Giám đốc lộng quyền, điều hành trái pháp luật..

Nhiều quyết định của giám đốc Công ty cổ phần Thương mại & dịch vụ Hà Tĩnh  vi phạm pháp luật khiến cổ đông hết sức bức xúc.

Làm ăn lỗ, báo cáo lãi..

Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hà Tĩnh (Công ty Hà Tĩnh), tiền thân một doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2006, Công ty được cổ phần hóa, trở thành doanh nghiệp cổ phần đa phần những cán bộ cũ của doanh nghiệp nhà nước trở thành chủ sở hữu.

Những năm sau cổ phần hóa, Công ty gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn. Trước khó văn về vốn của Công ty, một doanh nghiệp Hà Nội là Công ty CP công nghiệp Đông Hưng đã “bơm” vốn cho Công ty Hà Tĩnh giúp Công ty vượt qua khó khăn. Sa đó, Công ty Đông Hưng đã trở thành cổ đông lớn nhất, chiếm 55% vốn điều lệ của Công ty Hà Tĩnh. Tuy là chủ sở hữu hơn nửa Công ty Hà Tĩnh nhưng Công ty Đông Hưng vẫn dành quyền điều hành Công ty cho ông Nguyễn Văn Thiêm, người được bổ nhiệm cương vị Giám đốc từ năm 2000.

Tuy nhiên, trong thời gian năm quyền điều hành Công ty Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Thiêm đã ra nhiều quyết định trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của các cổ đông. Với số tiền hàng chục tỷ đồng mà Công ty Đông Hưng cho Công ty Hà Tĩnh vay, những khó khăn về tài chính cơ bản được khắc phục. Thế nhưng, việc kinh doanh không đạt được kết quả như mong muốn của các cổ đông. Theo báo cáo của Công ty, năm 2008, 2009 đều có lãi tiền tỷ. Song, kết quả kiểm toán lại cho thấy, đó là con số lãi “ảo”. Thực chất, trong các năm đó, Công ty thu lỗ và có nhiều sai phạm trong quản lý tài chính.

Theo báo cáo của Công ty, năm 2008, lợi nhuận trước thuế là 1 tỷ 997 triệu đồng, năm 2009 là 1 tỷ 661 triệu đồng. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán thì có hơn 2,3 tỷ đồng, gồm chi phí khấu hao tài sản cố định, sửa chữa tài sản… không được công ty báo cáo. Việc trích nộp các khoản chi phí này sẽ khiến cho lợi nhuận của Công ty là con số âm.

Giám đốc phớt lờ pháp luật và Điều lệ Công ty

Trong khi tình hình tài chính của Công ty không sáng sủa gì, vẫn phải “sống nhờ” nguồn vốn vay của cổ đông Công ty Đông Hưng thì Giám đốc Nguyễn Văn Thiêm lại điều hành Công ty bằng những việc làm trái pháp luật.

Đầu tiên là việc góp vốn 18 tỷ đồng với Công ty cổ phần AE Toàn Tích Thiện để thành lập một doanh nghiệp mới là Công ty TNHH Hưng Phú, do chính ông Nguyễn Văn Thiêm làm giám đốc. Việc vừa làm giám đốc Công ty Hà Tĩnh, vừa làm giám đốc Công ty Hưng Phú của ông Nguyễn Văn Thiêm đã là vi phạm nghiêm trọng Luật doanh nghiệp. Hơn nữa, tự ý đem 18 tỷ đồng, bằng nửa tài sản của Công ty Hà Tĩnh (thời điểm góp vốn) để góp vốn thành lập doanh nghiệp khác mà không xin ý kiến của HĐQT, ông Nguyễn Văn Thiêm đã “làm thay” cả HĐQT mà không cần xin ý kiến, cũng chẳng quan tâm đến quy định của Điều lệ Công ty.

Đại hội cổ đông của một doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Không những thế, ông Nguyễn Văn Thiêm còn liên tiếp thành lập thêm 2 Công ty con trực thuộc Côn ty Hà Tĩnh là Công ty TNHH tư vấn thiết kế, xây dựng giao thông số 4 và Công ty TNHH MTV xây dựng thương mại số 5, mà không thèm ngó ngàng đến các quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty. Theo Điều lệ Công ty Hà Tĩnh, việc thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện hay góp vốn, mua cổ phần thuộc thẩm quyền quyết định của HĐQT.

Với những việc làm tự tung, tự tác, vượt mặt cả HĐQT, ông Nguyễn Văn Thiêm đã coi doanh nghiệp của hàng chục cổ đông như doanh nghiệp tư nhân do ông làm chủ. Những việc làm trái pháp luật của ông Nguyễn Văn Thiêm đã xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của các cổ đông. Bất bình trước sự lộng quyền này, nhóm cổ đông lớn của Công ty Hà Tĩnh đã quyết định triệu tập Đại hội cổ đông bất thường để thực hiện việc cải tổ Công ty để tránh cho Công ty khỏi sụp đổ vì giám đốc quá coi thường pháp luật.

                                                                                      Bình Minh

Sau khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, có quá nhiều doanh nghiệp cổ phần đã gặp “vấn đề”, đặc biệt là việc quản lý yếu kém và có khuynh hướng lạm quyền của các giám đốc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty LHD Hồng Bách và Cộng sự để làm rõ hơn tình trạng này.

Thưa Luật sư, việc các cổ đông triệu tập Đại hội cổ đông bất thường để giải quyết những tồn tại của Công ty như trên có cần thiết không?

Đây là việc làm rất cần thiết và quan trọng, liên quan đến sự phát triển của Công ty cũng như đời sống của người lao động. Nếu cứ để việc điều hành trái pháp luật như trên diễn ra thì hậu quả tất yếu là các cổ đông phải gánh chịu.

Để phát triển công ty một cách bền vững, không có cách nào khác là thực hiện đúng pháp luật. Vì thế, tôi cho rằng phải thay đổi cách quản lý và người điều hành công ty. 

LS Nguyễn Hồng Bách

Những quyết định trái pháp luật của giám đốc có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của Công ty Hà Tĩnh, thưa ông?

Quyết định góp vốn đầu tư không đúng thẩm quyền, thành lập công ty con không có kế hoạch, đầu tư ràn trải vốn trong khi đang thiếu vốn thì trước sau cũng đẩy công ty vào khủng hoảng. Doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Vinashin còn gặp khủng hoảng, nói gì một doanh nghiệp nhỏ như Công ty Hà Tĩnh.

Hậu quả của những quyết định trái pháp luật có thể chưa phát sinh ngay tại thời điểm này nhưng trong tương lai gần, Công ty sẽ phải đối mặt và giải quyết những hậu quả mà họ không thể lường hết được.

Theo ông, sự “thay máu” để  phát triển của một doanh nghiệp có vai trò gì đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung?

Mỗi một doanh nghiệp là một bộ phận hợp thành của nền kinh tế và xã hội. Doanh nghiệp thành hay bại liên quan đến nhiều vấn đề xã hội khác như việc làm của hàng trăm công nhân và đời sống của hàng trăm gia đình. Vì thế, nếu điều hành công ty một cách tùy tiện, trái pháp luật có thể làm cho cuộc sống của hàng trăm người gặp khó khăn. Nhiều công ty không ổn định có thể làm cho nền kinh tế chậm phát triển so với tiềm năng.

                                                                   Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm