Nguy hại với môi trường
Theo ước tính, mỗi năm Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, trong đó rơm rạ chiếm khoảng 59%. Thay vì tái sử dụng hữu ích, một lượng lớn rơm rạ bị đốt ngay trên đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường. Kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, chỉ khoảng 8% rơm rạ được tái sử dụng để trồng nấm, 14% làm thức ăn cho gia súc, 17% làm phân bón/lót chuồng, 8% đun nấu... Tính tổng cộng tại 18 quận, huyện cho thấy, mỗi năm TP Hà Nội đốt bỏ khoảng 296 nghìn tấn rơm rạ (chiếm 39% tổng lượng). Trong đó, một số huyện ven đô có lượng lớn rơm rạ bị đốt nhiều như: Đan Phượng (90%), Mê Linh (70%), Hoài Đức (69%), Thanh Trì (60%), Gia Lâm (60%), Đông Anh (55%)...
Có thể khẳng định, việc đốt bỏ rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp đã phát thải vào môi trường hàng chục tấn khí CO2, CO, CH4, SO2, N2O… Đây là những chất không chỉ gây hại cho sức khỏe con người mà còn tác động xấu đến môi trường không khí. Bên cạnh đó, việc đốt rơm rạ còn gây khói, cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông...
Không chỉ trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, nhiều chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo, việc đốt rơm rạ sẽ tiêu diệt các loại côn trùng có ích, góp phần làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa - một trong những nguyên nhân gây bộc phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc bà con nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc BVTV để phòng trừ, khiến chi phí sản xuất lúa tăng cao.
Thêm vào đó, đốt rơm, rạ ở nhiệt độ cao sẽ làm một lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi. Nếu đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng. Việc làm này càng đáng tiếc khi theo các nghiên cứu khoa học, trong rơm, rạ có chứa nhiều nguồn dinh dưỡng quý cho đất. Cụ thể, theo Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), trong 1 tấn rơm, rạ chứa 5 - 8 kg đạm, 1,2 kg lân, 20 kg kali, 40 kg silic và 400 kg carbon. Như vậy, đốt bỏ rơm, rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng tương đối lớn phân bón và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa.
Việc đốt rơm khiến khói bụi mịt mù gây cản trở giao thông. |
Giải pháp cần nhân rộng
Trong khi các bộ, ngành liên quan tích cực tìm hướng xử lý cho vấn đề này thì ở xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) nhiều nông dân đã biết tận dụng rơm rạ để phát triển kinh tế. Trường hợp ông Tạ Đình Căn – nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thái. Theo đó, từ năm 2014, ông Căn đã tận dụng triệt để bã thải biogas chăn nuôi lợn, bã thải từ sản xuất nông nghiệp như rơm, rạ… đem ủ cùng với các chế phẩm sinh học để sản xuất phân hữu cơ vi sinh.
Chia sẻ kinh nghiệm làm phân hữu cơ vi sinh, ông Căn cho biết, việc tự ủ phân vi sinh hữu cơ từ các nguyên liệu có sẵn là vô dùng đơn giản và dễ thực hiện. Nông dân chỉ cần phối trộn các nguyên liệu dùng để ủ phân (phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cỏ, trấu, phân gia súc, gia cầm, bã thải từ các hầm biogas) với các chế phẩm vi sinh EM 1 và rỉ mật đường theo tỷ lệ nhất định.
“Với nguyên liệu để ủ phân thì kích thước càng nhỏ càng tốt, nguyên liệu có kích thước lớn hơn 20 cm thì cần chặt ngắn khoảng 1 gang tay. Sau khi ủ xong, bà con nên che đậy đống ủ bằng bạt hoặc nilon. Bên cạnh đó, nơi ủ phân phải có mái che chắn cẩn thận. Thời gian ủ xong khoảng 45 ngày, trong thời gian này bà con nên kiểm tra, đảo trộn 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 – 15 ngày” – ông Căn chia sẻ.
Hiện, bình quân mỗi ngày ông Căn sản xuất hơn 2 tấn phân hữu cơ vi sinh, với giá hơn 1.000 đồng/kg, gia đình ông có doanh thu 3 triệu đồng/ngày, trừ hết chi phí còn lãi 1 triệu đồng/ngày. “Phân hữu cơ sinh học rất tốt cho cây trồng, có tác dụng làm tơi xốp, giữ độ ẩm cho đất. Ngoài ra, việc thường xuyên sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân hóa học còn giúp tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu tư, nông sản làm ra cũng an toàn”, ông Căn nhấn mạnh.
Rõ ràng, trong khi chờ đợi những giải pháp mang tính dài hạn từ các cơ quan chức năng thì mô hình biến rơm rạ thành phân bón vi sinh như của ông Căn, nếu được nhân rộng sẽ là liều thuốc hiệu quả giúp xóa bỏ những “cánh đồng khói”.
Để giải quyết tình trạng đốt rơm rạ bừa bãi, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan cùng các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đồng thời, nghiên cứu và cung cấp các loại chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch…
Theo đó, năm 2017, thành phố sẽ hỗ trợ nông dân 100% kinh phí xử lý rơm rạ và kèm theo đánh giá hiệu quả trên cơ sở mô hình thí điểm “cánh đồng không đốt rơm rạ” từ nguồn ngân sách các cấp và xã hội hóa. Đến năm 2018 sẽ nhân rộng mô hình thí điểm “cánh đồng không đốt rơm rạ” trên cơ sở hỗ trợ 30-50% kinh phí thực hiện. Năm 2019, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên cơ sở hỗ trợ 10% kinh phí.