Giai thoại về tu sĩ cảm hóa được dã thú, dâng thuốc cứu vua

(PLO) -Chùa Linh Phong, người dân địa phương thường gọi là chùa Ông Núi, tọa lạc ở đồi núi Bà (thôn Phương Phi, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) trên độ cao gần 100m so với mặt nước biển. Dân gian truyền rằng, người lập ra ngôi chùa này là một tu sĩ bí ẩn, lột vỏ cây làm y phục, hóa cảm được chim muông dã thú, dù đã chết nhưng ông vẫn hiển linh cứu giúp dân làng, vua chúa. 
Mộ ông Núi.
Mộ ông Núi.

Vào ngày 24 và 25 tháng Giêng âm lịch hàng năm, chùa Ông Núi có lễ hội lớn, hàng ngàn du khách đến đây để cúng lễ, cầu tài lộc và cùng nhau trẩy hội. Đây chính là ngày giỗ của Ông Núi.

Những câu chuyện ly kỳ

Những dấu tích về ông Núi ngày nay chỉ còn lại ngôi mộ tháp và hang Tổ ở sau chùa Linh Phong. Hang Tổ nằm sát mép suối, đá tự nhiên che kín cả 3 mặt như một ngôi nhà. Tương truyền rằng đây chính là hang đá mà ngày xưa ông Núi từng ở, ngồi niệm kinh tụng Phật. Phật tử đã tạo dựng tượng ông Núi và các vị Phật để thờ tại chùa.

Tương truyền, từ xa xưa Tổ Giám Huyền cùng đệ tử là Ngài Tánh Ban theo thương thuyền từ Bắc vào Nam, đến bờ biển Phương Phi thì có sóng to gió lớn nên neo thuyền vào bờ. Tại đây, hai thầy trò nhàn du khắp miền, nhân thấy quang cảnh, địa thế rất thuận duyên cho việc ẩn tu thiền định nên đã chia tay với chủ thương thuyền để ở lại nơi này.

Tổ Giám Huyền đã chọn ngọn núi Bà do hàng ngàn tản đá lớn nhỏ chất chồng lên nhau mà tạo thành làm nơi dừng chân. Dãy núi đá này có nhiều kỳ nham cổ thụ, thạch cốc, hang động kỳ bí hoang vu. Trên khu rừng núi hoang sơ, không dấu chân người này, có nhiều thú rừng như voi, cọp, beo, nai, vượn, trăn, rắn... đang sinh sống. 

Gần đỉnh núi có một hang rộng, dòng nước như thác từ trên cao đổ xuống bất tận. Nhưng có sự huyền diệu nào đó, dòng nước lại lộ diện trước một hang đá khác rộng khoảng 18 mét vuông nên hai thầy trò chọn làm nơi để trú ngụ.

10 năm sau, Tổ Giám Huyền vâng sắc chỉ triều đình về tái thiết chùa Quang Hoa (thôn Luật Bình, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Còn lại ngài Tánh Ban, một mình xây một am nhỏ có tên Dũng Tuyền tự và ẩn tu thiền định ở đây. 

Hang Tổ ở chùa Ông Núi.
Hang Tổ ở chùa Ông Núi.

Tương truyền rằng, ngài ẩn tu lâu năm trên dãy núi cao nhiều thú rừng nên không liên hệ với dân cư ở vùng ruộng đồng và miệt biển, người dân cũng không có ai dám lên núi. Ngài lột vỏ cây làm y phục, rồi đúng giờ Ngọ dùng một bữa ăn, toàn là hoa quả rau củ do vượn, voi dâng cúng. Ngài sống chung với thú rừng, từ đó người dân gọi Ngài là ông Núi. 

Lúc cần gạo, ông đem bó củi đặt ở chân dốc, nhân dân quanh vùng thấy biết nên đem gạo treo ở một cành cây gần đó. Về đêm, ông xuống dốc nhận gạo về hang. Có truyền thuyết, thỉnh thoảng vượn, gấu, beo thấy gạo biết là của ông đã cõng gạo về hang cho ông. Trong sách Địa Dư Bình Định, cụ Bùi Văn Lăng có ghi nhận: “Ông Núi hái củi đổi gạo, tu hành đắc đạo!”.

Dâng thuốc cứu vua

Người dân còn kể lại cho các đời con cháu sau này nghe rằng, ông Núi còn có hai con cọp trắng ngày đêm ở bên hang, luôn giúp ông nhiều việc như hai thị giả trung thành, chí hiếu. Đúng như sách “Cổ ngữ” có truyền “Đạo cao long hổ phục, đức trọng quỷ thần kinh”. 

Đến năm 1732, chúa Nguyễn Phúc Chu khen ông là bậc chân tu, sai trùng tu Dũng Tuyền tự và đặt tên chùa là Linh Phong, ban cho ông pháp hiệu Tịnh Giác Thiện Trì đại lão thiền sư. Năm 1741, chúa Nguyễn Phúc Khoát triệu ông vào kinh để hỏi về giáo lý đạo Phật. Ông ở kinh gần một tháng thì về và được chúa ban một bộ áo cà sa có vòng ngọc móc vàng làm pháp phục. Ông mất năm 1785 dưới thời Tây Sơn. 

Ông Núi mất được một thời gian thì hai con cọp trắng của ông nằm trước hang cũng chết. Hai bộ xương đã được dân chúng tôn giữ, thờ phụng trong chùa như pháp bảo, thế nhưng đã bị mất trong những năm1800. Tuy ông Núi đã mất nhưng dân trong vùng Phương Phi vẫn thường được gặp ông. Khi trong gia đình ai có người thân bị đau nặng thập tử nhất sinh, hay có bị dịch bệnh thì ông Núi thường đến vào ban đêm, đem theo thuốc trị bệnh, rồi biến mất vào bóng đêm.

Năm 1826, niên hiệu Minh Mạng thứ 7, nhà vua lâm trọng bệnh, các ngự y đều thúc thủ. Đang đêm nhà vua nằm mộng thấy một nhà sư mặc đồ bằng vỏ cây, ung dung, tự tại bước thẳng đến long sàn, dâng một bát thuốc, cầm quạt phất ba cái, rồi thong dong ra đi. Vua Minh Mạng liền tỉnh giấc mộng, thấy trong người an vui, như không có bệnh gì. 

Hôm sau, đến buổi thiết triều, nhà vua đem câu chuyện nằm mộng kể cho đình thần nghe. Sau đó, có vị quan tâu rằng vị sư đó là ông Núi ở chùa Linh Phong. Vua Minh Mạng ban cho chùa này một chiếc áo cà sa mới để thờ, đồng thời cấp 120 lượng bạc để trùng tu lại chùa. 

Hàng ngàn du khách đến chùa Ông Núi vào ngày 24 tháng Giêng âm lịch.
Hàng ngàn du khách đến chùa Ông Núi vào ngày 24 tháng Giêng âm lịch.

Cũng theo truyền thuyết của địa phương, thuở xưa ở vùng Phương Phi, có kẻ cõi âm lẫn lộn trong dân chúng. Mỗi khi đi chợ, hễ mua vật dụng hoặc bán đồ nhầm cho họ, nhất là các cô gái mặt trắng, duyên dáng thì khi nhận tiền xong, người đó biến mất. 

Ông Núi biết được, dạy cho dân chúng cách thử tiền, để tránh được nạn này. Khu chợ ở Phương Phi ngày nay, vẫn còn có tên chợ Cách Thử là một bằng chứng. Vì thế dân gian có câu ca: “Ai về Bình Định - Phương Phi/ Nhớ ơn Ông Núi quên đi sao đành?/ Dạy dân Cách Thử đành rành/ Cứu dân tật bệnh, chiến tranh, thiên thời/ Gương Người khổ hạnh còn tươi/ Đạo cao, đức trọng sáng ngời núi sông!”.

Thắng cảnh nổi tiếng

Những câu chuyện về ông Núi và chùa Linh Phong cũng được ghi chép trong các tư liệu như: “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, bài “Linh Phong tự ký” của Đào Tấn (1845 - 1907), “Mộc Y tử thuyết” của Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925). Những tư liệu này đều khẳng định chùa Linh Phong là danh thắng nổi tiếng. 

Sách “Đại Nam nhất thống chí” miêu tả: “Chùa Linh Phong lưng dựa non cao, mặt trông ra đầm Hải Hạc (nay gọi là đầm Thị Nại). Gần chùa có suối trong lượn quanh, vị nước vừa ngọt vừa mát lạnh, cỏ hoa xinh đẹp, cảnh trí u nhã kỳ bí, cũng là cảnh đẹp đáng xem của một phương vậy”. 

Sách “Đại Nam dư địa chí ước biên” của Cao Xuân Dục (triều Nguyễn) chép: “Mây lành khắp chốn, chùa Linh Phong bao bọc hoa tươi” và có câu đối bằng chữ Hán, dịch ra như sau: “Bờ biển dấy duyên lành, mưa móc khắp trời nhuần đẹp đất/Linh Phong ngưng khí tốt, mây lành mọi chốn phủ nhân gian”.

Theo ông Võ Hợi (69 tuổi, ở thôn Phương Phi), người được giao việc trông coi hang Tổ, năm 1965, chùa Linh Phong bị thiêu rụi hoàn toàn do chiến tranh. Đến năm 1994, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định cử hòa thượng Huệ Quang làm trụ trì chùa Linh Phong và công việc tái thiết chùa diễn ra liên tục đến năm 2004 mới hoàn thành như ngày nay. 

“Khi chúng tôi đến chùa Linh Phong lần đầu tiên chỉ thấy toàn cỏ dại, những đồ vật của chùa ngày xưa không cháy cũng bị kẻ gian lấy cắp. Phật tử phải phát dọn rất nhiều thời gian mới có được con đường lên chùa, nền chùa và dấu vết 18 mộ tháp của các trụ trì đời trước mới lộ ra”, hòa thượng Huệ Quang cho biết.

Ngày 24 tháng Giêng âm lịch du khách đến đây lấy nước trong chùa rửa mặt cầu may.
Ngày 24 tháng Giêng âm lịch du khách đến đây lấy nước trong chùa rửa mặt cầu may.

Được biết, ông Núi rất hiển linh nên ngày nào cũng có người đến dâng hương, cầu xin sức khỏe, tài lộc, học hành... Hàng năm, vào ngày 24 và 25 tháng Giêng âm lịch, tức ngày giỗ của Ông Núi, chùa Linh Phong có lễ hội lớn, hàng ngàn du khách đến đây để cúng lễ, cầu tài lộc và cùng nhau trẩy hội. Nhiều người còn dùng nước trong chùa rửa mặt cầu may. 

Ngày nay, di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Linh Phong là điểm viếng Phật, ngắm cảnh của rất nhiều người dân tỉnh Bình Định và du khách. Từ chân núi Bà, phải đi bộ qua hàng trăm bậc đá mới đến được chùa. Từ chùa Linh Phong, có thể nhìn dãy núi Bà hùng vĩ, cảnh làng quê thanh bình dưới chân núi.

Đọc thêm