Giải mã 'vùng tối' 'Tam quốc diễn nghĩa' (Kỳ 19): Khả năng nhìn người của Tào Tháo 'có vấn đề'

(PLO) -Tào Tháo được đánh giá là nhà lãnh đạo có khả năng dùng người cao nhất Tam quốc, nhưng sức hấp dẫn cũng như khả năng nhìn người của Tào Tháo là điều hết sức có vấn đề… 
Giả Hủ bàn bạc với Trương Tú. Trương Tú là một ví dụ cho lòng bao dung của Tào Tháo, nhưng sự thực có tốt đẹp như thế không?
Giả Hủ bàn bạc với Trương Tú. Trương Tú là một ví dụ cho lòng bao dung của Tào Tháo, nhưng sự thực có tốt đẹp như thế không?

Có thù ắt báo

Trong Tam quốc chí, Trần Thọ ca ngợi Tào Tháo “tự mình khắc chế tình cảm, mưu cầu sách lược, chẳng kể là kẻ thù cũ”. Tiêu biểu cho ý đó chính là câu chuyện của Trương Tú và Ngụy Chủng. Trương Tú chiếm cứ Nam Dương, trong trận Uyển Thành đã giết con trai trưởng Tào Ngang và người cháu Tào An Dân, ái tướng Điển Vi của Tào Tháo. Nhưng sau này, Tú lại nghe lời xúi giục của Giả Hủ, từ chối Viên Thiệu mà về hàng Tháo. Tào Tháo “cầm tay Tú, cho con trai là Tào Quân lấy con gái Tú, bái Tú làm Dương Vũ tướng quân”.

Trong trận Quan Độ, Trương Tú cố sức chiến đấu cho Tào Tháo, lập được công, được thưởng đặc cách đến hai ngàn hộ. Trần Thọ bình rằng Tú “bỏ nghề cướp bóc quy thuận quốc gia, được liệt vào hạng công thần, trừ mối nguy vong, giữ được tông miếu để thờ tự”, so với Công Tôn Toản, Công Tôn Độ, Đào Khiêm là hơn hẳn.

Thực ra Trần Thọ chỉ nói có… một nửa sự thật. Sinh mạng chính trị của Trương Tú trong tập đoàn Tào Ngụy thực tế rất bấp bênh. Trần Thọ nói như thể Trương Tú đã chết yên lành, nhưng Ngụy lược của Ngư Hoạn lại cho biết rằng Tú vì sợ hãi mà chết. Trương Tú mấy lần xin gặp Tào Phi. Phi nổi giận nói: “Ngài giết anh ta, sao còn nỡ lòng đưa mặt ra cho người ta nhìn?”.

Thế là, Tú “lòng tự thấy không yên, bèn tự sát”. Con trai Trương Tú là Trương Tuyền về sau bị gán là bè đảng mưu phản của Ngụy Phúng cũng bị giết luôn, nước bị phế bỏ. Làm gì có chuyện “trừ mối nguy vong, giữ được tông miếu để thờ tự”. Dịch Trung Thiên đã ca ngợi rất nhiều về đức độ và tài dùng người của Tào Tháo, nhưng cũng không thể không nói rằng đây có thể là do Tháo trả thù riêng.

Trương Tú đến với Tháo trong thời kỳ trận chiến Quan Độ. Tào Tháo bấy giờ rất cần người khác giúp mình. Nhưng lúc Trương Tú “tự sát” thì đã khác, Hà Bắc đã hoàn toàn bình định, thế lực của Tháo đã vững mạnh. Muốn trả thù riêng cũng chẳng phải là khó hiểu.

Trình Dục là biểu tượng của người sáng suốt lựa chọn Tào Tháo. Nhưng sự nghiệp của Trình Dục lại khá tối tăm
Trình Dục là biểu tượng của người sáng suốt lựa chọn Tào Tháo. Nhưng sự nghiệp của Trình Dục lại khá tối tăm

Chuyện Ngụy Chủng cũng như thế. Ngụy Chủng là thuộc hạ của Tháo. Tháo rất tin cậy. Khi Lữ Bố cướp Duyện Châu, Tháo cho rằng chỉ có Ngụy Chủng không phản mình, nhưng Chủng cũng phản nốt. Đến khi đánh Tuy Cố, bắt được Ngụy Chủng ở Xạ Khuyển. Tháo nói rằng: “Chỉ vì hắn có tài”, bèn cởi trói, phong Ngụy Chủng làm Thái thú Hà Nội. Hà Trác nói việc ấy cùng với việc dùng Tất Kham là minh chứng cho câu “chẳng kể là kẻ thù cũ”. Tuy nhiên, Hà Trác cũng không quên nói rằng hai việc ấy “đều là giả dối để mua lòng kẻ sĩ bốn phương”. Giả dối thế nào?

Vào thời điểm đó, Hà Nội là vùng đất Tào Tháo mới thu phục ở Hà Bắc, mà Hà Bắc là địa bàn hoạt động của Viên Thiệu. Trấn giữ vùng đất đó là một nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, vì Thiệu có thể tới tiêu diệt bất cứ lúc nào. Tào Tháo dùng Ngụy Chủng là đường nào cũng có lợi. Nếu Ngụy Chủng giữ được, Tào Tháo được tiếng là trọng dụng nhân tài, không kể kẻ thù cũ. Nếu Ngụy Chủng bị giết, Tào Tháo báo được thù cũ. 

“Chẳng kể là kẻ thù cũ” chỉ là biểu hiện bên ngoài, công báo tư thù mới là sự thật bên trong. Vì thế Hà Trác mới cho là giả dối. Tào Tháo dùng Trương Tú, Ngụy Chủng, bề ngoài thì giống việc Hán Cao Tổ phong cho kẻ thù là Ung Xỉ. Nhưng Cao Tổ thực sự không tính sổ với Ung Xỉ, còn Tào Tháo thì chỉ được cái mã bên ngoài, hoàn toàn khác nhau về đẳng cấp. 

Có tài là dùng?

Trong lệnh cầu hiền năm Kiến An thứ 15, Tào Tháo tuyên bố “dẫu họ có khuyết điểm, song cứ có tài là đề cử, ta có được họ là trọng dụng”. Bảy năm sau, Tào Tháo sẽ nhắc lại rằng: “dẫu họ mang cái danh ô nhục, bị người ta đàm tiếu về đức hạnh, hoặc bất nhân bất hiếu mà kẻ đó có tài trị quốc hay có thuật dụng binh, mọi người hãy tiến cử lên cho ta biết”. Đây là nguồn gốc của huyền thoại có tài là dùng. Vấn đề nằm ở chỗ “có tài là dùng” cũng có giới hạn của nó.

Cái gọi là không hiềm kẻ thù cũ, có tài là dùng hoàn toàn chỉ là hô khẩu hiệu, trên thực tế đằng sau đó ẩn chứa những câu chuyện hết sức tàn khốc. Dịch Trung Thiên khen năng lực dùng người của Tháo đến mức “quỷ sai thần khiến”, “thiên hạ quy tâm”. Thế nhưng, trong cuốn Luận anh hùng, ông cũng phải thừa nhận Tháo vừa yêu tài vừa ghét tài. 

Chu Linh là tướng tài ở chỗ Viên Thiệu, chỉ kém ngũ lương tướng của Tào Tháo một chút. Khi Tháo đánh Đào Khiêm, Thiệu sai Chu Linh đem ba doanh quân đi giúp Tháo. Chu Linh nói rằng: “Linh này xét người đã nhiều rồi, không thấy ai như Tào Công, đấy thực là minh chủ vậy”, cuối cùng đã bỏ Thiệu theo Tháo. Kết quả, Tháo “thường oán hận Chu Linh, muốn tước đoạt quân của Linh”, sau cùng đã sai Vu Cấm xông thẳng vào doanh trại tước binh quyền của Chu Linh. 

Lâu Khuê tài năng xuất chúng. Tháo từng khen rằng: “Kế của Tử Bá, cô chẳng hơn được!”. Khuê đem binh lực của mình từ phía bắc Kinh Châu tới theo Tào Tháo. Thế nhưng, Tháo “cho làm đại tướng, nhưng không sai nắm binh”, chỉ được ngồi bàn luận dâng hiến mưu kế cho Tháo, cuối cùng Tháo giết luôn Lâu Khuê. Đó là điều mà Tào Man truyện từng nói: “chư tướng có mưu kế hay hơn mình, thì tùy cơ lấy phép công mà giết họ”. 

Quách Gia bày mưu như thần, hơn hẳn Tào Tháo (kế sách của thần còn chưa quyết, Gia đã quyết xong). Tào Tháo liền đặt ra một chức Quân tế tửu dành riêng cho Quách Gia. Trọn đời Quách Gia chỉ làm được một chức đó, trở thành cái bóng sau màn cho Tào Tháo vắt kiệt trí tuệ. 

Trình Dục còn thảm hơn. Hán Hiến đế phong Dục làm Thượng thư. Tháo liền lấy cớ “Duyện châu còn chưa yên ổn”, đuổi Dục ra ngoài làm Đông Trung lang tướng, Thái thú Tế Âm. Gần trọn sự nghiệp chính trị của Trình Dục dưới thời Tào Tháo là phải làm quan quanh quẩn bên ngoài, một lần bị tố mưu phản, một lần vì lý do vớ vẩn là tranh giành nghi trượng với một kẻ tầm thường là Hình Trinh mà bị Tào Tháo bãi chức. 

Thượng thư Bộc xạ Mao Giới theo phò Tào Tháo từ lúc Tháo mới đến Duyện Châu, là người đã đưa ra Long Trung sách cho Tào Tháo, lại tiến cử cho Tháo vô số nhân tài. Cuối cùng, Giới vì than thở khi thấy kẻ bị tù tội, liền bị Tháo sai tống vào ngục, bị điều tra, sau đó cách chức rồi chết ở nhà.

Tuân Úc được Tào Tháo xem như Trương Lương, nhưng kết cục lại giống hệt Điền Phong
Tuân Úc được Tào Tháo xem như Trương Lương, nhưng kết cục lại giống hệt Điền Phong

Tôn Thịnh đã bàn rằng: “Xưa Hán Cao hạ ngục Tiêu Hà, sau khi tha ra lại cho làm Thừa tướng, Giới một lần bị trách tội, vĩnh viễn bị ruồng bỏ, sự độ lượng của hai vị nhân chủ, há chẳng khác nhau sao!”. Chẳng phải Tào Tháo luôn lải nhải về chuyện không quan tâm đến khuyết điểm, đức hạnh, dù bất nhân bất hiếu cũng dùng đó sao?

Danh sách nhân tài bị Tào Tháo giết hại, ruồng bỏ không phải là ngắn. Ví như Tuân Úc, Tháo ca ngợi là “Trương Lương của ta”, thường xuyên bài mưu kế, cử nhân tài, lo việc nội bộ khi Tào Tháo đi chinh phạt, cuối cùng bị Tháo đuổi ra Thọ Xuân, còn gửi cho hộp cơm không. Tuân Úc đau buồn đến chết. Thôi Diễm chính trực, tận tụy, biết xét người, tiến cử không ít nhân tài.

Tào Tháo vì mấy câu không rõ ràng mà phạt Diễm làm lao dịch khổ sai như nô lệ, rồi ban chết cho Diễm. Khổng Dung có uy tín, hay can gián, Hứa Du có mưu lược, Dương Tu có trí tuệ, tài hoa, thảy bị Tào Tháo giết chết. Rốt cuộc vì sao Tào Tháo lại tàn hại nhân tài đến mức như thế?

Đọc thêm