Giải mã Tây Du Ký - (Kỳ cuối): Năm người đi thỉnh kinh, thực chất chỉ là một người tu hành

(PLVN) - Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không, Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa hoà thượng, ngựa Bạch Long - các nhân vật này thực ra chỉ là một người mà thôi...
Một cảnh trong phim Tây Du ký.

Mở đầu Tây Du Ký, tác giả Ngô Thừa Ân viết rằng: “Muốn biết chân đế của nhân sinh, bắt buộc phải đọc Tây Du Ký”. Có người nói rằng, một ngày nào đó khi thực sự hiểu hết Tây Du Ký, thì khi ấy cũng sẽ hiểu được chân đế của mọi khổ nạn trên đời, đồng thời cũng sẽ hiểu được chân đế của cả đời người.

Thực chất, Tây Du Ký thông qua “quá trình đi thỉnh kinh” để miêu tả quá trình của một người tu luyện. 81 nạn phải trải qua trên đường thỉnh kinh gian khổ và việc hàng yêu trừ ma đều là những ma nạn mà một người tu luyện phải trải qua, có thể thấy chứng ngộ được Đại Đạo hoàn toàn không phải là việc dễ dàng. Quá trình tu luyện thực sự thể hiện trong cuộc sống thường ngày, từng ý nghĩ, từng sự việc nhỏ, đối với người thường chỉ là những hỷ nộ ai lạc trong cuộc sống, nhưng đối với người tu luyện đều là những quan ải vô cùng quan trọng cần đề cao.

Ngũ vị nhất thể

Trong Tây Du Ký đã nhiều lần ám chỉ về việc năm thầy trò Đường Tăng thực chất là biểu hiện khác nhau trong quá trình tu luyện của một người tu luyện, chứ không thực sự là năm người. Đoạn cuối cùng của tác phẩm khi viết đến “Ngũ Thánh thành chân” có một bài thơ nói rõ hơn ý tứ đó, trong đó bốn câu mở đầu là: “Một thể chân như lạc xuống trần/ Hợp hòa bốn tướng lại tu thân/ Ngũ hành sắc tướng không rồi tịch /Trăm quái hư danh thấy chẳng bàn”. Trong đó, Tôn Ngộ Không là tượng trưng cho cái tâm, Đường Tăng là thân thể, Trư Bát Giới là tình cảm và dục vọng, Sa hòa thượng là bản tính, và Bạch Long Mã là ý chí của con người.

Thực ra, tác giả đã nói rõ điều này trong những chương hồi đầu tiên của tác phẩm. Tôn Ngộ Không khi tầm sư học đạo trở thành đệ tử của Bồ Đề Tổ Sư trên núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh. Ở đây, Tà Nguyệt Tam Tinh (trăng khuyết và ba vì sao) chính là chữ “Tâm”. “Tà Nguyệt” chính là một nét móc, “Ba ngôi sao” chính là chỉ ba nét chấm. Vậy nên, Tôn Ngộ Không là thể hiện cho chữ Tâm của người tu hành.

Người Trung Hoa có câu: “Tâm viên ý mã” (tâm con vượn, ý con ngựa), nghĩa là tâm trí con người ta thường xáo động và dễ mất kiểm soát. Cũng bởi vì tâm người luôn bay nhảy tự do như vậy, nên tư tưởng con người có thể qua lại giữa thiên đường và địa ngục, có thể dao động giữa thiện và ác. Vì vậy, về sau này Quan Âm Bồ Tát đã phải tặng cho Đường Tăng chiếc vòng kim cô và bài “Khẩn cô nhi chú” để khắc chế cái tâm này.

Trong Kinh Lăng Nghiêm còn viết rằng: “Tâm có 72 tướng”, tương ứng với 72 phép biến hóa của Ngộ Không. Cái tâm của người đời rất giỏi biến hóa, chỉ trong chốc lát có thể biến ra các loại tâm thái khác nhau. Luyện tâm có thể khiến lòng người sáng sủa, trí tuệ sáng suốt, vậy nên lò Bát Quái không thể thiêu chết mà trái lại còn khiến Tôn Ngộ Không luyện thành hỏa nhãn kim tinh. 

Năm thầy trò Đường Tăng thực chất là các yếu tố tạo nên thể hợp nhất bên trong một con người. 

Bên cạnh đó, chiếc gậy Như Ý và Cân Đẩu Vân của Ngộ Không cũng ẩn chứa những hàm nghĩa sâu sắc. Gậy Như Ý nặng 1 vạn 3 nghìn 5 trăm cân, giống với những điều được viết trong Hoàng Đế Bát Thập Nhất Nan Kinh: “Cả ngày lẫn đêm, con người ta thở 1 vạn 3 nghìn 5 trăm nhịp”. Vậy nên, gậy Như Ý là tượng trưng cho khí. Trên đời này, thứ gì có thể “trên thì lên đến 33 tầng trời, dưới thì xuống tới 18 tầng địa ngục; lớn thì có thể thông thấu khắp trời, nhỏ thì như cái kim thêu”. Chính là khí độ của con người.

Cân Đẩu Vân của Tôn Ngộ Không lộn nhào một cái là đi được 10 vạn 8 nghìn dặm, nhưng lại không thể nhảy ra khỏi lòng bàn tay của Phật Như Lai. Đó là nói, con người dẫu làm gì thì cũng không thể thoát khỏi bàn tay của Phật Tổ. Cân Đẩu Vân của Ngộ Không có thể bay 10 vạn 8 nghìn dặm, vừa khéo lại là khoảng cách từ đông thổ Đại Đường đến Linh Sơn. Tức là, Linh Sơn dù có xa hơn nữa thì cũng chỉ một niệm của tâm là có thể đến nơi. Thiện ác chỉ cách nhau một niệm, một niệm có thể thành Phật, nhưng một niệm cũng có thể biến thành tà ma.

Tôn Ngộ Không bị giam dưới núi Ngũ Hành suốt 500 năm, tượng trưng cho cái tâm lên trời xuống đất của con người bị Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ trong thế giới trần tục đè chặt. Núi Ngũ Hành cũng tượng trưng cho “tham (tham lam), sân (giận dữ), si (ngu si), mạn (ngạo mạn), nghi (hoài nghi)” trong Phật học. Phật Tổ nói rằng, 5 chữ ấy đã khái quát mọi tâm niệm thân hành của con người. Dù Ngộ Không có thần thông quảng đại đến đâu, vẫn không nhảy ra khỏi 5 chữ này. Tôn Ngộ Không khi đại náo Thiên Cung, cũng chính là bị ngũ độc này vây khốn. 

Bạch Long Mã là ý chí lực. Ý chí của con người giống như ngựa hoang, chỉ khi xác định được mục tiêu tiến tới, mới có thể chuyên tâm chuyên ý mà lấy được Chân Kinh. Ngộ Không thu phục Tiểu Bạch Long, cũng chính là cái Tâm đã thu phục được Ý, đạt đến tâm ý hợp nhất. Chỉ cần tâm ý hợp nhất, chí hướng kiên định thì không có Tây Thiên nào là không đến được. Về sau, Ngộ Không và Đường Tăng lại thu phục được Bát Giới và Sa Tăng, nghĩa là “thân, tâm, tình, tính, ý” - đoàn thể hoàn mỹ nhất này đã hợp thành.

Tóm lại, thầy trò Đường Tăng diệt trừ yêu quái trên suốt chặng đường sang Tây Thiên, thật ra chính là người tu hành đang trừ bỏ ma tính trên con đường nhân thế, do đó lấy kinh cũng chính là một quá trình dưỡng tính tu tâm. Linh Sơn thật sự, chính là ở trong tâm người.

Trừ bỏ ma tính tu thành chính quả

Tôn Ngộ Không vừa mới phò trợ Đường Tăng đã đánh chết 6 cường đạo. Trong nguyên tác, tên của 6 cường đạo này lần lượt là: Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn) - đây chính là lục căn. Tôn Ngộ Không đánh chết lục căn, cho thấy lục căn phải thanh tịnh thì mới có thể lên đường lấy Chân Kinh.

Trong suốt hành trình sang Tây Thiên, trước khi Ngộ Không đi xin cơm chay thường vẽ một vòng tròn lớn trên mặt đất, đây chính là giới hạn mà Tâm đặt cho con người, nhưng thân thể của con người (Đường Tăng) lại thường hay bị dục vọng (Trư Bát Giới) dẫn dụ mà xa rời giới hạn ấy. Vậy là bốn thầy trò dễ dàng rời khỏi giới hạn mà Ngộ Không đặt ra, và khi bước ra khỏi giới hạn ấy họ liền gặp phải các loại yêu ma. 

Mỗi một yêu quái trên đường sang Tây Thiên đều có ngụ ý sâu xa, đều là huyễn hóa của ma tính. Mỗi một yêu quái là đại biểu cho Danh - Lợi - Tình nơi thế gian đang trói buộc con người, đều xuất phát từ ma tính của bản thân một người. Ví dụ, Ngưu Ma Vương cũng là do ma tính của Ngộ Không biến hóa. Ban đầu, Ngưu Ma Vương cùng Tôn Ngộ Không kết bái huynh đệ, lực lượng ngang nhau, vậy nên phát hỏa cũng chính là bản thân đang so tài với chính mình.

Ba hình tượng biến hoá của Bạch Cốt Tinh lần lượt biểu hiện cho Tình - Ái - Dục của một người. Ngộ Không đã đánh chết toàn bộ chúng, nói rõ rằng trên đường đời chúng ta nhất định phải khống chế vững tình, ái, dục của bản thân, chớ để nó trở thành chướng ngại tiến bước của chúng ta. Ngoài ra, Bạch Cốt Tinh (bộ xương trắng thành tinh) cũng tượng trưng cho thân xác phàm của con người. Thân thể có thể khơi dậy bản năng dục vọng, vậy nên khi bị ly gián, khiến con người thất lạc mất nội tâm của mình, vì vậy Đường Tăng đã đuổi Ngộ Không đi.

Có thể nói, nội hàm của Tây Du Ký vô cùng uyên thâm. Những việc trải qua trên suốt chặng đường này mới là “Kinh” chân chính, vượt xa những văn tự nơi thế gian con người. Một người, sau khi trải qua hết thảy mọi việc nơi thế gian, mới có thể giữ được chân tâm, dù chưa đến Tây Thiên thì trong lòng sớm đã thành Phật rồi...

Đọc thêm