Phế bỏ hôn quân, lập vị minh quân đã biến thành tội ác thứ nhất của Đổng Trác. Thế nhưng quan lại trong triều, sĩ phu ngoài đường chỉ dám giận mà không dám nói, chỉ dám nói chứ không dám làm, cho đến khi Đổng Trác phạm thêm một tội ác thứ hai.
Tội ác thứ hai: trọng dụng hiền sĩ
Nền chính trị cuối thời Đông Hán mang hai đặc trưng: một là quan trường thân quen, hai là quan trường tiền bạc. Đặc biệt là sau hai cái họa Đảng cố dưới thời Hán Hoàn đế, giới sĩ phu chân chính gần như bị đánh gục về mặt chính trị. Rất nhiều người phải trốn tránh, chạy vạy. Một số khác thì bị khống chế, quản thúc. Kết quả là muốn tiến thân trong con đường làm quan Đông Hán chỉ còn có hai con đường chính: có quan hệ, hoặc có tiền.
Tào Tháo đại diện cho con đường thứ nhất. Tào Tháo thời trẻ không thích học hành, mà chỉ ham săn chim, đua chó. Đạo đức của Tào Tháo cũng rất có vấn đề. Tào Tháo từng bắt cóc cô dâu của nhà người ta để thỏa mãn thú tính, lại cũng từng bày mưu lập kế để làm mất uy tín của chú ruột trong mắt cha mình. Một người có nhiều vấn đề như thế cuối cùng lại được đề cử Hiếu liêm, rồi trở thành quan phụ mẫu.Đó là nhờ Tào Tháo có mối quan hệ của cha và ông.
Thôi Liệt thì đại diện cho con đường thứ hai, làm quan nhờ vung tiền ra mua. Chức Thái úy của Tào Tung – cha Tào Tháo dường như cũng là mua. Tào Tung làm Thái úy chưa được bao lâu thì cũng mất chức, chẳng làm nên trò trống gì.
Nền chính trị quen biết và mua bán cuối cùng đã tạo ra một quan trường hủ bại, nơi những kẻ bất tài được dự vào chức cao, còn những kẻ sĩ có tài năng, có chí khí thì bị chìm lấp nơi ngòi rãnh. Đổng Trác vào kinh đô đã tiến hành chỉnh sửa tệ nạn đó. Đổng Trác đã trọng dụng rất nhiều người tài.
Sái Ung là danh sĩ nổi tiếng hàng đầu cuối thời Đông Hán, vì nói thẳng mà bị đuổi. Đổng Trác gặp Sái Ung, hết sức coi trọng, liền tiến cử Sái Ung là Cao đệ (một hạng mục tiến cử người tài thời Đông Hán), liên tiếp thăng chức từ Ngự sử, Trị thư Ngự sử, Thượng thư, “trong vòng ba tháng đã trải qua ba đài”, được phong hầu.
Tuân Sảng cũng là nhân tài, là một trong Bát long (tám con rồng), “là người trung chính, khẳng khái mà nhớ đến đạo lý, lại trầm mặc”, nhưng vì liên quan tới Đảng cố của sĩ phu nên bị cấm cố, phải trốn tránh ở bên bờ biển, cuối cùng thui chột không muốn ra là quan nữa. Đổng Trác vừa cầm quyền, liền triệu Tuân Sảng.
Sảng định trốn đi, nhưng quan địa phương giữ lại và bẩm lên. Đổng Trác liền lập tức bái Sảng làm quốc tướng nước Bình Nguyên. Tuân Sảng đang đi nhậm chức thì lại có sứ giả đuổi theo, phong Sảng làm Quang lộc huân. Tuân Sảng nhậm chức ở triều đình được ba ngày lại được bái làm Tư không. Trong vòng chín mươi lăm ngày, Tuân Sảng từ hiền sĩ áo vải trở thành Tam công.
Vương Doãn họp bàn cách diệt Đổng Trác. Nhóm Vương Doãn, Lữ Bố chỉ là một trong số nhiều nhóm âm mưu hành thích Đổng Trác |
Vương Doãn được người đời khen “có tài của bậc tể tướng”, là người “vẻ mặt nhã nhặn, đi đứng trang trọng, không phải lễ là không hành động”. Vương Doãn vì từng tìm thấy lá thư của hoạn quan Trương Nhượng ở chỗ quân Khăn Vàng, bị Nhượng oán hận, hãm hại, phải đổi tên họ trốn tránh, mãi sau này mới được Hà Tiến gọi tới làm quan.
Đổng Trác “đối xử nhã nhặn mà tin tưởng”, thăng làm Tư đồ. Khi dời đô về Trường An, luận công ban thưởng, Vương Doãn được thưởng ngang với Đổng Trác. Trác còn để cho Doãn nắm quyền “lục Thượng thư sự, tổng quản việc triều chính”.
Lữ Bố là tráng sĩ người Tinh Châu, “kiêu dũng thiện chiến”, “có tài cung ngựa”, đi theo Đinh Nguyên. Nhưng Đinh Nguyên chỉ để Lữ Bố làm Chủ bộ, lo việc giấy tờ. Đổng Trác chiêu dụ Bố, phong ngay cho làm Kỵ đô úy, chẳng bao lâu sau liền thăng lên Trung lang tướng, tước Đô đình hầu.
Chu Tuấn là tướng lĩnh có công trong việc đánh dẹp Khăn Vàng, nhưng cũng lận đận.Đổng Trác liền phong làm Thái bộc, muốn lấy Tuấn làm phó cho mình.Chu Bí, Ngũ Quỳnh cũng khuyên Đổng Trác “nên bạt dụng kẻ giỏi”. Đổng Trác liền nghe theo kiến nghị ấy, cử một loạt danh sĩ như Hàn Phức, Lưu Đại, Khổng Trụ, Trương Tư, Trương Mạc ra ngoài làm quan, nắm giữ các châu quận.
Với những sắp xếp về nhân sự như thế, Đổng Trác đáng lý phải mở ra một giai đoạn thái bình.Nhưng trên thực tế sự việc lại diễn biến khác hẳn.Ngoại trừ Sái Ung có cảm tình với Đổng Trác, những người còn lại toàn bộ đều phản đối Trác, hoặc thậm chí nổi lên chống lại.
Phán quyết của công luận: liên quân Quan Đông
Vào năm cầm quyền thứ hai của Đổng Trác, các quan lại phía đông đã chính thức có hành động chống lại nền chính trị của Đổng Trác.Họ sẽ thành lập liên minh quân sự mà sử sách gọi là liên quân Quan Đông. Khác với những gì được nói đến trong Tam quốc diễn nghĩa, liên minh này không phải do Tào Tháo thành lập.
Cũng khác với những gì được chép trong Tam quốc chí, không hẳn là do Thái thú Đông quận Kiều Mạo làm giả hịch của Tam công triều Hán để kêu gọi liên minh. Liên quân Quan Đông trên thực tế là do chính tay Đổng Trác gầy dựng.
Căn cứ vào Tam quốc chí, Tang Hồng truyện thì liên quân này ban đầu chỉ có Thứ sử Duyện Châu là Lưu Đại, Thứ sử Dự Châu là Khổng Trụ, Thái thú Trần Lưu là Trương Mạc, Thái thú Đông quận là Kiều Mạo, Thái thú Quảng Lăng là Trương Siêu. Năm người này họp binh ở Toan Tảo cùng ăn thề. Về sau sẽ có thêm nhiều người góp cổ phần vào đó, như Thái thú Bột Hải là Viên Thiệu, Ký Châu mục là Hàn Phức, Thái thú Hà Nội là Vương Khuông ở phía bắc sông Hoàng Hà; ở phía nam thì có thêm bọn Hậu tướng quân Viên Thuật, Thái thú Trường Sa là Tôn Kiên và một số người khác ở những địa bàn khác.
Hạt nhân ban đầu của liên minh này chính là do Đổng Trác gầy dựng. Đám người Hàn Phức, Lưu Đại, Khổng Trụ, Trương Tư, Trương Mạc, thậm chí cả Viên Thiệu đều là do Đổng Trác bổ nhiệm làm quan châu, quan quận, theo chính sách “bạt dụng kẻ giỏi” do Chu Bí, Ngũ Quỳnh đề xướng. Kết quả “khi bọn Phức đến nhận chức quan, đều họp binh tướng để đánh Trác”. Chu Bí, Ngũ Quỳnh được Đổng Trác “tín nhiệm”, thì cũng đồng thời là chủ mưu của hai vụ hành thích Đổng Trác.
Viên Thiệu (phải) lên đàn thề. Sử sách chỉ ghi lại một hội thề duy nhất ở Toan Tảo, và người lên đàn đầu tiên là Tang Hồng. Bấy giờ Viên Thiệu chưa tham dự liên minh, cũng chưa bao giờ tới hội quân ở Toan Tảo |
Tuân Sảng cũng cùng với Vương Doãn, Hà Ngung âm mưu một vụ khác (nhưng chưa thành thì Tuân Sảng qua đời).Vương Doãn, Lữ Bố cũng được Đổng Trác trọng dụng, thì cũng đồng thời là người giết chết Đổng Trác. Có thể nói rằng chính sách trọng dụng hiền tài là con dao hai lưỡi làm hại Đổng Trác. Trên thực tế đã có người ngấm ngầm lợi dụng chính sách trọng dụng hiền tài của Đổng Trác để mưu đồ việc riêng.Người đó chính là Viên Thiệu.
Ở phần nói về Viên Thiệu, chúng ta đã biết Viên Thiệu từ sớm đã từ bỏ quan trường Đông Hán mà chuyển sang kết giao hào kiệt. Liên quân Quan Đông đối với Viên Thiệu không phải là cơ hội cứu vãn triều Hán, mà là cơ hội để Viên Thiệu lập triều đại mới.Ngay từ lúc bắt đầu họp quân, Thiệu đã biết trước liên quân không làm nên trò trống gì, và nói rõ với Tào Tháo về chiến lược tranh thiên hạ của mình
.Hà Trác đã chỉ ra rằng “Thiệu thấy Quang Vũ đế dựa vào vốn liếng Hà Bắc mà bình định hải nội, bởi thế mới mưu đồ chiếm cứ”. Các nhân vật chủ chốt của liên quân Quan Đông phần lớn đều do bọn Chu Bí, Ngũ Quỳnh tiến cử với Đổng Trác, mà Bí, Quỳnh thì lại vốn “ngầm giúp Thiệu”. Nói cách khác, liên quân Quan Đông là sản phẩm của Viên Thiệu, mượn tay Đổng Trác để thành lập, và mục tiêu của nó không phải là giúp đỡ triều Hán (như Đổng Trác đang làm), mà thực tế là mưu đồ lật đổ triều Hán (như Viên Thiệu dự tính).
Ngay như đám người Hà Ngung, Trịnh Thái, Chủng Tập, Tuân Du ở trong triều đình mưu đồ giết Đổng Trác, cũng là nhằm mục tiêu “đâm chết Trác để tạ tội với trăm họ, rồi sau chiếm cứ Hào, Hàm, dựa vào vương mệnh để hiệu triệu thiên hạ, đó là công nghiệp của Tề Hoàn, Tấn Văn đấy”.
Mấy lời này do Tuân Du chính miệng nói ra, sửa sang lại một chút thì chính là chiến lược mà Tào Tháo sẽ thực hiện để nuốt trọn cơ nghiệp nhà Hán. Tất nhiên không phải người nào chống đối Đổng Trác cũng đều ôm dã tâm riêng. Mâu thuẫn giữa Đổng Trác và giới quan lại, trí thức nhà Hán thực ra là có căn nguyên sâu xa hơn thế. Mâu thuẫn ấy đã vượt ra ngoài ranh giới của quan điểm về chiến lược hay sách lược chính trị. Đó là mâu thuẫn gì?