Gian nan “cõng” chữ lên đỉnh núi Ngù Háu

(PLO) - Khuất nẻo và nằm chênh vênh trên đỉnh núi mây phủ, điểm trường Tiểu học Hoành Mô I (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy dù đã được xây dựng kiên cố hóa với hai dãy lớp học, có phòng ở cho giáo viên.
Thầy Minh kiểm tra kiến thức cơ bản của học sinh
Thầy Minh kiểm tra kiến thức cơ bản của học sinh

Gian nan “cõng” chữ lên non

Từ trung tâm xã Hoành Mô, chúng tôi vượt qua một chặng đường dốc dựng đứng, quanh co, một bên là vực thẳm, một bên là núi, xung quanh là mây mù và cây cối bao phủ đến bản Ngù Háu hay còn gọi là Cao Sơn (nghĩa là núi cao), cao chừng 800m so với mực nước biển. Đường lên điểm trường tựa như một sợi chỉ nhỏ vắt ngang đỉnh núi. Có nhiều chỗ chúng tôi phải vượt qua những hòn đá tai mèo gập ghềnh, lởm chởm. Nhưng với các thầy cô giáo ở đây cũng đã quen nên với dáng người nhỏ nhắn, những bước chân của thầy Hoàng Văn Minh (giáo viên điểm trưởng Tiểu học Hoành Mô I) vẫn nhanh thoăn thoắt. 

Thầy Minh bộc bạch: “Hôm nay, tôi đưa các anh chị nhà báo lên với trường là đường dễ đi rồi đấy, nếu nhà báo đi vào ngày hôm qua thì không thể lê được bước chân đâu. Hôm qua mưa, đường đi toàn là đất đỏ, trơn trượt, nên chỉ cần sơ sẩy lã ngã rồi”. Theo thầy Minh, để đến với điểm trường, các thầy cô giáo đều phải gửi xe máy ngoài Loòng Vài, sau đó phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến bản Ngù Háu. Sợ nhất là những hôm mua lũ, bởi đường lên điểm trường hay bị ngập nước. Do vậy nên các thầy cô giáo lại phải đợi nước rút mới lên được. Cũng có nhiều hôm khi các thầy cô giáo lên đến điểm trường thì các em học sinh đã bỏ về rồi. 

Sau khi leo qua những đỉnh núi, vượt qua những con dốc, bản Ngù Háu hiện ra với những mái nhà tường đơn sơ, chênh vênh trên những quả đồi lẩn khuất trong tán lá rừng và những đám mây mù. Xa xa ngôi trường tiểu học hiện ra thật mờ ảo với  lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong thung lũng yên ắng, tĩnh mịch. Thầy Minh cũng chia sẻ: “Lần nào lên điểm trường chúng tôi cũng đều phải mang sách vở, túi, dép lê và áo mưa. Có nhiều hôm gặp mưa giữa đường khi lên đến điểm trường là ướt hết, mặc dù bị ướt nhưng mỗi khi đứng lớp là đều phải chỉn chu”. 

Để “gieo” chữ, các thầy cô giáo phải đi bộ trên những con đường ngoằn nghèo mới đến được lớp học
Để “gieo” chữ, các thầy cô giáo phải đi bộ trên những con đường ngoằn nghèo mới đến được lớp học

“Gieo” chữ nơi đỉnh mây mù

Cả thôn Cao Sơn có 28 hộ, trong đó có 25 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo với 14 học sinh là người Dao. Để “gieo” chữ trên đỉnh mây phủ quanh năm này, các thầy cô giáo cũng gặp không ít khó khăn, thử thách, nhất là việc tiếp xúc và vận động học sinh đến lớp. Nhiều gia đình ở nơi đây họ còn quan niệm lạc hậu, sự nghèo đói, khó khăn về vật chất khiến họ ít quan tâm đến việc học hành của con cái. Cuộc sống của đồng bào người Dao nơi đây còn khó khăn nên dù năm học mới đã bắt đầu nhưng nhiều gia đình vẫn chưa lo đủ sách vở cho con đi học. Thậm chí, vào mùa trồng trọt, nhiều học sinh vẫn phải nghỉ học theo cha, mẹ lên nương, lên rẫy.

Kể về những kỉ niệm trong nghề khi gắn bó hơn 4 năm tại điểm trường này, thầy Minh tâm sự: “Cả bản có 28 hộ nhưng lại phân bố rải rác ở 4 quả đồi nên dân cư thưa thớt. Người dân nơi đây sống an phận, ai cũng có suy nghĩ cho riêng mình. Chính vì vậy nên việc truyên truyền cho các em đến lớp là điều cực kỳ khó khăn nhưng những người thầy nơi đây đều mang nặng nỗi trăn trở với trọng trách “trồng người” và đặt niềm tin vào những con chữ của mình gieo xuống. Bởi những bài giảng sẽ đem đến cho các em ước mơ, hoài bão để các em bay cao, bay xa, khám phá những mảnh đất lạ”. Và có lẽ đó chính là động lực để các thầy cô giáo yêu quý bản làng vùng cao hơn. 

Theo lời thầy Minh, học sinh ở điểm trường rất ít tiếp xúc với bên ngoài nên rất sợ người lạ, ngại giao tiếp, chậm hiểu bài. Do đó, để truyền đạt được kiến thức cho các em, các thầy cô giáo nơi đây phải hiểu hai thứ tiếng (Dao – Kinh). Với nỗ lực, tấm lòng của các thầy cô giáo, đến nay điểm trường Tiểu học Hoành Mô I đã duy trì được 100% học sinh đến lớp. Trong ngày khai trường, các bậc phụ huynh học sinh đã chủ động đưa học sinh đến trường nhập học. Cùng với đó, nhiều hủ tục lạc hậu của người dân dần được xóa bỏ, thay vì cúng ma như trước kia bà con người dân tộc Dao đã biết đi đến bệnh viện để khám chữa bệnh. 

Thầy Hoàng Văn Minh vận động, tuyên truyền để người dân tạo điều kiện cho con em đến lớp
Thầy Hoàng Văn Minh vận động, tuyên truyền để người dân tạo điều kiện cho con em đến lớp

Trăn trở của người “gieo” chữ

Thầy Minh cho biết: “Dù nét chữ của các em còn kém xa so với học sinh ở vùng thấp, tính toán còn chậm, phát âm chưa chuẩn và không nhanh nhẹn nhưng cơ bản các em đã biết đọc, biết viết và mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Hiện giờ có nhiều em đã chủ động bắt chuyện với thầy giáo”. Theo thầy Minh, do là điểm trường đặc biệt nên các thầy cô giáo ở đây chỉ mong các cơ quan, ban ngành quan tâm hơn nữa đến các em. Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa cho các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt nghèo khó như điểm trường Hoành Mô I.

Thầy Hoàng Văn Trình -  giáo viên có hơn 20 năm “cắm bản” ở các điểm trường đặc biệt này cho biết: “Cách đây hơn hai chục năm trước, điểm trường này phải đặt tạm trên nền chuồng trâu của người dân. Bây giờ dù cơ sở vật chất đã khang trang hơn trước nhưng sóng điện thoại vẫn chập chờn. Ngoài chuyện sinh hoạt và giảng dạy, các thầy phải sắm sửa đồ dùng và đi chợ mua thức ăn tận ngoài trung tâm xã về dự trữ. Đường xa đi lại khó khăn nên đời sống của giáo viên cũng gặp không ít trở ngại. Nhiều hôm mưa bão là bản bị cô lập”.  Với những khó khăn này, nhưng từng ấy năm gắn bó với bản làng, từng con đường, ngõ xóm khiến các thầy cô “cắm bản” càng thấy yêu bản, yêu trường, yêu lớp, nhất là các em học sinh. 

Câu chuyện của người thầy giáo càng khiến cho chúng tôi cảm phục hơn. Có lẽ hành trình “cõng chữ lên non” còn nhiều vất vả, gian nan. Nhưng với nỗi niềm trăn trở giữ lửa nhiệt huyết, các thầy sẽ tạo được động lực để cho các con chữ của mình ngày càng bay cao. Hi vọng rằng, những trăn trở, những nỗi niềm, những cống hiến của các thầy sẽ giúp cho cuộc sống của những người dân nơi đây xua đi cái đói, cái nghèo nàn lạc hậu, góp phần đưa nền giáo dục đào tạo ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có một bước phát triển tốt hơn.

Đọc thêm