Nguyên nhân thành bại của hai người trong khoảnh khắc này rất cần được làm rõ. Phải chăng Tào Tháo vì xuất sắc phá được lương thảo của quân Viên, khiến Viên Thiệu phải vứt quân đội một mình chạy trốn? Phải chăng bại trận Quan Độ đã đánh dấu chấm hết cho tập đoàn Viên Thiệu?
Bí mật Ô Sào
Vào lúc Tào Tháo sắp lâm vào đường cùng, thần may mắn đã mỉm cười với Tháo. Một trong những nhân vật quan trọng bên phe Viên Thiệu là Hứa Du đã chạy sang đầu hàng, mang theo thông tin quan trọng về đội vận lương của Thuần Vu Quỳnh ở Ô Sào. Tào Tháo “có mưu liền dùng”, tự mình đem năm ngàn quân bộ, kỵ tập kích Ô Sào.
Ngược lại, Thiệu “mưu hay nhưng không quyết”, liên tiếp bác bỏ những kiến nghị sáng suốt, dẫn đến Thuần Vu Quỳnh bại trận, Trương Cáp cùng đường phải hàng Tào. Quân Viên vỡ lỡ, Thiệu bỏ quân mà chạy. Đó là những gì mà Trần Thọ đã mô tả với chúng ta. Sự thật thế nào?
Tào Man truyện là tài liệu phân tích rõ nhất về vai trò của đội vận lương ấy. Đây là tài liệu do một người Ngô khuyết danh biên soạn, trong đó có dẫn lời Hứa Du cho biết “đồ truy trọng của họ Viên hơn vạn xe, đóng ở Cố Thị, Ô Sào”, “đốt sạch kho lương ấy, bất quá ba ngày, họ Viên tự bại”.
Trên thực tế Viên Thiệu đã thua luôn trong một ngày chứ chẳng cần đến ba ngày. Viên Thiệu vì mất đi nguồn cung ứng lương thực nên đã thất bại toàn cục. Đó là cách lý giải hợp lý nhất và được chấp nhận nhiều nhất. Tuy nhiên, có rất nhiều cứ liệu buộc ta phải chất vấn tính chất của đoàn vận lương tại Ô Sào.
Ô Sào không phải kho lương của Viên Thiệu, mà chỉ là trạm nghỉ chân của nhóm Thuần Vu Quỳnh, nằm ở phía bắc đại trại của Thiệu bốn mươi dặm (khoảng 20km). Nghĩa là Tào Tháo cùng lắm chỉ diệt được một đoàn vận lương quan trọng đang trên đường đi, chứ chẳng phải kho lương chính của Thiệu.
Tam quốc chí, Vũ đế kỷ nói sau khi Thiệu chạy, Tháo “thu sạch các đồ truy trọng, giấy má và đồ trân quý của Thiệu”. Theo lời tâu của Tào Tháo được chép lại trong Hiến Đế khởi cư chú thì “đồ truy trọng và tài vật thu được kể ức vạn (cự ức)”.
Một ức là mười vạn, trong số đó chẳng lẽ không có một tí quân lương nào? Trên thực tế, có ba điểm cho thấy Viên Thiệu không hề quá xem trọng đội vận lương ấy: Một là, Thư Thụ khuyên nên sai Tưởng Kỳ đi bảo vệ vòng ngoài, Viên Thiệu không nghe theo.
Hai là, khi nghe tin Tào Tháo đánh Ô Sào, Viên Thiệu quay sang nói: “Kẻ kia đã đánh bọn Quỳnh, thì ta sẽ nhổ doanh trại chúng”. Viên Thiệu không có vẻ gì là lo ngại khi quân lương bị tấn công mà nghĩ ngay đến chuyện đáp trả Tào Tháo.
Ba là, Trương Cáp xin đi cứu Quỳnh, nhưng Viên Thiệu không nghe. Viên Thiệu dùng trọng binh của Trương Cáp đi đánh trại Tào mà chỉ phái quân kỵ đi cứu Quỳnh. Điều đó cho thấy khi buộc phải cân nhắc, đánh đổi thì Viên Thiệu chọn đem quân lương ra đánh cược.
Nếu đội quân lương của Thuần Vu Quỳnh là then chốt thắng bại, liệu Thiệu có chịu làm việc mạo hiểm như thế? Huống hồ người chủ trương mạo hiểm không chỉ có Viên Thiệu, mưu sĩ Quách Đồ cũng có cùng ý kiến.
Viên Thiệu đã lựa chọn mạo hiểm quân lương để đánh doanh trại của Tào Tháo, lúc này do Tào Hồng trấn giữ. |
Vì hợp mà tan
Cứ cho rằng đội vận lương của Thuần Vu Quỳnh quả thực rất quan trọng, thì nó vẫn không giải thích được lý do “Thiệu và Đàm bỏ quân mà chạy”, “đơn thân cưỡi ngựa lui chạy qua sông”. Hành động vứt bỏ quân đội một mình chạy trốn là rất kỳ lạ. Tào Tháo thua chạy ở Xích Bích, Lưu Bị bại trận tại Di Lăng, nhưng lúc rút chạy vẫn đem quân đi theo.
Một ngựa bỏ chạy là hành động hết sức mạo hiểm. Cách giải thích của Tào Man truyện là: quân Viên Thiệu đã khiếp vía vì Thuần Vu Quỳnh bại trận. Lúc đó Tháo bắt được một nghìn tù binh, đều sai cắt mũi, rồi cắt môi, cắt lưỡi trâu ngựa, đưa tới cho Thiệu xem, thế là “tướng sĩ họ Viên đều khiếp sợ”.
Trong Tam quốc chí, Trần Thọ nhiều lần nhắc đến việc quân Viên Thiệu “vỡ lở” sau khi nghe Thuần Vu Quỳnh bại trận. Trong không khí sợ hãi đó mà Viên Thiệu chạy trốn thì có vẻ hợp lý. Nhưng bản thân Thiệu không phải là kẻ dễ dàng khiếp nhược. Lúc đánh nhau với Công Tôn Toản ở Giới Kiều, Thiệu bị quân Toản bao vây, tên bay như mưa.
Điền Phong định dìu Thiệu tới núp sau bức tường. Thiệu ném mũ đâu mâu xuống đất, nói: “Đại trượng phu là phải xông lên phía trước đánh nhau đến chết, lại đi nấp vào chỗ tường vách, há sống như thế được chăng?”.
Cho dù Viên Thiệu cảm thấy lương thực đã mất, lòng quân ly tán, nhưng Thiệu vẫn có thể chọn cách từ từ rút lui. Đằng này Thiệu cùng con trai lại bỏ quân chạy trốn. Hậu Hán thư cho biết Thiệu không hề một ngựa bỏ chạy như Trần Thọ đã nói, mà đem theo tám trăm quân kỵ.
Thiệu chạy tới Lê Dương, vào doanh trại của Tưởng Nghĩa Cừ, nắm lấy tay Cừ và nói: “Tôi xin đem quyền thủ lĩnh giao lại”. Tưởng Nghĩa Cừ bèn nhường doanh trại lại để Viên Thiệu ban bố hiệu lệnh. Điều này cho thấy Viên Thiệu bỏ chạy có lẽ là vì nghi ngờ nội bộ. Trên thực tế, trước trận Ô Sào, Hứa Du đã phản.
Trong trận Ô Sào, lại thêm Trương Cáp, Cao Lãm làm phản. Hứa Du là bạn kết nghĩa với Viên Thiệu từ buổi áo vải. Trương Cáp, Cao Lãm là tướng nắm giữ trọng binh của đại bản doanh. Hứa Du ra đi, quân Tào liền mặc quần áo, mang cờ xí của quân Viên, vượt qua mấy lần canh gác, đánh úp Cố Thị, Ô Sào.
Hứa Du chỉ là một mưu sĩ mà còn như thế, Trương Cáp, Cao Lãm thân nắm trọng binh thì sẽ xảy ra chuyện gì? Sau ba người ấy sẽ có thêm kẻ nào lộ mặt làm phản? Chính vì những nguy cơ đó, Viên Thiệu và Viên Đàm đã bỏ quân chạy trốn.
Hứa Du bỏ chạy, chủ yếu là vì vấn đề cá nhân. Tam quốc chí, Vũ đế kỷ cho biết Hứa Du tham tiền. Viên Thiệu không cung ứng nổi, nên mới bỏ Thiệu. Hậu Hán thư thì nói: “gặp lúc người nhà Du phạm pháp, Thẩm Phối bắt những kẻ có liên can, Du bất đắc chí, bèn chạy sang Tào Tháo”. Nhưng câu chuyện của Trương Cáp (chữ Cáp một âm đọc khác là Hợp) mới ly kỳ.
Tam quốc chí, Trương Cáp truyện cho biết Cáp đưa kiến nghị xin đi cứu Thuần Vu Quỳnh, nhưng Quách Đồ bác đi, bảo rằng nên đánh doanh trại Tào Tháo. Thiệu bèn phái trọng binh đi đánh trại Tào. Đến khi Quỳnh thua, quân Thiệu vỡ lở, Quách Đồ hổ thẹn mới gièm pha Trương Cáp.
Cáp sợ, mới cùng Cao Lãm sang trại Tào đầu hàng. Tuy nhiên, Bùi Tùng Chi đã chỉ ra vấn đề trong câu chuyện lâm li ấy. Ông nói rằng tại Vũ đế kỷ và Viên Thiệu truyện, Trần Thọ nói bọn Cáp nghe tin Quỳnh thua trận, liền sang hàng Tào. Quân Thiệu vì thế vỡ lở. Thế mà ở Trương Cáp truyện, Trần Thọ lại bảo quân Thiệu vỡ trước, sợ lời gièm của Quách Đồ mới sang đầu hàng, “là có chỗ sai khác bất đồng vậy”.
Sự phản bội của Trương Cáp mới là đòn đánh chí mạng, buộc Thiệu phải bỏ quân doanh chạy trốn |
Tất nhiên, câu chuyện lâm li đó có lẽ chỉ là lời tố khổ của kẻ hàng thần lơ láo. Ghi chép của chính Trần Thọ cho thấy Trương Cáp đầu hàng từ rất sớm. Trong Tuân Du truyện, khi Cáp sang hàng, Tào Tháo còn chưa về. Tào Hồng tỏ ý nghi ngờ. Phải nhờ Tuân Du khuyên giải, Tào Hồng mới cho bọn Cáp đầu hàng.
Chiến trường Ô Sào chỉ cách đại trại Viên Thiệu tầm 20 km, cách Quan Độ thêm một ít nữa (Tào Tháo xuất phát ban đêm, trời vừa sáng thì tới Ô Sào). Có thể nói, quyết định đầu hàng của Trương Cáp, Cao Lãm đã được đưa ra hết sức chóng vánh và đó là đòn đánh chí mạng vào Viên Thiệu (“Trương Cáp, Cao Lãm đốt quân trang, vũ khí rồi ra hàng, Thiệu bèn bỏ quân chạy trốn”).
Trong khoảng thời gian gấp gáp ấy, Trương Cáp có kịp nghe tin Thuần Vu Quỳnh bại trận, rồi nghe tin Quách Đồ gièm pha mình hay không, chúng ta không biết rõ. Trương Cáp bỏ chạy là hợp lý, nhưng còn Cao Lãm thì sao? Rõ ràng câu chuyện gièm pha ấy chỉ là bề nổi, Viên Thiệu đang chứng kiến một sự tan rã từ trong nội bộ. Rốt cuộc là vì sao?
(Mời xem tiếp số sau)