Giải mã 'vùng tối' Tam quốc diễn nghĩa (Kỳ 10): Ảo tưởng thành bại

(PLO) -Trận chiến Quan Độ được xem là đánh dấu sự sụp đổ của tập đoàn Viên Thiệu. Từ đó, tập đoàn họ Viên trượt dài xuống con đường diệt vong không gượng dậy nổi. 
Cả Tần Quán (trái) lẫn Tô Đông Pha (phải) đều phê phán Viên Thiệu dựa trên những ảo tưởng do sử sách tạo ra, mà không thèm đếm xỉa đến tư liệu thực tế.
Cả Tần Quán (trái) lẫn Tô Đông Pha (phải) đều phê phán Viên Thiệu dựa trên những ảo tưởng do sử sách tạo ra, mà không thèm đếm xỉa đến tư liệu thực tế.

Đó chính là trận chiến Cai Hạ của Viên Thiệu mà Điền Phong chính là Phạm Tăng của Viên Thiệu. Sự thật thế nào?

Khoác lác Thương Đình

Trong Viên Thiệu truyện, Trần Thọ đối với hành trạng của Viên Thiệu từ sau khi giết Điền Phong đến lúc Thiệu chết, chỉ mô tả bằng hai mươi ba chữ. Hai mươi ba chữ ngắn gọn đó tóm lược một năm rưỡi cuộc đời của Thiệu sau trận Quan Độ.

Tuy là lời gọn ý đủ, nhưng dung lượng bé nhỏ đó không để lại một ấn tượng nào trong lòng người đọc; vì ngay sau đó, Trần Thọ sẽ kể lể rất dài về quá trình sụp đổ của tập đoàn họ Viên sau khi Thiệu chết, khiến cho bại trận Quan Độ và tiến trình sụp đổ trở nên dính liền thành một thể, trở thành một đồ thị chỉ có chiều hướng đi xuống chứ không hề khởi sắc. Sự nghiệp của Viên Thiệu do đó được hiểu là đã đi tong từ sau thất bại Quan Độ.

Trên thực tế, Viên Thiệu đã mất rất nhiều người, của cũng như uy tín. Thiệu mất bảy, tám vạn quân; đồ truy trọng và tài vật kể đến cự vạn. Vũ đế kỷ cho biết: “Các quận ở Ký Châu đa phần dâng thành ấp ra hàng”.

Tuân Úc liền phán đoán rằng: “Thiệu thua bại, bộ chúng của hắn chia rẽ, nên nhân lúc hắn khốn cùng, yên định chỗ ấy đi”. Thế là, tháng tư năm sau, Tào Tháo đem quân tới mé trên sông Hoàng Hà, đánh quân đồn trú của Viên Thiệu ở Thương Đình, “phá được”. Dù là huênh hoang “phá được”, “yên định chỗ ấy đi”, nhưng đến tháng chín, Tháo lại phải dắt quân về Hứa Đô, chẳng thắng thêm được trận nào ngoài trận Thương Đình.

Nguyên nhân thì chính Trần Thọ cũng đã nói trong Vũ đế kỷ: “Thiệu quay về, thu thập sĩ tốt ly tán, bình định các quận huyện làm phản”. Hà Trác cũng từng nhận xét: “Thiệu đất rộng, dân mạnh, kẻ sĩ bàn mưu phò tá vẫn còn đông, quân họ tuy bị phá, nhưng chưa thể lấy được đâu”.

Tần Quán thời Bắc Tống cũng xác nhận rằng: “Kẻ bàn luận trong thiên hạ đều cho rằng Viên Thiệu bại vong là bởi trận đánh ở Quan Độ. Trộm nghĩ điều đó không đúng”. Lời bàn của Tuân Úc rõ ràng là coi thường thực lực của Viên Thiệu, khiến Tào Tháo đi một chuyến uổng công.

Thế mà Tô Đông Pha thời Bắc Tống còn ca tụng Tháo “phá diệt họ Viên, đạt đến cùng cực của sự xảo diệu”, bởi vì Thiệu thua bại ở Quan Độ, “chỉ chạy thoát được một mình, nhưng Tháo lại dừng binh không đuổi, ... sở dĩ tha cho Thiệu là để làm loạn nước của y đấy”. Rõ ràng chỉ biết bàn luận dựa trên cảm tính chứ không hề đếm xỉa đến ghi chép thực tế.

Tuân Úc kỳ vọng trận chiến Thương Đình sẽ diệt được Viên Thiệu, nhưng Tào Tháo đã trở về tay không.
Tuân Úc kỳ vọng trận chiến Thương Đình sẽ diệt được Viên Thiệu, nhưng Tào Tháo đã trở về tay không.

Gượng dậy hay ngã gục?

Người ảo tưởng về sự sụp đổ của Viên Thiệu không chỉ có Tào Tháo, Tuân Úc. Chính “danh hiền” Thiếu Du (tức Tần Quán) cũng ôm một ảo tưởng như thế. Trong Lịch đại danh hiền xác luận (lời bàn luận xác đáng của danh hiền các đời), Thiếu Du cho rằng Thiệu không sụp đổ vì Quan Độ, mà sụp đổ vì không biết gượng dậy sau Quan Độ.

Thiếu Du nói: “Nhớ xưa Sở Hán cầm cự nhau ở khoảng đất Kinh và đất Sách. Cao Tổ khốn đốn chạy về phía bắc, còn [thảm] hơn cả Viên Thiệu mấy lần vậy. Mà đến cuối cùng lại có thiên hạ. Hạng Tịch lấy cái uy trăm trận trăm thắng, so ra còn hơn Tào Công đấy. Mà đến cuối cùng thì chết ở Đông Thành ... Có lời nói rằng: người giỏi thua thì chẳng diệt vong.

Xưa Sở Chiêu vương Chẩn, Việt vương Câu Tiễn đều từ chỗ bị tuyệt diệt mà khôi phục lại. Thiệu tuy thua ở Quan Độ, nhưng hãy còn đất Kí Châu, nam chiếm sông dài, bắc ngăn Yên Đại. Hình thế hiểm yếu có thể dùng được vậy.

Ví như khiến người thả Phong khỏi ngục đông, lấy việc mà hỏi kế, hạ mình chẻ phù để an ủi kẻ thương tật còn sót lại, tự cầm dùi trống để khích lệ sĩ khí kẻ chạy trốn; trong sửa sang nông cụ, ngoài giao kết anh hùng. Dù cho không thể nuốt hết thiên hạ, há chẳng thể ngăn mình đi đến chỗ diệt vong ư?”. 

Thiếu Du bàn luận rất lâm li, văn từ rất hay ho, nhưng lại quên mất Trần Thọ từng viết: “Thiệu quay về, thu thập sĩ tốt, bình định các quận huyện làm phản”. Chẳng phải là ứng với những lời Thiếu Du bảo Thiệu nên làm để tránh khỏi diệt vong ư?

Trên thực tế, Viên Thiệu không hề sụp đổ sau trận Quan Độ. Thiệu đã gượng dậy được. Tào Tháo, Tuân Úc những tưởng có thể thừa thắng, cuối cùng cũng phải rút lui sau năm tháng ròng rã dùng binh mà không có công. Điều khiến cho sự gượng dậy đó mất đi ý nghĩa chính là cái chết của Viên Thiệu.

Lưu Bị và Viên Thiệu đều bị mô tả là suy sụp về tinh thần dẫn đến bệnh nặng sau những thất bại chí mạng, mà thực tế cả hai đều gượng dậy.
Lưu Bị và Viên Thiệu đều bị mô tả là suy sụp về tinh thần dẫn đến bệnh nặng sau những thất bại chí mạng, mà thực tế cả hai đều gượng dậy.

Đồng bệnh chẳng tương lân

Vũ đế kỷ cho biết “Thiệu từ sau khi quân bị phá, phát bệnh, hộc máu, mùa hạ tháng năm thì chết”. Viên Thiệu truyện thì nói “năm thứ bảy, [Thiệu] vì lo buồn mà chết (ưu tử)”. Người đời sau liền cho rằng Thiệu vì bị đả kích do thất bại ở Quan Độ nên mới sinh bệnh mà chết. Cái chết của Viên Thiệu là do Tào Tháo gây ra một cách gián tiếp. Thực ra trong vòng một năm rưỡi sau trận Quan Độ, Thiệu vẫn còn lo đánh dẹp các thành ấp làm phản, ít ra thì về mặt tâm lý không thể nói là bị gục ngã. 

Cách mô tả về kết cục của Viên Thiệu rất giống cách mô tả về kết cục của Lưu Bị. Sau thất bại ở Di Lăng, Lưu Bị cũng bị cho là “vừa thẹn vừa hận rồi phát bệnh chết”. Viên Thiệu, Lưu Bị đều bị mô tả là chết vì suy sụp tinh thần sau một thất bại lớn.

Tuy nhiên, Lưu Bị cũng không có vẻ gì là như thế. Ông ta gửi thư cho Lục Tốn, nói rằng: Tào Phi đánh Ngô, ta định trở lại phía đông, được chăng? Lưu Bị ở lại Bạch Đế không phải là vì “xấu hổ với quần thần”, mà là vì củng cố tuyến phòng ngự phía đông. Kết quả, “Tôn Quyền nghe tin Tiên chủ đóng lại ở Bạch Đế, rất sợ hãi, phái sứ giả đến xin hòa”. Thái thú Hán Gia là Hoàng Nguyên làm phản, Lưu Bị còn sai quân đi đánh dẹp, bắt được Hoàng Nguyên. 

Lưu Bị quả thực có mắc bệnh, nhưng theo lời di chiếu của chính Bị thì “lúc mới ốm chỉ mắc bệnh lị thôi, sau lại chuyển sang nhiều bệnh khác”. Lưu Bị không phải mắc tâm bệnh, mà là bệnh đường ruột; cũng như Viên Thiệu không phải tâm bệnh, mà là bệnh phổi.

Tuy nhiên, Trần Thọ không hạ độc thủ với Lưu Bị, vì ông ta ngấm ngầm tán thưởng Lưu Bị. Trong số ba nước, ngoài nước Ngụy thì chỉ có nước Thục là có truyện về hoàng hậu (vợ của các vua Ngô chỉ gọi là phu nhân). Tào Phi chết, Trần Thọ dùng chữ “băng” (chữ dùng cho hoàng đế), nhưng Tôn Quyền chỉ được dùng chữ “hoăng” (chữ dùng cho chư hầu); riêng Lưu Bị chết thì chép chữ “tồ”.

Hoàng Ân Đồng thời nhà Thanh chỉ ra rằng đó là chữ mà sách Thượng Thư dùng để nói về cái chết hoàng đế nhà Chu thời Tam Đại. Cùng là bệnh chết sau khi bại trận (Viên Thiệu thua Quan Độ năm 200, mất năm 202; Lưu Bị thua Di Lăng năm 222, mất năm 223), nhưng cách đối xử của Trần Thọ với hai người thực sự quá khác nhau. Có điều, vì Thọ đã mở ra cách suy nghĩ như thế về Viên Thiệu, nên rốt cuộc Lưu Bị cũng sẽ bị người đời sau bôi nhọ theo cách như thế. 

Viên Thiệu mất sớm đã để lại rất nhiều vấn đề chưa giải quyết, trong số đó có vấn đề lựa chọn người kế vị. Tam quốc chí nói như thể Viên Thiệu lựa chọn đứa con nhỏ là Viên Thượng, vì Thượng đẹp trai (“dáng vẻ đẹp”) mà bỏ con trưởng Viên Đàm. Nhưng Hậu Hán kỷ lại cho biết đó là do Thẩm Phối, Phùng Kỷ “bên ngoài thì nghe theo vợ Thiệu, bên trong lo mình bị hại, bèn sửa chiếu thư, đổi mệnh lệnh, suy tôn Thượng làm người nối nghiệp”. 

Sử thần Ngụy-Tấn đối với hành trạng của Viên Thiệu thì cực lực bôi nhọ và hạ thấp. Điều này là nhằm thỏa mãn tâm lý của người cầm quyền đang nuôi ăn cho họ. Thực tế cho thấy Tào Tháo có mặc cảm ngấm ngầm đối với Viên Thiệu. Rốt cuộc là vì sao?

Đọc thêm