà, từ đó lấy tên là Định Hải thần châm thiết. Mãi sau này, Tôn Ngộ Không đại náo long cung và cướp làm của riêng mình.
Không thể phủ nhận được gậy Như Ý là một thần khí vô cùng lợi hại, thế nhưng đinh ba 9 răng của Trư Bát Giới lại được Thái Thượng Lão Quân đích thân dùng Thần Băng Thiết luyện 49 ngày âm dương, mượn nguyên thần của Ngũ Đế 5 phương gia trì và nguyên linh của Cửu Thiên Ứng mà rèn thành. Được hay, 9 chiếc răng cưa của đinh ba được làm bằng ngọc dưới Cửu tuyền, trên cán khắc 5 chòm sao quý đủ 4 mùa 8 tiết.
Những chiếc răng trên Đinh ba có độ dài ngắn khác nhau tượng trưng cho đất và trời. Xét về công dụng, cây đinh ba nói trên được ban cho Thiên Bồng Nguyên Soái khi còn làm tướng lĩnh, được dùng vào mục đích đánh trận và vốn là một loại binh khí chuyên dụng.
Trong khi đó, gậy Như Ý ban đầu chỉ được dùng vào việc trị thủy, và chỉ khi tới tay Tôn Ngộ Không thì mới được dùng làm vũ khí. Đây chính là một trong những điểm khác biệt lớn giữa hai món pháp bảo này. Chưa dừng lại ở đó, trong hồi thứ 89 của tác phẩm “Tây Du Ký”, sau khi Hoàng Sư Tinh lấy trộm vũ khí của ba đồ đệ Đường Tăng, đám yêu quái này đã có lời bàn với nhau rằng:
“Nhị ca ôi! Đại vương ta mấy bữa nay may lắm, tháng trước có được một mỹ nhân, đem về động mười phần yêu dấu. Hồi hôm lại lấy được ba món binh khí, thật là quý vô cùng, mai này dọn tiệc ăn mừng, gọi là ‘Đinh Ba hội’, chúng ta đều được hưởng nhờ”.
Từ chi tiết trên có thể thấy, cây đinh ba của Trư Bát Giới sở hữu danh tiếng cao hơn hẳn và cũng là thần khí quý giá nhất trong các loại vũ khí của 3 thầy trò. Bởi vậy, trong Tây Du Ký, khi đám yêu quái dù ăn trộm được pháp bảo của cả Ngộ Không, Bát Giới và Sa Tăng thì vẫn chỉ đặt tên bữa tiệc ăn mừng là “Đinh Ba hội”.
Đây cũng là lý do mà không ít người cho rằng, cây đinh ba 9 răng trong tay Trư Bát Giới chẳng những là binh khí lợi hại nhất của thầy trò Đường Tăng mà còn là một trong những pháp bảo sở hữu uy lực cùng danh tiếng xếp vào hàng nhất nhì trong thế giới của Tây Du Ký.
(Còn nữa)