Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng cam kết hỗ trợ phụ nữ khó khăn

(PLO) - Trong 2 ngày 5 và 6 tháng 5 năm 2016, đồng chí Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng - ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV đã tiếp xúc với bà con cử tri tại các quận Hải Châu, Thanh Khê và Cẩm Lệ thuộc đơn vị bầu cử số 1 thành phố Đà Nẵng. 
Đ/c Võ Thị Như Hoa – Giám đốc Sở Tư pháp trình bày Chương trình hành động tại Hội nghị tiếp xúc cử tri

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Như Hoa đã trình bày Chương trình hành động trước bà con cử tri và khẳng định hơn 20 năm công tác tại Sở Tư pháp và được đào tạo Thạc sỹ Luật, với trọng trách được giao hiện nay là Giám đốc Sở Tư pháp, đã có cơ hội và điều kiện tham gia nghiên cứu và xây dựng, thẩm định nhiều VBQPPL của thành phố Đà Nẵng cũng như của Trung ương.

Với nền tảng kiến thức được đào tạo và trải qua thực tiễn trong công tác chuyên môn, như vậy sẽ có nhiều kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội, đóng góp vào việc thực hiện tốt các chức năng quan trọng của Quốc hội.

Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khoá XIV, đồng chí cam kết sẽ thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của cử tri để kịp thời phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương, của thành phố. Đối với những công việc thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Tư pháp, sẽ chủ động giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, tích cực là cầu nối giữa địa phương với Quốc hội.

Ngoài việc đóng góp những vấn đề chung trong xây dựng pháp luật, nghiên cứu kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành các chính sách, các giải pháp ở một số lĩnh vực còn thiếu cũng như ban hành chính sách về cơ chế đặc thù đối với thành phố Đà Nẵng, cụ thể như:

Thứ nhất, Đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân vùng biển đóng mới, hiện đại hóa đội tàu công suất lớn, đủ mạnh để khai thác hải sản xa bờ, giải quyết việc làm cho ngư dân, phát triển kinh tế biển đồng thời gắn với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Chính sách khuyến khích hoạt động khởi nghiệp cho đối tượng sinh viên, tạo việc làm cho đối tượng là thanh niên. Các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, các hộ nghèo, hộ có đất giải tỏa, phụ nữ không có việc làm.

Thứ hai, Tập trung giám sát việc thi hành pháp luật đất đai, công tác bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.    

Thứ ba, Quan tâm đến sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ, đến các chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện để phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, có công ăn việc làm ổn định. Lồng ghép bình đẳng giới trong từng chính sách, từng quy định để bảo đảm quyền lợi của phụ nữ. Đề xuất với Quốc hội, thành phố các giải pháp nhằm hỗ trợ phụ nữ có vốn để sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập.

Đặc biệt, tích cực tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nông dân, phụ nữ nghèo, phụ nữ có điều kiện hoàn cảnh khó khăn để sử dụng pháp luật như là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình…

Đọc thêm