Giai thoại về vị Tăng Thống đầu tiên của Phật giáo Việt Nam

(PLO) - Việt Nam là một trong những nơi Phật giáo phát triển thịnh hành. Trong lịch sử phát triển dân tộc, không ít thiền sư góp công lớn trong việc xây dựng và phát triển đất nước. PLVN giới thiệu đến bạn đọc giai thoại về những vị thiền sư nổi tiếng.
Thiền sư Khuông Việt
Thiền sư Khuông Việt

Ở triều Đinh, Tiền Lê thiền sư Khuông Việt nổi tiếng là vị thiền sư tinh thông Phật giáo. Ông là một người yêu nước, nhà văn hóa tài năng đóng vai trò phát triển Phật giáo và ổn định đất nước. 

Dòng dõi đế Vương

Thời Bắc thuộc, có hai thiền sư người nước ngoài đến nước ta theo truyền giáo, lập ra tông phái, dòng Thiền. Đó là Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi người Nam Ấn vào nước ta năm 580 ở chùa Pháp Vân. Thứ hai là thiền sư Vô Ngôn Thông, người Trung Quốc đến nước ta năm 820 ở chùa Kiến Sơ. Thiền sư Khuông Việt tiếp nối dòng thiền Vô Ngôn Thông ở thế hệ thứ tư.

Thiền sư Khuông Việt (933- 1011), tên thật Ngô Chân Lưu, người Hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tên thật của thiền sư là Ngô Xương Tỷ, con cháu dòng dõi đế vương. Ông là con cả của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập và là anh trai của sứ quân Ngô Xương Xí, tức là cháu đích tôn của Tiền Ngô vương Ngô Quyền, vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam.

Sử sách chép lại, Ngô Xương Tỷ “dáng mạo khôi ngô tuấn tú, tính tình phóng khoáng, có chí khí cao xa”. Ông theo học chữ Nho, lớn lên quy y Phật, thành môn đệ thế hệ thứ tư dòng thiền Quan Bích “đọc rộng kinh điển Phật giáo, hiểu sâu yếu chí Thiền học”. 

Chuyện kể rằng, một lần, Ngô Chân Lưu đi chơi núi Vệ Linh, ở quận Bình Lỗ, nay thuộc huyện Kim Anh thấy phong cảnh nơi đây thanh bình, tĩnh lặng thích hợp cho việc tu hành nên nảy ra ý định lập am để ở.

Ngay đêm hôm đó, Ngô Chân Lưu nằm mộng thấy một vị thần, mình mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải đỡ bảo tháp, hơn mười người theo hầu, tướng mạo rất dễ sợ, bước đến gần nói rằng: “Ta là Tỳ Sa Môn thiên vương, những người theo ta là dạ xoa.

Thiên đế có chỉ lệnh sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với ngươi, nên đến đây báo cho ngươi biết”. Ngô Chân Lưu giật mình tỉnh dậy, nghe trong núi có tiếng huyên náo lòng rất lấy làm lạ. 

Sáng hôm sau, Ngô Chân Lưu vào núi, thấy một cây to, cao khoảng mười trượng, cành lá sum suê, bên trên lại có mây xanh bao phủ trong lòng mừng thầm mới sai thợ đến chặt, đem về, khắc tượng như đã thấy trong mộng rồi lập am để thờ.

Vị Tăng thống đầu tiên

Sách Thiền uyển tập anh chép: “Năm bốn mươi tuổi, danh tiếng sư (Ngô Chân Lưu) vang đến triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng vời về kinh đô (Hoa Lư) hỏi chuyện. Sư đối đáp hợp ý, được vua phong chức Tăng thống”.

Cho mãi tới các triều đại Trần, Lê về sau, chức này vẫn còn được sử dụng. Sử sách ngày nay không ghi rõ nhiệm vụ của người giữ chức vụ này, song có thể hiểu nó như một chức vị đứng đầu và quản lý tăng nhân trong cả nước, tương đương với chức vị Quốc sư trong các cách hiểu sau này. 

Hai năm sau đó, năm Thái Bình thứ 2 tức năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong cho thiền sư Ngô Chân Lưu pháp hiệu là Khuông Việt thiền sư với ý nghĩa là người tu sửa, chấn hưng Phật giáo nước Việt. Cái tên Khuông Việt của thiền sư Ngô Chân Lưu cũng bắt nguồn từ thời điểm đó.

Tại sao Đinh Tiên Hoàng rồi cả Lê Đại Hành lại lựa chọn trong khi Ngô Chân Lưu là hậu duệ của nhà Ngô? Bởi Ngô Chân Lưu đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích dòng họ. Ông là một vị cao tăng đắc đạo. Ngô Chân Lưu cũng “thông Nho” nhưng không bị tư tưởng “trung quân” của Nho giáo đè nặng. Phò tá bất cứ ông vua nào. Miễn là vị vua ấy là minh quân, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Thời Đinh Tiên Hoàng, thiền sư Khuông Việt đóng góp cho dân tộc nhất là lĩnh vực văn hóa (qua tràng kinh phát hiện tại Hoa Lư vào năm 1963, 1987). Qua Thiền uyển tập anh ngữ lục và Đại Việt sử ký toàn thư ta biết đến tác phẩm nổi tiếng của Thiền sư Khuông Việt là bài Ngọc lang quy. Đây là bài từ viết bằng chữ Hán cổ nhất trong nền Văn học Việt Nam được biết đến hiện nay.

Trong nhiều năm sau, những cuộc thăm giữa Đại Cồ Việt và Tống diễn ra thường xuyên. Lê Đại Hành biết tài văn chương thi phú của Khuông Việt, đã nhờ Thiền sư giả mặc thường phục, đóng vai người chèo đò, nghênh tiếp tại chùa Khúc Giang, để có cơ hội đối đáp văn chương với sứ thần, nhằm dụng ý cho sứ thần biết người Việt Nam giỏi thi phú. 

Ngọc lang quy ra đời từ đó. Đây là một loại từ khúc lưu hành khá phổ biến thời bấy giờ, có thể dùng như lời của một bản nhạc để hát với việc sử dụng các nhạc khí để tấu kèm theo. Đây có thể nói là lần đầu tiên văn chương nghệ thuật đã công khai đưa vào phục vụ sự nghiệp chính trị ngoại giao.

Về cuối triều Lê, Ngô Chân Lưu già yếu xin từ quan về núi Du Hý, lập chùa trụ trì, người học tìm tới rất đông. Ngày 15/2 năm Thuận Thiên thứ 2 (1011) tức ngày 22/3/1011 dương lịch, ông viên tịch, thọ 78 tuổi. 

Đọc thêm