Giãn dân phố cổ, còn đâu cốt cách Tràng An?

(PLO) - Trước chủ trương giãn dân, ngoài nỗi lo cơm áo, gạo tiền của các “di dân” còn có nỗi canh cánh lo mất “hồn” phố cổ. Chính bản thân những người dân phố và kỹ năng mua bán, dịch vụ của họ cũng là một bộ phận tạo nên bản sắc văn hóa cho “Hà Nội 36 phố phường”. 
Rất khó lý giải sự quyến rũ của phố cổ đối với du khách trong và ngoài nước.
Người xưa có câu “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, nét thanh lịch đó đặc biệt tập trung ở “36 phố phường”. Phố cổ có sức hút đặc biệt không chỉ bởi kiến trúc mà còn ở sự kết tinh những nét sinh hoạt, chỉ riêng nơi này mới có. Thể hiện cụ thể qua những con phố buôn bán đã thành thương hiệu, những gánh hàng rong lúc lỉu và cả những quán cóc bé xíu ở vỉa hè hay cuối hẻm. 
“Sự hỗn loạn” đáng yêu
Giới truyền thông hay các tạp chí du lịch trong và ngoài nước đã nói rất nhiều về văn hóa phố cổ, trong đó bao gồm cả văn hóa ẩm thực. Trong các cuộc triển lãm ảnh, trên các tạp chí du lịch giới thiệu về Hà Nội đều không thể thiếu hình ảnh của những gánh hàng rong với những người phụ nữ đội nón lá bước đi rất dẻo cùng đôi quang gánh đựng đầy hàng hoa, hàng quà.
Trong bảng xếp hạng 110 điểm đến có giá trị lịch sử trên thế giới của Tạp chí National Geographic (Mỹ), có cả phố cổ Hà Nội. 
Phố cổ không chỉ là kiến trúc, chính người dân và những dịch vụ buôn bán của họ cũng là một phần tạo nên “Hà Nội 36 phố phường”. 
Du khách quốc tế đến phố cổ Hà Nội để thưởng thức những nét riêng chỉ nơi này mới có, bao gồm cả không gian sống và mưu sinh chật chội, chia nhau từ vài chục centimet đặt vừa chiếc ghế con, chiếc làn hay phích nước. Họ cũng thích thú những món ăn đường phố và bia hơi vỉa hè ở đây. Cái thú vị là dù cùng là bia hơi vỉa hè, dù mặt bằng cùng nhỏ nhưng mỗi quán lại có một hương vị khác nhau, đủ khiến du khách muốn “lê la” khắp các quán và thưởng thức hết những sự khác biệt đó. 
Ngay cả giao thông phố cổ, nhất là những khu phố du lịch, nhiều khi chen chúc chật hẹp đến hỗn loạn cũng được đánh giá là một nét đáng yêu trong con mắt du khách. Nhiều người còn mê cảm giác ngồi trên xe xích lô “lạng lách” giữa những dòng người và xe chen chúc trong các con phố sầm uất, xem đó là một cái thú không thể bỏ qua.
Nét riêng ẩm thực phố cổ 
Rất khó lý giải sức quyến rũ của phố cổ Hà Nội, và cả sự đặc biệt khi những thương hiệu cá nhân cũng được đồng hóa trở thành “tài sản” chung mà bất cứ người dân phố nào khi nhắc đến cũng thấy tự hào. 
Ví dụ, số 6 Hàng Chai, 25 năm nay là địa điểm yêu thích của người mê bún ốc. Rất nhiều khách hàng chục năm quen với bún ốc cô Thêm từ khi một bát bún giá chỉ 2 nghìn đồng, cho đến nay là 30 nghìn đồng. Quán chỉ bán từ khoảng 7h sáng đến 12h trưa, nhiều khi đông khách phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ.
Quán bún riêu cạnh đền Tiên Hạ nằm sâu trong ngõ Phất Lộc, nổi tiếng vừa rẻ vừa ngon. Bác Thành chủ quán ngoài 60 tuổi, tự nhận mình trí nhớ không tốt, quên trước quên sau nhưng chỉ có công thức làm ra thứ nước riêu thơm ngon là không bao giờ nhầm được. Nước dùng không sử dụng các phụ gia công nghiệp như mì chính hay các chất tạo ngọt nên vị bún riêu cua ở đây mộc nhưng lại ngọt một cách tự nhiên. Mỗi ngày gánh bún riêu của bác Thành chỉ bán trong 5 tiếng, từ 5h và tới 10h trưa mà bán hết 50kg bún. Giá bún riêu thập cẩm 20 nghìn đồng/bát, còn bún riêu thường thì cực rẻ, 7000 đồng/bát.
Đầu ngõ giao với phố Lương Ngọc Quyến có hàng bún chả của cô Thúy, 30 năm nay trưa nào cũng tấp nập khách. Quán không đủ chỗ nên có khi khách phải ngồi ké ở quán cà phê bên cạnh. Mỗi ngày quán cũng chỉ bán trong hai tiếng, từ 11h đến 13h, hết 30kg bún. Thời gian còn lại, mặt bằng nơi này “chia sẻ” cho quán trà đá và cắt tóc.
Khoảng 17h đến 19h, đoạn đầu phố Hàng Trống (góc giao với Hàng Gai) lại tấp nập nhờ hàng phở gánh. Không có bàn ghế, mỗi khách chỉ có một chiếc ghế nhựa nhỏ để ngồi, tự tay bê bát, chẳng cần đặt vào đâu cho thêm chật chội. Ăn phở gánh không cần ngại, một tay bê bát phở, một tay cầm đũa nên thìa trở thành thứ vô dụng, cả khách Tây lẫn khách ta khi cần nếm nước dùng thường ghé cả bát mà… húp. 
Còn những người thích phở gà có lẽ đều biết tới hàng phở gà vỉa hè nằm ở đầu phố Hàng Vôi, từ 7h sáng đến 2h chiều lúc nào cũng đông nghẹt người. Chủ quán rất có tài nhớ khách, khách đông, yêu cầu mỗi người mỗi khác nhưng không mấy khi nhầm lẫn, phục vụ khách đúng theo thứ tự trước, sau. 
Chưa biết ai ở, ai đi theo chủ trương giãn dân, nhưng người nơi này và cả du khách đã thấy tiếc nuối nếu một ngày không còn những địa chỉ ẩm thực đã ăn sâu trong thói quen nhiều thế hệ như vậy.
Nhịp sống cũng là một “đặc sản”
Lang thang trong phố cổ gần như đâu đâu cũng có thể gặp những quán cà phê, quán cóc vỉa hè như bước ra từ cả trăm năm trước. Có những con phố cà phê từ thời Pháp như phố Hàng Hành, Hàng Chuối… Người đến đây gần như lần nào cũng muốn trải nghiệm cảm giác ngồi vỉa hè nhâm nhi ly cà phê và ngắm nhìn người, xe qua lại. 
Cà phê pha với sữa đặc là một nét rất riêng của Hà Nội. Ngồi cà phê vỉa hè không chỉ là thưởng thức một thứ đồ uống mà còn là thưởng thức một nhịp sống, vừa có cái ồn ã, đôi khi cảm giác chật chội, xô bồ, nhưng vừa có cái duyên dáng, thong thả riêng.
Không gian sống và mưu sinh chật chội, người dân phố cổ chia nhau từ vài chục centimet đặt vừa chiếc ghế con, chiếc làn hay phích nước. 
Và gần như chiều nào cũng vậy, các con phố bán đồ ăn vặt, bia cỏ như Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến hay Đào Duy Từ luôn tấp nập, không còn chỗ trống. Khoảng 4h chiều tới đêm, đặt chân đến đây như lạc vào một rừng người, cả khách ta lẫn khách Tây tụ tập về sau một ngày mệt mỏi để tận hưởng những bữa nhậu sảng khoái với bia cỏ.
Rồi những con phố nghề vẫn còn lưu giữ nghề tổ tới bây giờ như phố Hàng Đồng, Hàng Vải hay phố Thuốc Bắc, chỉ cần đi ngang qua cũng có thể ngửi được mùi đặc trưng của nghề như mùi vải, mùi quần áo mới, mùi dược liệu… Ngoài ra còn những hàng nghề lạ chỉ nơi đây mới có như một cửa hàng ở Hàng Vải gần 30 năm chỉ chuyên bán điếu cày, cả con phố Mã Mây chỉ chuyên bán tour du lịch hay đặt vé máy bay. 
Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều giá trị vật thể và phi vật thể trong khu phố cổ Hà Nội đang mai một theo thời gian, và tiếp theo với việc giãn dân này, những giá trị văn hoá đó không biết còn lưu giữ được bao nhiêu? 
(Còn tiếp)

Đọc thêm