Về mặt này, Ngụy thư của Vương Thẩm cuối thời nhà Ngụy đã ca ngợi Tháo đến tận mây xanh: “Thái Tổ tự mình thống quản thiên hạ, dẹp sạch bọn xấu, hành quân dụng binh, đại khái chiếu theo binh pháp Tôn, Ngô, nhưng ứng việc nảy kỳ mưu, lừa địch quyết thắng, biến hóa như thần. Tự sáng tác binh thư hơn mấy chục vạn chữ, chư tướng chinh phạt, đều theo tân thư ấy mà hành động.
Khi lâm việc lại tự mình đứng ra điều phối, ai theo lệnh thì thắng lợi, ai trái mệnh thì thất bại. Cùng địch đối trận, phong thái nhàn nhã an nhiên, vẻ như không muốn đánh, nhưng đến lúc quyết cơ thừa thắng, khí thế tràn trề, cho nên mỗi khi giao chiến thì tất thắng, quân lính không mong gì hơn”. Vậy Tào Tháo là một nhà quân sự như thế nào?
Tào Tháo và binh sĩ
Trần Lâm (?-217) đối với thời kỳ đầu cầm quân của Tào Tháo đã nhận xét rằng Tháo “ngu chậm mưu cạn, tiến lui bừa bãi, hao quân tổn tướng, mấy lần tan quân”.
Thực vậy, thời kỳ này Tào Tháo thua trận chủ yếu không phải vì địch đông ta ít, mà chủ yếu là vì “sổ táng sư đồ” (mấy lần tan quân). Nguyên nhân chủ yếu thì như lời Quách Gia đã ca tụng trong thập thắng: “Công nắn sửa chính trị lấy sự nghiêm khắc ràng buộc” (trị thắng).
Kết quả là sĩ tốt thường phản bội Tào Tháo mà bỏ đi. Tháo biệt truyện chép: sau khi Tháo được phong Điển quân Hiệu úy (trước khi Thiệu diệt hoạn quan), bèn trở về huyện Tiếu. Sĩ tốt nước Bái liền làm phản, tập kích Tào Tháo. Tháo thua chạy giữ mạng, trốn vào trong nhà của đình trưởng Bình Hà, chỉ dám xưng là xử sĩ Tào Tế Nam. Tam quốc chí và Ngụy thư cùng kể việc Tào Tháo khinh thường truy kích Đổng Trác, bị tướng của Trác là Từ Vinh đánh bại.
Tháo phải tới Dương Châu, xin được hơn bốn ngàn quân. Nhưng quay về tới huyện Long Kháng thì số sĩ tốt này lại làm phản, tự mình đốt trướng của Tào Tháo. Tháo phải tự tay đánh giết mới thoát được. Trong số hơn bốn ngàn quân đó chỉ có năm trăm người không làm phản!
Tập họp những câu chuyện ứng xử giữa Tào Tháo và binh sĩ, ta thấy nổi lên hai đặc trưng. Một là, Tháo đối với binh sĩ thì rất nghiêm hình phạt, như chuyện chỉ cần đạp lên lúa thì chém. Phó Huyền từng nói: “Ngụy Vũ thích pháp, thuật nên thiên hạ quý hình danh”. Pháp, thuật, hình, danh là các thuật ngữ của trường phái Pháp gia – chú trọng dùng pháp lệnh, hình phạt để đối xử với người khác.
Hai là, Tháo đối với binh sĩ thì rất hay lừa bịp, như chuyện lấy đấu nhỏ phát thóc cho quân, hay chuyện nói dối rằng phía trước có rừng mơ. Dịch Trung Thiên nói rất đúng: bất kể là binh sự hay chính sự, thì đều là nhân sự. Cái gốc của nó chính là quan hệ giao tiếp giữa người và người. Kiểm điểm lại toàn bộ cuộc đời quân sự của Tào Tháo thì thấy, những lần Tào Tháo thất bại nặng nhất thường là do thuộc hạ phản bội: mất Duyện Châu cũng vậy, thua Uyển Thành cũng vậy. Tào Tháo đối với thuộc hạ và binh sĩ không gây dựng được sự tin tưởng, mà đổi lại là dùng quyền mưu để khống chế.
Đường Thái Tông là người rất ngạc nhiên về nhiều tư tưởng quân sự của Tào Tháo |
Chân tướng nhà lý luận
Sử sách ghi nhận Tào Tháo có rất nhiều trứ tác về mặt quân sự và văn học. Hình tượng Tào Tháo được ghi lại ở đó là một người “năng minh cổ học”, “tay không rời sách”. Quả thực có rất nhiều sách đội tên Tào Tháo hoặc do Tào Tháo chú giải, như Ngụy Vũ binh pháp tiếp yếu, Tôn Tử binh pháp chú, Tục Tôn Tử binh pháp, Binh thư lược yếu, Ngụy Vũ đế binh pháp, Ngụy Vũ đế binh thư, Tân thư, Thái Công âm mưu, Tư Mã pháp chú. Nếu tính trên số lượng đầu sách, Tào Tháo quả thực là một nhà lý luận quân sự. Tuy nhiên vấn đề không nằm ở số lượng, mà ở chất lượng.
Nhà phê bình văn học thời Nam Tề là Lưu Hiệp từng nhận xét rằng: “Ngụy Vũ bảo văn Trương Hành là vụng, nhưng chính học vấn ông ta lại nông cạn, kiến thức không nhiều, chuyên nhặt những lời văn nhỏ mọn của Thôi Nhân, Đỗ Độc. Những bài làm ra không phải bài nào cũng khó khăn, nhưng hễ gặp khó khăn là không có cách đi ra. Đó là cái bệnh của người học ít”. Thực vậy, Tào Tháo “năng minh cổ học” là điều rất đáng ngờ, vì lúc nhỏ Tào Tháo không hề chăm học, cũng chẳng được cha mẹ dạy dỗ.
Khảo sát phần chú thích của Tào Tháo đối với Tôn Tử binh pháp cũng có thể nhận ra điều đó. Tào Tháo hoàn toàn không có sự phát triển nào về mặt lý luận, mà chủ yếu là chú giải ý nghĩa của những chữ khó. Hơn nữa, lời chú rất ngắn. Đỗ Mục từng nhận xét: “Những chú giải của Tào Công, mười phần không chú giải được một”. Tuy nhiên, Tháo lại “tiếc những điều sở đắc, tự làm sách Tân thư”. Đó là cuốn sách mà Vương Thẩm đã ca tụng.
Tân thư của Tào Tháo cũng là chủ đề mà Đường Thái Tông và Lý Tĩnh từng đưa ra bàn luận. Trong đó, Tào Tháo chủ trương: “Khi lâm trận đánh địch, trước tiên lập biểu, rồi đem binh đến, theo biểu mà bày trận. Nếu một chỗ bị tấn công, các chỗ khác không đến cứu thì chém”. Biểu ở đây có thể hiểu là biểu đồ, kế hoạch hoặc là dấu mốc để cứ theo đó mà bày trận. Đường Thái Tông vô cùng sửng sốt vì tư tưởng đó, nên mới hỏi rằng “đó là thuật gì?”.
Lý Tĩnh cho rằng: “Lâm trận mới lập biểu là sai rồi! Đấy chỉ là phương pháp khi dạy đánh nhau mà thôi ... Tào Công là người tự kiêu mà háo thắng. Lúc đương thời, chư tướng nhận binh thư mà không ai dám chỉ trích chỗ dở. Vả lại khi lâm trận mới lập biểu, không phải là quá muộn hay sao?”.
Lý Tĩnh chỉ ra rằng người giỏi dùng binh thì phải dạy quân cho tinh nhuệ, lúc vào trận thì xua quân như xua đàn dê, có đâu đợi đến lúc giáp địch rồi mới vẽ bản đồ, lập dấu mốc! Điều này cho thấy tư tưởng quân sự của Tào Tháo có những chỗ hết sức giáo điều, sách vở và phi thực tế.
Sở trường, sở đoản
Bất kể là về mặt lý luận hay thực hành, Tào Tháo đều có vấn đề về mặt quân sự. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Tào Tháo bất tài. Nếu Tháo bất tài, ông ta đã không chiến thắng nhiều đến như vậy.
Nhưng cũng chẳng thể nói Tháo là thiên tài quân sự vì nếu Tháo là thiên tài, ông ta đã không thất bại nhiều đến như vậy. Phong độ của Tào Tháo hết sức trồi sụt, có lúc ông ta chiến thắng như thần, có lúc lại vất vả vì mấy tên giặc nhỏ như Xương Hi, Trương Tú, Trương Lỗ.
Những chiến thắng giòn giã của Tào Tháo liên quan mật thiết đến hai khía cạnh: thứ nhất là địa bàn, thứ hai là thời đoạn. Một là, Tào Tháo thường chiến thắng khi tung hoành Trung Nguyên. Hai là, Tào Tháo chiến thắng liên tiếp trong thời kỳ Quách Gia làm mưu sĩ. Một khi không có Quách Gia, một khi Tháo rời Trung Nguyên, sự nghiệp quân sự của Tào Tháo liền gặp trắc trở, nếu không tan quân chết tướng thì cũng là ra về tay không. Điều này liên quan đến sở trường sở đoản của Tào Tháo.
Tào Tháo chỉ là một tướng tài về kỵ binh |
Tào Tháo rất có năng lực về mặt kỵ binh, bước vào con đường quân sự là được phong ngay chức Kỵ đô úy. Sau này Tào Tháo chiến thắng Vu Độc, chém chết Văn Xú, đánh úp Ô Sào, bình định Ô Hoàn, truy sát Lưu Bị, phá tan Mã Siêu đều dựa vào năng lực của kỵ binh.
Tào Tháo đã xây dựng cho riêng mình một lực lượng kỵ binh cận vệ tinh nhuệ, gọi là Hổ Báo kỵ. Đây là lực lượng đặc biệt mà chỉ có những người thân cận họ Tào như Tào Thuần, Tào Chân mới được chỉ huy. Sau khi Tào Thuần qua đời, Tháo đã tự mình chỉ đạo Hổ Báo kỵ. Trong Tân thư, Tào Tháo đã đề ra chiến thuật chia quân kỵ làm ba bộ phận: chiến kỵ, hãm kỵ, du kỵ. Chiến thuật này đã được danh tướng Lý Tĩnh thời Đường mô phỏng lại.
Tuy nhiên, khi Tào Tháo rời bỏ địa hình bằng phẳng, chuyển sang tác chiến trên các địa hình mà kỵ binh không thể phát huy năng lực, Tào Tháo liền thất bại. Ở trên mặt nước, Tào Tháo thua Chu Du, dù có quân đông gấp mấy lần (trận Xích Bích thua không phải vì hỏa công, trước đó đã có một trận tao ngộ chiến tay đôi, nhưng Tháo vẫn thua).
Đi vào rừng núi, Tào Tháo liền đánh không lại Lưu Bị. Đây là một trong những lý do khiến cho Tào Tháo không thể thống nhất thiên hạ mà chỉ thống nhất được Trung Nguyên. Nhưng, đó cũng chẳng phải là lý do duy nhất…
(Mời xem tiếp số sau)