Giải thích quy định đóng bảo hiểm xã hội từ 2016

(PLO) - Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/1/2016, mức tiền lương nào là căn cứ đóng bảo hiểm xã hội? Quy định về tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có gì mới so với các quy định cũ? Lộ trình thực hiện quy định này như thế nào?

Giải thích quy định đóng bảo hiểm xã hội từ 2016
Lộ trình đóng bảo hiểm xã hội theo quy định mới

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), từ ngày 1/1/2016, những người hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (công chức, viên chức nhà nước hưởng lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2014), thì tiền lương để tính đóng BHXH không thay đổi.

Cụ thể, vẫn đóng BHXH theo tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). 

Viên chức quản lý chuyên trách trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đóng BHXH theo hệ số tiền lương quy định tại Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong Cty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, theo quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật BHXH, có lộ trình thực hiện như sau:

Từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017, tính đóng BHXH theo mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động (như vậy, so với quy định trước đây, tiền lương tính đóng BHXH giai đoạn 2016-2017 có thêm khoản phụ cấp lương).

Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động (Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác do doanh nghiệp tự xây dựng, làm căn cứ thỏa thuận, ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động theo quy định của pháp luật).

Bình đẳng giữa hai khu vực doanh nghiệp

So với quy định tại Luật BHXH năm 2006, quy định này có hai điểm mới nổi bật.

Một là, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương theo hệ số theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004, trước năm 2016 đang đóng, hưởng BHXH theo hệ số, thì từ ngày 01/01/2016 trở đi tính đóng BHXH theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động như những người lao động làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, bình đẳng giữa 2 khu vực.

Hai là, tiền lương đóng BHXH từ 01/01/2016 là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, gồm thêm phụ cấp lương, và từ 01/01/2018 thêm cả các khoản phụ cấp khác. 

Khoản tiền nào phải đóng bảo hiểm xã hội?

Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động và Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP (Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP có nội dung về sửa đổi, bãi bỏ, bổ sung một số điểm của Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH), thì tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định.

Tiền lương gồm: Mức lương theo công việc hoặc chức danh; phụ cấp lương; các khoản bổ sung khác.

Về mức lương, mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang bảng lương do người sử dụng lao động (NSDLĐ) xây dựng theo các nguyên tắc quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP.

Trong đó, mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động phải qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng; mức lương công việc nặng nhọc độc hại: cao hơn ít nhất 5% so với điều kiện lao động bình thường, đặc biệt nặng nhọc độc hại thì cao hơn ít nhất 7%.

Khi xây dựng, sửa đổi thang bảng lương, NSDLĐ phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động, công bố công khai, gửi cơ quan nhà nước về lao động cấp huyện và phải báo cáo chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện.

Về phụ cấp lương, đây là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương, như: có yếu tố nặng nhọc độc hại, nguy hiểm, liên quan đến thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng...
Về các khoản bổ sung khác, là các khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ: tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ người kết hôn…

Doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát, xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang bảng lương, định mức lao động theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.

Thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng làm căn cứ để thỏa thuận hợp đồng lao động, trả lương cho người lao động.

Tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2016 như sau:
- Theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13, tỷ lệ đóng BHXH là 26%. Trong đó người lao động đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng lao động đóng 18% (trong đó 3% vào quỹ ốm đau - thai sản; 1% vào quỹ TNLĐ-BNN; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất).
- Theo quy định tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT  tỷ lệ đóng BHYT là 4,5% (trong đó người lao động đóng 1,5%, người sử dụng lao động đóng 3%).
- Theo quy định của Luật Việc làm, tỷ lệ đóng BHTN là 2% (trong đó người lao động đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1% tiền lương tháng), ngoài ra ngân sách nhà nước trung ương hỗ trợ tối đa không quá 1% tiền lương tháng đóng BHTN.
Như vậy, tổng tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2016 là 32,5%, trong đó đơn vị sử dụng lao động đóng 22%, người lao động đóng 10,5% tiền lương tháng.

Đọc thêm