Giải mã Tây Du Ký -(Kỳ 3): Hành trình đắc quả phật vị của Tôn Ngộ Không

(PLVN) - Sau khi tới được Linh Sơn bái kiến Phật Tổ, Tôn Ngộ Không được chứng đắc quả vị Phật, phong chức Đấu Chiến Thắng Phật. Có người nói đó là vì Ngộ Không dọc đường trừ yêu diệt quái có công lớn nhất, thế nhưng quả vị đắc được nhất thiết phải tương đương với cảnh giới tâm tính của người tu luyện, tâm tính cao bao nhiêu thì quả vị lớn bấy nhiêu. Tại sao từ một con khỉ đại náo Thiên cung, Ngộ Không giờ đã tu thành chính quả?
Tôn Ngộ Không.
Tôn Ngộ Không.

Bí ẩn về sư phụ thực sự của Ngộ Không

Phàm là những ai từng đọc qua Tây Du Ký đều cho rằng, sư phụ chân chính của Tôn Ngộ Không là Bồ Đề Tổ Sư - người truyền dạy 72 phép biến hóa. Tuy nhiên, có một số ý kiến lại khẳng định Đường Tăng mới là người thầy chân chính của Đại Thánh, vì vị cao tăng ấy đã giúp Ngộ Không giác ngộ nhiều đạo lý. Thế nhưng kỳ thực vị sư phụ đích thực của Tôn Ngộ Không lại không phải là ai trong hai nhân vật này.

Tôn Ngộ Không vốn là con khỉ đá trời sinh, hấp thụ tinh hoa của nhật nguyệt, bản tính linh thông, căn cơ ngộ tính đều tốt. Lênh đênh biển lớn tìm Đạo, vào thời điểm gặp Bồ Đề Tổ Sư thì Ngộ Không vô cùng thuần phác lương thiện: “Người ta mắng con, con cũng không giận; đánh con, con cũng không tức, chỉ lạy họ mà thôi, cả đời con không có tính”. Vì thế, Ngộ Không được Tổ Sư chân truyền yếu quyết tu Đạo, học được phép trường sinh, lại tinh thông 72 phép biến hoá. 

Bồ Đề Tổ Sư trong Tây Du Ký ẩn cư tại Tây Ngưu Hạ Châu, ở trong Linh Đài Phương Thốn sơn, Tà Nguyệt Tam Tinh động. Linh Đài Phương Thốn sơn gọi tắt bằng chữ đầu và chữ cuối là “Linh sơn”, “Tà Nguyệt Tam Tinh” chính là vật trên thiên thượng, ám chỉ “bầu trời”. Hợp nhất chúng lại chính là Thiên Thượng Linh Sơn.

Thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh trong phim Tây Du ký.
 Thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh trong phim Tây Du ký. 

Bồ Đề Tổ Sư hẳn là cũng sớm biết được căn cơ của Hầu vương không tầm thường nên đã đích thân truyền dạy 72 phép Thiên địa sát. Tuy nhiên, khi Ngộ Không chỉ một tâm đắc ý hiển thị trước mặt bạn hữu cũng liền bị sư phụ đuổi khỏi sư môn, trở về núi Hoa Quả. Bấy giờ, không còn ai kiềm thúc, tâm kiêu ngạo hung hãn của Ngộ Không càng ngày càng bành trướng, “quan phong Bật Mã còn chê nhỏ, tên gọi Tề Thiên dạ chẳng yên”. Sau cùng, Tề Thiên Đại Thánh đại náo thiên cung, bị Phật Tổ Như Lai dùng thần lực đè dưới núi Ngũ Hành, 500 năm đói ăn viên sắt, khát uống rỉ đồng, chờ đợi người đi lấy kinh.

Việc bản thân Bồ Đề Tổ Sư cũng từng cự tuyệt việc thừa nhận Tôn Ngộ Không làm đồ đệ cũng như rũ bỏ mối quan hệ sư đồ nên Bồ Đề Tổ Sư không được coi là “người thầy đầu tiên” của Tôn Ngộ Không. Mà Phật Tổ Như Lai mới là sư phụ chân chính. Năm xưa khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, Ngọc Hoàng đã từng phải cầu cứu Phật Tổ Như Lai.

Bấy giờ, Phật Tổ nghe nói Ngộ Không muốn làm chủ thiên cung, liền cười mà bảo: “Ngươi chính là con khỉ thành tinh muốn đoạt tôn vị của Ngọc Hoàng đại đế sao? Ngọc Hoàng tu trì từ nhỏ, khổ sở trải qua 1.750 kiếp nạn, mỗi kiếp dài 129.600 năm, phải chịu khổ ải bao năm mới có thể ngồi lên ngai vị này. Ngươi ra đời chỉ là một con yêu quái, sao dám lớn tiếng đòi hỏi như vậy? Thừa dịp còn sớm có thể quy y thì chớ nên nói bậy, nếu không gặp phải kẻ đạo hạnh cao thâm thì đến mạng cũng khó giữ”.

Ngộ Không đáp trả: “Hắn tuy tu dưỡng vài kiếp, nhưng cũng không nên chiếm cái ghế ấy lâu như vậy. Có câu Hoàng đế thay phiên nhau làm, sang năm đến lượt ta. Chỉ cần hắn dọn ra ngoài, đem thiên cung để cho ta thì không sao. Còn nếu không đồng ý, ta nhất định làm cho khuynh đảo, khiến nơi này không có nổi một ngày yên ổn”.

Tôn Ngộ Không và Bồ Đề Tổ sư.
Tôn Ngộ Không và Bồ Đề Tổ sư.  

Phật tổ hỏi: “Ngươi trừ việc trường sinh, biết biến hóa thì còn làm được cái gì?”. Ngộ Không dương dương tự đắc khoe: “Ta đây thủ đoạn có thừa, biết 72 phép biến hóa, vạn kiếp không già, trường sinh bất tử, lại có cân đẩu vân, búng một cái đã đi xa trăm lẻ tám ngàn dặm, sao không ngồi được thiên vị?”. Thế nhưng dù dùng hết thảy những phép thuật thần thông quảng đại của mình, Ngộ Không vẫn chẳng thoát khỏi bàn tay của Phật tổ, bị đè dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm, sau nhờ Đường Tăng giải thoát mới có thể lên đường đi lấy kinh.

Do đó, Bồ Đề tổ sư chỉ truyền dạy pháp thuật thần thông, chứ không chỉ cách tu tâm dưỡng tính cho Ngộ Không, nên chưa thể coi là sư phụ. Nhưng Ngộ Không trên đường lấy kinh đã dần từ bỏ ma tính, tu thành chánh quả. Tất cả đều do Phật Tổ an bài, nên Như Lai mới được coi là người thầy chân chính của Ngộ Không, còn Đường Tăng chính là vị “trợ giảng” tận tâm và kiên trì trên con đường tu đạo của Đại Thánh. 

Cũng có ý kiến cho rằng, sau khi tầm sư học đạo trên Linh Đài Phương Thốn, Tôn Ngộ Không được đích thân Bồ Đề Tổ Sư trực tiếp truyền dạy 72 phép Thiên địa sát, tuy nhiên có một pháp thuật mà ông không truyền đó chính là Pháp nhãn. Đây là vũ khí lợi hại, có thể phân biệt được thiện - ác và có thể nhìn thấy sự việc ở quá khứ hoặc tương lai trong vòng 500 năm. Ngoài Tuệ nhãn, Phật nhãn của Phật tổ thì Pháp nhãn là thứ vũ khí lợi hại nhất. Sở hữu Pháp nhãn, Bồ Đề Tổ Sư hoàn toàn có thể nhìn thấy tương lai của Tôn Ngộ Không, dĩ nhiên, nếu Tôn Ngộ Không sở hữu pháp nhãn thì chắc chắn con đường tìm đến chân kinh sẽ rẽ sang một hướng khác.

Năm ấy, Tôn Ngộ Không phạm lỗi bị đuổi khỏi Linh Đài Phương Thốn, Bồ Đề Tổ Sư nghiêm khắc nói: “Ngươi đi rồi sau này ắt sẽ gây họa, tuyệt đối không được nói ta là sư phụ ngươi, nếu nhắc tên ta nửa chữ, ta sẽ biết và xuất hiện, khiến cho linh hồn người bay xuống Cửu U, vĩnh viễn không được chuyển kiếp”. Không phải bởi ông ghét bỏ đồ đệ của mình mà là vị cao nhân ấy sớm biết rõ tương lai của Tôn Ngộ Không gập ghềnh mà vinh quang. Tôn Ngộ Không bị Ngũ Hành Sơn đè nặng, trải qua 81 kiếp nạn để được tấn phong Đấu Chiến Thắng Phật đều được Bồ Đề tổ sư nắm rõ và biết trước.

Đó đã là an bài từ trong số kiếp của Ngộ Không, mệnh trời khó cưỡng, Bồ Đề Tổ Sư dù đoán được trước song thiên cơ bất khả lộ, lại biết tên đồ đệ này có căn cơ lớn mặc dù ương bướng gây họa nhưng tiềm ẩn cốt cách thăng Phật, có thể tu thành chính quả. Vậy nên, Bồ Đề Tổ Sư đuổi Ngộ Không đi chẳng qua chính là đặt nền móng cho Ngộ Không, tiễn biệt Ngộ Không trên đoạn đường học Đạo. Tổ sư đuổi Ngộ Không, bề ngoài nhìn thì là trách phạt nặng nề, khai trừ khỏi sư môn nhưng thực chất là tạo cho Ngộ Không cơ hội lập thành công đức to lớn và tu luyện thêm một lần nữa trong Phật môn.

Đạt tới cảnh giới phi phàm, thoát tục

Có thể nói, Tôn Ngộ Không do trời đất hoá dục mà thành nên bản tính bẩm sinh là vô cùng thuần khiết. Vì không giữ vững tâm tính nên Ngộ Không mới ngày càng sa đọa biến chất, lúc bị Như Lai trừng phạt thì chẳng khác gì một con yêu tinh. Hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh, phò tá bảo hộ Đường Tăng chính là hành trình tu luyện, phản bổn quy chân của Tôn Ngộ Không. Những ma nạn gặp phải trên đường đi được Thần Phật an bài để Mỹ hầu vương diệt trừ ma tính, bồi đắp Phật tính. 

Kể từ hồi thứ 14 “Lòng vượn theo đường chính, Sáu giặc mất tăm hơi”, khi Tôn Ngộ Không gặp được sư phụ Đường Tăng, ta có thể thấy một Tề Thiên Đại Thánh trải qua từng bước từng bước nhẫn nhục mà thuần hóa bản thân. Tới trước ngày bái kiến Như Lai, Tôn Ngộ Không thực sự đã đạt tới một cảnh giới phi phàm, thoát tục.

Nhìn lại hành trình tu luyện của Tôn Ngộ Không, những ngày đầu mới theo Đường Tăng, Hành Giả về cơ bản là không thể nhịn dù là chút oan ức nhỏ. Giết 6 tên cướp bị sư phụ trách mắng, một cân đẩu vân là về chỗ Đông Hải Long Vương. Bị chụp vòng kim cô, đã toan tới Nam Hải “nện” cho Quan Âm một trận. Từ khi đội vòng kim cô, Tôn Ngộ Không mới thực lòng thực dạ bảo hộ Đường Tăng, dọc đường xông pha nguy hiểm, bao phen cứu thầy. Nhưng ma nạn thì nhiều mà sức người có hạn, yêu tinh quỷ quyệt mà Đường Tăng chỉ là người trần mắt thịt, đã bao lần Tôn Ngộ Không phải nhỏ lệ xót xa cho số kiếp gian truân, hay dằn lòng vì chịu điều oan ức. 

Ví như ở hồi 27 “Thây ma ba lượt trêu Tam Tạng, Đường Tăng giận đuổi Mỹ Hầu vương”, Đường Tăng trúng kế Bạch Cốt Tinh nên cho rằng Ngộ Không quen thói hành hung, giết 3 mạng người lương thiện. Một dạ cứu thầy mà bị hiểu lầm nhiếc móc, đuổi như đuổi tà, Ngộ Không chua xót thế nào, ai cũng dễ dàng hiểu được.

Có thể nói, Tôn Ngộ Không do trời đất hoá dục mà thành nên bản tính bẩm sinh là vô cùng thuần khiết.
Có thể nói, Tôn Ngộ Không do trời đất hoá dục mà thành nên bản tính bẩm sinh là vô cùng thuần khiết.  

Lần thứ ba bị sư phụ đuổi, Ngộ Không nói: “Sư phụ mắng oan con rồi. Rõ ràng nó là con yêu tinh, rắp tâm làm hại thầy, con đánh chết nó, giúp thầy trừ họa, mà thầy không nhận ra, lại tin thằng ngốc gièm pha, mấy lần đuổi con. Người ta thường nói “Sự bất quá tam”, con mà không đi, thành ra hạng hạ lưu không biết xấu hổ. Thôi, con đi đây, đi đây! Đi cũng được thôi, chỉ e sư phụ không có thủ hạ giỏi”. Đó là tâm trạng bất bình uất ức xen lẫn tự ái, đau buồn.

Hay như ở hồi 65 “Yêu ma bày đặt Lôi Âm giả, Thầy trò đều gặp ách nạn to”, khi chứng kiến sư phụ, các sư đệ bị yêu quái bắt lại, Tôn Ngộ Không đã “nghiến răng căm giận, nước mắt lã chã nhớ thương Đường Tăng, đoạn lại ngửa mặt lên trời, cất tiếng khóc thất thanh ai oán: Sư phụ ơi, sư phụ tạo nghiệp truân chuyên từ đời kiếp nào, mà kiếp này mỗi bước đi đều gặp yêu tinh? Hoạn nạn này khó thoát quá, biết làm thế nào bây giờ?”.

Trong khó khăn kiếp nạn, ở bước đường cùng tưởng như chẳng còn hy vọng, con người khó tránh khỏi ngã lòng như thế. Thậm chí, ở hồi 77 “Yêu ma lừa bản tính, Nhất thể bái chân như”, khi gặp phải địch thủ quá gian manh quỷ quyệt, Tôn Ngộ Không khổ sở đau thương tới nỗi oán trách Phật Tổ: “Việc này là đức Phật Như Lai ở cõi cực lạc, do nhàn rỗi chẳng có việc gì mà làm, mới viết ra bộ kinh Tam Tạng đây mà! Nếu đức Phật có lòng khuyến thiện, thì lẽ ra phải đưa sang phương Đông, lại không lưu truyền muôn thuở sao? Đằng này không chịu đưa sang, lại bắt bọn ta phải đến lấy, có biết đâu phải vất vả gian nan trèo đèo lội suối để rồi tới đây bỏ mạng!”.

Thế rồi mỗi một bước đường đi qua, càng về sau Tôn Ngộ Không càng kiên định, từ bi, mà đỉnh cao có lẽ là ở ma nạn xảy ra ngay trước khi thầy trò tới núi Linh Thứu. Chuyện là đoàn thỉnh kinh đi tới phủ Đồng Đài huyện Địa Linh, được gia đình Khấu viên ngoại cúng dường trọng hậu suốt nửa tháng trời, cụ bà còn nài nỉ thầy trò ở lại thêm để mình được hiến chay thêm nửa tháng nữa cho tăng phần công đức. Tam Tạng sốt ruột cầu kinh nên nhất mực từ chối. 

Khấu viên ngoại giữ Đường Tăng không nổi đành mở hội từ biệt, đưa tiễn linh đình. Chẳng may, đêm ấy một toán cướp nổi lòng tham, vào nhà họ Khấu giết người cướp của. Cụ bà nghĩ giận thầy trò Đường Tăng không nhận sự cúng dâng cơm chay của mình, rồi do tống tiễn linh đình nên mới nên nông nỗi, bèn sinh lòng oán giận, đệ đơn vu cáo mấy thầy trò là thủ phạm. Rủi thay, thầy trò Đường Tăng trên đường gặp đúng bọn cướp này, Đại Thánh trổ thần uy lấy lại số vàng bạc giúp nhà họ Khấu, còn lũ cướp bỏ chạy tháo thân. Đang trên đường đem số vàng bạc trả lại nhà Khấu viên ngoại thì mấy thầy trò bị quan quân bắt được.

Tây Du Ký hồi thứ 97 “Vàng mang trả gây thành tai họa, Thánh hiện hồn cứu thoát cao tăng” có viết: “Vừa dứt lời quan quân đã ập tới trước mặt, dàn thành vòng tròn vây chặt 4 thầy trò, quát mắng và xông vào lôi Đường Tăng xuống ngựa, lấy thừng trói nghiến lại, sau đó cũng trói luôn cả bọn Hành Giả xỏ vào đòn khiêng, cứ hai người khiêng một, dắt ngựa gánh đồ về thẳng phủ thành. Khi cả bốn thầy trò bị giải lên công đường, Tam Tạng một mực thanh minh mình không phải kẻ cướp, dọc đường lấy lại được số của cải bọn chúng cướp được của nhà họ Khấu, định quay lại mang trả cho nhà họ Khấu để báo ơn, ai ngờ bị vây bắt cho là kẻ cướp.

Chỉ riêng Tôn Ngộ Không lại “cười khành khạch”, chẳng mảy may lo lắng, bị hiểu lầm cũng chẳng buồn giải thích thanh minh. Tây Du Ký miêu tả thái độ của 4 thầy trò khi bị quan quân bắt trói là bức tranh đối lập giữa một Đường Tăng sợ hãi, một Bát Giới oán trách, một Sa Tăng lo buồn, với một Ngộ Không vui vẻ. Vì sao Tôn Ngộ Không lại vui nhỉ?

Tây Du Ký hồi 97 viết: “Vào khoảng canh tư ba khắc, Hành Giả thấy xung quanh im ắng, mọi người đã ngủ say, bèn nghĩ thầm: Sư phụ số phải chịu tai nạn ngồi tù đêm nay. Lão Tôn không mở mồm thanh minh, không thi thố pháp lực, cũng chỉ vì thế. Bây giờ đã là canh tư, tai nạn sắp qua khỏi, ta phải đi chuẩn bị trước, đợi trời sáng, ra khỏi nhà lao”.

Thì ra, đó là vì Tôn Ngộ Không đã nhìn thấu sự an bài của Thần Phật. Phải ngồi tù ở phủ Đồng Đài quả thực chính là ma nạn thứ bảy mươi chín ghi trong cuốn sổ của Bồ Tát (hai nạn còn lại là: thoát thai bến Lăng Vân và bị rùa lật rơi sông Thông Thiên). Con người khi lâm vào khổ nạn thường bị cảm xúc dày vò, nào lo sợ buồn thương, nào giận hờn oán thán.

Nhưng trong con mắt của Thần Phật, ma nạn chính là cánh cửa giúp người tu luyện tiến về viên mãn, là cơ hội tốt để người tu luyện tiêu trừ tội nghiệp và ma tính, là hoàn cảnh gây dựng uy đức của đấng giác ngộ tương lai. Tôn Ngộ Không lúc này đây đã không còn là một Tề Thiên Đại Thánh hung hăng chẳng chịu nổi một điều oan ức nhỏ, cũng không còn là một Mỹ hầu vương dễ dàng rơi lệ vì số kiếp gian truân. Đến bước này, Tôn Ngộ Không thực sự đã “ngộ không”, ngộ ra chỉ cần bình thản đối diện với ma nạn, lòng không gợn nhân tâm chấp trước, thì nhất định vượt qua.

Tây Du Ký là cuốn tiểu thuyết trường thiên 100 hồi, kể từ lúc Tôn Ngộ Không sinh ra tới khi tu đắc quả vị Phật. Người đọc say mê từng trang tiểu thuyết, vui buồn thấp thỏm cùng những bước chân gập ghềnh của thầy trò Đường Tăng, khi nhỏ lệ xót xa, lúc cười vang khoái chí. Đôi khi, chúng ta tưởng như mình đang nhập cùng đoàn người tới Thiên Trúc, có độc giả xem xong còn ước sau này cũng được đi thỉnh kinh. Để nói rằng, cuốn tiểu thuyết vĩ đại này có sức hấp dẫn, lôi cuốn phi thường như thế. Vậy mà nhân vật chính Tôn Ngộ Không, tới ma nạn ở phủ Đồng Đài đã nhảy thoát ra khỏi vở diễn kinh thiên động địa Tây Du Ký, để thanh tỉnh nhận ra: nguy nan trong hiện tại chỉ là một tình tiết được Thần Phật an bài từ trước, bước một bước là qua.

Trên đường đời thăng trầm sóng gió, có mấy ai làm được như Tôn Ngộ Không? Có thể “lấy khổ làm vui”, như một vị khán giả đang dõi theo vở diễn mà bản thân mình là nhân vật chính. Nếu có thể làm được vậy, thì mọi được mất trong cõi người chẳng thể động đến tâm can, mọi thắng thua chốn nhân gian chỉ như mây khói. Người như vậy, có lẽ đã đến rất gần cảnh giới của đấng giác ngộ vậy. 

Đọc thêm