Giai thoại về trạng nguyên Hồ Tông Thốc - (Kỳ 2): Sửa thơ Hạng Vũ, rạng danh nước Việt nơi xứ người

(PLVN) - Trung thực nhận lỗi khi mắc phải sai sót, Hồ Tông Thốc được tin dùng, cất nhắc nhiều chức vụ cao trong triều đình. Sau này, ông được cử đi sứ Trung Hoa. Với tài năng vốn có, Hồ Tông Thốc đã làm rạng danh đất nước Đại Việt.
Trạng nguyên Hồ Tông Thốc.
Trạng nguyên Hồ Tông Thốc.

* Kỳ 1: Giai thoai về trạng nguyên Hồ Tông Thốc: Dòng hộ có ba đời đỗ Trạng nguyên

Sửa thơ Hạng Vũ

Năm 1343 theo lệnh nhà vua, Hồ Tông Thốc soạn văn bia chùa Báo Ân. Tiếp đó được Triều đình giao chức An Phủ sứ, đứng đầu một trấn. Trong thời gian làm An Phủ sứ, ông đã phạm một lỗi lầm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có chép: "Trước kia Hồ Tông Thốc làm An Phủ sứ, vô tình tư lợi của dân, việc bị phát giác, Nghệ Tông lấy làm lạ hỏi ông chuyện đó, Tông Thốc lạy tạ mà thưa rằng: Một con chịu ơn vua, cả nhà con ăn lộc trời, vua tha tội cho”.

Sau đó ông được thăng nhiều lần đến Hàn Lâm học sĩ phụng chỉ kiêm Thẩm hình viện sử. Nhiều lần có sứ Phương Bắc đến, nhà vua thường vời ông ra đối đáp. Với trí thông minh, tài biện luận ngoại giao, lần nào cũng vừa lòng nhà vua đồng thời sứ thần nước ngoài cũng kiêng nể. 

Một lần ông được cử đi sứ phương Bắc. Trên đường đi, khi qua đền thờ Hạng Vũ (người Hán, thua Hán Cao Tổ - Lưu Bang sau phải tự tử), Hồ Tông Thốc ghé vào xem. Ông cảm cảnh, lấy bút đồ lên tường đền bài thơ sau đây: "Bách nhị sơn hà khởi chiến phong/ Huề tương tử đệ nhập Quan Trung/ Yên tiêu Hàm Cốc châu cung lạnh/ Tuyết tán Hồng Môn ngọc dấu không/ Nhất bại hữu thiên vong Trạch Tả/ Trùng lai vô địa đáo Giang Đông/ Kinh dinh ngũ tại thành hà sự/ Tiêu đắc khu khu táng Lỗ Công".

Tạm dịch là: "Non nước trăm hai nổi bụi hồng/ Đem đoàn tử đệ đến Quan Trung/ Khói tan Hàm Cốc cung châu lạnh/ Tuyết rã Hồng Môn dấu ngọc không/ Thua chạy trời xui đường Trạch Tả/ Quay về đất lấp nẻo Giang Đông/ Năm năm lặn lội hoài công cốc/ Còn được vùi trong mã Lỗ Công"

Câu chuyện đó có thật và được người đời sau biết đến, Nhưng theo sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, sau câu chuyện thật đó lại thêm câu chuyện hoang đường khác nối theo. 

Đên thờ trạng nguyên Hồ Tông Thốc ở Nghệ An.
Đên thờ trạng nguyên Hồ Tông Thốc ở Nghệ An.  

Sau khi đề xong, ông ruổi ngựa về quán trọ, uống rượu say, ngủ thiếp đi. Trong giấc chiêm bao, Hồ Tông Thốc thấy có người mời ông đến nhà Hạng Vũ. Trong ngôi cung điện nguy nga lộng lẫy đó. Hạng Vũ ngồi chờ ông. 

Gặp mặt, Hạng Vũ hỏi ông: "Bài thơ ông đề lúc ban ngày sao mỉa mai ta đến thế. Ừ thì hai câu "thua về Trạch Tả và quay lại Giang Đông" kể cũng đúng. Còn hai câu cuối há không phải là lời chê bất công ư? Sau đó Hạng Vũ kể công lao, cuối cùng cho mình thua là bởi trời. 

Hồ Tông Thốc cười nói: "Lẽ trời, việc người cũng là đầu cuối lần cho nhau. Báo mệnh ở trời, Thương - Trụ vì thế mà mất nước. Bảo trời sinh đức, Tân Mãng vị thế mà bỏ mình. Nay nhà vua bỏ việc người bàn lẽ trời. Vì thế đã đến thế bại vẫn không tỉnh ngộ. Hôm nay, tôi may mắn được nhà vua vời đến tiếp kiến, muốn xin được nói thẳng, nhà vua nghĩ thế nào?

Hạng Vương nói: "Vâng, vâng, ông cứ nói". Hồ Tông Thốc ung dung đáp: "Phàm xoay cái thế thiên hạ, ở trí chứ không ở sức, thu tấm lòng thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Nhà vua thì chỉ lấy quát thét làm oai, lấy cương cường làm đức. Chém Tống Nghĩa là một tướng mạnh, lòng quân đến đâu? Giết Tử Anh là người đã hàng, bất võ quá làm. Hàn Sinh vô tội mà bị buộc binh pháp trái thường. A Phòng vô cớ mà bị thiêu, hung uy quá tệ. Cứ như những việc nhà vua làm thì được lòng người chăng? Hay mất lòng người chăng?"

Hạng Vương cãi lại, biện hộ cho mình những việc vỗ quân, bất võ, trái thường, hung uy mà Hồ Tông Thốc đã lên án là phải và cần thiết. Hồ Tông Thốc mạnh tiếng: "Thế thì sáu kinh thành trong lửa, đốt sách thánh nhân, thước kiếm trên sông, giết vua Nghĩa Đế... Những việc ấy chỉ mà nhẫn tâm như vậy? Sao bằng Cao Tổ. Lưu Bang sợ lỗi phận vua tôi thì nghe lời Đổng Công, làm việc nhân nghĩa, khiến nền nếp vương hầu tối mà lại sáng. Sợ thất truyền đạo học thì về đất Khúc Phụ, bày Lê Thái Lao, khiến nguồn thi thư đứt mà lại nối. 

 

Cho nên người ta có câu nói rằng: "Cao Tổ được thiên hạ không cốt ở dùng Tiêu, Trương mà ở việc để trở của ba quân, gợi lòng trung nghĩa của hào kiệt. Cao Tổ giữ thiên hạ không ở quy mô rộng lớn mà ở việc đến tế ở Khúc Phụ, mở nền nương tựa cho đời sau. Nhà Vua thì so ví làm sao được". 

Hạng Vương ngồi nghe, không biết nói làm sao, sắc mặt tái như tro nguội. Thấy thế, bên cạnh có một người lão thần họ Phạm đỡ lời. Khi Hạng Vương đưa chân Hồ Tông Thốc ra cửa thì phương đông mặt trời đã mọc. Hồ Tông Thốc tỉnh rượu, xốc áo đứng dậy, thì té ra đó chỉ là giấc chiêm bao. 

Qua câu chuyện thật hoang đường trên đây, chúng ta không có mục đích nào khác ngoài việc nhắc lại cái tài làm thơ của ông, nhắc lại tài biện bạch, giỏi việc đời, tính thẳng thắn đối với xử thế đồng thời cũng biểu hiện khí phách của một sứ thần Việt Nam ngày xưa đối với nước.

Cáo quan về quê, không hợp tác với Hồ Quý Ly

Về văn chương, Hồ Tông Thốc còn để lại một bài thơ hay nữa mà nhiều sách nhắc đến. Đó là bài thơ "Du Động Đình, học Nhị Khê" nghĩa là đến thăm núi Động Đình, họa lại bài thơ của Nhị Khê (tức Nguyễn Phi Khanh, thân sinh Nguyễn Trãi). 

Qua bài thơ này chúng ta thấy ông thương mến Phi Khanh, một con người yêu nước lúc bấy giờ đồng thời tán thành ít nhiều thái độ bất đồng với Hồ Quý Ly trong việc cai trị đất nước. 

Thơ rằng: "Tài thức như quân, thượng thiếu niên/ Văn chương ta ngã lão vô duyên/ Dĩ tương đắc táng di hình ngoại/ Bất phục cỏng danh đáo châm biên/ Biến báo chỉ kham nhàn ẩn vụ/ Tiện ngư hà tất khổ lâm uyên/ Hạnh năng nhật nhật tần lai phỏng/ Hưu quái Động Đình tự khánh huyện".

Tạm dịch như sau: "Tài giỏi như ông tuổi vẫn xanh/ Ôi! Văn chương thế, lão không thành/ Biết nuôi lẽ phải ngoài hình vóc/ Chẳng đồ công danh vững gối khăn/Da báo mù che, nhàn ẩn thế/ Bên dòng khen cá, nhọc chí thân/ Mong ông tui tới ngày thăm hỏi/ Chớ ngại chuông treo, cảnh Động Đình". 

Về văn nghiệp và tài ngoại giao của ông còn nhiều sách vở nhắc tới, nhưng như Phan Huy Chú nói: "vì bị binh tửa, nay không còn". 

Về trước tác khác chúng ta còn được biết, cũng qua sách vở trên, ông còn có những công trinh nổi tiếng lúc bấy giờ như những tập: "Thảo nhàn hiệu tần tập, Việt Nam thế chí". 

Theo nhà sử học Ngô Sÿ Liên dẫn trong bài tựa của tập Sử ký của ông thì Hồ Tông Thốc có viết quyển Việt sử cương mục, với tài liệu thận trọng mà lời bàn lại có lẽ phải, tiếc rằng vì binh lửa nên sách đó không còn. 

Những tác phẩm thơ văn cũng như công trình sử học nói trên của ông đến nay chỉ còn được nhắc lại ít nhiều, cũng cho chúng ta thấy dược tài hoa cũng như đức độ của Hồ Tông Thốc, người mở đầu cho nền văn học nổi tiếng của đất Hồng Lam sau này. 

Không những thế, ông còn để lại cho họ Hồ và đất Quỳnh Lưu, một thế gia khoa bảng và văn học nổi tiếng trong nước. Ông mất vào tuổi thọ 80 ở quê ông là làng Tiên Sinh, Quỳnh Lưu. 

Theo thế phả họ này cũng như gia phả họ Hồ tại Nghi Xuân thì lăng mộ ông cũng như bà vợ ông là bà Thị Ấn không rõ ở chỗ nào, chỉ biết nhà thờ ông ngày trước ở tại Tiên Sinh. Sau khi Hồ Quý Ly tiếm quyền nhà Trần ông trở vồ sống lại đất Tiên Sinh và mất ở đó. 

Trong dân gian vùng Đông Thành từ xa xưa đã truyền tụng câu ca: "Một nhà ba Trạng nguyên ngồi/ Một gương từ mẫu cho đời soi chung.

Và câu đối nôm: "Sớm khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa/ Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà".

Khoai ở đây là khoai Cuồi, giống như khoai sọ, là lương thực chính của người dân Kẻ Cuồi khi mà các giống lúa về sau mới được đưa đến trồng ở đây.

Ngày nay trên đất xã Thọ Thành huyện Yên Thành có một ngôi trường Trung học cơ sở mang tên Hồ Tông Thốc và ở thành phố Vinh cũng có con đường dài hơn 2km mang tên ông. 

Ngoài ra nhà thờ đại tôn ở làng Tam Thọ cũng đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Hàng năm vào dịp mồng 9 tháng Giêng âm lịch con cháu họ Hồ từ các nơi và khách thập phương kéo về Tam Thọ dự lễ tế Tổ, tưởng nhở Trạng nguyên Hồ Tông Thốc và tôn vinh một dòng họ hiếu học và học giỏi đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng nền văn hiến của quê hương và đất nước.

Đọc thêm